TCCSĐT - Tiếp tục chương trình làm việc, ngày 11-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; dự án Luật Trưng cầu ý dân và cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về chức năng, nhiệm vụ của Viện Nghiên cứu lập pháp.

* Sáng ngày 11-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Tại buổi thảo luận, có ý kiến cho rằng việc lựa chọn nhóm vấn đề để đưa ra chất vấn trước Quốc hội khó bảo đảm sự khách quan, khó phản ánh hết ý chí của đại biểu và của cử tri; đề nghị quy định trách nhiệm của người bị chất vấn phải trả lời trực tiếp tại phiên họp trả lời chất vấn.

Giải trình vấn đề này, Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng tại Điều 80 của Hiến pháp và Điều 32 của Luật Tổ chức Quốc hội đã quy định người bị chất vấn phải trả lời trước Quốc hội tại kỳ họp, hoặc tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội.

Trong trường hợp cần thiết, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho trả lời bằng văn bản. Do vậy, để bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân ở nước ta và phù hợp với quy định tại Điều 80 của Hiến pháp, dự thảo Luật đã quy định về việc lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn, người bị chất vấn theo hướng Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân xem xét trên cơ sở cân nhắc một cách toàn diện các vấn đề có liên quan; đồng thời sửa đổi, bổ sung quy trình chất vấn và trả lời chất vấn cụ thể hơn để phù hợp với quy định của Hiến pháp, nếu đại biểu chưa đồng ý với việc trả lời chất vấn thì tiếp tục chất vấn lại về nội dung đã chất vấn; người bị chất vấn phải trực tiếp trả lời chất vấn mà không được ủy quyền cho người khác trả lời thay (các điều 16, 27, 61 và 70 của dự thảo Luật).

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn nêu: Trong luật hiện hành, phiên chất vấn được tiến hành khi có yêu cầu chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ngoài quy định này, dự thảo Luật cần nghiên cứu trường hợp cử tri gửi kiến nghị đến Quốc hội, đó cũng là căn cứ để tổ chức phiên chất vấn. Trong trường hợp đại biểu Quốc hội chất vấn những vấn đề không thuộc nhóm trả lời chất vấn, thì người được chất vấn phải có trách nhiệm trả lời bằng văn bản.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai, Điều 16 của dự thảo Luật quy định về chất vấn và xem xét việc trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội còn hẹp hơn so với những quy định trong Hiến pháp năm 2013. Trên cơ sở đó, Chủ nhiệm Trương Thị Mai đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu, thiết kế để Điều 16 của dự thảo Luật cụ thể hóa Điều 80 Hiến pháp năm 2013.

Thảo luận về giám sát văn bản quy phạm pháp luật hay giám sát văn bản, Chủ nhiệm Trương Thị Mai tán thành với quan điểm của Thường trực Ủy ban Pháp luật. Theo quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội, thì Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội có thẩm quyền giám sát các văn bản (bao gồm văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, văn bản về tố tụng). Do đó, cần sửa lại các quy định của dự thảo Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân theo hướng Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội giám sát các văn bản của cơ quan, cá nhân chịu sự giám sát.

Đánh giá cao hiệu quả từ các phiên chất vấn và trả lời chất vấn của các Ủy ban và Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Công nghệ Phan Xuân Dũng nêu rõ, đó chính là những phiên chất vấn để giải đáp các vấn đề xuất phát từ yêu cầu của cuộc sống, được dư luận đánh giá cao. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Công nghệ đề nghị nội dung này trong dự thảo cần được thể hiện sâu sắc hơn. Trong trường hợp cần thiết, Ủy ban, Hội đồng Dân tộc có thể trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, ra nghị quyết. 

Thời gian còn lại của phiên làm việc buổi sáng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Trưng cầu ý dân.

* Buổi chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục thảo luận về dự án Luật Trưng cầu ý dân và cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về chức năng, nhiệm vụ của Viện Nghiên cứu lập pháp.

Cho ý kiến về một số vấn đề lớn trong dự thảo Luật Trưng cầu ý dân, nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặc biệt quan tâm đến những vấn đề Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Kim Khoa nhấn mạnh đây điều kiện bảo đảm tính khả thi của dự án Luật này.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý, trưng cầu ý dân là vấn đề chính trị - xã hội quan trọng nên phải cân nhắc thận trọng, phải tổ chức làm tốt để thực hiện quyền dân chủ của nhân dân.

Qua thảo luận tại Kỳ họp Quốc hội thứ 9, nhiều đại biểu Quốc hội tán thành với quy định về nguyên tắc xác định các vấn đề đề nghị Quốc hội trưng cầu ý dân. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể những vấn đề này.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Kim Khoa nêu rõ, các vấn đề cần trưng cầu ý dân là các vấn đề vượt thẩm quyền của Quốc hội, có tác động lớn đến nhân dân…

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề xuất cụ thể hơn, dự thảo phải quy định rõ đó là những vấn đề liên quan đến quốc phòng, an ninh, đối ngoại, quan hệ lớn đến sự tồn vong, bền vững của đất nước, nguyên tắc cơ bản của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền dân chủ nhân dân và những vấn đề kinh tế - xã hội ảnh hưởng lớn, trên diện rộng tới quốc kế dân sinh cần trưng cầu ý dân…

Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh nhận xét, quyền và nghĩa vụ của công dân khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân chưa được quy định rõ trong dự thảo Luật.

Tán thành với đánh giá này, đồng chí Nguyễn Đức Hiền - Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội cho rằng “quyền và nghĩa vụ là vấn đề rất quan trọng”, cần phải được quy định cụ thể mới bảo đảm hiệu quả của việc trưng cầu ý dân.

Về nội dung xác nhận kết quả trưng cầu ý dân, dự thảo luật quy định “Ủy ban Thường vụ Quốc hội công bố kết quả trưng cầu ý dân chậm nhất mười lăm ngày kể từ ngày bỏ phiếu trưng cầu ý dân”.

Thảo luận nội dung này, một số ý kiến đề nghị không nên để Ủy ban Thường vụ Quốc hội công bố kết quả trưng cầu ý dân.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ tổng hợp rồi báo cáo Quốc hội, trên cơ sở đó Quốc hội ban hành xác nhận kết quả của cuộc trưng cầu ý dân, trong đó có thể kèm theo văn bản để triển khai thực hiện.

Vấn đề này, Thường trực Ủy ban Pháp luật là cơ quan thẩm tra nêu quan điểm Hiến pháp đã giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức trưng cầu ý dân nên khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội công bố kết quả trưng cầu ý dân là đã bảo đảm tính khách quan, hợp pháp của hoạt động này.

Mặt khác, vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân đã được người dân lựa chọn, quyết định nên mọi cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân phải có trách nhiệm tôn trọng và thực hiện. Do đó, không nên quy định việc Quốc hội xác nhận kết quả trưng cầu ý dân hoặc xem xét, thông qua lại các nội dung đã được người dân bỏ phiếu tán thành.

Thời gian còn lại của phiên làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết về chức năng, nhiệm vụ của Viện Nghiên cứu lập pháp.

Mục đích của việc xây dựng, ban hành Nghị quyết là tiếp tục hoàn thiện cơ cấu tổ chức, sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của Viện Nghiên cứu lập pháp để cụ thể hóa, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Viện Nghiên cứu lập pháp, đáp ứng nhu cầu, yêu cầu nhiệm vụ trong những năm tới và giai đoạn tiếp theo.

Trong thời gian tới, Viện Nghiên cứu lập pháp phải tập hợp được lực lượng đông đảo các nhà nghiên cứu khoa học về lập pháp. Định hướng đến năm 2020, phấn đấu xây dựng Viện Nghiên cứu lập pháp trở thành một trung tâm nghiên cứu, cung cấp thông tin khoa học tin cậy cho hoạt động lập pháp.

Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết, mục đích và quan điểm chỉ đạo xây dựng Nghị quyết quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Viện Nghiên cứu lập pháp.

Việc ban hành Nghị quyết quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Viện nghiên cứu lập pháp là cần thiết nhằm cụ thể hóa quy định của Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, bảo đảm hoạt động của Viện phù hợp với Luật Khoa học và Công nghệ.

Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với việc xác định chức năng, nhiệm vụ của Viện Nghiên cứu lập pháp như trong dự thảo Nghị quyết nhưng đề nghị rà soát, đối chiếu với các quy định của pháp luật hiện hành để có sự phân công, phân nhiệm cụ thể, rõ ràng, bảo đảm không có sự trùng lắp, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ và bảo đảm tính khả thi.

Cụ thể, rà soát, xác định rõ nhiệm vụ, phạm vi nghiên cứu khoa học của Viện nghiên cứu lập pháp là gắn với hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội.

Việc nghiên cứu, cung cấp thông tin của Viện phải góp phần thúc đẩy và hỗ trợ hoạt động của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Có sự phân định rõ việc nghiên cứu khoa học lập pháp với việc nghiên cứu về Quốc hội và các cơ quan khác trong bộ máy nhà nước của các cơ quan khác như Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Viện Khoa học pháp lý của Bộ Tư pháp,... để tránh trùng lặp.

Viện không nên phát triển theo hướng nghiên cứu cơ bản mà chỉ nên tập trung vào hoạt động nghiên cứu ứng dụng trên cơ sở yêu cầu thực tiễn và yêu cầu của các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội để hỗ trợ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội…/.