TCCSĐT - Phát triển kinh tế biển có vai trò đặc biệt quan trọng, đóng góp cho tăng trưởng và phát triển chung của nền kinh tế nước ta. Ý thức rõ điều đó, trong những năm đổi mới, Ðảng và Nhà nước ta đã đề ra những chủ trương, chính sách, biện pháp quan trọng nhằm quản lý, bảo vệ, khai thác biển.

Nghị quyết 03-NQ/TW ngày 06-5-1993 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ phát triển kinh tế biển khẳng định đẩy mạnh phát triển kinh tế biển đi đôi với tăng cường khả năng bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia; bảo vệ tài nguyên và môi trường sinh thái biển; phấn đấu trở thành một nước mạnh về biển vào năm 2020. Thực hiện Nghị quyết này, Thủ tướng Chính phủ đã có các chỉ thị triển khai như Chỉ thị 399 ngày 05-8-1993 về một số nhiệm vụ phát triển kinh tế biển trong những năm trước mắt và Chỉ thị 171/TTg năm 1995 triển khai Nghị quyết 03-NQ/TW.

Ngày 22-9-1997, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 20-CT/TW về đẩy mạnh phát triển kinh tế biển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xác định: “Thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá kinh tế biển hướng mạnh vào xuất khẩu, dựa trên những tiến bộ khoa học, công nghệ làm động lực; vừa thúc đẩy nghiên cứu, quản lý, khai thác tiềm năng biển có hiệu quả, vừa tái tạo tài nguyên biển, bảo vệ môi trường, đào tạo nhân lực”; “… tăng cường đầu tư cho nghiên cứu khoa học biển, tìm kiếm thăm dò dầu khí, khoáng sản biển, nguồn lợi hải sản và năng lượng biển, nghiên cứu và bảo vệ môi trường biển, tiếp tục hiện đại hoá khí tượng - thuỷ văn”. Thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị, một loạt kế hoạch về phát triển kinh tế biển đã được thông qua như: Chiến lược phát triển thuỷ sản 2010; Chiến lược phát triển du lịch 2010; Chiến lược phát triển giao thông vận tải 2010…

Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ IX (năm 2001) khẳng định mục tiêu: “Xây dựng chiến lược phát triển kinh tế biển và hải đảo, phát huy thế mạnh đặc thù của hơn 1 triệu km2 thềm lục địa. Tăng cường điều tra cơ bản làm cơ sở cho các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế biển. Đẩy mạnh công tác nuôi trồng, khai thác, chế biến hải sản; thăm dò, khai thác và chế biến dầu khí; phát triển đóng tàu thuyền và vận tải biển; mở mang du lịch; bảo vệ môi trường; tiến mạnh ra biển và làm chủ vùng biển. Phát triển tổng hợp kinh tế biển và ven biển, khai thác lợi thế của các khu vực cửa biển, hải cảng để tạo thành vùng phát triển cao, thúc đẩy các vùng khác. Xây dựng căn cứ hậu cần ở một số đảo để tiến ra biển khơi. Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với bảo vệ an ninh trên biển”. Những nội dung nêu trên tiếp tục được khẳng định tại Đại hội Đảng lần thứ X (năm 2006).

Những quan điểm, biện pháp nêu trên tiếp tục nhấn mạnh chủ trương xây dựng Việt Nam trở thành một nước mạnh về biển, phát triển kinh tế - xã hội vùng biển, hải đảo, ven biển phải gắn kết với yêu cầu bảo vệ đất nước, đặt kinh tế biển trong tổng thể kinh tế cả nước, trong quan hệ tương tác với các vùng và trong xu thế hội nhập kinh tế với khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, nhận thức về vai trò, vị trí của biển, sự quan tâm phát triển các lĩnh vực liên quan đến biển của một số cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các ngành, cả Trung ương và địa phương còn nhiều hạn chế. Thực tế đó đặt ra yêu cầu cấp bách là Đảng và Nhà nước ta cần nâng các quan điểm chỉ đạo nêu trên lên tầm của một văn bản chiến lược. Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa X đã thông qua Nghị quyết về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 (Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 09-02-2007). Quan điểm chỉ đạo của Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 là "nước ta phải trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển trên cơ sở phát huy mọi tiềm năng từ biển, phát triển toàn diện các ngành, nghề biển với cơ cấu phong phú, hiện đại, tạo ra tốc độ phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả cao với tầm nhìn dài hạn". Phấn đấu đến năm 2020, kinh tế biển đóng góp khoảng 53 - 55% GDP, 55 - 60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện một bước đáng kể đời sống của nhân dân vùng biển và ven biển. Nhiệm vụ chiến lược kinh tế "làm giàu từ biển" được xác định: kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng - an ninh, hợp tác quốc tế và bảo vệ môi trường. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển vùng biển, ven biển, hải đảo với phát triển vùng nội địa theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Nghị quyết Đại hội XI của Đảng (năm 2011) khẳng định chủ trương: “Phát triển mạnh kinh tế biển tương xứng với vị trí và tiềm năng biển nước ta, gắn phát triển kinh tế biển với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền vùng biển. Phát triển nhanh một số khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển,… Phát triển kinh tế đảo phù hợp với tiềm năng và lợi thế của từng đảo.”

Những chủ trương, biện pháp nêu trên từng bước được cụ thể hóa trong các lĩnh vực kinh tế biển. Nhờ đó, các lĩnh vực kinh tế biển nước ta đã có bước chuyển biến đáng kể và đạt được những kết quả quan trọng./.