Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 02 đến ngày 08-11-2015

Đức Toàn tổng hợp từ: chinhphu.vn; vietnam.net; baohaiquan.vn
15:43, ngày 09-11-2015
TCCSĐT - Triển khai phát triển Chính phủ điện tử, Bộ Nội vụ yêu cầu UBND Hà Nội và Hà Tĩnh giải quyết trường hợp các giáo viên bị chấm dứt hợp đồng lao động, Bộ Tài chính báo cáo về tiếp tục cải cách hành chính thuế, hải quan cũng như cam kết của ngành thuế, hải quan về việc tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính,… là những tin nổi bật tuần qua.

Triển khai phát triển Chính phủ điện tử

Sáng 04-11, đã diễn ra hội nghị triển khai Nghị quyết 36a/NQ-CP ngày 14-10-2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử.

Tại hội nghị, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà đã giới thiệu cụ thể về Nghị quyết 36a/NQ-CP, trong đó nhấn mạnh công nghệ thông tin đã góp phần không nhỏ vào công tác quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương. Phó Chủ nhiệm Lê Mạnh Hà đã đề cập đến các nhiệm vụ chủ yếu của Nghị quyết, trong đó có nhiệm vụ xây dựng hệ thống thông tin điện tử thông suốt, kết nối liên thông văn bản điện tử, dữ liệu điện tử Chính phủ đến cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; 100% dịch vụ công được cung cấp trực tuyến; xây dựng Cổng dịch vụ công quốc gia tại địa chỉ duy nhất trên internet.

Đánh giá cao Nghị quyết 36a/NQ-CP trong việc đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, kết nối các đơn vị hành chính sự nghiệp trong cả nước, các doanh nghiệp công nghệ thông tin tại hội nghị đã có những chia sẻ thẳng thắn về những khó khăn, vướng mắc và các tình huống cạnh tranh tự nhiên giữa các doanh nghiệp khi thực hiện các dự án; đề nghị làm rõ hơn các cơ chế tài chính về viễn thông công ích khi triển khai tại các vùng sâu, vùng xa…

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà ghi nhận và đánh giá cao ý kiến của đại diện các doanh nghiệp công nghệ thông tin, những đơn vị đóng vai trò quan trọng trong việc tạo lập môi trường điện tử cho hoạt động của chính quyền các cấp.

Công bố thủ tục hành chính chưa kịp thời

Tại hội nghị giao ban công tác kiểm soát thủ tục hành chính 9 tháng năm 2015 do Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Bộ Tư pháp) tổ chức tại Đà Nẵng, ông Trần Văn Thư, Chánh Văn phòng Cục nhận định: Tại nhiều bộ, ngành, địa phương vẫn còn tình trạng chậm công bố thủ tục hành chính, trong khi văn bản quy phạm pháp luật đã có hiệu lực thi hành, dẫn đến việc niêm yết thủ tục hành chính không bảo đảm theo quy định.

Theo ông Trần Văn Thư, 9 tháng năm 2015, các bộ, ngành, địa phương đã đạt được một số kết quả nổi bật trong công tác cải cách thủ tục hành chính như Bảo hiểm xã hội Việt Nam bãi bỏ 11 thành phần hồ sơ liên quan tới việc giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, giảm số lần giao dịch mà doanh nghiệp phải tiến hành mỗi năm từ 12 lần xuống còn 1 lần; Bộ Công Thương tổ chức thực hiện thí điểm cấp chứng nhận xuất xứ C/O qua mạng; Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) ban hành quy trình kiểm tra thuế theo hướng cải cách hành chính, tránh gây phiền hà cho người nộp thuế...

Hầu hết các bộ, cơ quan, địa phương đã thực hiện có kết quả việc công bố thủ tục hành chính. Việc niêm yết công khai thủ tục hành chính tại nơi giải quyết cũng được thực hiện đúng quy định. Các bộ, ngành, địa phương đã công khai địa chỉ cơ quan, địa chỉ thư tín, số điện thoại chuyên dùng, website, email cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính.

Trong 9 tháng năm nay, các bộ, ngành đã ban hành theo thẩm quyền, hoặc trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để đơn giản hóa 4.471/4.723 thủ tục hành chính đã được Chính phủ phê duyệt tại 25 nghị quyết chuyên đề (đạt tỷ lệ 94,7%), nâng tổng số các bộ, cơ quan đã hoàn thành thực thi đơn giản hóa là 11/24 bộ, cơ quan.

Bên cạnh những bước tiến đã đạt được, theo ông Trần Văn Thư, việc công bố thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của các bộ, địa phương còn chậm so với quy định. Trong giải quyết thủ tục hành chính vẫn còn tình trạng yêu cầu thêm giấy tờ, tờ khai không đúng quy định, không có phiếu hẹn trả kết quả, hoặc nếu có thì ghi không đúng thời hạn giải quyết tại văn bản quy phạm pháp luật, còn trường hợp giải quyết thủ tục quá hạn nhiều ngày.

Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính đề nghị các địa phương tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng tại Chỉ thị số 13/CT-TTg về tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong việc thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính, đồng thời, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện những nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính, trong đó, tập trung hoàn thành phương án đơn giản hóa 13 nhóm thủ tục hành chính trọng tâm, chuẩn hóa và ban hành danh mục thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của bộ, ngành, địa phương; thực hiện niêm yết thủ tục hành chính theo đúng quy định; công khai kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên cổng thông tin điện tử của bộ, ngành, địa phương để giảm thời gian, chi phí của cá nhân, tổ chức.

Bộ Nội vụ yêu cầu sớm giải quyết vụ giáo viên mất việc

Sau khi trực tiếp về kiểm tra và nghe báo cáo, giải trình của Hà Nội và Hà Tĩnh về việc cắt hợp đồng hàng trăm giáo viên, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn đã có công văn yêu cầu hai địa phương khẩn trương thực hiện một số giải pháp để giải quyết vụ việc.

Với UBND thành phố Hà Nội, Bộ Nội vụ đề nghị chỉ đạo UBND huyện Sóc Sơn tổ chức ngay việc tuyển dụng viên chức theo đúng quy định của pháp luật và tạo điều kiện để 184 giáo viên đã bị chấm dứt hợp đồng sớm được tham gia dự tuyển.

Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, tổ chức đã được phân cấp thẩm quyền tuyển dụng, sử dụng viên chức thực hiện thường xuyên việc tuyển dụng viên chức theo quy định của pháp luật, không để có biên chế nhưng không tổ chức tuyển dụng mà chỉ ký hợp đồng lao động. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức đối với các cơ quan, tổ chức đã được phân cấp hoặc ủy quyền. Tiếp tục triển khai các giải pháp để phòng, chống tiêu cực trong tuyển dụng đối với công chức, viên chức.

Với UBND tỉnh Hà Tĩnh, công văn yêu cầu UBND tỉnh cần khẩn trương chỉ đạo tổ chức cuộc họp do Ủy ban nhân dân huyện (hoặc thị xã) Kỳ Anh chủ trì, để lắng nghe ý kiến, nguyện vọng và giải quyết các yêu cầu của các giáo viên đã bị chấm dứt hợp đồng theo quy định của pháp luật.

Tỉnh Hà Tĩnh cũng cần chỉ đạo UBND huyện Kỳ Anh và UBND thị xã Kỳ Anh tổ chức ngay việc tuyển dụng viên chức theo đúng quy định của pháp luật và tạo điều kiện để số giáo viên đã bị chấm dứt hợp đồng sớm được tham gia dự tuyển.

Tiến hành kiểm điểm và xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến các sai phạm trong tuyển dụng, ký hợp đồng, thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội đối với đội ngũ giáo viên. Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, tổ chức đã được phân cấp thẩm quyền tuyển dụng, sử dụng viên chức thực hiện thường xuyên việc tuyển dụng viên chức theo quy định của pháp luật, không để có biên chế nhưng không tổ chức tuyển dụng mà chỉ ký hợp đồng lao động.

Tiếp tục cải cách hành chính thuế, hải quan: Sẽ giảm ít nhất 10% thủ tục

Trong báo cáo mới nhất gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp trọng tâm nhằm tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Bộ Tài chính đã tập trung tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 36a/NQ-CP của Chính phủ về Chính phủ điện tử. Hiện nay, các đơn vị chức năng đang tiến hành dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về hóa đơn điện tử có mã của cơ quan Thuế, tiếp tục triển khai phối hợp để thí điểm kết nối thông tin với cơ quan tài nguyên môi trường; tăng cường trao đổi thông tin giữa cơ quan Thuế, Hải quan để truy cập dữ liệu nhằm tăng cường kiểm soát hoàn thuế, tiến tới thực hiện hoàn thuế điện tử; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia trong lĩnh vực thuế, hải quan…

Trong tháng 10, Bộ Tài chính cũng đã tổ chức họp bàn với các ngân hàng thương mại trọng điểm để sơ kết triển khai nộp thuế điện tử và bàn về các giải pháp đẩy mạnh triển khai nộp thuế điện tử trên phạm vi toàn quốc. Đến ngày 26-10, 98% số doanh nghiệp thuộc diện quản lý thuế đã thực hiện khai thuế qua mạng internet và 90,05% doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử (kết nối liên thông với các ngân hàng thương mại.

Trong lĩnh vực Hải quan, Bộ Tài chính đã đề nghị các bộ, ngành rà soát và bước đầu thực hiện đơn giản hóa một số hồ sơ khai điện tử trên Cổng thông tin một cửa quốc gia; đánh giá kết quả triển khai giai đoạn 1 dự án VNACCS/VCIS; xây dựng tiêu chí quản lý rủi ro của Hệ thống VNACCS/VCIS để phục vụ kiểm soát, đấu tranh chống buôn lậu…

Thời gian tới, công tác cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan sẽ tiếp tục được triển khai tích cực với trọng tâm là lĩnh vực thuế điện tử, nâng cao hiệu quả hệ thống Hải quan điện tử, thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia và kết nối Cơ chế một cửa ASEAN. Trong đó, đẩy mạnh việc triển khai nộp thuế điện tử, phấn đấu tiến tới đạt 90% về cả 3 chỉ tiêu (số doanh nghiệp; số chứng từ nộp thuế; số tiền thuế thu được). Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế. Triển khai nghiên cứu xây dựng các đề án hiện đại hoá thủ tục đối với cá nhân như: Khai, nộp thuế điện tử đối với cá nhân; lệ phí trước bạ khi đăng ký ôtô, xe máy; nộp thuế điện tử các khoản thu từ bất động sản (thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ,..); ủy nhiệm cho tổ chức kinh tế thu thuế đối với cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán; hoá đơn điện tử; kết nối thông tin giữa cơ quan thuế với cơ quan tài nguyên môi trường. Bộ sẽ thực hiện rà soát giảm tối thiểu 10% số thủ tục hành chính thuế, đơn giản hóa tối thiểu 20% số thủ tục hành chính thuế; sửa đổi, bổ sung 100% quy trình liên quan đến kê khai, nộp thuế của người nộp thuế.

Ngành thuế, hải quan cam kết tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp

Đại diện ngành thuế và hải quan cho biết ngành sẽ không ngừng đổi mới về chính sách và đẩy mạnh hơn nữa các cải cách thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp trong quá trình phát triển sản xuất kinh doanh.

Cam kết trên được đưa ra tại Hội nghị “Đối thoại về chính sách và thủ tục thuế, hải quan năm 2015” do Bộ Tài chính phối hợp với Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 05-11 tại TP. Hồ Chí Minh.

Theo khảo sát gần 3.000 doanh nghiệp của VCCI trong năm 2015, 52% các doanh nghiệp đánh giá đã có sự thay đổi tích cực về thái độ phục vụ của cán bộ thuế; 92% doanh nghiệp cho rằng ngành thuế đã có những cải cách vượt bậc về thủ tục hành chính; 50% doanh nghiệp đánh giá tốt về quá trình hiện đại hóa ngành thuế…

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, bên cạnh những đổi mới của ngành thuế và hải quan trong thời gian qua, vẫn còn nổi lên nhiều vướng mắc, bất cập như các thủ tục hành chính thuế, hải quan còn thiếu đồng bộ, nhất quán; vấn đề hoàn thuế, tờ khai hải quan, thủ tục thông quan, mã hàng hóa chưa thống nhất và còn nhiều thủ tục rườm rà; cán bộ thuế, hải quan chưa thực sự thay đổi thái độ phục vụ, còn nhiều cán bộ nhũng nhiễu gây khó khăn cho doanh nghiệp; các khoản phí còn chưa minh bạch; các văn bản nhiều, chồng chéo…

Đà Nẵng: Bài học thành công trong cải cách hành chính

Tại hội nghị sơ kết công tác cải cách hành chính giai đoạn 2011-2015 tổ chức ngày 6/11, ông Võ Công Chánh, Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng cho biết qua 5 năm triển khai thực hiện cải cách hành chính tại Đà Nẵng, nhiều chính sách, giải pháp đột phá, sáng tạo được áp dụng.

Với cuộc vận động “Ba hơn” (nhanh hơn, hợp lý hơn, thân thiện hơn) triển khai trong các năm từ 2012 đến 2014, đã có 899 thủ tục hành chính được thực hiện nhanh hơn với tổng số 392.649 hồ sơ giao dịch hành chính; 105 thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân và 68 nội dung thuộc thủ tục nội bộ được thực hiện hợp lý hơn; 185 giải pháp thân hiện hơn cũng được triển khai tại các cơ quan, đơn vị.

Bên cạnh đó, 100% cơ quan, đơn vị có cung ứng dịch vụ hành chính công của Thành phố đều thực hiện nghiêm túc việc công khai các thủ tục hành chính bằng nhiều hình thức.

Cơ chế một cửa được triển khai có hiệu quả, đồng bộ cả 3 cấp; cơ chế một cửa liên thông tiếp tục được duy trì tại 100% phường, xã, 100% quận, huyện và được mở rộng đáng kể tại các sở, ban, ngành.

Mô hình một cửa điện tử hiện đại đến nay đã chính thức hoạt động tại tất cả UBND quận, huyện; 25/56 UBND xã, phường và tại Trung tâm Hành chính Thành phố (gồm 21/21 sở, ban, ngành)…

Bên cạnh đó, Thành phố cũng triển khai Đề án thực hiện cơ chế liên kết trong giải quyết thủ tục hành chính về cấp giấp phép kinh doanh có điều kiện giữa các sở, ban, ngành; triển khai dịch vụ chuyển phát nhanh kết quả giải quyết thủ tục hành chính tới địa chỉ theo yêu cầu của công dân, tổ chức.

Từng bước hướng đến chính quyền điện tử, hiện có 100% các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện và 62,5% UBND phường, xã đã triển khai sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành do UBND Thành phố đầu tư; 100% dịch vụ hành chính công được cung cấp từ mức 2 trở lên, trong đó 21,2% ở mức 3, 4…

Những nỗ lực đó đã tác động tích cực đến sự phát triển, góp phần đưa Đà Nẵng thường xuyên thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước và có chỉ số tốt nhất về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin, chỉ số quản trị hành chính công cấp tỉnh, chỉ số cải cách hành chính./.