Bảo vệ môi trường ở đồng bằng sông Cửu Long trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Lời Bộ Biên tập: Ngày 30-9-2008, tại thành phố Cần Thơ, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản phối hợp cùng Thành ủy, ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ và Viện Khoa học Công nghệ Phương Nam tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Bảo vệ môi trường ở đồng bằng sông Cửu Long trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. Mục đích của Hội thảo nhằm bàn thảo những giải pháp góp phần xử lý, khắc phục tình trạng ô nhiễm và bảo vệ tốt nhất môi trường vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đồng chí Tô Huy Rứa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã đến dự và phát biểu ý kiến, gợi mở một số vấn đề cho Hội thảo.
Tạp chí Cộng sản giới thiệu với bạn đọc bài Tổng thuật Hội thảo và một số tham luận quan trọng tại Hội thảo
TỔNG THUẬT HỘI THẢO
Trên 50 báo cáo, tham luận của các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đã gửi đến Ban tổ chức Hội thảo cùng gần 20 ý kiến phát biểu tại Hội thảo đã đề cập tương đối đầy đủ các vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL): từ thực trạng, nguyên nhân và đến các giải pháp. Dưới đây xin khái lược những nội dung chính đã được thảo luận tại Hội thảo.
1 - Ô nhiễm môi trường và những hệ quả
Các tham luận đều đưa ra nhận định chung là môi trường tại ĐBSCL đang bị ô nhiễm nặng bởi chất thải từ các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN); từ lạm dụng các loại hóa chất trong sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng, chế biến thủy hải sản; từ rác thải sinh hoạt, rác thải y tế và từ môi trường biển trong quá trình phát triển. Trong những năm gần đây, việc đầu tư phát triển KCN tại các tỉnh vùng Đông Nam Bộ đã chững lại, xu hướng chuyển dần KCN sang các tỉnh liền kề thuộc vùng ĐBSCL ngày một tăng lên. Hiện nay, ở đây có khoảng 15.000 doanh nghiệp, trên 150 KCN và CCN, trong đó với trên 70% KCN chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, 90% cơ sở sản xuất đổ thẳng chất thải ra môi trường. Thực tế đó làm cho tình trạng ô nhiễm môi trường tại ĐBSCL đã đến mức báo động. Hằng năm, các KCN, CCN thải ra trên 45 triệu m3 nước thải công nghiệp và hơn 220.000 tấn rác thải công nghiệp, ngoài ra, rác thải sinh hoạt hằng năm là hơn 600.000 tấn rác thải rắn và trên 100 triệu m3 nước thải. Hầu hết các rác thải và nước thải nói trên đều không được xử lý một cách khoa học.
Tham luận của ThS Huỳnh Thanh Nhã, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ, và nhiều tham luận khác đã làm rõ tình trạng gây ô nhiễm môi trường của các KCN, CCN tại các tỉnh trong khu vực này. Cụ thể:
Tại Long An, ngoài các KCN Đức Hòa I và Thuận Đạo đang vận hành nhà máy xử lý nước thải tập trung giai đoạn I, các KCN Long Hậu, Đức Hòa III, Cầu Tràm đang xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung, công tác xử lý bụi, mùi hôi chưa tốt gây ảnh hưởng đến các khu vực xung quanh. Riêng công trình xử lý rác thải theo quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt từ lâu, nhưng tại các KCN chỉ có khu xử lý rác sơ bộ đóng vai trò trung chuyển rác đến khu xử lý rác tập trung tại Tân Thành, huyện Thủ Thừa, nhưng trên thực tế khu xử lý rác này vẫn chưa hoạt động.
Tại Tiền Giang, một số doanh nghiệp chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải cục bộ hoặc đã xây dựng nhưng không hoạt động thường xuyên. Do phải hứng hết nước thải cột B và C, thậm chí nước thải chưa qua xử lý, hiện nước sông Tiền ở một số đoạn đã bị ô nhiễm vượt mức tiêu chuẩn quốc gia.
Tại Vĩnh Long, hiện có 9/15 doanh nghiệp đang hoạt động tại KCN Hòa Phú, nhưng chỉ mới có 4/9 doanh nghiệp xây dựng được hệ thống xử lý nước thải cục bộ. Các doanh nghiệp còn lại đang chuẩn bị xây dựng hoặc có xây dựng nhưng chỉ mang tính chất tạm thời, nên dù nước thải đã qua xử lý cục bộ nhưng vẫn chưa bảo đảm tiêu chuẩn cho phép, vẫn chảy thẳng vào khu chứa tạm của KCN. Xung quanh khu chứa nước thải tạm thời có nguy cơ sạt lở nhiều nơi, hiện tượng rò rỉ, thẩm thấu, chảy ra kênh và ruộng lúa làm phát sinh mùi hôi đã đến mức báo động về ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Tại thành phố Cần Thơ, các KCN tập trung đều nằm dọc theo sông Hậu, con sông đang đứng trước các nguy cơ về ô nhiễm môi trường do chất thải rắn và nước thải công nghiệp. Tại KCN Trà Nóc 1 có khoảng 60% doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải cục bộ. Lượng nước thải này cộng với nước thải chưa được xử lý từ các doanh nghiệp cùng đổ vào hệ thống cống chung thoát ra rạch Sang Trắng, rạch Chôm hoặc thải trực tiếp ra sông Hậu, gây ô nhiễm mặt nước sông Hậu, trong đó có nhiều thành phần vượt tiêu chuẩn cho phép. Hiện nay, tất cả các KCN của thành phố Cần Thơ đều chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, nên phần lớn nguồn nước thải với những chất cặn bã, phụ phế phẩm sau khi sản xuất đều xả trực tiếp xuống các sông rạch lân cận, làm cho môi trường nước ô nhiễm trầm trọng.
Theo nhận xét của ông Phạm Đình Đôn, Chi cục Bảo vệ môi trường khu vực Tây Nam Bộ, hiện nay, toàn vùng chưa có KCN nào đáp ứng yêu cầu xử lý chất thải triệt để, chưa có hệ thống lưu trữ và xử lý chất thải rắn an toàn, đặc biệt là chất thải nguy hại, phần lớn nước thải từ sản xuất công nghiệp chưa được xử lý đúng quy định đã trực tiếp thải ra sông, rạch. Bên cạnh đó, các chủ đầu tư vào kết cấu hạ tầng KCN chỉ xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung khi đã lấp đầy trên 60% diện tích đất công nghiệp, mà lẽ ra phải xây dựng ngay từ khi triển khai dự án cùng với các công trình giao thông, điện, cấp thoát nước.
Trong sản xuất nông nghiệp, ô nhiễm đang gia tăng với cấp số nhân. Báo cáo của ông Lâm Ngọc Triết, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Trà Vinh cho thấy, 100% diện tích đất canh tác đều lạm dụng và sử dụng không hợp lý trên 1.234 chủng loại thuốc trừ sâu, diệt cỏ, kích thích tăng trưởng, diệt chuột... Bình quân 1 ha đất sử dụng trên 1 kg các loại hoạt chất bảo vệ thực vật, hằng năm Trà Vinh sử dụng 187 tấn hóa chất các loại trong sản xuất nông nghiệp. Chưa kể những năm có dịch rầy nâu, dịch vàng lùn, lùn xoắn lá, dịch bọ cánh cứng hại dừa, lượng thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng tăng đột biến rất cao. Tại các trang trại chăn nuôi gia súc, vấn đề ô nhiễm cũng thực sự báo động. Bình quân mỗi ngày tại đây tổng số lượng đàn gia súc thải ra môi trường 1.700 tấn phân. Nếu trong số này được người dân sử dụng 50% vào các mục đích khác, thì số còn lại cũng là một lượng chất thải không nhỏ. Phân, nước thải, khí thải chứa mùi hôi và hàm lượng hữu cơ cao, cùng với các loại mầm bệnh được thải ra môi trường đều là những tác nhân cực kỳ nguy hại. Tính trung bình tại cả vùng ĐBSCL lượng bùn thải và chất thải thủy sản 500 triệu m3/năm, trong đó chất thải từ nuôi cá tra, cá ba sa là hơn 2 triệu tấn/năm.
Những hệ quả của nạn ô nhiễm môi trường đã được phân tích rõ trong tham luận của TS Trần Hồng Hà, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và trong nhiều tham luận khác: Thứ nhất, môi trường nước và đất bị biến đổi. Diện tích đất trồng lúa cả năm giảm dần, diện tích trồng lúa mùa, lúa đông - xuân và lúa hè - thu năm 2000 là 3.945.800 ha nhưng đến năm 2006 đã giảm xuống còn 3.773.200 ha. Các hệ sinh thái đất ngập nước bị tác động cả về quy mô và chất lượng. Thứ hai, hệ sinh thái rừng và đa dạng sinh học bị suy giảm. Đến nay, diện tích đất lâm nghiệp trong khu vực chỉ còn khoảng 356.200 ha, trong đó rừng tự nhiên chỉ chiếm khoảng 15% và còn lại 85% là rừng trồng tái sinh. Thứ ba, môi trường biển và ven biển bị xuống cấp. Hiện ĐBSCL có đến 81 vị trí xói lở bờ sông, bờ biển và 37 khu bồi lắng có nguy cơ gây sự cố môi trường. Thứ tư, môi trường đô thị và sản xuất công nghiệp đang gia tăng ô nhiễm. Các chất thải rắn sinh hoạt, nước thải sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp, nước thải công nghiệp, rác thải y tế,... do chưa được xử lý triệt để đang gây nên các áp lực nhiều mặt đến ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân. Phát triển đô thị và khu công nghiệp với tốc độ quá nhanh đang thực sự gây ra áp lực nhiều mặt đến môi trường sinh thái. Thứ năm, nước sạch và vệ sinh môi trường suy giảm. Hiện nay ở ĐBSCL còn khoảng 20% - 30% số hộ gia đình chưa có nước sạch để sử dụng trong đời sống và sinh hoạt. Dịch bệnh tôm nuôi, cá nuôi chết hàng loạt trong ngành thủy sản, dịch cúm gia cầm, dịch bệnh trong chăn nuôi gia súc trong ngành nông nghiệp... diễn ra khá phổ biến với quy mô tăng lên. Vấn đề nước sạch và vệ sinh môi trường ở đây đã trở thành bức xúc.
2 - Nguyên nhân và những kinh nghiệm ngăn chặn tác hại của ô nhiễm môi trường
Các tham luận và ý kiến phát biểu tại Hội thảo đã chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường trong khu vực. Những nguyên nhân đó là:
- Sự gia tăng nhanh chóng của các KCN, CCN. Năm 2003 ở ĐBSCL có 68 KCN và CCN với tổng diện tích 15.154 ha, năm 2005 có 111 KCN và CCN với diện tích 24.091 ha; năm 2007 toàn khu vực ĐBSCL đã có 151 KCN và CCN sản xuất tập trung với gần 30.000 ha. Định hướng đến năm 2010 là 31.500 ha và năm 2020 sẽ là 50.000 ha diện tích dành cho phát triển KCN và CCN ở khu vực ĐBSCL. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ ở ĐBSCL cũng có bước phát triển rất nhanh. Năm 2003 có tổng số 10.900 doanh nghiệp hoạt động, đến năm 2005 là 12.757 doanh nghiệp và đến năm 2007 đã là 14.258 doanh nghiệp.
- Do nuôi trồng thủy sản. Theo ông Phạm Đình Đôn, việc tiếp cận các phương thức nuôi trồng mới với mật độ cao, năng suất lớn, đã làm gia tăng nhanh chóng việc sử dụng nhiều năng lượng, vật tư, chế phẩm hóa học, sinh học cho nuôi trồng thủy sản và gây nên các tác động môi trường ngày càng tăng, nếu không được xử lý triệt để có thể tạo ra sự mất cân bằng, sự tổn thất của hệ thống sinh thái tự nhiên ảnh hưởng. Điều đó ảnh hưởng không những đến môi trường mà còn làm chao đảo cả vấn đề kinh tế trong cán cân giữa nuôi trồng, chế biến và thị trường tiêu dùng và xuất khẩu trong ngành thủy sản. Theo số liệu của các nhà chuyên môn, để có 1 kg cá thành phẩm thì cần 5 kg thức ăn và thải ra môi trường 4 kg chất thải. Năm 2007, ĐBSCL đạt sản lượng 1 triệu tấn cá, tương ứng có 4 triệu tấn chất thải thải vào môi trường tự nhiên. Nuôi tôm làm cho diện tích rừng tự nhiên bị thu hẹp, lượng ao, đầm được đào đắp, nạo vét phá vỡ kết cấu tự nhiên, ảnh hưởng tầng đất phèn, cùng với hàng loạt chất độc hại như kim loại nặng, các loại kháng sinh, ô nhiễm hữu sinh gây mùi khó chịu được nạo vét đưa lên từ đáy ao nuôi, làm cho không một loại cây trồng nào có thể sinh trưởng và phát triển được. Năm 2005 diện tích nuôi trồng toàn vùng là 200.000 ha, năm 2008 đã lên đến 700.000 ha.
- Việc quy hoạch các KCN, CCN chưa tốt trong bố trí các khu chức năng xử lý môi trường, sắp xếp các loại hình sản xuất chưa phù hợp với các đặc trưng ô nhiễm, chưa đáp ứng yêu cầu cần thiết cho việc bảo vệ môi trường. Ông Huỳnh Văn Thoàng, Trưởng Ban quản lý KCN tỉnh Vĩnh Long, nhận xét: “Công tác quy hoạch KCN còn bộc lộ nhiều bất cập, chưa tuân thủ những quy định về bảo vệ môi trường, chỉ giới hạn phạm vi tỉnh mà chưa chú trọng đến liên kết vùng. Yếu tố vùng rất quan trọng để quy hoạch, xác định những ngành công nghiệp đặt ở thượng lưu, hạ lưu, hay bố trí xa nguồn nước. Hiện nay, các chương trình hỗ trợ từ cơ quan chức năng chỉ tập trung giải quyết vấn đề cải thiện môi trường đầu tư. Rất ít dự án giám sát ô nhiễm môi trường và thống kê chất lượng nước thải tại KCN một cách toàn diện”.
- Công tác giám sát và chế tài chưa chặt chẽ. ThS Huỳnh Thanh Nhã, nêu lên thực trạng: “Các cơ quan nhà nước ở địa phương và Trung ương chưa có chế tài và giám sát chặt chẽ việc xây dựng KCN, CCN theo quy hoạch được phê duyệt, do đó, trong báo cáo khả thi, các hạng mục xử lý chất thải và bảo vệ môi trường thường không được chú trọng. Nhiều doanh nghiệp đã có hệ thống xử lý nước thải, nhưng chỉ vận hành cầm chừng, đối phó. Ngay cả ở những KCN, CCN đã có trạm xử lý nước thải tập trung, thì chất lượng thực tế của các công trình này vẫn hạn chế, chưa đạt được những tiêu chuẩn quy định về môi trường”.
- Nhận thức của chủ đầu tư chưa cao. Nhiều ý kiến cho rằng, nhận thức của không ít chủ đầu tư dự án về nghĩa vụ và trách nhiệm bảo vệ môi trường trong sản xuất chưa cao, chưa tuân thủ đầy đủ các nội dung trong quyết định phê chuẩn của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.
Về kinh nghiệm giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, các tham luận đã đóng góp nhiều ý kiến quý báu. Ông Đỗ Minh Đức, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bến Tre nêu kinh nghiệm của Bến Tre về quy hoạch xây dựng các KCN, CCN, quy hoạch phát triển các làng nghề... việc quy hoạch xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung và đạt tiêu chuẩn được ưu tiên hàng đầu. Trong quy hoạch phát triển các ngành sản xuất công nghiệp, vấn đề bảo vệ môi trường cũng được đề cao khi xác định ngành nghề ưu tiên và công nghệ phát triển. Tỉnh cũng đã triển khai đề án di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu vực dân cư ở nội ô thị xã; có chính sách hỗ trợ các làng nghề đổi mới công nghệ, nâng cấp kết cấu hạ tầng để hạn chế ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất. Ông Đỗ Hoàng Việt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, đã trình bày cách làm của Long An trong huy động các nguồn vốn để đầu tư trên lĩnh vực môi trường, đầu tư kinh phí quy hoạch nghĩa trang, xử lý rác công nghiệp và sinh hoạt để có cơ sở kêu gọi đối tác thực hiện; duy trì thực hiện kế hoạch phối hợp liên vùng với các tỉnh đã ký kết; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh giải quyết tình trạng ô nhiễm nguồn nước kênh Thầy Cai, sông Cần Giuộc; chủ trì phối hợp cùng với Cảnh sát môi trường, các ngành chức năng, UBND các huyện, thị xã tăng cường công tác thanh tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về môi trường; tổng điều tra các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, tiến hành phân loại theo mức độ ô nhiễm và đề xuất các giải pháp xử lý đối với từng trường hợp gây ô nhiễm. Về việc phát triển và nuôi trồng thủy sản, ông Phạm Thành Tươi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Cà Mau, đưa ra kinh nghiệm của tỉnh trong việc tổ chức xây dựng quy hoạch và triển khai thực hiện quy hoạch nuôi trồng thủy sản đến năm 2011 và định hướng đến năm 2020, phù hợp với quy hoạch tổng thể của tỉnh và các ngành. Trên cơ sở đó, bố trí sản xuất cây, con phù hợp với điều kiện sinh thái, đất đai, hạ tầng kỹ thuật; trong đó chú trọng việc phát triển nuôi trồng thủy sản theo mô hình sinh thái tôm - rừng, tôm - lúa và chỉ phát triển nuôi thâm canh, bán thâm canh ở những nơi có điều kiện (diện tích nuôi thâm canh, bán thâm canh khoảng 10.000 ha - 11.000 ha vào năm 2010, chiếm 4,5% diện tích nuôi tôm). Tạo nhiều sản phẩm có chất lượng cao, hạn chế rủi ro trong sản xuất, bảo đảm tính bền vững gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, tăng thu nhập cho người dân.
TS, KTS Ngô Việt Nam Sơn, dựa trên kinh nghiệm của Mỹ và Anh, đã trình bày quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp gắn với lợi thế của toàn vùng, bảo đảm bảo vệ tốt nhất các giá trị đa dạng sinh học của vùng ngập nước; TS Nguyễn Kiểm Thân đưa ra ý kiến về việc bảo vệ môi trường bằng phát triển kinh tế tri thức như nhiều quốc gia đã thực hiện. Các ý kiến còn giới thiệu kinh nghiệm của nhiều mô hình đã được áp dụng thành công như: chọn lựa công nghệ tiên tiến thu hút đầu tư vào khu vực; khuyến khích áp dụng công nghệ sản xuất sạch; quy hoạch phát triển các ngành nghề cho phù hợp; giải quyết tốt và hài hòa giữa phát triển công nghiệp với nông nghiệp công nghệ cao, nuôi trồng, chế biến thủy sản sạch và phát triển du lịch sinh thái; quy hoạch phát triển các trung tâm đô thị và cụm điểm dân cư trong chiến lược phát triển chung...
3 - Những kiến nghị, giải pháp nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm, bảo vệ môi trường
Một là, phải coi bảo vệ môi trường là nhiệm vụ sống còn, hay nói cách khác đó là điều kiện cần thiết để phát triển bền vững. TS Trần Văn Hiển, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị Tôn Đức Thắng (An Giang), cho rằng: sự phát triển bền vững luôn đòi hỏi gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái, chúng có mối quan hệ, tác động biện chứng với nhau. Trong phát triển của ĐBSCL hiện nay, khi lựa chọn chiến lược, quy hoạch phát triển cần phải xem xét đánh giá tác động của nó đối với môi trường để đạt sự tăng trưởng, phát triển nhưng vẫn duy trì được nguồn tài nguyên, phát huy được tiềm năng, lợi thế.
Hai là, xác định lợi thế và chiến lược phát triển của khu vực. Theo ông Trần Văn Tư, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Cần Thơ, cần xác định lại lợi thế của vùng ĐBSCL không phải là công nghiệp cơ khí gây ô nhiễm mà là nông nghiệp đa dạng sinh học, công nghiệp không khói... cần xóa dần nền nông nghiệp hóa chất, chuyển đổi thành nền nông nghiệp sinh học hữu cơ, tích hợp với công nghiệp, dịch vụ, tạo lợi thế khác biệt trong cạnh tranh và phân công lao động quốc tế. ĐBSCL đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa không phải bằng mở rộng quá mức khu công nghiệp, khu đô thị mới, mà phải gắn liền với công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Ba là, làm tốt công tác quy hoạch. Các ý kiến đều thống nhất cần phải tập trung làm tốt công tác quy hoạch phát triển KCN, CCN tại các tỉnh và thành phố gắn liền với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL và cả nước trong mối quan hệ chiến lược chặt chẽ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, phát huy vai trò lợi ích của cả vùng, tránh hiện tượng tập trung thu hút đầu tư mà xem nhẹ nhiệm vụ xử lý môi trường trong sản xuất công nghiệp, gây khó khăn cho công tác bảo vệ môi trường. Xây dựng các tiêu chí chặt chẽ về các phân khu chức năng của sản xuất, của kết cấu hạ tầng đầu tư cho bảo vệ môi trường đối với các KCN, CCN được quy hoạch; bảo đảm ngay từ đầu nguồn vốn và nhân lực kỹ thuật cho nhiệm vụ bảo vệ môi trường, các KCN, CCN phải bảo đảm đầu tư hoàn chỉnh các hệ thống xử lý đáp ứng tiêu chuẩn môi trường trước lúc đưa vào hoạt động.
Bốn là, nâng cao năng lực thẩm định các dự án đầu tư và các báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án đầu tư, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình lập và thẩm định đánh giá tác động môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường. Xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát các dự án đầu tư, từ ngay khi xây dựng, thẩm định và đầu tư dự án nhằm loại bỏ các dự án không đáp ứng yêu cầu và xử lý kịp thời các vi phạm. TSKH Trần Hà Anh, Nguyên Phó Chủ nhiệm ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội Khóa X, kiến nghị: các ban quản lý các KCN, CCN phải tuân thủ nghiêm ngặt quy hoạch phát triển tổng thể đã được các cấp chính quyền phê duyệt, phải bố trí các khu chức năng và loại hình sản xuất phù hợp đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.
Năm là, tăng cường vai trò quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của chính quyền các cấp, các ngành chức năng, tổ chức xã hội, cộng đồng dân cư trong việc thực thi Luật Bảo vệ môi trường đối với các KCN, CCN và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Nhiều ý kiến nhấn mạnh, cần kiên quyết xử lý triệt để các hình thức vi phạm nghiêm trọng Luật Bảo vệ môi trường; nâng cao nhận thức cho các chủ đầu tư và các chủ doanh nghiệp nhằm bảo đảm các dự án đầu tư, đồng thời ban hành và thực thi Quy chế Bảo vệ môi trường đối với các KCN, CCN... nhằm tăng cường hiệu lực quản lý và bảo vệ môi trường.
Sáu là, ứng dụng khoa học và công nghệ. Theo TS Phạm Văn Quyền, Vụ trưởng, Bộ Khoa học và Công nghệ, cần tăng cường đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất, đầu tư mạnh hơn cho việc áp dụng tiến bộ khoa học - công nghệ mới, ưu tiên công nghệ, quy trình sản xuất ít gây ô nhiễm môi trường, công nghệ sạch trong công nghiệp, công nghệ vi sinh trong xử lý chất thải... Trong nông nghiệp, áp dụng mô hình quản lý, quy trình sản xuất, sử dụng hợp lý, hiệu quả phân bón, thuốc trừ sâu có nguồn gốc vô cơ, sử dụng nhiều hơn các chế phẩm hữu cơ, tăng độ màu mỡ và cải tạo đất. Xử lý nước thải ngay từ nguồn trong nuôi trồng, chế biến thủy hải sản với hệ thống hoàn chỉnh và các công nghệ thích hợp.
Bảy là, đầu tư nguồn nhân lực. Tăng cường cho công tác bảo vệ môi trường một đội ngũ cán bộ chuyên trách từ cơ sở đủ năng lực, hiểu biết và tâm huyết. Đầu tư trang thiết bị cho công tác dự báo, cảnh báo về biến động của thiên tai, phát hiện, đo đạc mức độ ô nhiễm môi trường và những ảnh hưởng tiêu cực của nó. Đào tạo và bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ làm công tác bảo vệ môi trường. Nâng cao năng lực của cơ quan chức năng trong quản lý, bảo vệ môi trường, phòng ngừa và khắc phục hậu quả do sự cố môi trường gây ra.
Tám là, cần có sự chỉ đạo tập trung, hợp tác, liên kết toàn vùng, các địa phương, các cấp, các ngành. Nếu không khắc phục tình trạng “mạnh ai nấy lo”, nơi xử lý triệt để, nơi không, xử lý ngọn mà không xử lý từ gốc... thì môi trường chung của ĐBSCL sẽ không được bảo vệ. Trong tham luận của ông Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, đã nêu bảo vệ môi trường vùng ĐBSCL là nhiệm vụ rất rộng lớn, phức tạp, không có ranh giới địa lý, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác nhau. Vì vậy, đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các bộ, ngành ở Trung ương và các địa phương trong vùng.
Chín là, mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường. Việt Nam đã và đang tham gia tích cực, có hiệu quả các hoạt động quốc tế và khu vực trên cơ sở các điều ước, cam kết quốc tế, thực hiện nhiều chương trình, dự án song phương và đa phương. Đối với ĐBSCL, nơi hạ nguồn sông Mê Kông, trong thực hiện bảo vệ môi trường rất cần một sự hợp tác quốc tế giữa các nước có chung dòng sông gồm: Trung Quốc, Mi-an-ma, Thái Lan, Lào, Cam-pu-chia và Việt Nam. Trước hết là tham gia tích cực vào hoạt động của ủy ban sông Mê Kông (MRC) và Hiệp ước hợp tác phát triển bền vững vùng hạ lưu sông Mê Kông, nay đổi thành ủy hội sông Mê Kông gồm 4 nước Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia, Thái Lan trong chia sẻ thông tin, dự báo lũ lụt, theo dõi dòng chảy, trao đổi dữ liệu thủy văn. Đồng thời cũng cần tranh thủ tối đa nguồn hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, các quốc gia và cá nhân cho công tác bảo vệ tài nguyên môi trường.
Mười là, nâng cao nhận thức của cộng đồng về môi trường. Theo ông Nguyễn Văn Nam, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Đồng Tháp, tuy môi trường là vấn đề không gò bó trong phạm vi các biên giới hành chính, có những vấn đề môi trường thuộc tầm cỡ rộng lớn cấp toàn cầu, quốc gia, vùng hoặc địa phương, nhưng trong thực hành bảo vệ môi trường có một nguyên tắc quan trọng là “Nghĩ - Toàn cầu, Làm - Địa phương”. Chính những hành động bảo vệ môi trường của từng công dân, từng gia đình, từng xóm, ấp, từng xã, phường đã đóng góp một phần không nhỏ cho sự thành công của chiến lược bảo vệ môi trường chung của quốc gia và toàn cầu.
Tuy nhiên, như trong phần kết luận Hội thảo của PGS, TS Tạ Ngọc Tấn, ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, còn rất nhiều việc phải làm để ngăn chặn nạn ô nhiễm môi trường cũng như những hệ quả của nó. Trước mắt, những kiến nghị, giải pháp cần phải được xã hội hóa trên các phương tiện thông tin đại chúng, có như vậy mới thực sự tác động tích cực, kịp thời đến việc giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và của cả nước nói chung./.
Quy hoạch, đầu tư và vận hành kết cấu hạ tầng  (13/12/2008)
Cần nâng cao hiệu quả Luật Phòng chống tham nhũng trong thời gian tới  (13/12/2008)
Chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh  (13/12/2008)
Khai mạc Đại hội đồng lần thứ 9 AFPPD  (13/12/2008)
Chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh  (13/12/2008)
Kêu gọi thế giới đối phó khủng hoảng kép  (13/12/2008)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên