Để công tác xóa đói, giảm nghèo tiến triển vững chắc
Trong những năm qua, Việt Nam được thế giới chú ý bởi những thành tựu trong công tác xóa đói, giảm nghèo và nâng cao mức sống của người dân. Dân chủ được nâng cao cũng là một điều kiện tăng cường sự tham gia của người dân vào các công tác xã hội. Những hạn chế của công tác xóa đói, giảm nghèo là do nguồn lực còn hạn chế, số lượng cán bộ còn thiếu và yếu về năng lực. Cơ chế xác định hộ nghèo chưa được thống nhất ở các địa phương, chất lượng giám sát theo dõi số liệu báo cáo chưa cao; có lúc có nơi còn mang tính hình thức, nặng về báo cáo thành tích và chưa thật vững chắc.
Nước ta được bạn bè thế giới đánh giá cao về thành tích xóa đói, giảm nghèo. Báo cáo Chính trị Đại hội X của Đảng chỉ rõ: "Công tác xóa đói, giảm nghèo được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức, biện pháp; đến cuối năm 2005, tỷ lệ hộ nghèo (theo tiêu chuẩn Việt Nam cho giai đoạn 2001- 2005) còn 7% (năm 2001 là 17,5%, kế hoạch là 10%). Đã kết hợp tốt các nguồn lực của Nhà nước và nhân dân, xây dựng nhiều công trình kết cấu hạ tầng kinh tế, văn hóa, xã hội cho các vùng nông thôn, miền núi, vùng dân tộc"[1]. Đánh giá đúng tình trạng đói nghèo và kết quả xóa đói, giảm nghèo có ý nghĩa thiết thực để hoàn thiện chiến lược và chính sách phát triển kinh tế - xã hội nhằm đưa nước ta thoát khỏi tình trạng nước nghèo và thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế gắn với tiến bộ và công bằng xã hội, mà Đảng ta đã khái quát là "Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh".
Thành tựu và những kết quả đạt được của công tác xóa đói, giảm nghèo trong hai mươi năm đổi mới chính là đã được gắn kết và lồng ghép với chiến lược và chính sách phát triển kinh tế - xã hội, đặt công tác xóa đói, giảm nghèo trong điều kiện chuyển sang kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Điều đó được thể hiện trên những nét chính sau đây:
Thứ nhất, chuyển sang kinh tế thị trường thì phải chấp nhận cạnh tranh, có kẻ được người thua, có kẻ giàu lên đồng thời cũng có nhiều người thua lỗ, khoảng cách chênh lệch giàu nghèo sẽ tăng lên, do đó chiến lược phát triển kinh tế - xã hội luôn luôn coi trọng khuyến khích làm giàu hợp pháp đi đôi với đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo.
Thứ hai, coi chủ thể xóa đói, giảm nghèo là bản thân người nghèo, từ sự vươn lên của mọi người trong lao động sản xuất, kinh doanh đi liền với sự quản lý của Nhà nước và sự hỗ trợ của toàn xã hội, thực hiện phương châm "cho cần câu hơn là cho xâu cá".
Thứ ba, coi xóa đói, giảm nghèo là một hoạt động mang tính tổng thể, bằng nhiều biện pháp, hình thức phong phú, gồm nhiều dự án, nhiều tổ chức, đoàn thể tham gia, vừa có sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước các cấp, vừa có sự tham gia của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, có sự tham gia của các đoàn thể, trong đó vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là rất quan trọng. Thời gian qua, đã có nhiều cuộc vận động lớn như "Ngày vì người nghèo", quyên góp ủng hộ người nghèo, phong trào xóa nhà rách nát, tặng nhà tình thương... trong đó việc khơi dậy và phát huy lòng từ thiện, hảo tâm của những người có điều kiện là rất có ý nghĩa.
Thứ tư, đặt công tác xóa đói, giảm nghèo trong điều kiện hội nhập quốc tế, trong đó không chỉ nước ta tích cực thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về xóa đói, giảm nghèo hoặc tranh thủ sự trợ giúp quốc tế về xóa đói, giảm nghèo mà đã từng bước tiếp cận dần với chuẩn nghèo quốc tế, trong đó bao gồm cả chuẩn nước nghèo và chuẩn người nghèo. Về chuẩn nước nghèo, chúng ta phấn đấu đưa GDP bình quân đầu người vượt qua ngưỡng 750 USD, còn ngưỡng người nghèo, nước ta đã từng bước nâng chuẩn người nghèo lên. Trước năm 1995, ngưỡng nghèo đói ở nước ta quy định 15 kg gạo mỗi người/tháng, từ năm 1995 quy định chi tiết hơn, hộ đói 13 kg gạo hoặc 40.000 đồng mỗi người/tháng, hộ nghèo phân ra thành thị và nông thôn, thành thị 90.000 đồng, tương đương 25 kg gạo, ở nông thôn đồng bằng 70.000 đồng (20 kg gạo), nông thôn miền núi, hải đảo 50.000 đồng (15 kg gạo) mỗi người mỗi tháng. Đến năm 2000, chuẩn nghèo đói không tính bằng hiện vật nữa mà tính bằng tiền, ở thành thị - 150.000 đồng, nông thôn đồng bằng - 100.000 đồng, nông thôn miền núi, hải đảo - 80.000 đồng tính bình quân đầu người/tháng. Ngay cả với chuẩn nghèo mới, tỷ lệ hộ nghèo cũng từng bước được giảm xuống, năm 2001 còn 17,2%, năm 2002 còn 13%, năm 2003 còn 11%, năm 2004 còn 9%. Năm 2005, chuẩn nghèo nâng lên cho sát với chuẩn quốc tế, với ngưỡng nghèo là 180.000 đồng, 220.000 đồng và 250.000 đồng thì tỷ lệ hộ nghèo tăng lên tới 26%. Từ chuẩn nghèo mới này, việc phấn đấu giảm nghèo sẽ có ý nghĩa hơn nhưng cũng sẽ khó khăn và quyết liệt hơn.
Thành tựu và kết quả cụ thể về xóa đói, giảm nghèo trong thời kỳ đổi mới, đặc biệt trong 5 năm gần đây (2001 - 2005) đã được khẳng định là to lớn, không chỉ được nhân dân cả nước nhìn nhận mà các tổ chức quốc tế cũng thừa nhận.
Theo tổng kết của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), trong điều kiện kinh tế, xã hội của mình; so với các nước có cùng mức GDP, Việt Nam đã sử dụng những nguồn lực có được một cách hiệu quả vào công tác nâng cao mức sống người dân, trình độ dân trí, tuổi thọ, bình đẳng giới... Ông Ê-du-ớt Uát-tê-dơ (Edourd Wattez), Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam nhận định: "Việt Nam đã đạt được tiến bộ trên nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hóa trong những năm qua, cụ thể là các chỉ số về giáo dục, tuổi thọ của Việt Nam cao, tỷ lệ tử vong ở trẻ em thấp và những điều này là một thành tựu đáng kể của Việt Nam. Trong những năm qua, Việt Nam được thế giới chú ý bởi những thành tựu xóa đói, giảm nghèo, tập trung và nâng cao mức sống của người dân. Dân chủ cơ sở được nâng cao cũng là một điều kiện tăng cường sự tham gia của người dân vào các công tác xã hội, cũng như phát huy năng lực và trách nhiệm của cơ quan quản lý địa phương".
Từ năm 2001 đến nay, với vốn đầu tư 14.695 tỉ đồng, chương trình 134 đã hỗ trợ các hộ nghèo được vay vốn ưu đãi, cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí và trợ giúp về giáo dục cho trẻ em nghèo. Còn chương trình 135, với tổng mức đầu tư khoảng 5.600 tỉ đồng trong giai đoạn 1998 - 2003, đã hỗ trợ việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho 2.362 xã nghèo, vùng sâu, vùng xa. Theo số liệu của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hiện nay trên cả nước còn 417.300 căn nhà ở trong tình trạng dột nát. Đã có 7 tỉnh, thành phố cơ bản xóa xong nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ nghèo, 7 tỉnh khác cũng nằm trong số dự kiến sẽ hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo trong năm 2006.
Thành tựu xóa đói, giảm nghèo là điều khẳng định nhưng hạn chế, bất cập cũng không phải là nhỏ. Đó là hiện còn nhiều vùng gặp nhiều khó khăn, chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng, các tầng lớp dân cư ngày càng gia tăng; tìm kiếm việc làm còn khó khăn; thiên tai, bệnh tật, hiểm họa thường xuyên rình rập và giáng xuống người dân, thường là người nghèo hứng chịu. Công tác xóa đói, giảm nghèo có nơi, có lúc còn mang tính hình thức, nặng về báo cáo thành tích và chưa thật vững chắc. Báo cáo của Dự án VIE/O2/001 nêu, công tác xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam sẽ còn gặp nhiều khó khăn do nguồn lực xóa đói, giảm nghèo hạn chế, số lượng cán bộ làm công tác xóa đói, giảm nghèo còn thiếu, yếu về năng lực. Mặt khác, cơ chế xác định hộ nghèo chưa được thực hiện thống nhất ở các địa phương và chất lượng giám sát theo dõi báo cáo số liệu về xóa đói, giảm nghèo chưa cao... Trong giai đoạn 2006 - 2010, mục tiêu của Chương trình quốc gia về xóa đói, giảm nghèo và việc làm là hoàn thành việc phát triển kết cấu hạ tầng cho các xã nghèo vào năm 2010; nâng cao mức thu nhập và mức sống của người nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 10% - 11% vào năm 2010[2] (giảm một nửa so với năm 2005), góp phần đạt được Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ.
Để công tác xóa đói, giảm nghèo đi vào thực chất và tiến triển một cách vững chắc, theo chúng tôi cần lưu ý một số vấn đề sau đây:
Một là, cần nhận thức đúng ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác xóa đói, giảm nghèo. Đói nghèo là một hiện tượng mang tính toàn cầu, không chỉ tồn tại ở những nước nghèo, có thu nhập thấp và các nước đang phát triển mà có cả ở những nước phát triển, mặc dầu chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, nhưng cũng rất gay gắt, do đó xóa đói, giảm nghèo đã được đặt lên thành chương trình của Liên hợp quốc. Hơn nữa, đói nghèo còn có tính tương đối tùy thuộc vào mức sống của từng quốc gia, của các tầng lớp dân cư và của ngay từng con người, từng hộ gia đình, do đó xóa đói, giảm nghèo phải là một chiến lược lâu dài, thường xuyên, khó có thể gọi là hoàn thành dứt điểm. Có thể nói, xóa đói, giảm nghèo là chiến lược của các quốc gia, nhưng đối với nước ta nó càng có ý nghĩa đặc biệt vì đó là mục tiêu hàng đầu của con đường phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Nước nghèo đã là một điều tủi nhục khi mọi điều kiện về con người, về tài nguyên thiên nhiên, về chính trị - xã hội của nước ta không phải là khan hiếm. Người nghèo nhiều không chỉ làm cho nước nghèo mà còn là nguyên nhân của những tệ nạn xã hội, cản trở sự phát triển đi lên của đất nước. Hơn bao giờ hết, trong giai đoạn hiện nay, khi nước ta chuyển sang kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế thì xóa đói, giảm nghèo phải được đặt lên thành một nhiệm vụ chiến lược quan trọng trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội từ nay đến năm 2020.
Hai là, cần phân tích một cách khách quan và khoa học nguyên nhân của đói nghèo để từ đó có những giải pháp hữu hiệu xóa đói, giảm nghèo. Đói nghèo có nhiều nguyên nhân, có nguyên nhân khách quan từ điều kiện và môi trường tự nhiên, kinh tế, xã hội... nhưng trong đó cần chú ý tới các nguyên nhân chủ quan của bản thân người nghèo,
- Xét về nguyên nhân chủ quan, chủ yếu là mức thu nhập và tiêu dùng của từng hộ gia đình, trước hết là trình độ lao động, sản xuất, kinh doanh để từ đó có thu nhập, từ mức thu nhập mà có sự chi tiêu hợp lý. Sản xuất là quá trình kết hợp giữa tư liệu sản xuất và sức lao động. Trải qua các phong trào cách mạng của đất nước, nói chung mọi người lao động đã được Nhà nước tạo quyền sở hữu hoặc sử dụng tư liệu sản xuất, cho vay vốn, tạo điều kiện nâng cao tay nghề, chỉ khác nhau ở mức độ hiệu quả sản xuất, kinh doanh do trình độ của từng người: người kinh doanh giỏi thì giàu lên, người kinh doanh kém thì thua lỗ và không khắc phục được thì sẽ nghèo đi. Cái quyết định ở đây lại là trình độ học vấn, nói rộng ra là trình độ văn hóa trong hoạt động kinh tế của từng cá nhân. Thực tế cho thấy rằng, những người được học tập đến nơi đến chốn, có tri thức thì nói chung ít rơi vào tình trạng đói nghèo, mặc dầu không phải toàn là người giàu có. Từ sự phân tích trên đây, có thể khẳng định rằng, muốn xóa đói, giảm nghèo thì vấn đề cơ bản là phải giải quyết tốt công tác giáo dục - đào tạo, cung cấp tri thức cần thiết cho người dân để họ có thể tự lo cuộc sống cơ bản cho họ và không bị rơi vào nghèo đói.
Về chi tiêu, nói chung người dân ta luôn biết tiết kiệm, chi tiêu trong phạm vi cho phép với khả năng thu nhập của mình. Tuy nhiên, trong xã hội không phải ít những người ăn tiêu xa xỉ, lãng phí, "bóc ngắn cắn dài", đua đòi, sa lầy vào các tệ nạn xã hội thì dù có kiếm ra đồng tiền nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo. Như vậy, đối với những người lười nhác, làm ít ăn nhiều, bê tha, bệ rạc, sa lầy vào các tệ nạn xã hội thì nghèo là đương nhiên, và xã hội không thể cưu mang, hỗ trợ họ mà phải có biện pháp xử lý thích hợp, kết hợp biện pháp hành chính, kinh tế với biện pháp giáo dục để giảm bớt đối tượng này cũng là giảm gánh nặng cho xã hội.
- Về nguyên nhân khách quan đối với người nghèo thì trước hết là điều kiện địa lý, nơi sinh sống và lao động sản xuất của họ. Ở những vùng có điều kiện địa lý, tự nhiên thuận lợi, có đất đai rộng rãi, phì nhiêu, khí hậu ôn hòa thì điều kiện sản xuất thuận lợi hơn, do đó thu nhập cũng khá hơn và người dân đỡ khó khăn, nghèo khổ hơn. Trái lại, ở những vùng đất đai cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt, sản xuất khó khăn, cuộc sống lam lũ thì nói chung người dân phải chịu nhiều gian khổ, cực nhọc, vượt qua ngưỡng đói nghèo cũng đã hết sức khó khăn. Họ không chỉ nghèo về vật chất mà còn nghèo cả về tinh thần, văn hóa, thông tin và do đó tệ nạn xã hội càng có điều kiện phát triển, càng làm trầm trọng thêm tình trạng đói nghèo.
Nước ta hiện nay còn hàng triệu người bị ảnh hưởng chất độc màu da cam, hoặc nhiều vùng bị ô nhiễm chất độc hóa học do quá trình công nghiệp hóa, tuyệt đại bộ phận rơi vào cảnh nghèo đói. Tai họa rơi vào họ một cách khách quan, cần được đền bù về vật chất và tinh thần từ phía người gây hại và họ đang có sự hỗ trợ của Nhà nước và xã hội.
- Một nguyên nhân vừa mang tính khách quan vừa mang tính chủ quan đối với đói nghèo, đó là sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước các cấp. Khách quan đối với người dân mà là chủ quan đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội nói chung và xóa đói, giảm nghèo nói riêng của đất nước. Lãnh đạo, quản lý đất nước nói chung và đối với kinh tế nói riêng tốt, có hiệu quả, hợp lòng dân thì kinh tế không ngừng phát triển, người dân, trong đó có người nghèo được nhờ. Trái lại, chiến lược kinh tế đưa ra không khoa học, mang tính phong trào, thiếu tính khả thi, gây lãng phí nghiêm trọng, tệ nạn quan liêu, tham nhũng diễn ra nhiều nơi, thì người chịu thiệt thòi nhất chính là những người dân yếu thế, tức là những người trong diện đói nghèo.
Ba là, để công tác xóa đói, giảm nghèo được thực hiện một cách hiệu quả, thiết thực, vững chắc, theo chúng tôi cần một số giải pháp có tính chiến lược sau đây:
Đổi mới một cách cơ bản quản lý nhà nước về kinh tế, bảo đảm cho kinh tế phát triển thực sự hiệu quả vì cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân. Phải khách quan thừa nhận rằng, trong hai thập niên đổi mới vừa qua, Đảng và Nhà nước ta đã làm được nhiều việc trong lãnh đạo và quản lý nền kinh tế, bảo đảm cho nền kinh tế tăng trưởng cao một cách liên tục, nhưng cũng phải thấy rằng, tính hiệu quả của tăng trưởng còn thấp và chưa bền vững. Nhiều chương trình, dự án kinh tế còn mang nặng tính chủ quan, chạy theo phong trào, mang tính hình thức, gây lãng phí lớn không xuất phát từ quy luật của kinh tế thị trường trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Các chương trình mía đường, nuôi bò sữa, đánh bắt xa bờ, v.v., là những thí dụ điển hình; hiện tượng quy hoạch treo, xây dựng thiếu quy hoạch; tệ quan liêu, tham nhũng lãng phí ngày một tinh vi và nghiêm trọng... đều thuộc về chức năng, quyền hạn và trách nhiệm quản lý nhà nước về kinh tế, hậu quả là ảnh hưởng không nhỏ tới phát triển kinh tế - xã hội, cũng là ảnh hưởng trực tiếp tới công tác xóa đói, giảm nghèo. Đổi mới quản lý nhà nước cả về tư duy lý luận, cả về cơ chế, chính sách, tổ chức bộ máy và cán bộ và phương thức điều hành, quản lý kinh tế - xã hội nói chung và quản lý công tác xóa đói, giảm nghèo nói riêng.
Phát triển một nền kinh tế hợp tác dựa trên các quan hệ đa sở hữu, bảo đảm cho mọi người được tự do làm ăn, kinh doanh mọi ngành nghề mà luật pháp không cấm. Khuyến khích người giàu có vốn ra kinh doanh, phát triển doanh nghiệp càng lớn càng tốt để tạo nhiều việc làm cho nhiều người có sức lao động, coi đây là một quan hệ hợp tác giữa người có của và người có công, tất nhiên hoạt động của doanh nghiệp phải tuân thủ pháp luật. Tạo mọi điều kiện để mọi người có công ăn việc làm và có thu nhập ổn định, trừ những vịêc làm mà pháp luật không cho phép, như thế mới xây dựng được một nền kinh tế lành mạnh và có hiệu quả, đạt mục tiêu dân giàu, nước mạnh. Điều tất yếu là, "nước lên thì thuyền lên", mọi thuyền to, thuyền nhỏ đều cùng nổi theo và cùng vận hành theo dòng nước, chỉ có những thuyền rách nát, hoặc quá nặng nề, không còn phù hợp thì sẽ bị nhấn chìm.
Phải kiên quyết chống bệnh hình thức và bệnh thành tích trong xóa đói, giảm nghèo. Xóa đói, giảm nghèo phải đi liền với tiết kiệm, chống lãng phí, nhưng trong thực tế do bệnh hình thức và bệnh thành tích nên những người tổ chức lại thích phô trương, gây lãng phí công sức và tiền của. Qua cơn bão số 1 năm 2006 (bão Chan-chu) cho thấy hai điều: Một là, những người có nghề ra khơi, có sức có tay nghề nhưng gia đình, vợ con vẫn còn nghèo đói (người vợ khóc than chờ chồng về để có tiền mua áo mới cho con), như vậy cho thấy trên đất nước ta còn rất nhiều vùng, nhiều địa phương còn rất nghèo, chỉ khi có tai biến, vận hạn thì mới bộc lộ rõ cái nghèo. Hai là, khi có vận hạn xẩy ra, các tổ chức xã hội ra sức tuyên truyền, vận động quyên góp, kể cả những người nghèo ở các địa phương khác theo truyền thống "lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều", nhưng tiền quyên góp sau ba tháng vẫn còn tới 2/3 chưa biết dùng vào đâu. Điều đó chứng tỏ bệnh hình thức và bệnh thành tích trong công tác xóa đói, giảm nghèo. Điều đang nhức nhối hiện nay là bệnh thành tích đã "truyền nhiễm, lây lan" trong toàn xã hội.
[1] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr 58
[2] Theo tiêu chuẩn mới, tỷ lệ hộ nghèo năm 2005 khoảng 22%
Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ IX thành công tốt đẹp, đồng chí Võ Văn Thưởng, được bầu làm Bí thư thứ nhất  (22/12/2007)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên