Để đẩy nhanh tốc độ cơ giới hóa nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long
Những năm gần đây, đồng bằng sông Cửu Long có bước chuyển biến mạnh mẽ trong việc đưa cơ giới và các tiến bộ khoa học kỹ thuật, giống lúa tốt vào đồng ruộng nhằm từng bước nâng cao sản lượng và chất lượng lúa gạo.
Tất cả các khâu trong quy trình sản xuất lúa ở đồng bằng sông Cửu Long như làm đất, bơm tưới, thu hoạch, chế biến và bảo quản sau thu hoạch đều được cơ giới hóa. Tuy nhiên, mức độ cơ giới hóa ở từng khâu lại có sự khác nhau.100% diện tích đất sản xuất lúa đều áp dụng cơ giới hóa trong khâu làm đất. Riêng diện tích đất áp dụng gieo sạ lúa theo hàng chỉ mới chiếm khoảng 21% tổng số diện tích đất sản xuất; còn việc cấy lúa bằng máy chỉ mới bắt đầu áp dụng ở một số địa phương như An Giang, Long An... trên qui mô hẹp.
Vài năm gần đây, vùng đồng bằng sông Cửu Long áp dụng lịch xuống giống lúa đồng loạt để né rầy, tránh lũ nên tất cả các địa phương đều thiếu nhân công khi vào vụ thu hoạch rộ. Tuy vậy, tốc độ cơ giới trong khâu thu hoạch lúa ở đồng bằng sông Cửu Long còn chậm, toàn vùng chỉ mới có gần 1.800 máy gặt đập liên hợp và 3.500 máy gặt xếp dãy. Tất cả các máy thu hoạch lúa nói trên chỉ mới đáp ứng được khoảng 15% so nhu cầu. Còn hệ thống sấy lúa ở đồng bằng sông Cửu Long hiện có, chỉ mới đáp ứng được khoảng hơn 30% sản lượng lúa của vụ hè thu, số lúa còn lại phải phơi thủ công, tỷ lệ hao hụt cao.
Cơ giới hóa trong khâu thu hoạch lúa vẫn còn ít
Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các viện, trường, địa phương tổ chức nhiều hội thi máy gặt đập liên hợp, nhằm tuyển chọn ra những máy gặt đập liên hợp phù hợp với vùng đồng bằng sông Cửu Long, khi phải hoạt động trong nhiều điều kiện khác nhau: thu hoạch lúa đứng, thu hoạch lúa ngã đổ, vận hành trên nền ruộng khô ráo, vận hành trên đồng ruộng bùn lầy... Những hội thi như vậy sẽ được tiếp tục tổ chức trong thời gian tới.
Các máy gặt đập liên hợp có giá dao động từ 150 đến 200 triệu đồng/máy, vượt quá khả năng của nông dân. Do đó, Nhà nước thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất nhằm khuyến khích và hỗ trợ nông dân đầu tư mua máy gặt đập liên hợp để khắc phục tình trạng khan hiếm lao động và giảm tỷ lệ thất thoát trong khâu thu hoạch. Tuy nhiên, tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu thu hoạch lúa ở đồng bằng sông Cửu Long còn thấp do một số nông hộ có điều kiện đầu tư thì chờ xem hiệu quả của những người đã đầu tư trước. Mặt khác, do trọng lượng của máy gặt đập liên hợp lên đến khoảng 2 tấn, nên loại phương tiện này chỉ phù hợp với những cánh đồng bằng phẳng, diện tích từng thửa ruộng phải rộng, hạ tầng nông thôn (kênh mương, đường giao thông) phải khá tốt. Đặc biệt, các máy gặt đập liên hợp trong nước thường được sản xuất theo kiểu tự mày mò chứ chưa được sản xuất đại trà theo quy trình công nghiệp nên thiếu phụ tùng thay thế khi bị hư hỏng. Do đó, người tiêu dùng đồng bằng sông Cửu Long ngại mua các máy gặt đập liên hợp được sản xuất trong nước. Trong số 1.800 máy gặt đập liên hợp ở đồng bằng sông Cửu Long hiện nay thì có tới 90% máy gặt đập liên hợp của Trung Quốc.
Cơ giới hóa chế biến và bảo quản lúa gạo vẫn còn bất cập
Hiện tại, việc xay xát, chế biến gạo ở đồng bằng sông Cửu Long đã đạt tỷ lệ cơ giới hóa 100%; hệ thống nhà máy xay xát, chế biến gạo đã phủ khắp từ vùng nông thôn sâu đến thành thị. Do đó, những người buôn bán lúa gạo, sau khi mua lúa thường tiến hành xay xát, bóc vỏ trấu tại chỗ nhằm giảm khối lượng hàng hóa để dễ vận chuyển đi nơi khác. Tuy nhiên, hầu hết các cơ sở xay xát chế biến gạo ở đồng bằng sông Cửu Long hiện nay đều có công suất nhỏ, công nghệ cũ nên tỷ lệ hao hụt (hạt gãy) trong chế biến gạo khá cao.
Hiện nay, bảo quản tồn trữ lúa gạo ở đồng bằng sông Cửu Long và cả nước là khâu yếu nhất của quy trình sản xuất lúa gạo. Tổng các kho chứa lúa của cả nước (thuộc sở hữu của Nhà nước, các tổng công ty, các công ty) hiện nay có năng lực chứa chưa đến 2 triệu tấn. Trong năm 2008, tổng sản lượng lúa ở đồng bằng sông Cửu Long ước lên đến khoảng 20 triệu tấn (vụ đông xuân: 10 triệu tấn, vụ hè thu: 8 triệu tấn, vụ khác: 2 triệu tấn), nhưng tổng sức chứa của các kho ở vùng này chưa đến 1 triệu tấn. Do đó, khi hàng hóa gạo của Việt Nam gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ như năm nay, thì người nông dân “ôm” thêm khâu bảo quản, tồn trữ lúa tại nhà với tỷ lệ hao hụt rất lớn, do chim, chuột cắn phá hoặc bị ẩm mốc.
Cải tạo đồng ruộng để đầu tư cơ giới hiệu quả
Một số địa phương như An Giang, Bạc Liêu, Long An bắt đầu áp dụng việc đưa thiết bị định vị bằng tia la-de để cải tạo mặt bằng đồng ruộng. Việc áp dụng thiết bị kỹ thuật cao để cải tạo đồng ruộng sẽ được nhân rộng trong thời gian tới. Khi mặt ruộng được bằng phẳng, nông dân sẽ giảm nhiều chi phí ở các khâu như giảm lượng lúa giống nhờ sử dụng dụng cụ gieo sạ theo hàng, giảm chi phí bơm tưới, giảm thời gian và nhân công do thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp...
Cấy lúa bằng máy còn khá mới mẻ ở Việt Nam, nhưng bước đầu đã xuất hiện ở An Giang và Long An. Thời gian tới, Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long sẽ hợp tác với các đối tác của Nhật Bản để đưa máy cấy lúa của Nhật Bản trình diễn ở Đồng bằng sông Cửu Long. Khi áp dụng cấy lúa bằng máy sẽ rút ngắn thời gian sinh trưởng của cây lúa ngoài đồng khoảng 15 ngày (thời gian gieo mạ trong khay), giảm sâu bệnh và không bị lúa lẫn. Do đó, việc cấy lúa bằng máy rất phù hợp cho các khu vực ven biển khi phải phụ thuộc vào nguồn nước mưa.
Cần tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh tốc độ cơ giới hóa nông nghiệp
Sản xuất nông nghiệp nói riêng và sản xuất hàng hóa nói chung phải thỏa mãn bài toán cung - cầu, nghĩa là, các cơ quan chức năng phải có dự đoán, dự báo và quy hoạch tốt. Đặc biệt, các bên có liên quan cần hợp lực khắc phục những khiếm khuyết trong mối liên kết 4 nhà. Trong đó, nhà nước đã có các chính sách trợ giúp cho nông dân, còn các nhà khoa học luôn sẵn sàng giúp nông dân. Nhưng vướng mắc hiện nay là làm thế nào để giữ được mối quan hệ hài hòa giữa doanh nghiệp và nông dân. Khi các sản phẩm cá tra chế biến gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ thì doanh nghiệp thường viện vào các tiêu chuẩn kỹ thuật hoặc chậm thu mua cá của nông dân; ngược lại, nông dân sẵn sàng bán mía cho thương nhân khi có giá thu mua cao hơn hợp đồng bao tiêu... Tình trạng này cần sớm được khắc phục nhanh. Mặt khác, nông dân cần tăng cường liên doanh, hợp tác sản xuất để tạo ra nhiều sản phẩm đồng nhất về chất lượng. Đồng thời, cần đẩy mạnh phát triển các mô hình liên kết như hợp tác xã, câu lạc bộ hay các nông trường có quy mô diện tích lớn, bởi như vậy sẽ dễ đưa cơ giới vào đồng ruộng./.
Du lịch mùa cao điểm vẫn khó khăn  (18/12/2008)
Để đẩy nhanh tốc độ cơ giới hóa nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long  (18/12/2008)
Để đẩy nhanh tốc độ cơ giới hóa nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long  (18/12/2008)
Diễn đàn du lịch ASEAN 2009 (ATF 09): Cơ hội quảng bá tiềm năng du lịch, nâng cao vị thế Việt Nam  (18/12/2008)
Quyền con người và thực hiện quyền con người trong điều kiện hiện nay  (18/12/2008)
- Quảng Ngãi phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
- Một số nội dung chủ yếu trong đường lối, chủ trương của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa liên quan đến chuyển đổi công nghiệp
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên