Văn học Việt Nam trong bối cảnh giao lưu văn hóa quốc tế
Trong bối cảnh của giao lưu văn hóa toàn cầu, văn học có thể được coi là có vai trò năng động nhất. Và văn học Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật đó. Tận dụng những lợi ích do giao lưu văn hóa đem lại, văn học Việt Nam đang tiếp thu những thành tựu văn hóa - văn học của thế giới để làm phong phú cho đời sống văn học của chính mình; đồng thời cũng có được nhiều cơ hội để phổ biến những thành tựu của mình ra thế giới.
Đôi nét về lịch sử giao lưu văn hóa toàn cầu
Trong lịch sử nhân loại, giao lưu là một xu hướng tất yếu trong đời sống xã hội. Từ thời cổ đại, Hoàng đế A-lếch-xan-đrốt đại đế của đế quốc Ma-kê-đô-ni-a, đã muốn hòa nhập hai nền văn minh Hy Lạp và Ba Tư, xây dựng một "tình huynh đệ thế giới" cho tất cả mọi người. Chính vì thế mà nhiều người coi giai đoạn A-lếch-xan-đrốt là giai đoạn của giao lưu văn hóa quốc tế và của toàn cầu hóa đầu tiên.
Đến thời toàn cầu hóa của đế quốc La Mã, người La Mã đã tiếp thu văn hóa Hy Lạp, kết hợp nó với văn hóa bản địa La Mã để tạo ra một nền văn hóa Hy-La nổi tiếng. Trong lịch sử loài người, hiện tượng giao lưu văn hóa như vậy đã diễn ra mọi lúc, mọi nơi.
Tuy nhiên trước đây, hiện tượng giao lưu văn hóa như trên mới chỉ diễn ra ở cấp khu vực. Chỉ đến thời cận - hiện đại, cùng với quá trình giao lưu kinh tế - xã hội diễn ra sôi động để cuối cùng tiến tới toàn cầu hóa như hiện nay, người ta mới cho rằng văn hóa cũng sẽ tiến tới giao lưu ở cấp toàn cầu.
Từ thế kỷ XIX, khi chủ nghĩa tư bản đã đạt tới đỉnh cao của nó, các nhà hoạt động văn hóa cũng đã nói đến sự lên ngôi của nền văn hóa - văn học toàn thế giới. Năm 1827, đại văn hào Gớt đã tuyên bố: "Ở thời đại chúng ta, văn học dân tộc không còn có ý nghĩa gì nhiều; bây giờ là thời đại của văn học thế giới và mỗi chúng ta cần phải góp phần làm cho thời đại đó hình thành càng sớm càng tốt"[1]. Còn C. Mác cũng đã có ý tưởng tương tự trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (năm 1848): "Tính chất đơn phương và phiến diện dân tộc ngày càng không thể tồn tại được nữa; và từ những nền văn học dân tộc và địa phương, muôn hình muôn vẻ, đang nảy nở ra một nền văn học toàn thế giới."[2]. Ở đây, theo chúng tôi, khác với Gớt là một nhà văn, nhà triết học Mác khi nói đến "văn học toàn thế giới" là muốn ám chỉ đến cả một nền văn hóa toàn thế giới. Chúng tôi cho rằng ý kiến của Gớt và Mác là rất đáng chú ý. Đó là một ý kiến rất xác đáng và thực tiễn lịch sử có thể cho chúng ta tin chắc rằng đấy không chỉ là ý kiến của riêng hai ông.
Sau hơn 20 năm đổi mới và trong quá trình giao lưu văn hóa quốc tế, bộ mặt của văn học Việt Nam đã khác trước rất nhiều. Nó đang trở nên đa dạng hơn, có nhiều giọng điệu và nhiều mầu sắc hơn, kể cả trong lĩnh vực sáng tác lẫn lý luận - phê bình. Và trên tất cả là văn học nước ta đã được tự do hơn, cởi mở hơn, có được nhiều lựa chọn hơn.
Trên bình diện sáng tác văn học
Trong sáng tác, sự đổi mới đã diễn ra trên nhiều phương diện, kể cả ở nội dung lẫn hình thức. Trong lĩnh vực nội dung, văn học nước ta trong thời kỳ đổi mới đã có sự tiếp cận hài hòa giữa hiện thực bên ngoài với cái nội tâm bên trong. Cái tôi cá nhân trở thành một đối tượng khai thác mới. Có thể nói điều này được bắt đầu ngay từ sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc, với cuốn truyện ngắn Phiên chợ Giát của Nguyễn Minh Châu. Từ đó, truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ bắt đầu đồng loạt khai thác cái tôi cá nhân và cái miền nội tâm sâu xa của con người Việt Nam hiện đại. Nỗi buồn chiến tranh [hay Thân phận tình yêu] của Bảo Ninh là một ví dụ điển hình cho loại tiểu thuyết chiến tranh thời hậu chiến. Ăn mày dĩ vãng của Chu Lai là ví dụ tiêu biểu cho loại tiểu thuyết về mâu thuẫn giữa nội tâm hiện tại với hồi ức về chiến tranh quá khứ trong đời sống tâm lý của con người hiện đại. Câu chuyện về những cái tôi cũng chiếm một tỷ lệ lớn trong các sáng tác của thời kỳ đổi mới. Thời xa vắng của Lê Lựu, Gặp gỡ cuối năm của Nguyễn Khải, Mùa lá rụng trong vườn, Đám cưới không có giấy giá thú của Ma Văn Kháng, một số truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp... có thể được coi là đại diện cho xu hướng này.
Hình thức của sáng tác cũng không còn bị lệ thuộc và những giáo điều, khuôn sáo. Không còn có sự thống trị của bất cứ một phương pháp sáng tác nào. Có nhà nghiên cứu còn tuyên bố không chấp nhận khái niệm "phương pháp sáng tác". Tuy nhiên đây chỉ là một phản ứng cực đoan chống lại quan điểm áp đặt độc tôn trước đây về phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa. Thực tế, không ai là không làm việc theo phương pháp, kể cả khi người ta không có ý thức về điều này. Giờ đây, nhà văn nước ta được tự do sử dụng mọi kỹ thuật và phương pháp sáng tác, được tự do sáng tác trong khuôn khổ luật pháp và phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Văn xuôi đã vậy, còn thơ ca thì sao? Khó có thể nói thơ ca Việt Nam hiện đại đang tiếp thu mô hình thơ ca nào của thế giới. Ta chỉ có thể nói rằng thơ ca Việt Nam đang hòa nhập với không khí của văn hóa hiện đại thế giới. Trong không khí này, nhiều nhà thơ thời chống Mỹ và cả một số nhà thơ hiếm hoi thời chống Pháp đang cố gắng tự đổi mới mình. Cái tôi của họ đang nỗ lực vươn lên một tầm tư tưởng và tầm triết lý mới. Họ lặng lẽ chăm chút nhào nặn và gọt dũa câu thơ để thể hiện được thoả đáng những suy tư của mình. Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh, Bằng Việt, Thanh Thảo... là những nhà thơ đại diện cho xu hướng này. Song cũng có một số người khác lại sa vào xu hướng gọt giũa câu chữ quá cầu kỳ, khiến người đọc có cảm giác họ đang làm việc với một thái độ cần mẫn của một "thợ thơ" chứ không phải là của một nhà thơ!
Trong không khí nói trên, lớp trẻ đang đem đến một giọng điệu và sắc màu mới lạ cho thơ ca Việt Nam. Đọc thơ họ ta thấy rất rõ nét một không khí thời đại mới. Họ chịu ảnh hưởng của cái không khí văn hóa thế giới nói chung, chứ không chịu ảnh hưởng trực tiếp của một nhà văn, nhà thơ cụ thể nào của thế giới. Những nhà thơ trẻ đổi mới là đến với cái mới một cách trực tiếp. Họ không có gì phải đổi mới với chính mình mà là mang sứ mạng đổi mới của thời đại, bởi lẽ họ sinh ra ngay trong thời đại đã và đang đổi mới. Họ được tiếp xúc trực tiếp với những cái mới của thời đại, tiếp thu trực tiếp những cái mới của thời đại. Thơ của họ đầy ắp những sự kiện mới và những suy tư mới. Nhưng vì quá ham mê đi tìm cái mới, cho nên thơ của họ đôi khi có nguy cơ đứng mấp mé bên bờ vực của ranh giới thơ. Và cũng chính vì thế mà thơ của họ được đón nhận với những ý kiến trái ngược nhau, khen chê đều có.
Qua những gì phân tích trên đây, chúng tôi không muốn nói rằng cứ nói đến cái mới của thời đại là tự nhiên văn học sẽ có giá trị hơn so với khi nói đến cái mới của cá nhân, của nội tâm con người. Giá trị nghệ thuật của văn học còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, trong đó có tài năng sáng tạo của nhà văn – nhà thơ. Bên cạnh những nhà thơ nữ trẻ chú trọng đến cái tôi cá nhân, thì tâm hồn của nhiều nhà thơ nữ trẻ hiện nay như thể bị căng ra để thu nhận cả thế giới, chính vì thế họ không có dịp đi sâu vào một khía cạnh của vấn đề, của sự việc. Như vậy có thể thấy, văn học Việt Nam trong thời đại mới nói chung vừa đi sâu vào những ngõ ngách của nghề văn, vừa mở rộng cửa để đón nhận mọi sắc màu của văn hóa hiện đại trong thời đại của giao lưu văn hóa quốc tế như ngày nay. Sáng tác văn học trong thời gian qua vì thế trở nên đa sắc và phong phú hơn bao giờ hết. Điều đó, không thể phủ nhận là một phần nhờ có giao lưu văn hóa quốc tế. Tuy nhiên, sự đa sắc và phong phú không đồng nghĩa với giá trị. Điều cần thiết là phải chú trọng đến yếu tố nhân văn và tính nghệ thuật.
Lĩnh vực lý luận, phê bình văn học
Trong lĩnh vực lý luận phê bình văn học, giao lưu văn hóa cũng đã có tác động rất mạnh mẽ đến các hoạt động thuộc lĩnh vực này. Cùng với sự mở cửa trên mọi lĩnh vực của đất nước, lý luận - phê bình văn học của nước ta cũng được dịp giao lưu với lý luận - phê bình văn học của thế giới, làm cho không khí nghiên cứu trong lĩnh vực này sôi động hơn bao giờ hết, thậm chí còn sôi động hơn cả không khí sáng tác.
Kể từ ngày đổi mới đến nay, trên văn đàn nước ta đã xuất hiện rất nhiều lý thuyết và phương pháp nghiên cứu - phê bình văn học. Tất nhiên đây không phải là những lý thuyết và phương pháp hoàn toàn mới, mà hầu hết chỉ là những lý thuyết và phương pháp du nhập của phương Tây. Một loạt các cuốn sách được dịch khá công phu. Nhiều lý thuyết và phương pháp của phương Tây đã được áp dụng cho việc nghiên cứu văn học Việt Nam. Quyền tự do trong nghiên cứu được tôn trọng và mở rộng. Một số người còn áp dụng khá thành công các phương pháp nghiên cứu của phương Tây vào thực tiễn nghiên cứu văn học của nước nhà mà cách đây hơn hai mươi năm, việc đó khó có thể được thực hiện. Thậm chí, có những quan niệm trước đây bị phê phán kịch liệt, như tâm phân học, lý thuyết về văn học so sánh, lý luận tiếp nhận,... nay đã được tiếp thu một cách cởi mở và áp dụng vào thực tế nghiên cứu văn học.
Tuy vậy, hệ thống lý luận văn học cũ của chúng ta không phải là không còn giá trị. Xét ở cấp tổng thể, những quan điểm duy vật biện chứng và duy vật lịch sử áp dụng cho mỹ học và nghiên cứu văn học vẫn mãi mãi mang ý nghĩa thời sự. Nhưng, những quan niệm cụ thể của mỹ học mác-xít cũng không thể là những giáo điều bất biến. Thực tiễn lịch sử và xã hội sẽ quy định mọi quan niệm lý thuyết. Sự thay đổi của các điều kiện lịch sử - xã hội sẽ quyết định sự thay đổi của các quan niệm nghệ thuật. Đó là quy luật khách quan đương nhiên. Về cơ bản, những quan niệm về bản chất và đặc điểm của văn học vẫn có những hạt nhân hợp lý của chúng cần được giữ lại. Tuy nhiên, các mối quan hệ giữa chúng với nhau thì không còn như trước đây. Chẳng hạn, chúng ta không thể phủ nhận mối quan hệ chặt chẽ giữa chính trị với văn học, nhưng ngay từ những ngày đầu đổi mới, các văn nghệ sĩ và các nhà quản lý văn nghệ đã có những cuộc thảo luận và trao đổi rất cởi mở về vấn đề này, và đến nay, chính trị và văn học đã được nhìn nhận trong mối quan hệ biện chứng và hợp lý.
Đó là những thay đổi rất quan trọng và kịp thời. Cho nên không thể nói lý luận văn học hiện nay là đang hoàn toàn lúng túng, không theo kịp thời đại. Chúng ta đang có những nỗ lực chấn chỉnh từng bước để xây dựng một hệ thống lý luận văn học hoàn chỉnh. Rõ ràng, hệ thống lý luận văn học cũ đang có sự thay đổi đáng kể. Đó là một sự thay đổi không phải bằng những tuyên ngôn lý luận, mà là bằng những công việc thực hành trên thực tiễn: có nhiều khái niệm, phạm trù trước đây là những khái niệm, phạm trù trọng tâm, chủ đạo, nay trở thành những khái niệm, phạm trù thông thường, bình đẳng như mọi khái niệm, phạm trù khác. Những thay đổi đó đã tạo cho chúng ta có được một cơ sở vững chắc để tiếp thu các thành tựu văn hóa của thế giới.
Trong việc tiếp thu các lý thuyết mỹ học và văn học của nước ngoài có thể nói đến ba cấp độ:
1. Cấp độ dịch và giới thiệu các lý thuyết nước ngoài vào Việt Nam.
2. Cấp độ giới thiệu các lý thuyết nước ngoài một cách có hệ thống và có liên hệ với lý luận - phê bình văn học Việt Nam.
3. Cấp độ ứng dụng các lý thuyết nước ngoài vào thực tiễn khảo cứu và phê bình văn học Việt Nam.
Việc phân ra ba cấp độ như thế này chỉ là để cho thấy đặc trưng công việc của từng cấp độ chứ không phải là để phân biệt thấp cao. Mỗi cấp độ đều có đóng góp riêng của nó, và cả ba cấp độ đang bổ sung cho nhau để góp phần xây dựng hệ thống lý luận - phê bình văn học Việt Nam hiện đại.
Ở cấp độ thứ nhất có sự tham gia khá đông đảo của các nhà nghiên cứu và những người yêu thích văn chương. Bên cạnh việc tái bản lại các công trình lý luận văn học cổ điển như Nghệ thuật thơ ca của A-ri-xtốt, chúng ta đã chú ý tới việc phổ biến các lý thuyết mỹ học và lý luận văn học khác từ thời trung đại đến nay, của cả phương Đông lẫn phương Tây: Văn tâm điêu long của Lưu Hiệp (Trung Quốc, 465 - 520) Tùy viên thi thoại của Viên Mai (đời nhà Thanh Trung Quốc, 1716 - 1798), Phương pháp phê bình tiểu sử của Xanh Bơ-vơ (Pháp, 1804 - 1869), Phương pháp văn hóa - lịch sử của Ten (Pháp, 1828 - 1893)... đã được dịch toàn văn sang tiếng Việt. Đặc biệt là một loạt các lý thuyết của thế kỷ XX về văn hóa học và thi pháp học của Bakh-tin, về loại hình học cấu trúc của Propp, về xã hội học văn học của E-xca-pit và của Gon-man, về tâm phân học vô thức của Frớt và của Jung, về chủ nghĩa cấu trúc của Lốt-man, về chủ nghĩa hình thức Nga, về mỹ học tiếp nhận của Jau-xơ, về lý thuyết tiếp nhận văn học theo kiểu hiện tượng học của In-gar-đin... đã được dịch và giới thiệu khá tường tận. Có thể kể ra đây một số công trình dịch thuật quan trọng như Lý luận và thi pháp tiểu thuyết của Bakh-tin (Phạm Vĩnh Cư dịch, 1992); Những vấn đề thi pháp của Đốt-xtôi-ép-xki của Bakh-tin (Trần Đình Sử dịch, 1993); Tác phẩm văn học của In-gar-den và Lịch sử văn học như là sự khiêu khích đối với khoa học văn học của Jau-xơ (Trương Đăng Dung dịch, 2001, 2002); Tuyển tập V. I. Propp (nhiều người dịch, 2003, tuyển các bài đã dịch từ năm 2000); Phân tâm học và tình yêu (nhiều tác giả, Đỗ Lai Thúy bs, 2003 <tuyển các bài đã dịch>); Thi pháp của huyền thoại của E. M. Mê-lê-tin-xky (Trần Nho Thìn và Song Mộc dịch, 2004); Cấu trúc văn bản nghệ thuật của Iu. M. Lốt-man (Trần Ngọc Vương, Trịnh Bá Đĩnh, Nguyễn Thu Thủy dịch, 2004). Ngoài ra còn có bản dịch các công trình của các tác giả nước ngoài khảo cứu về các lý thuyết văn học, trong đó có công trình của tác giả người Pháp Ăng-toan Công-pa-nhông Bản mệnh của lý thuyết (Lê Hồng Sâm và Đặng Anh Đào dịch, 2006). Các công trình dịch thuật này là bước đi khởi đầu rất quan trọng để đưa lý luận - phê bình văn học Việt Nam hội nhập với thế giới. Ngoài ra, một số nhà nghiên cứu đã có những chuyên khảo giới thiệu khá tường tận về một số lý thuyết mỹ học và lý luận văn học của phương Tây. Ví dụ, Đỗ Lai Thúy giới thiệu về một số lý thuyết như chủ nghĩa hình thức Nga, tâm phân học F-rớt, phương pháp tiểu sử, phương pháp văn hóa - lịch sử...; Trương Đăng Dung giới thiệu về mỹ học tiếp nhận của phương Tây; Trịnh Bá Đĩnh giới thiệu chủ nghĩa cấu trúc... Đây có thể được coi là bước chuẩn bị nguyên vật liệu cho việc xây dựng một hệ thống lý luận - phê bình của ngành nghiên cứu văn học hiện đại của Việt Nam.
Cấp độ thứ hai là nỗ lực của một số nhà nghiên cứu muốn giới thiệu một cách có hệ thống lý luận - phê bình của thế giới và có liên hệ với lý luận - phê bình văn học của Việt Nam. Có thể kể đến một số công trình Lý luận phê bình văn học phương Tây thế kỷ XX của Phương Lựu, công trình Phương pháp luận nghiên cứu văn học (2004) của Nguyễn Văn Dân.
Cấp độ thứ ba bao gồm những nỗ lực ứng dụng các lý thuyết và phương pháp của thế giới vào nghiên cứu văn học Việt Nam. Có thể kể ra công trình đầu tiên áp dụng lý thuyết nước ngoài vào nghiên cứu văn học, đó là công trình Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều của Phan Ngọc (1985,) Thi pháp thơ Tố Hữu của Trần Đình Sử. Ngoài các nhà nghiên cứu trên đây, một số người khác cũng đã thử áp dụng các lý thuyết và phương pháp của nước ngoài để nghiên cứu văn học Việt Nam. Có người đã áp dụng lý thuyết ký hiệu học để nghiên cứu thơ (Hoàng Trinh: Từ ký hiệu học đến thi pháp học, 1992). Một số người áp dụng lý thuyết văn hóa học để nghiên cứu các hiện tượng văn học trung đại Việt Nam (Trần Đình Hượu, Trần Ngọc Vương, Trần Nho Thìn). Trong những năm 50 - 60 thế kỷ XX, một số người đã áp dụng lý thuyết tâm phân học của F-rớt để lý giải thơ Hồ Xuân Hương. Nhưng ngày nay, thành công hơn cả là Đỗ Lai Thúy. Còn nhiều nhà nghiên cứu cũng đã áp dụng các lý thuyết và phương pháp khác nữa. Nhưng đó là những phương pháp đã được thông dụng từ lâu, như phương pháp tiểu sử, phương pháp trực giác, phương pháp xã hội học, phương pháp thống kê, phương pháp hệ thống, v.v... những phương pháp trước đây bị coi là những vùng cấm kỵ và chỉ đến thời đại giao lưu văn hóa và toàn cầu hóa thì chúng mới có cơ hội thâm nhập vào nước ta.
Tuy nhiên vẫn phải công nhận rằng đây mới chỉ là những nỗ lực riêng lẻ của các nhà khoa học, chủ yếu là ở lĩnh vực nghiên cứu. Việc đưa các lý thuyết và phương pháp mới vào giáo trình giảng dạy ở bậc đại học hầu như vẫn chưa được thực hiện, hiện tại mới chỉ có sự giới thiệu một số lý thuyết và phương pháp ở bậc đào tạo sau đại học. Để có được một hệ thống giảng dạy lý luận văn học ở bậc đại học cũng như sau đại học, chúng ta cần phải có một sự hợp tác và nhất trí rộng rãi. Chúng ta đã có rất nhiều cuộc hội thảo, nhưng kết quả hội thảo chỉ là một tập hợp các ý kiến, quan niệm, chứ chưa được biến thành một chương trình hành động thống nhất. Sau hội thảo, các nhà nghiên cứu và giảng dạy lại ai về làm việc của người nấy, để rồi lại chuẩn bị cho một cuộc hội thảo tiếp theo khi nào có kinh phí.
Chính vì vậy mà các nhà nghiên cứu văn học của nước ta vẫn chưa có được sự thống nhất về một hệ thống lý luận - phê bình phù hợp với đặc điểm văn hóa của nước ta. Có những lý thuyết được giới thiệu chỉ là để giới thiệu mà chưa có sự luận giải về tính cần thiết và tính khả dụng của chúng đối với văn hóa và văn học nước ta. Có những lý thuyết còn chưa được đánh giá thống nhất về giá trị của chúng. Trong tình hình của giao lưu đa dạng và của toàn cầu hóa như ngày nay, một lý thuyết có thể có nhiều cấp độ giá trị. Nó có thể có giá trị đóng góp nhất định xét từ cấp độ triết học và tư tưởng vĩ mô, nhưng nó lại có giá trị rất hạn chế xét từ góc độ áp dụng cho một tác phẩm văn học. Ví dụ như lý thuyết phân giải cấu trúc (hay hậu cấu trúc), hay lý thuyết về tính hậu hiện đại của Ly-ô-ta. Lại còn có những quan điểm sai lầm nhưng vẫn được giới thiệu và thậm chí còn được tán dương (như quan điểm về văn học so sánh của Kh-ráp-chen-kô và của Pốp-xpe-lốp, Liên Xô cũ). Và có cả lý thuyết đã chết từ lâu nay lại được một số người muốn phục hồi trở lại, như lý thuyết về chủ nghĩa hiện thực vô bờ bến của Ga-rô-đy. Rõ ràng, chúng ta đang thiếu sự nhất trí trong đánh giá. Chúng ta vẫn đang ở vào giai đoạn tiếp nhận lý luận - phê bình văn học nước ngoài có phần nào lựa chọn nhưng chưa triệt để, mà chưa bước sang giai đoạn đối thoại với bên ngoài, một khâu tất yếu của quá trình giao lưu.
[1] Trích theo J. P.Éc-kê-man, Convorbiri cu Goethe ["Trò chuyện với Gớt"], Ed. p. L.U., Bu-ca-rét, 1965, p. 226 - 227, (bản tiếng Ru-ma-ni, TG nhấn mạnh)
[2] C. Mác, Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t 4, tr 602
Tổng tuyển cử Thái Lan: cốc nước nóng không làm dịu cơn khát  (25/12/2007)
Để công tác xóa đói, giảm nghèo tiến triển vững chắc  (24/12/2007)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên