TCCSĐT - Mới đây, những người trồng cà phê Trung Mỹ đã tìm thấy nguồn năng lượng mới từ quá trình chế biến hạt cà phê, biến nước thải nông nghiệp thành khí đốt tự nhiên.

Hội nghị COP 20 hối thúc các nước phát triển có những biện pháp cụ thể cắt giảm khí thải

 

Lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính thế giới phải giảm xuống mức bằng 0% vào năm 2100 mới có thể giảm thiểu những nguy cơ xấu nhất do biến đổi khí hậu gây nên. Ảnh: TTXVN

Ngày 02-12-2014, tại Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc diễn ra ở Thủ đô Li-ma (Pê-ru), các nước đang phát triển kêu gọi các nước phát triển nỗ lực hơn nữa để đi đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Cũng tại Hội nghị, các đại biểu thừa nhận thế giới còn nhiều việc phải làm để đạt được một thỏa thuận toàn cầu về chống biến đổi khí hậu mặc dù có nhiều dấu hiệu lạc quan trong những tuần gần đây sau khi Trung Quốc, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cam kết đưa ra kế hoạch sơ bộ nhằm kiềm chế lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính sau năm 2020.

Ủy ban các nhà khoa học về khí hậu của Liên hợp quốc đệ trình kết quả nghiên cứu từ đầu năm cho thấy lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính thế giới phải giảm xuống mức bằng 0% vào năm 2100 mới có thể giảm thiểu những nguy cơ xấu nhất do biến đổi khí hậu gây nên. Để làm được điều đó, ngoài những biện pháp chính như các quốc gia đang thực hiện, cần xử lý khí thải còn tồn đọng bằng các biện pháp khác như trồng rừng, vì đây là nơi hấp thu khí CO2 khi mức độ này tăng lên.

Nhóm chuyên gia về khí hậu đề nghị thành lập một ủy ban gồm nhiều chuyên gia với mục đích xem xét lại tất cả các cam kết của quốc gia trong từng giai đoạn 5 năm một lần và trên cơ sở đó đưa ra các giải pháp cụ thể.

Các nước “ổ dịch” Ê-bô-la kêu gọi hỗ trợ kinh tế

Ngày 05-12-2014, phát biểu trong một phiên họp đặc biệt về Ê-bô-la của Hội đồng Kinh tế - xã hội của Liên hợp quốc (ECOSOC), Bộ trưởng ba nước chịu ảnh hưởng nặng nhất từ dịch Ê-bô-la là Ghi-nê, Li-bê-ri-a và Si-ê-ra Lê-ôn cho biết dịch bệnh chết người trên đang đặt gánh nặng lớn lên ngân sách quốc gia và đẩy các lĩnh vực chủ chốt bao gồm nông nghiệp, khai mỏ, du lịch đến bên bờ vực. Bộ trưởng ba nước kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ tài chính cho ngân sách quốc gia, tạo điều kiện để các chính phủ giúp đỡ các hộ nông dân nhỏ, doanh nghiệp địa phương, chủ ngân hàng và lĩnh vực du lịch,...

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), tăng trưởng trong năm 2014 của Guinea sẽ giảm mạnh từ mức 4,5% xuống 2,4%, Li-bê-ri-a từ 5,9% xuống còn 2,5% và Si-ê-ra Lê-ôn từ 11,3% xuống 8%. Cả Ghi-nê và Si-ê-ra Lê-ôn đều bị dự báo sẽ rơi vào suy thoái trong năm 2015 trong khi Li-bê-ri-a chỉ tăng trưởng ở mức thấp.

Trong nỗ lực dập dịch Ê-bô-la, ngày 05-12, Chính phủ Bỉ đã thông qua việc triển khai phòng thí nghiệm di động tại Ghi-nê nhằm giúp phòng, chống sự lây lan của vi-rút Ê-bô-la.

Hội nghị thượng đỉnh về an ninh khu vực Trung Đông

Từ ngày 05-12 đến ngày 07-12-2014, cuộc “Đối thoại thường niên Ma-na-ma 2014 lần thứ 10 - hội nghị thượng đỉnh về an ninh khu vực Trung Đông do Viện Quốc tế Nghiên cứu Chiến lược (IISS) tổ chức - đã diễn ra tại Ba-ranh. Các đại biểu thảo luận nỗ lực chống lại chủ nghĩa cực đoan trong khu vực và bàn cách giải quyết các cuộc xung đột ở I-rắc, Xy-ri và Y-ê-men, cũng như chương trình hạt nhân của I-ran và vấn đề Pa-le-xtin. Ngoài ra, Hội nghị cũng thảo luận tình hình tại Áp-ga-ni-xtan và Ai Cập.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thái tử Ba-ranh Xan-man Bin Ha-mát An Kha-li-pha (Salman bin Hamad al-Khalifa) kêu gọi cộng đồng quốc tế tập trung nỗ lực chống lại “chủ nghĩa thần quyền quỷ dữ” của các nhóm thánh chiến như tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng; kêu gọi bỏ khái niệm “cuộc chiến chống khủng bố” và tập trung vào mối đe dọa thực sự là sự nổi lên của “chủ nghĩa thần quyền quỷ dữ”.

Tại phiên tranh luận được truyền hình trực tiếp mang tên “Đằng sau xung đột: Nhìn về tương lai của Trung Đông”, I-ran đã kêu gọi thành lập một khối khu vực mới gồm các nước thành viên Tổ chức Hợp tác vùng Vịnh (GCC), cùng I-rắc, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ và I-ran, nhằm giải quyết các thách thức mang tính khu vực.

Biến nước thải từ hạt cà phê thành năng lượng xanh

 
Mới đây, những người trồng cà phê Trung Mỹ đã tìm thấy nguồn năng lượng mới từ loại hạt cà phê bằng cách biến nước thải nông nghiệp thành khí đốt tự nhiên.

Nước thải từ quá trình xử lý hạt cà phê tươi thường không được để ý và xử lý trước khi đổ vào hệ thống nước thải. Ở Trung Mỹ, người địa phương gọi loại nước này là “nước mật ong” (honey water) vì vị ngọt cũng như màu vàng của nó. Tuy nhiên, do sự lên men của hạt cà phê, loại nước này chứa nhiều khí mê-tan, một trong những khí thải góp phần lớn nhất gây ra tình trạng nóng lên toàn cầu. Loại nước này đổ ra sông khiến những người dân sử dụng nguồn nước này bị các bệnh da liễu và nhiễm khuẩn ruột.

Theo một dự án thử nghiệm đang được tiến hành tại 19 trang trại ở Ni-ca-ra-goa, Goa-tê-ma-la và Hon-đu-rát, loại nước thải sẽ được xử lý chiết xuất mê-tan và khí này sẽ được sử dụng để chạy máy phát điện và đun nấu.

Dự án này được nhóm phát triển nông trại xanh UTZ Certified của Hà Lan khởi động từ năm 2010 nhằm tìm cách giảm lượng nước sử dụng trong ngành nông nghiệp trồng cà phê và sử dụng chúng sáng tạo hơn. Những người trồng cà phê tại các trang trại này cho biết, chỉ một tháng sau khi tham gia, chương trình đã cho thấy hiệu quả. Theo giám đốc kỹ thuật của dự án, lượng nước sử dụng tại một trang trại có thể giảm trên 80%. Việc sử dụng khí mê-tan để đun nấu cũng giúp người dân giảm việc chặt củi để nấu ăn. Ngoài ra, đối với các trang trại tham gia dự án, các sản phẩm cà phê của họ được dán nhãn bảo đảm sản xuất bằng công nghệ xanh và điều kiện lao động tốt. Nhóm UTZ đã bắt đầu mở rộng dự án này tại Cô-lôm-bi-a, Pê-ru và Bra-xin và đang tìm nguồn vốn hỗ trợ để triển khai dự án ở cả Kê-ni-a và Việt Nam./.