TCCSĐT - Tháng 12 - 2015 sẽ diễn ra Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 21). Đây là hội nghị quốc tế quan trọng vì mục tiêu đi đến thỏa ước quốc tế về khí hậu nhằm giới hạn nhiệt độ trái đất nóng lên. Các công tác chuẩn bị cho hội nghị đã được xúc tiến tích cực, trong đó, Hội nghị tham vấn không chính thức cấp bộ trưởng diễn ra trong 3 ngày (từ ngày 08 đến 10-11-2015) được coi là hội nghị trù bị hay cuộc tổng duyệt cho COP 21.

Những mục tiêu hướng tới

Để đạt được một loạt những quyết định vào tháng 12 - 2015 tại Hội nghị COP 21 sắp tới, các nước đã vạch ra các mục tiêu cần xác định:

Một là, đạt được một thỏa ước đầy tham vọng và mang tính ràng buộc đối với thách thức biến đổi khí hậu liên quan đến tất cả các nước.

Hai là, thông qua đóng góp của các quốc gia. Các đóng góp này thể hiện nỗ lực của mỗi nước dự kiến có thể thực hiện thỏa ước. Vấn đề tài chính để chống lại biến đổi khí hậu sẽ là một nội dung quan trọng được đề cập tới.

Ba là, các sáng kiến ở quy mô trong nước, thông qua các địa phương, các tổ chức dân sự và các doanh nghiệp sẽ tăng cường sự tham gia, bên cạnh sự đóng góp của Nhà nước. 

Thực tế, Chủ tịch Hội nghị Paris COP 21, nước chủ nhà Pháp, đã chọn cách ủng hộ để Hội nghị trở thành một chương trình của những giải pháp. Đó là toàn bộ các sáng kiến bổ sung cho thỏa ước quốc tế, được thực hiện ở quy mô địa phương thông qua các chính phủ, các cơ quan chính quyền địa phương cũng như những tác nhân phi nhà nước nhằm đóng góp vào việc tăng cường cam kết của các nhà nước trong việc giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu và về vấn đề tài chính. Chương trình giải pháp này sẽ dựa vào việc trao đổi kinh nghiệm, truyền đạt kiến thức và công nghệ cần thiết để hướng tới nền kinh tế cacbon thấp.

Sự quan tâm của mọi quốc gia

“Biến đổi khí hậu” hay “Sự nóng lên của trái đất” là mối lo của mọi quốc gia. Ngay từ đầu năm, tháng 02-2015, các nhà đàm phán Liên hợp quốc tại Geneva (Thụy Sĩ) đã thông qua kế hoạch chi tiết về chống biến đổi khí hậu, một bước ngoặt biểu tượng trong quá trình đàm phán đầy đủ hướng tới Hội nghị COP 21.

Liên quan đến mục tiêu tối thượng của Hội nghị COP 21, trong bài phát biểu khai mạc “Tuần lễ Khí hậu” Paris tổ chức vào hồi tháng 5-2015, Tổng thống Pháp F. Hollande nói: “Chúng ta không được giới hạn Hội nghị Paris sắp tới (COP-21) như một tuyên bố đơn giản, như một văn bản dài hay một lời kêu gọi dài dòng. Thỏa thuận Paris phải là một văn kiện mà trong đó, các nước phải đưa ra cam kết cụ thể. Điều này sẽ quyết định sự thành bại của “Thỏa thuận Khí hậu”.

Hội nghị COP 21 có tầm quan trọng cho cả thế giới, là sự mong đợi của mọi dân tộc. Chính vì thế, tại diễn đàn lễ tốt nghiệp của “Các học viên Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ” (tháng 5-2015), Tổng thống Mỹ B. Obama cũng đề cập đến vấn đề này và khẳng định: Biến đổi khí hậu là một trong những ưu tiên chính trong 19 tháng nắm quyền còn lại của ông. Và biến đổi khí hậu là một trong những đe dọa nghiêm trọng nhất hiện nay. Đây không chỉ là vấn đề của các nước nằm bên bờ đại dương hay là các khu vực riêng biệt trên thế giới. Biến đổi khí hậu sẽ tác động đến tất cả các nước trên hành tinh này. Không quốc gia nào không bị ảnh hưởng. Và tôi ở đây ngày hôm nay để nói rằng, biến đổi khí hậu là nguy cơ nghiêm trọng đối với an ninh toàn cầu, nguy cơ trực tiếp đối với an ninh quốc gia và không được phạm sai lầm.

Ngay chính Giáo hoàng từ Tòa thánh Vatican cũng lên tiếng cảnh báo về nhiệm vụ chống hiện tượng “nóng lên của trái đất”, bảo vệ môi trường. Giáo hoàng Franciscus lên tiếng với “các thế lực (chính trị hay kinh tế) trên toàn thế giới rằng, họ “sẽ bị Chúa phán xử” nếu không bảo vệ được môi trường, để có được đủ lương thực, thực phẩm nuôi sống dân cư toàn cầu.

Các Hiệp hội hạt nhân cũng đã kêu gọi sử dụng năng lượng hạt nhân như một đóng góp vào việc chống lại “biến đổi khí hậu” với việc ký kết tuyên bố chung nêu rõ, năng lượng hạt nhân “là một phần quan trọng của các giải pháp trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu toàn cầu” tại Hội nghị quốc tế về “Các tiến bộ về nhà máy điện hạt nhân” ở Nice (Pháp, tháng 5-2015).

Cũng trong tháng 5, gạt lại những bất đồng lớn, hai nước đông dân nhất hành tinh, đồng thời cũng đang phát thải lượng khí CO2 lớn nhất, Trung Quốc và Ấn Độ, đã đưa ra một tuyên bố chung nhấn mạnh tầm quan trọng của sự cộng tác giữa hai nước và với các nước khác về chống biến đổi khí hậu, nhất là trong việc coi năng lượng hạt nhân như một phương tiện của việc giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.

Gần sát những ngày diễn ra Hội nghị COP 21, các nhà lãnh đạo của một số nước lớn cũng đã tích cực tham gia ý kiến. Nhân chuyến thăm Trung Quốc trong các ngày 02 và 03-11-2015, Tổng thống Pháp F. Hollande và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã bày tỏ quan điểm ủng hộ việc triển khai cơ chế giám sát nhằm đánh giá toàn diện 5 năm một lần những tiến bộ đạt được trong chống biến đổi khí hậu. Đây là một điểm rất quan trọng làm cơ sở cho các cuộc đàm phán đa phương về vấn đề này.

Trước đó, ngày 30-10, 155 nước đã công bố cam kết giảm khí phát thải nhà kính của mình. Căn cứ vào cam kết quốc gia đó, các cơ quan chức năng của Liên hợp quốc đã đánh giá mức cam kết đó dẫn đến sự nóng lên toàn cầu gần 3°C vào năm 2100. So với mục tiêu đề ra, nỗ lực này là chưa đủ và cần phải được nâng cao hơn nữa để có thể sử dụng làm “bàn đạp” cho những mục tiêu trong tương lai.

Những bước chuẩn bị tích cực

Để chuẩn bị cho Hội nghị COP 21, một số hội nghị đã được tổ chức. Tháng 5-2015, Đối thoại khí hậu Petersberg lần thứ sáu đã được tổ chức tại Berlin (Đức) với sự tham dự của các bộ trưởng đến từ 35 nước trên thế giới. Tại cuộc đối thoại, Bộ trưởng Môi trường Đức B. Hendricks nhấn mạnh, năm 2015 là năm quyết định đối với việc bảo vệ Trái Đất trước những tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu. Theo đó, các bên tham gia sẽ phải nhất trí cách thức hướng tới mục tiêu giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2 độ C. Còn theo Ngoại trưởng Pháp L. Fabius, đồng chủ trì cuộc đối thoại, Đối thoại Khí hậu Petersberg là một bước đi quan trọng nhằm mang lại thành công cho Hội nghị COP 21 vào cuối năm nay. Tất cả các nước đều phải có trách nhiệm với việc bảo vệ Trái Đất trước sự biến đổi khí hậu, bởi đó là sự lựa chọn duy nhất.

Ngày 08-11, Hội nghị tham vấn không chính thức cấp bộ trưởng chuẩn bị cho Hội nghị COP 21 đã được tổ chức với sự tham dự của hơn 60 bộ trưởng môi trường và năng lượng đến từ nhiều nước thuộc các châu lục khác nhau trên thế giới, dưới sự đồng chủ trì của Bộ trưởng Ngoại giao Pháp L. Fabius, Chủ tịch Hội nghị COP 21 và Bộ trưởng Môi trường Peru P. Vidal, Chủ tịch Hội nghị COP 20.

Hội nghị đã nhắc lại chặng đường gian nan mà các nước đã vượt qua thông qua chuỗi các hội nghị được tổ chức trong năm 2015 để chuẩn bị cho Hội nghị COP 21. Theo Bộ trưởng Ngoại giao Pháp L. Fabius, trong “cuộc chạy marathon” này, nhờ những nỗ lực ngoại giao, các nước đã đạt được nhận thức chung rằng, việc kiểm soát khí thải gây hiệu ứng nhà kính là một thách thức lâu dài đòi hỏi phải hành động nhiều hơn nữa trong một “cơ chế tăng cường” để có thể giữ nhiệt độ Trái Đất từ nay đến năm 2100 chỉ tăng tối đa 2°C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Ông cũng cho biết, tại các cuộc đàm phán trong tháng 10 vừa qua ở Bonn (Đức), mặc dù quan điểm giữa các bên còn nhiều khác biệt nhưng nhìn chung các nước đã thống nhất được một văn kiện phác thảo nội dung chính cho thỏa thuận mang tính phổ quát về khí hậu sẽ được thông qua tại Hội nghị COP 21. Hội nghị tham vấn lần này không đặt ra vấn đề là các đại biểu xem xét lại văn bản nói trên, nhưng yêu cầu các đại biểu nắm bắt kỹ các nội dung của văn bản để hiểu rõ hơn những thách thức, các vấn đề chưa đạt được sự nhất trí cũng như các vấn đề đã đạt được sự đồng thuận, từ đó đưa ra các đề xuất nhằm đạt được một thỏa thuận công bằng và đầy tham vọng tại Paris.

Sau phiên họp toàn thể, hội nghị đề cập tới các nhóm chủ đề chính: tham vọng của thỏa thuận, sự bình đẳng về trách nhiệm đóng góp, các hành động từ nay đến năm 2020, đóng góp tài chính sau năm 2020. Liên quan đến mức độ tham vọng của thỏa thuận, hai khía cạnh cụ thể gồm mục tiêu dài hạn và cơ chế kiểm điểm, vốn là một khái niệm để ngỏ được đưa ra. Sự bình đẳng giữa các nước phát triển, mới nổi và các nước nghèo về trách nhiệm đóng góp trong nỗ lực chống lại sự nóng lên của Trái Đất cũng là vấn đề được quan tâm đặc biệt và hiện đang là rào cản lớn nhất đối với một thỏa thuận khí hậu toàn cầu tại Paris. Quan điểm các bên còn nhiều khác biệt về vai trò cũng như chi phí mà từng nước phải bỏ ra để thực hiện các mục tiêu đề ra. Đối với nhiều nước phương Nam, số tiền dự kiến 100 tỷ USD mà các nước công nghiệp cam kết đóng góp hằng năm để giúp các nước đang phát triển chuyển đổi mô hình năng lượng và ứng phó với vấn đề biển đổi khí hậu hiện vẫn chỉ là những lời hứa.

Với tất cả các gai góc trên đây, Hội nghị tham vấn không chính thức cấp bộ trưởng lần này cần đạt được quyết tâm chính trị cũng như tinh thần trách nhiệm của các nước tham gia nhằm có được sự nhất trí. Quan điểm thống nhất đó sẽ là cơ sở cho việc đạt được một thỏa thuận khí hậu tham vọng và mang tính ràng buộc pháp lý tại COP 21./.