Chất lượng dân số Việt Nam trong thời kỳ hội nhập

Nguyễn Bá Thuỷ
10:34, ngày 25-12-2007

Bước vào thế kỷ XXI, thực hiện chiến lược phát triển nguồn nhân lực phục vụ công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, một trong những trọng tâm của Chiến lược dân số Việt Nam 2001 - 2010 là chương trình nâng cao chất lượng dân số.

Thc trạng chất lượng dân số nước ta hiện nay

Trong những năm gần đây, công tác DS - KHHGĐ đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ cả về nhận thức, tổ chức thực hiện và kết quả. Những số liệu chính thức do Tổng cục thống kê công bố cho thấy, sau nhiều năm giảm rất chậm hoặc hầu như không giảm, thì kể từ khi có Nghị quyết Trung ương 4 về chính sách dân số đến năm 2015, kết quả công tác Dân số Việt Nam đã được khẳng định chính xác thông qua kết quả của cuộc Tổng điều tra dân số (TĐTDS) ngày 1.4.1999. Tỷ lệ phát triển dân số từ 1979 - 1989 là 2,1%, từ TĐTDS 1989 - 1999 là 1,68%. Đây cũng là chỉ tiêu đạt được tốt nhất từ trước đến thời điểm đó. Hơn nữa, từ năm 1993 đến nay, tỷ lệ sinh giảm mạnh và liên tục, từ 30,04 phần nghìn xuống còn 17,4 phần nghìn năm 2006. Số con bình quân của một cặp vợ chồng từ 3,8 con năm 1989 xuống 2,09 con trong năm 2006. Tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai (BPTT) từ 53,18% (BPTT hiện đại là 37,91% ) năm 1988 tăng lên 78,0% (BPTT hiện đại là 67,1%) năm 2006. Những kết quả này cũng đã được quốc tế công nhận, Việt Nam đã được trao giải thưởng Dân số Liên Hợp quốc từ năm 1999.

Những mục tiêu của chiến lược dân số hiện nay

Vậy, vấn đề đặt ra là chúng ta sẽ chuẩn bị chuyển hướng thực hiện những vấn đề gì trong thời gian tới. Để thực hiện nhiệm vụ này, cần duy trì được xu thế giảm sinh vững chắc, ổn định qui mô dân số ở mức hợp lý góp phần đảm bảo phát triển bền vững. Chúng ta cần sớm giải quyết đồng bộ, có trọng điểm các vấn đề qui mô, cơ cấu, phân bổ dân cư và chất lượng dân số.

Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ Y tế chủ trì, xây dựng Kế hoạch tổng thể về nâng cao chất lượng dân số Việt Nam giai đoạn 2008 - 2020. Hiện nay khi thế giới đã đạt được rất nhiều thành tựu về công nghệ sinh học, đặc biệt là đã giải mã được bản đồ gen thì chúng ta cũng cần đẩy mạnh, xúc tiến những nghiên cứu và ứng dụng khoa học về di truyền học, sàng lọc gen, chữa bệnh di truyền, các kỹ thuật y sinh học khác,... và những vấn đề liên quan đến an sinh xã hội. Những yếu tố xã hội, đặc biệt là mức sống dân cư cũng tác động mạnh mẽ đến chất lượng dân số. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, nước ta có khoảng trên 5 triệu người tàn tật, chiếm khoảng 6,3% dân số; Tỷ lệ dân số bị thiểu năng thể lực và trí tuệ chiếm khoảng 1,5%; Tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy di nh dưỡng còn ở mức 25,2% năm 2005; Tỷ lệ tử vong mẹ cao so với một số nước trong khu vực và châu Á; Tỷ lệ hộ đói nghèo vẫn khoảng 20%[1], cả nước còn tới 11.058 hộ không có nhà ở[2], gần 23% số hộ ở nhà tạm, đơn sơ, 22% số hộ chưa được dùng điện, mới chỉ có khoảng 12,7% số hộ được dùng nước máy, vẫn còn tới 27.713 hộ sống trong diện tích bình quân dưới 2m2 đầu người. Ở nông thôn chỉ có khoảng 16,5% số hộ có phương tiện sản xuất. Sự bền vững của gia đình bị tác động mạnh bởi tỷ lệ ly hôn, sống độc thân có xu hướng tăng (năm 1999 so với 1989 tăng hơn 2 lần), tình trạng trẻ em thiếu bố hoặc mẹ, trẻ em lang thang và các tệ nạn xã hội, đặc biệt là tệ nạn nghiện hút đã tăng lên do sự biến đổi của gia đình và xã hội. Đây là những thực trạng dẫn đến cần sớm thực hiện chương trình nâng cao chất lượng dân số Việt Nam.

Chỉ số phát triển con người là một chỉ tiêu tổng hợp, phản ánh toàn diện các thành tựu về kinh tế xã hội, mà trực tiếp con người được hưởng thụ. Chỉ số phát triển con người thể hiện qua các tiêu chí: Thu nhập bình quân đầu người; Trỡnh độ văn hoá của người dân; Tuổi thọ bình quân của người dân. Trên nền tảng của lý thuyết kinh tế học phát triển thì vấn đề phát triển con người (Human Development - HD), đo lường Chỉ số phát triển con người (Human Development Index - HDI) được tính là từ những năm đầu của thập kỷ 90, khi Việt Nam mở rộng hội nhập quốc tế và hoạch định các chính sách về phát triển nguồn nhân lực Việt Nam.

Chỉ số phát triển con người Việt Nam trong những năm qua

Năm

Giá trị chỉ số HDI

Giá trị chỉ số tuổi thọ

Giá trị chỉ số giáo dục

Giá trị chỉ số GDP

Thứ hạng HDI của Việt Nam*

1995

0,539

0,67

0,78

0,17

120/174

1996

0,540

0,68

0,79

0,11

121/174

1997

0,557

0,68

0,80

0,18

121/175

1998

0,560

0,69

0,81

0,18

121/174

1999

0,664

0,71

0,82

0,47

110/174

2000

0,671

0,71

0,83

0,47

108/174

2001

0,682

0,71

0,84

0,49

101/162

2002

0,688

0,72

0,84

0,50

109/173

2003

0,688

0,73

0,83

0,51

109/175

2004

0,691

0,73

0,82

0,52

112/177

2005

0,704

0,76

0,82

0,54

108/177

2006

0,709

0,76

0,81

0,55

109/177

* So với tổng số các nước tham gia xếp hạng

Nguồn: Báo cáo phát triển con người toàn cầu của UNDP từ 1995 đến 2006. Cần chú ý rằng khi tính, do nguồn thông tin, số liệu, Liên hợp quốc thường phải sử dụng những số liệu của 2-3 năm trước.

Những tồn tại và thách thức

1. Tỷ lệ sinh giảm nhanh, tiệm cận đạt mức sinh thay thế, cần sớm triển khai nâng cao chất lượng dân số đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

2. Tư tưởng trọng nam khinh nữ, ảnh hưởng do phong tục tập quán có thể phá vỡ sự cân bằng tỷ lệ giới tính.

3. Mức sống dân cư đói nghèo ảnh hưởng đến chất lượng dân số.

4. Các cặp vô sinh có nhu cầu chính đáng trong việc sinh con.

5. Các vấn đề sinh sản cho các nhóm người đặc biệt nhằm tăng cường sức khỏe và phúc lợi cho mọi người.

Trong chương trình chất lượng dân số, những nhóm người ít học, thất học hoặc sống trong vùng sâu, vùng xa cần được ưu tiên cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản. Các tồn tại của những nhóm dân số đặc trưng là: Gia tăng tình hình có thai ở độ tuổi vị thành niên, giáo dục sức khỏe sinh sản và các dịch vụ cho lứa tuổi này cần phải đẩy mạnh; Tăng số lượng phụ nữ mang thai ở các độ tuổi lớn tuổi, các tư vấn và dịch vụ cần phải có cách tiếp cận riêng biệt; Các nhóm người bị tật nguyền cần được chú trọng đặc biệt trong các vấn đề về sức khoẻ sinh sản; Các bệnh nhân tâm thần với các vấn đề đặc biệt trong chăm sóc sức khoẻ sinh sản; Những người thuộc nhóm kinh tế kém (nghèo đói) và vị thế xã hội thiệt thòi cần được ưu tiên trong các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản.

6. Tỷ lệ trẻ em mắc dị tật bẩm sinh, thiểu năng trí tuệ cao. Hệ thống chăm sóc sức khoẻ di truyền chưa được chính thức xây dựng. Các lĩnh vực có liên quan đến sức khỏe di truyền: Tư vấn về lâm sàng/chẩn đoán di truyền: Tư vấn sức khỏe di truyền; Xét nghiệm nhiễm sắc thể, các khám nghiệm và hệ thống dịch vụ tư vấn di truyền cho những người chậm phát triển trí tuệ; Các dịch vụ lâm sàng của tư vấn di truyền; Hệ thống kiểm tra toàn diện sức khỏe tiền hôn nhân; Hệ thống chẩn đoán di truyền trước khi sinh đẻ. Kiểm tra nước ối (Amniocentesis); Thủ thuật chọc màng ối qua ổ bụng để xét nghiệm, kiểm tra (amniocentesis) là một phương pháp chẩn đoán di truyền tiền sinh sản đã được áp dụng một cách tích cực; Dịch vụ kiểm tra những bệnh về máu cho phụ nữ có thai; Kiểm tra máu người mẹ về hội chứng Đao (Down’s syndrom). Kiểm tra bệnh bẩm sinh về trao đổi chất của trẻ sơ sinh.

Một số nhóm giải pháp

- Về nhân khẩu học - xã hội:

+ Phấn đấu, ổn định tỷ lệ tăng dân số hợp lý phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế đất nước, chúng ta cần thực hiện tốt những yêu cầu như: Khuyến khích kết hôn ở độ tuổi thích hợp và ủng hộ xây dựng qui mô gia đình ít con; Xóa bỏ thành kiến trọng nam kinh nữ nhằm duy trì sự cân bằng về tỷ lệ giới tính; Tăng cường giáo dục và dịch vụ sức khoẻ sinh sản tuổi vị thành niên; Duy trì giáo dục và các dịch vụ sức khỏe sinh sản cho những người thiệt thòi có về kinh tế và vị thế xã hội.

+ Đẩy mạnh đào tạo các nhân viên hoạt động trong lĩnh vực sức khỏe di truyền và mở rộng các loại hình dịch vụ này. Việc đào tạo các nhân viên chăm sóc sức khỏe di truyền cần phải được thực hiện và phải sẵn sàng hoạt động. Phổ cập rộng rãi dịch vụ sức khỏe di truyền.

- Về Y - Sinh học, giảm bớt các dị tật bẩm sinh để nâng cao chất lượng dân số.

+ Tuyên truyền - giáo dục phổ cập các kiến thức về dịch vụ sức khỏe di truyền trong cộng đồng. Duy trì giáo dục và các dịch vụ sức khỏe sinh sản cho những người bị tật nguyền. Kết hợp việc giáo dục phòng ngừa với các hệ thống điều trị và dịch vụ sức khỏe sinh sản cho các bệnh nhân tâm thần.

+Xây dựng và hoàn tất hệ thống dịch vụ sức khỏe di truyền. Xây dựng và củng cố hệ thống dịch vụ chăm sóc sức khỏe di truyền nhằm cung cấp cho nhân dân một dịch vụ hoàn chỉnh thuộc lĩnh vực này.

+ Duy trì các dịch vụ chất lượng cao về chăm sóc sức khỏe di truyền; Tư vấn chẩn đoán di truyền; Chẩn đoán di truyền trước khi sinh; Kiểm tra đối với bệnh bẩm sinh về hệ thống trao đổi chất ở trẻ sơ sinh; Xây dựng các tiêu chuẩn cho từng loại dịch vụ sức khỏe di truyền.

- Nâng cao năng lực quản lý. Xây dựng các biện pháp hỗ trợ quản lý nhằm thực hiện tốt mục tiêu và nâng cao hiệu quả chương trình nâng cao chất lượng dân số.

+ Xây dựng hệ thống thông tin quản lý chất lượng dân số. Xây dựng và củng cố hệ thống đăng ký và theo dõi các trẻ nhỏ bị khuyết tật bẩm sinh và các nhóm dân cư đặc biệt.

+ Tiến hành nghiên cứu và đánh giá về dịch vụ sức khỏe di truyền. Việc nghiên cứu sức khỏe di truyền cần được tiến hành đẩy mạnh và phát triển hoàn thiện.

+ Học tập, trao đổi kinh nghiệm và hợp tác quốc tế.
 

[1] Tổng cục Thống kê. 1999. Điều tra mức sống 1997-1998. NXB Thống kê, Hà Nội. 1999

[2] Tổng cục Thống kê. 2000. Kết quả suy rộng mẫu 3%. Ban chỉ đạo tổng điều tra dân số và nhà ở 1-4-1999. Hà Nội, tháng 1-2000