Từ cách làm du lịch sinh thái của nông dân Vĩnh Long, nghĩ về sự phát triển du lịch đồng bằng sông Cửu Long
Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất mới, với những dấu ấn độc đáo của những dòng văn hóa các tộc người Việt, Hoa, Khơ-me, Chăm: một nền văn hóa cổ Phù Nam tồn tại dưới dạng những di tích cùng với nền văn minh lúa nước độc đáo... đã trở thành một điểm hẹn hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Vĩnh Long là địa phương đi đầu khởi xướng loại hình du lịch sinh thái (năm 1986). Cũng từ đó, loại hình du lịch này lan tỏa khắp đồng bằng. Những người tạo ra loại hình du lịch sinh thái là những nông dân đầu trần, chân đất. Họ đã làm nên một loại hình du lịch "có một, không hai" ở vùng châu thổ đồng bằng sông Cửu Long.
Từ tự phát đến... chuyên nghiệp
Năm 1986, tại xã Bình Hòa Phước thuộc huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long, ông Nguyễn Thành Giáo - một nghệ nhân trồng hoa kiểng là người đầu tiên đã khởi xướng loại hình du lịch sinh thái một cách tình cờ. Với vốn sở hữu là một ngôi nhà cổ ba gian, hai chái điển hình của vùng sông nước Nam Bộ, xung quanh là vườn cây ăn trái. Khu nhà vườn này đã có từ rất lâu tại vùng cù lao sông nước, hệ thống kênh rạch thoắt ẩn thoắt hiện như mê cung với chế độ bán nhật triều. Ông lại là người hào sảng nên khu nhà vườn của ông lúc nào cũng có khách đến, đặc biệt là những người làm báo, viết văn trong tỉnh. "Tiếng lành đồn xa", rồi bạn bè từ mọi miền đất nước ghé thăm, thế là trên báo Nhân Dân có bài "Một thiên đường nhỏ" như một lời giới thiệu với bạn bè. Khách cứ đến, chủ nhà cứ hào sảng, cứ như tiếp bạn bè, chẳng ai nghĩ chuyện làm du lịch. Dần dần, nhiều người thấy ái ngại cho tấm lòng hiếu khách của ông Giáo nên họ thường đóng góp một ít để mong lần sau đến thăm ông mà không cảm thấy bất tiện. Lượng khách cứ mỗi ngày một tăng lên, và Công ty Du lịch Cửu Long là đơn vị đứng ra hợp đồng đưa đón khách đến, làng xóm thấy hiệu quả kinh tế nên cũng thi nhau mở điểm du lịch vườn. Có thể kể đến Ông Tám Bia, một tay chơi đồ cổ, mở cửa vườn kiểng, vườn cây ăn trái cho du khách đến chơi luôn tiện xem cổ vật - đồ gốm đời Thanh; ông Cai Cường, mở cửa căn nhà cổ kiểu kiến trúc Đông - Tây, trong khu vườn kín cổng để đón khách; ông Hai Hoàng, chủ một căn nhà cổ độc đáo không kém cũng hưởng ứng theo. Ông chủ trại giống cây Nguyễn Trí Nghiệp tổ chức mô hình đón khách đến xem các quy trình sản xuất cây giống... Chẳng bao lâu, trên vùng cù lao này đã hình thành 21 điểm du lịch vườn một cách tự phát. Mỗi người một vẻ, nhưng cùng giống nhau là đều có vườn cây ăn trái rộng trên một héc-ta, mùa nào thức ấy, có sông nước mênh mông, mát mẻ.
Đầu thập niên 90, các tỉnh lân cận đổ về tham quan, nghiên cứu, học tập kinh nghiệm và cũng xây dựng những khu du lịch sinh thái tương tự như: khu du lịch Thới Sơn, Tiền Giang; khu du lịch Mỹ Khánh, Cần Thơ... Hiện có khoảng 200.000 lượt du khách nước ngoài đến tham quan các khu du lịch sinh thái ở đồng bằng sông Cửu Long hằng năm. Thực ra, gọi là du lịch sinh thái nhưng hiện nay chỉ nằm gọn trong vùng sinh thái phù sa ngọt, một vùng sinh thái tiêu biểu của sông nước đồng bằng sông Cửu Long, một vùng thuộc loại trù phú nhất về mặt sinh thái và là vùng có nhiều trái cây đặc sản như: bưởi, cam, sầu riêng, nhãn, chôm chôm... được buôn bán trên những chợ nổi đặc trưng như: Cái Bè, Trà Ôn, Phụng Hiệp... đã tạo nên một nét văn hóa độc đáo rất riêng của vùng sông nước. Đây còn là vùng đất có nhiều làng nghề thủ công truyền thống đã tồn tại hàng trăm năm như: làng hoa Tân Quy Đông, làng chiếu Định Yên (Đồng Tháp), làng lụa Tân Châu (An Giang), làng chõng tre (Hàm Giang) làng gốm đỏ (Vĩnh Long), làng cây giống, hoa kiểng Cái Mơn (Bến Tre)...
Hai mươi mốt điểm du lịch hiện nay ở 4 xã cù lao Minh, thuộc huyện Long Hồ hoạt động khá phong phú với những chương trình tham quan vườn cây, hoa kiểng, nghe đờn ca tài tử, chèo thuyền trên sông, đi xe đạp khám phá,... Ngoài ra, còn có bán hàng lưu niệm chủ yếu là hàng thủ công mỹ nghệ sản xuất từ gáo dừa, cây dừa, cói, lục bình... Từ những nguồn tài nguyên du lịch này, các nhà khai thác du lịch lữ hành khai thác các tour: du lịch sinh thái kết hợp với làng nghề, du lịch sinh thái khám phá nhà cổ (Vĩnh Long có trên 200 căn), du lịch sinh thái nghiên cứu văn hóa (Vĩnh Long có 9 di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia), du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái khám phá sông Mê Công hùng vĩ...
Những chính sách hỗ trợ
Năm 2000, Vĩnh Long thành lập Ban chỉ đạo Phát triển Du lịch do Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh làm Trưởng ban. Tỉnh đã đầu tư xây dựng đường liên xã dài 10km xuyên qua 4 xã cù lao, cải tạo nâng cấp quốc lộ 57, hoàn thiện giao thông nông thôn, nạo vét kênh rạch vừa phục vụ nông nghiệp vừa phục vụ du lịch. Xây dựng mối liên kết giữa nhà vườn làm du lịch với các công ty du lịch, tạo ra xu hướng xã hội hóa ngành du lịch.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã tiến hành nâng cấp tôn tạo 9 di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, quy hoạch bảo tồn, phát triển các làng nghề truyền thống. Đáng chú ý là từ làng nghề gạch ngói đã phát triển thành làng nghề gốm trải dài trên 20km dọc sông Cổ Chiên với 1.200 lò, thu hút 22.000 lao động. Ngoài giá trị công nghiệp đây cũng là ngành có tiềm năng thu hút du khách.
Quy hoạch các khu du lịch, tuyến du lịch trong tỉnh,... khuyến khích phát triển các sản phẩm du lịch, sẵn sàng mời gọi đầu tư.
Các tiềm năng du lịch sinh thái đồng bằng sông Cửu Long chưa được khai thác
Nếu dùng khái niệm du lịch sinh thái thì rõ ràng hiện nay ở đồng bằng sông Cửu Long chỉ mới khai thác 1/8 vùng sinh thái. Chẳng hạn vườn quốc gia Tam Nông, khu di tích Xẻo Quít (thuộc vùng sinh thái Đồng Tháp Mười), cống đập Ba Lai, khu sinh thái Vàm Hồ (tỉnh Bến Tre), khu sinh thái Trường Long Hòa (thuộc vùng sinh thái ngập mặn của tỉnh Trà Vinh)... khu du lịch Núi Sam, Tri Tôn (tỉnh An Giang), khu du lịch Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang) nằm trong vùng sinh thái tứ giác Long Xuyên... chưa được khai thác đúng mức, chưa kể đến những vùng sinh thái còn lại.
Đồng bằng sông Cửu Long hiện vẫn còn lưu giữ những di chỉ khảo cổ thuộc hệ thống Óc-Eo thuộc nền văn hóa Phù Nam như: Óc Eo, Gò Tháp, Lưu Cừ, Thành Mới... phân bố hầu hết các tỉnh đồng bằng, tồn tại như một thách thức cho du khách khám phá, nghiên cứu khoa học.
Bản sắc văn hóa đồng bằng đang tồn tại và làm nền tảng cho sự phát triển trong hiện tại và tương lai chính là sự hội tụ, giao thoa 4 dòng văn hóa của 4 tộc người Việt, Hoa, Khơ-me, Chăm. Những di tích lịch sử văn hóa của vùng đất này được thể hiện qua các đình, chùa, miếu của người Việt, chùa Khơ-me ở Trà Vinh, Sóc Trăng, Thánh đường Islam của người Chăm ở Tân Châu, An Giang, hệ thống chùa Bà, chùa Ông của người Hoa ở các đô thị... vừa mang sắc thái riêng của từng dân tộc vừa ảnh hưởng các dòng văn hóa khác. Những lễ hội dân gian mang sắc thái chung trong không gian văn hóa lúa nước của đồng bằng: Lễ hội Bà Chúa Sứ Núi Sam, lễ hội nghinh Ông ở Cà Mau, cúng biển ở Cầu Ngang, Tết Nguyên đán của người Việt, Tết Đôn-ta, Chôl chnam Thmây, Ótomboc của người Khơ-me, tháng Ramadan của người Chăm, lễ hội cúng Bà Thiên Hậu, Ông Bổn của người Hoa; Lễ hội Trương Định, Rạch Gầm (Tiền Giang), Nguyễn Trung Trực (Kiên Giang), Thiện Hộ Dương - Đốc Binh Kiều (Đồng Tháp),... Trong văn hóa lễ hội đồng bằng còn pha lẫn trong nó những yếu tố đặc sắc của nền văn minh lúa nước Đông - Nam Á, văn minh chữ vuông Trung Hoa, văn minh Upanisad Ấn Độ, văn minh phương Tây...
Du lịch sinh thái đồng bằng sông Cửu Long rất cần một chiến lược
Đầu tiên rất cần có một quy hoạch chung cho cả vùng, cho 4 lĩnh vực du lịch: du lịch sinh thái, du lịch văn hóa (di tích, lễ hội), du lịch nghiên cứu khoa học, du lịch làng nghề và những tour hỗn hợp. Đồng thời kết hợp với các nước trong khu vực thiết kế tour khám phá dòng Mê Công. Căn cứ để quy hoạch du lịch sinh thái là dựa vào những ưu thế vừa nêu trên của từng vùng sinh thái. Thiết kế tour đi xuyên qua nhiều vùng để tạo ra những biến đổi kỳ thú, hấp dẫn du khách, thay vì chỉ khai thác mỗi một vùng phù sa ngọt như hiện nay. Mỗi vùng có những đặc trưng sinh học không thể trộn lẫn (vùng sinh thái Đồng Tháp Mười có tràm, đưng, năng, vùng phù sa nước ngọt có cây bần, săng trắng...Về động vật, cây ăn trái. Từ đó, thức ăn, văn hóa đều có những sự khác biệt... Nếu chúng ta biết tôn trọng, khai thác những cái riêng, cái khác biệt ấy sẽ tạo nên sắc thái không thể trộn lẫn.
Muốn khai thác thì phải có những nghiên cứu khoa học một cách căn cơ, đánh giá đúng tiềm năng, có một quy hoạch chiến lược cho cả vùng. Từ đó có chiến lược đào tạo một đội ngũ chuyên nghiệp từ khâu quản lý đến khai thác du lịch. Thực tiễn du lịch đồng bằng sông Cửu Long có xuất phát điểm từ tự phát như nêu ở phần đầu, vì thế phải có cơ chế xã hội hóa du lịch để các tổ chức, cá nhân đều có thể đầu tư. Đó là một lợi thế nhưng cũng là hạn chế của du lịch đồng bằng sông Cửu Long. Các điểm du lịch sinh thái tư nhân không có sự liên kết với nhau nên đã tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh làm thiệt hại cho chính người làm du lịch cũng như của tỉnh và cả vùng. Vì thế, cần có tổ chức liên kết dưới sự quản lý của cơ quan chuyên môn, vì các tỉnh đồng bằng hiện nay hầu như không có liên kết để tạo thành tour theo một đặc trưng chuyên ngành.
Đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch
Hạ tầng khai thác du lịch sinh thái chính là hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy hoàn chỉnh và thuận tiện nhưng phải tính tới việc giữ nét riêng của nông thôn, không thể bê-tông hóa, nhựa hóa toàn bộ giao thông đường bộ. Cơ sở hạ tầng cho du lịch sinh thái phải được quy hoạch cụ thể và theo hướng xã hội hóa. Quy hoạch không giải tỏa mà quy hoạch làm cơ sở cho người dân sống trong khu du lịch sinh thái phải sống, sinh hoạt, kinh doanh theo một chuẩn mực du lịch. Ai không đủ khả năng hoặc không thích sống theo mô hình ấy có thể chuyển nhượng đất cho người có khả năng, yêu thích mô hình này. Một doanh nghiệp du lịch có uy tín đứng ra đầu tư theo mô hình ấy có ký hợp đồng liên kết dài hạn.
Nhà nước cần có sự quan tâm đầu tư tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, cấp tỉnh, quy hoạch các làng nghề theo hướng phát huy làng nghề truyền thống, tận dụng lao động nông nhàn với việc phát triển dịch vụ du lịch. Đồng thời có thể thành lập công viên gốm, bảo tàng lúa nước Nam Bộ với góc độ đầu tư cho văn hóa, nhưng ngành du lịch được hưởng lợi trong khai thác... Và nhiều hoạt động đầu tư cho các lĩnh vực văn hóa khác trực tiếp tác động đến sự phát triển du lịch.
Liên kết du lịch ở đồng bằng sông Cửu Long
Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã có hai lần tổ chức festival, với mục đích tìm những liên kết nhưng chưa có tiếng nói chung. Các tỉnh đã thành lập công ty khai thác lữ hành đồng bằng sông Cửu Long theo dạng cổ phần, đó chính là những tín hiệu tốt để phát triển du lịch vùng. Song, vấn đề nghiên cứu, quy hoạch, liên kết... là vấn đề vĩ mô cần sự hỗ trợ từ các bộ, ngành trung ương. Vấn đề bức xúc hiện nay là nguồn nhân lực cho du lịch gần như hụt hẫng.
Du lịch Vĩnh Long chỉ có thể cất cánh cùng với khu vực đồng bằng sông Cửu Long chứ không thể tự phát đi lên như những năm trước đây. Và bài học thú vị nhất, tâm đắc nhất là phát triển du lịch đi kèm với xã hội hóa du lịch.
Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về kinh tế của cấp huyện và xã trong nông nghiệp, nông thôn  (25/12/2007)
Văn học Việt Nam trong bối cảnh giao lưu văn hóa quốc tế  (25/12/2007)
Tổng tuyển cử Thái Lan: cốc nước nóng không làm dịu cơn khát  (25/12/2007)
Để công tác xóa đói, giảm nghèo tiến triển vững chắc  (24/12/2007)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay