Trước thềm Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 18-01, Trung tâm Quan hệ Quốc tế (CSM), một trong những trung tâm nghiên cứu chiến lược hàng đầu của Ba Lan, đã có bài bình luận với tiêu đề “Việt Nam: Chủ nghĩa xã hội với gương mặt mới”.

Trong bài bình luận, tiến sỹ Malgorzata Bonikowska, Chủ tịch CSM, và nhà báo Rafal Tomanski thuộc nhật báo Rzeczpospolita (Cộng hòa) đã chia sẻ với bạn đọc Ba Lan cảm nhận của họ về sự phát triển kinh tế và con người Việt Nam hiện nay.

Nói về thành phố mang tên Hồ Chí Minh, tiến sỹ Malgorzata Bonikowska nhận định, sau bốn thập kỷ được giải phóng, Thành phố Hồ Chí Minh đã trở thành trung tâm kinh tế lớn với tốc độ phát triển nhanh chóng.

Với người dân Ba Lan, những hình dung về Việt Nam trước đây có thể gói gọn trong vở nhạc kịch nổi tiếng “Miss Saigon” (Cô gái Sài Gòn), khắc họa những tháng ngày chiến tranh bom đạn.

Song, Sài Gòn ngày nay là một thành phố trẻ trung, năng động, hạnh phúc và đang tận hưởng những năm tháng hòa bình. Tại đây, người ta có thể dễ dàng tìm thấy những cửa hiệu thời trang cao cấp hay các thương hiệu nổi tiếng hàng đầu thế giới.

Từ khi bắt đầu công cuộc Đổi mới, đời sống của người dân Việt Nam đã được nâng lên rõ rệt. Bài báo dẫn lời đương kim Đại sứ Mỹ Ted Osius tại Việt Nam cho rằng người dân Việt Nam có tư duy kinh doanh hàng đầu thế giới.

Trong khi đó, ấn tượng về Đà Nẵng đọng lại trong tâm trí nhà báo Rafal Tomanski là những bãi biển dài tuyệt đẹp và cầu Hàm Rồng hiện đại bắc qua dòng sông Hàn.

Những cuộc trình diễn pháo hoa quốc tế thường niên đã xóa nhòa ký ức về một thành phố từng là căn cứ quân sự và căn cứ không quân quy mô trên thế giới. Thành phố này cũng sẽ là nơi đăng cai Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) năm 2017.

Bài viết kết luận, bốn thập kỷ sau chiến tranh, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người của Việt Nam đã từ mức khoảng 100 USD tăng lên 2.000 USD.

Để tiếp tục duy trì sự phát triển và thịnh vượng, Chính phủ Việt Nam vẫn đang nỗ lực thúc đẩy phát triển kinh tế với những hy vọng mới sau khi ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và phấn đấu để được công nhận là “nền kinh tế thị trường”./.