Thế và lực mới của EU

16:28, ngày 18-12-2008

Hội nghị cấp cao Liên hiệp châu Âu (EU) họp tại Brúc-xen (Bỉ) trong hai ngày 11 và 12-12 vừa qua, với sự tham dự của các nhà lãnh đạo 27 nước thành viên, đã kết thúc với những kết quả khả quan.

Hai vấn đề trọng tâm của Hội nghị cấp cao EU cuối cùng trong năm 2008 là kế hoạch hành động đối phó cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và vấn đề biến đổi khí hậu, đã được thông qua. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo EU cũng thảo luận các vấn đề như Hiệp ước Li-xbon, an toàn thực phẩm, an ninh, năng lượng...

Mở màn là việc Cộng hòa Ai-len đồng ý trên nguyên tắc tiến hành trưng cầu ý dân lần thứ hai về việc phê chuẩn Hiệp ước Li-xbon về cải cách thể chế EU, dự kiến vào tháng 10-2009. Ðổi lại, Ai-len được bảo đảm một số vấn đề chính từng là nguyên nhân khiến cử tri Ai-len bác bỏ Hiệp ước Li-xbon, như các quyền lợi hay đại diện trong Ủy ban châu Âu (EC). Các nhà lãnh đạo EU đã thông qua kế hoạch kích thích kinh tế chung trị giá 200 tỉ ơ-rô (257 tỉ USD) nhằm đối phó cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Theo thỏa thuận vừa đạt được, các nước thành viên EU sẽ được trích một khoản tiền tương đương 1,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của mỗi nước trong nỗ lực chung làm giảm hậu quả tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
 
Trong bối cảnh "bóng ma" suy thoái đang đe dọa các nền kinh tế lớn của EU, kế hoạch kích thích kinh tế cả gói nói trên do Anh và Pháp đề xuất sẽ khuyến khích đầu tư vào những lĩnh vực công ở châu Âu và cho phép cắt giảm một số loại thuế. Thủ tướng Anh Gô-đơn Brao (Gordon Brown) vui mừng cho biết, những kết quả EU đạt được tại hội nghị lần này chứng tỏ gia đình 27 thành viên này đã sẵn sàng "đoàn kết hành động" để đưa cả khối thoát khỏi suy thoái. Thủ tướng I-ta-li-a X.Béc-lu-xcô-ni, người từng đe dọa sẽ bỏ phiếu chống bất cứ hiệp định nào của EU có ảnh hưởng xấu các ngành kinh tế chiến lược của I-ta-li-a, đã cam kết rút lại quyền phủ quyết ngay trong ngày họp đầu tiên. Thủ tướng Ðức A.Méc-ken, trước đó kịch liệt phản đối việc chi tiêu quá lớn cho gói kích thích kinh tế sẽ làm tăng thâm hụt ngân sách, tại phiên khai mạc đã bày tỏ quan điểm ủng hộ.

Trước khi bế mạc Hội nghị, các nhà lãnh đạo các nước thành viên EU đã thông qua kế hoạch chống biến đổi khí hậu, với mục tiêu đến năm 2020, giảm 20% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính so với mức của năm 1990, nhằm đối phó tình trạng trái đất ấm lên. Với tinh thần đi đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu, năm 2007, EU đã đưa ra kế hoạch đầy tham vọng "20-20-20". Theo đó, vào năm 2020, EU sẽ giảm 20% lượng khí thải CO2; giảm 20% việc sử dụng năng lượng và phấn đấu để các nguồn năng lượng tái sinh có thể cung cấp 20% nhu cầu năng lượng của toàn khối. Với việc thông qua kế hoạch này, EU sẽ tự tin tham dự Hội nghị quốc tế về biến đổi khí hậu vào cuối năm 2009, ở Thủ đô Cô-pen-ha-ghen (Ðan Mạch), nơi đặt mục tiêu thông qua một thỏa thuận mới thay thế Nghị định thư Ki-ô-tô về giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, sẽ hết hiệu lực vào năm 2012. Việc EU thông qua kế hoạch chống biến đổi khí hậu, được đánh giá là tham vọng nhất thế giới, gây bất ngờ trái ngược với dự đoán của giới phân tích, bởi vì những bất đồng luôn tồn tại trong nội bộ EU, nhất là trong việc thông qua những vấn đề quan trọng và nhạy cảm có ảnh hưởng nền kinh tế của các nước thành viên. Trước thềm hội nghị, các nước EU vẫn có những bất đồng vì mỗi nước đều tìm cách bảo vệ những lợi ích cho nền kinh tế và các ngành công nghiệp của nước mình. Ba Lan và một số thành viên mới ở Ðông Âu đã phản đối quy chế về mua bán quyền thải khí CO2, đòi được miễn trừ các quy định nghiêm ngặt về giảm khí thải với lý do họ còn phụ thuộc nhiều việc sử dụng than. Ðức và I-ta-li-a cũng không đồng tình vì sợ tốn kém và các ngành công nghiệp mũi nhọn của mình sẽ bị ảnh hưởng.

Kết quả của Hội nghị cấp cao EU lần này đã ghi nhận vai trò quan trọng của Pháp trong sáu tháng đảm nhiệm chức Chủ tịch luân phiên EU từ ngày 1-7 đến 31-12, trước khi bàn giao nhiệm vụ cho CH Séc, thể hiện sự thống nhất và hợp tác mới giữa các nước thành viên EU./.