Vai trò của báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng

Ths. Nguyễn Tri Thức Trưởng ban Hồ sơ sự kiện, Tạp chí Cộng sản
22:26, ngày 11-08-2015

TCCSĐT - Những năm qua, phòng, chống tham nhũng luôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đảng ta luôn xác định phải kiên quyết trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng nhằm ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, coi đó là giải pháp giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội; củng cố lòng tin của nhân dân; xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh...

Với sự quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, công tác phòng, chống tham nhũng trong những năm qua có những chuyển biến tích cực cả về mặt nhận thức và hành động. Nhiều vụ án tham nhũng đã bị phát hiện và đưa ra xét xử công khai, thu hút sự chú ý của đông đảo dư luận xã hội. Trên một số lĩnh vực, vấn nạn tham nhũng đã từng bước được kiềm chế, đẩy lùi... Mặc dù vậy, Đảng ta vẫn thẳng thắn nhìn nhận: “cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí còn nhiều hạn chế, khuyết điểm, hiệu quả thấp. Tham nhũng, lãng phí vẫn diễn ra nghiêm trọng ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực với phạm vi rộng, tính chất phức tạp, gây hậu quả xấu về nhiều mặt, làm giảm sút lòng tin của nhân dân, là một trong những nguy cơ lớn đe doạ sự tồn vong của Đảng và chế độ ta”(1).

Đồng hành với cuộc chiến phòng, chống tham nhũng, báo chí luôn thể hiện vai trò tích cực, quan trọng của mình. Thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, đến tháng 02-2015, cả nước có 845 cơ quan báo chí với 1.118 ấn phẩm, 1 hãng thông tấn quốc gia, 67 đài phát thanh - truyền hình, số lượng các kênh chương trình phát thanh truyền hình quảng bá là 179 kênh, số lượng đơn vị cung cấp truyền hình cáp là 33 đơn vị, 98 cơ quan báo chí điện tử và 1.525 trang thông tin điện tử tổng hợp; 420 mạng xã hội được phép hoạt động với lượng truy cập rất cao, ảnh hưởng ngày càng lớn về thông tin...

Với sự phát triển mạnh mẽ đó, trong những năm qua, báo chí Việt Nam đã thực hiện tốt chức năng thông tin, tuyên truyền về tất cả các lĩnh vực chính trị - kinh tế - xã hội, đặc biệt là đã thể hiện vai trò ngày càng quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng. Ý thức rõ điều đó, để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, Đảng ta luôn xác định bên cạnh các giải pháp khác, phải coi trọng và nâng cao vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng và của nhân dân trong việc giám sát cán bộ, công chức, phát hiện, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí(2). Tại nhiều sự kiện có liên quan, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ cũng luôn khẳng định vai trò quan trọng và không thể thiếu của báo chí trong cuộc đấu tranh với tệ nạn tham nhũng(3).

Có thể khái quát rằng, báo chí có đóng góp quan trọng trong cuộc chiến phòng, chống tham nhũng bằng việc giám sát tham nhũng và nâng cao dư luận xã hội về tham nhũng. Theo kinh nghiệm thế giới, đối với việc đóng góp cho các hoạt động chống tham nhũng, báo chí có ba vai trò quan trọng sau đây: (i) phát hiện tham nhũng; (ii) giám sát và công khai các biện pháp chống tham nhũng của Chính phủ, và (iii) tạo điều kiện thuận lợi cho dư luận của công chúng... (4). Theo chúng tôi, báo chí có một số vai trò cơ bản trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng cụ thể như sau:

Báo chí góp phần tuyên truyền phổ biến đường lối, quan điểm, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về đấu tranh phòng, chống tham nhũng

Với khả năng thông tin mạnh mẽ, rộng khắp, nhanh chóng, thời gian qua bên cạnh các hình thức tuyên truyền khác, báo chí Việt Nam đã ý thức rất rõ trách nhiệm của mình trong phòng, chống tham nhũng, đặc biệt là rất tích cực, chủ động trong việc tuyên truyền, phổ biến các quan điểm, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, lãng phí (đây cũng là một trong những nội dung quan trọng đã được quy định cụ thể tại Điều 86 Luật Phòng, chống tham nhũng). Thời gian gần đây, các cơ quan báo chí tích cực tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI); Kết luận Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng; Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020; Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI); các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành chức năng quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng…

Qua những nội dung tuyền truyền này, báo chí giúp nhân dân hiểu rõ các quan điểm, chủ trương, sự quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước; các biện pháp đấu tranh chống tham nhũng; trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền hạn của cả hệ thống chính trị nói chung và mỗi công dân nói riêng trong công tác phòng, chống tham nhũng; tính cấp thiết của cuộc đấu tranh này. Điều đó đã góp phần quan trọng vào việc “Làm cho quần chúng khinh ghét tệ tham ô, lãng phí, quan liêu; biến hàng trăm, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp”, như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh (5), qua đó tạo thành sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, kịp thời ngăn chặn phòng ngừa và diệt trừ tận gốc tệ tham nhũng.

Tuy nhiên, không chỉ tuyên truyền một chiều, dễ khiến đông đảo dư luận quần chúng trong xã hội cho rằng thiếu khách quan, thiếu công bằng, còn có sự bao che,... báo chí đã tích cực trong vấn đề phản biện các chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, Nhà nước về đấu tranh phòng, chống tham nhũng cũng như những sáng kiến phòng, chống tham nhũng đã thực sự hiệu quả hay chưa...

Báo chí tích cực phê phán hiện tượng tham nhũng, góp phần chỉ ra nguyên nhân của hiện tượng tham nhũng và những hậu quả xã hội của hiện tượng tham nhũng

Bên cạnh việc tập trung đăng tải đầy đủ, rõ ràng các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, báo chí còn thể hiện sinh động những quan điểm, đường lối đó qua các tác phẩm báo chí, ở tất cả các loại hình báo chí. Đó không chỉ là những thông tin đơn thuần về các biểu hiện, hành vi, vụ việc tham nhũng bị phát hiện, những vụ án tham nhũng bị xử lý tới bạn đọc, mà thực hiện tốt chức năng tư tưởng, các tác phẩm báo chí còn thể hiện thái độ đấu tranh không khoan nhượng đối với các hành vi vi phạm pháp luật này... Qua những tác phẩm báo chí được xuất bản, phát sóng, báo chí cũng giúp công chúng hiểu rõ những hậu quả, tác hại của tham nhũng đối với xã hội, đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển của đất nước; ý thức về tầm quan trọng cũng như sự khó khăn của cuộc chiến chống tham nhũng; ý thức về vai trò của mỗi cá nhân, tập thể trong cuộc chiến này…

Bên cạnh đó, báo chí cũng đã góp phần làm công chúng hiểu rõ tham nhũng không phải chỉ có ở đất nước ta, mà còn là hiện tượng xã hội phổ biến, tồn tại ở mọi chế độ xã hội và việc phòng, chống tham nhũng là vấn đề bất cứ quốc gia nào cũng rất chú trọng. Báo chí cũng góp phần giúp công chúng hiểu rõ phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ không thể hoàn thành trong ngày một ngày hai, mà là cuộc chiến liên tục và lâu dài, không kém phần chông gai, quyết liệt… Những nhận thức như vậy đã giúp loại bỏ tư tưởng bi quan, chán nản, thậm chí là ngăn ngừa những suy nghĩ thiếu tích cực, nghi ngờ về quyết tâm của Đảng và Nhà nước cũng như hiệu quả của những giải pháp phòng, chống tham nhũng đã và đang được thực hiện, nhất là trước những vụ việc gây bức xúc, phức tạp nhưng thời gian xử lý kéo dài, gây tâm lý bi quan, chán nản trong quần chúng nhân dân, dư luận xã hội…

Không chỉ dừng lại ở việc thông tin “chung chung”, đấu tranh “chung chung” với tình trạng tham nhũng, từ thực tiễn cuộc sống và trên cơ sở nhận thức biện chứng, dưới lăng kính truyền thông, báo chí cũng đã góp phần làm rõ những nguyên nhân xã hội cũng như kinh tế,… dẫn tới tình trạng tham nhũng, từ đó đề xuất, kiến nghị các giải pháp đúng và trúng để ngăn ngừa, xử lý hữu hiệu, góp phần cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Ngoài ra, báo chí cũng tích cực tuyên truyền, cổ vũ việc thực hiện tiến trình cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính minh bạch, hiệu lực, hiệu quả, từng bước loại bỏ cơ chế xin - cho; đấu tranh nhằm loại bỏ lối làm việc theo kiểu “đi đêm”, “đi cửa sau”… - những điều kiện thuận lợi cho sự phát sinh và phát triển của tình trạng tham nhũng.

Báo chí góp phần công bố những thông tin do nhân dân cung cấp về những hiện tượng, sự việc có biểu hiện tham nhũng

Theo Luật Báo chí, báo chí nước ta không chỉ là phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của các tổ chức của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, mà còn là diễn đàn của nhân dân. Không chỉ “tồn tại” trên quy định, thực tế cho thấy, trong các giai đoạn lịch sử của cách mạng Việt Nam, báo chí Việt Nam đã thể hiện rất rõ vai trò này. Mối quan hệ giữa báo chí với nhân dân nói chung, độc giả nói riêng là mối quan hệ hai chiều: thông qua các nội dung đa dạng được chuyển tải, báo chí đã đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân. Đây cũng chính là yếu tố có tính quyết định tới sự tồn tại, phát triển của mỗi tờ báo. Ở chiều ngược lại, nhân dân chính là nguồn cung cấp thông tin vô cùng quý giá của báo chí. Thông qua báo chí, người dân có thể phản ánh, nêu ý kiến về những vấn đề mình quan tâm, đặc biệt là những vấn đề xã hội bức xúc xảy ra hàng ngày hay kéo dài dai dẳng, trong đó có “quốc nạn tham nhũng”. Đáp ứng được những yêu cầu đó, báo chí đã thực sự trở thành tiếng nói của nhân dân, đứng về phía nhân dân, bảo vệ quyền lợi của nhân dân và tạo được lòng tin trong quần chúng nhân dân.

Trong cuộc chiến chống tham nhũng, Đảng và Nhà nước ta cũng đặc biệt quan tâm, coi trọng vai trò của nhân dân. Như Bác Hồ đã nói, con mắt, đôi tai của quần chúng nhân dân chính là những “ngọn đèn pha” có thể soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp... Nghiên cứu về tổ chức các tòa soạn báo, chúng ta cũng có thể thấy rằng hầu hết các tòa soạn báo đều có bộ phận riêng có nhiệm vụ tiếp nhận - xử lý các thông tin, phản ánh của bạn đọc (như Ban, Phòng bạn đọc). Trong bối cảnh cạnh tranh thông tin hết sức mạnh mẽ trong thời đại toàn cầu hóa, “thế giới phẳng”, trên cơ sở sự phát triển của khoa học công nghệ và xu hướng phát triển của báo chí như hiện nay, thông tin của bạn đọc, của người dân cũng đã có những “con đường” ngắn nhất để đến với các nhà báo, các cơ quan báo chí như qua số điện thoại đường dây nóng, qua thư điện tử hay các phương thức giao tiếp trực tuyến khác. Là một trong những địa chỉ mà người dân tin cậy, nhất là khi hiệu quả đấu tranh của các cơ quan chức năng còn những hạn chế nhất định, thông qua phương thức thuận lợi này, người dân có thể nhanh chóng cung cấp cho báo chí những thông tin liên quan đến các biểu hiện, hành vi tham nhũng của đối tượng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vi phạm pháp luật...

Thực tế cho thấy, không ít vụ việc tham ô, tham nhũng mà báo chí đưa lên công luận trong những năm qua là bắt nguồn từ sự phát hiện, tố giác của quần chúng. Qua những thông tin như vậy, cơ quan chức năng đã vào cuộc và không ít vụ việc đã được làm rõ, người vi phạm đã bị xử lý ở các mức độ khác nhau. Các vụ việc như vụ tham nhũng đất đai của một số quan chức ở Đồ Sơn (Hải Phòng), vụ nhân bản phiếu xét nghiệm máu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức (Hà Nội),… là những ví dụ điển hình về việc người dân tham gia phòng, chống tham nhũng thông qua báo chí.

Báo chí công bố những thông tin do bản thân tìm hiểu, điều tra phát hiện những hiện tượng có biểu hiện tham nhũng

Căn cứ Luật Phòng, chống tham nhũng, ngày 27-3-2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 47/2007/NĐ-CP về vai trò, trách nhiệm của xã hội trong phòng, chống tham nhũng, trong đó đã cụ thể hoá một số vấn đề liên quan đến vai trò và trách nhiệm của báo chí trong lĩnh vực này. Theo đó, khi nhận được kiến nghị, phản ánh, tin, bài của công dân về vụ việc có dấu hiệu tham nhũng hoặc thông qua hoạt động nghề nghiệp của mình phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, cơ quan báo chí, nhà báo có quyền thu thập thông tin, tài liệu theo quy định của pháp luật để làm rõ về vụ việc có dấu hiệu tham nhũng và yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến vụ việc có dấu hiệu tham nhũng theo quy định của pháp luật... Đây chính là cơ sở pháp lý quan trọng để nhà báo, các cơ quan báo chí thực hiện các biện pháp để tiếp nhận thông tin, tìm hiểu, điều tra, đăng tải các bài viết, tác phẩm phát thanh, truyền hình,… có nội dung phản ánh các hành vi, vụ việc tham nhũng.

Thực tế, từ những nguồn tin ban đầu từ bạn đọc, bằng năng lực và các biện pháp nghiệp vụ riêng của mình, với sự hỗ trợ của các phương tiện nghiệp vụ (thiết bị ghi âm, ghi hình)…, nhiều vụ việc tham nhũng đã được các nhà báo, cơ quan báo chí góp phần làm rõ. Các bài, loạt bài phóng sự, điều tra đã phơi bày những sự thật, “vạch mặt chỉ tên” không ít những cá nhân, tập thể tham nhũng. Trong những năm qua, chúng ta đã được đọc, được xem, được nghe không ít những bài phóng sự, điều tra phản ánh một bộ phận không nhỏ cán bộ, trong đó không ít cán bộ có chức, có quyền vì lợi ích cá nhân đã có các hành vi vi phạm pháp luật của Nhà nước, vi phạm các quy định về quản lý gây thiệt hại cho Nhà nước và xã hội, gây mất lòng tin của cán bộ, nhân dân. Những bài báo đó không chỉ đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng, mà còn tạo ra dư luận xã hội trong việc đấu tranh với những hành vi vi phạm đó, đồng thời thúc đẩy các cơ quan chức năng vào cuộc. Trong nhiều trường hợp, những kết quả từ quá trình điều tra của báo chí còn là những thông tin, chứng cứ ban đầu để các cơ quan chức năng mở rộng điều tra, tiếp tục làm rõ và xử lý các vụ việc tham nhũng, tiêu cực có liên quan…

Báo chí thông tin kịp thời, chính xác những vụ, việc tham nhũng đang được điều tra, xử lý… tích cực góp phần tạo dư luận xã hội để đấu tranh phòng, chống tham nhũng

Những năm qua, các vụ án liên quan đến tham nhũng, tiêu cực luôn được báo chí bám sát, cập nhật thông tin hàng ngày, thậm chí hàng giờ để đưa tin, phản ánh. Qua việc phản ánh về các vụ việc này, báo chí không chỉ đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân mà còn góp phần “kích hoạt” tinh thần phòng, chống tham nhũng trong nhân dân...

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo), trong năm 2013 và những tháng đầu năm 2014 các cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương và các địa phương có nhiều tin, bài phản ánh hoạt động của 18 đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) và Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị; việc thành lập, hoạt động của Ban Chỉ đạo, Ban Nội chính Trung ương, các ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương; hoạt động kiểm tra, giám sát việc thanh tra các vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo; hoạt động giám sát của Quốc hội đối với công tác phòng, chống tham nhũng; nhất là công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, đặc biệt là các vụ “đại án” thu hút sự chú ý của đông đảo dư luận quần chúng nhân dân... Thống kê chưa đầy đủ của 40 tờ báo (báo in, báo mạng điện tử) của Trung ương và địa phương cho thấy, trong năm 2013, các tờ báo này đã có hơn 4.452 tin, bài về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng, tăng 15% so với cùng năm 2012 (6). Từ những thông tin trên báo chí, người dân không chỉ nắm được phần nào diễn biến của thực trạng tham nhũng, mà còn hiểu rõ sự quyết tâm, những nỗ lực của Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng trong công tác phòng, chống tham nhũng; đồng thời thấu hiểu hơn về những khó khăn trong công tác này, qua đó tích cực tham gia cuộc chiến này.

Tuy nhiên, cũng có điều đáng quan ngại là, vì muốn đưa thông tin một cách kịp thời, đặc biệt trong thời buổi cạnh tranh thông tin hết sức gay gắt giữa chính các cơ quan báo chí để thu hút bạn đọc; đôi khi các nhà báo đã mắc phải những sai phạm nghề nghiệp, thậm chí gây hậu quả lớn, khiến chính bản thân các nhà báo phải vướng vòng lao lý, cơ quan báo chí bị liên lụy, ảnh hưởng đến uy tín... Nhưng điều đó cũng phản ánh một thực trạng rằng, các nhà báo, cơ quan báo chí còn chưa có được môi trường thuận lợi, chưa được bảo vệ một cách kịp thời, chính đáng,... trong quá trình tác nghiệp, trong quá trình đưa các vụ việc khuất tất, phạm pháp ra ánh sáng. Đó là việc các nhà báo chưa được tiếp cận đầy đủ, chính thống với nguồn thông tin đáng tin cậy; là việc các nhà báo và những nguồn tin của họ chưa được bảo vệ một cách nghiêm túc; là sự thiếu kinh phí hỗ trợ trong quá trình điều tra các vụ việc phức tạp, đòi hỏi công sức, kinh phí không nhỏ mà bản thân nhà báo, cơ quan báo chí không thể “đảm đương” được... Những vướng mắc này, nếu được quan tâm giải quyết một cách thỏa đáng, chắc chắn vai trò của báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng sẽ ngày càng được phát huy hơn nữa..../.

---------------------------------------------

Tài liệu tham khảo:

(1) Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”.

(2) Báo cáo chính trị tại Đại hội lần thứ XI của Đảng; Kết luận Hội nghị T.Ư 5 (khóa XI) về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X.

(3) Phát biểu của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại buổi tiếp xúc của đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh với cử tri quận 1, sáng 26-11-2012 (Báo Dân trí).

(4) Nghiên cứu Chính sách “Vai trò của báo chí trong việc giám sát và phát hiện tham nhũng: Kinh nghiệm quốc tế” (UNDP - tháng 11-2008).

(5) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, t.10, tr.543-546.

(6) Báo cáo số 80-BC/BCĐTW ngày 15-05-2014 về Tình hình, kết quả công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013 đến nay; phương hướng, nhiệm vụ công tác thời gian tới, của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng.