TCCSĐT - Trước cuộc bầu cử, dư luận quốc tế hy vọng Quốc hội mới ở U-crai-na có thể giúp chấm dứt thảm kịch của một đất nước đang bị chia rẽ, song kết quả cũng như bối cảnh diễn ra cuộc bầu cử với nhiều khó khăn khiến dư luận tỏ ra thận trọng và bi quan.

Mỹ sử dụng các phần tử phát xít làm gián điệp trong Chiến tranh Lạnh

Theo các tài liệu được giải mật mới đây, quân đội Mỹ, Cơ quan tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã sử dụng ít nhất 1.000 phần tử Đức quốc xã làm gián điệp chống lại Liên bang Xô-viết (cũ) trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Trong số những phần tử này có một số đối tượng từng giữ chức vụ cao trong Đảng Đức Quốc xã, được thuê làm gián điệp cho Oa-sinh-tơn tại châu Âu.

Cụ thể, cựu quan chức thuộc lực lượng cận vệ (SS) của Hít-le Ốt-tô von Bôn-xvinh (Otto von Bolschwing), người có nhiệm vụ phác thảo các chính sách khủng bố người Do Thái, cũng nằm trong danh sách tuyển dụng làm hoạt động gián điệp tại châu Âu. Một phần tử Đức quốc xã khác là A-lếch-xan-đra Li-lây-kít (Aleksandras Lileikis), đối tượng có liên quan đến nhiều vụ thảm sát hàng chục nghìn người Do thái tại Lít-va, đã nhận lời làm gián điệp cho Mỹ tại Đông Đức. Cũng theo các tài liệu mật trên, cố Giám đốc FBI, J. Ét-ga Hâu-vơ (J. Edgar Hoover) không chỉ thông qua kế hoạch tuyển mộ trên, mà còn cố tình “làm ngơ” trước những hành động man rợ của số phần tử Đức quốc xã trong suốt Chiến tranh thế giới thứ hai.

Những tiết lộ động trời trên được đưa ra một tuần sau khi hãng thông tấn AP của Mỹ công bố một cuộc điều tra cho thấy Chính phủ Mỹ từng chi nhiều triệu USD cho hàng chục đối tượng phát xít bị tình nghi là tội phạm chiến tranh để “ép” những đối tượng này rời khỏi Mỹ. Bộ Tư pháp Mỹ sau đó cho biết số tiền trên là khoản trợ cấp an sinh xã hội trả cho các cá nhân tự nguyện từ bỏ quốc tịch Mỹ và rời khỏi nước này.

Cộng đồng quốc tế cam kết ủng hộ 3 tỷ USD để cứu biển A-ran

Ngày 30-10-2014, sau hội nghị quốc tế hai ngày tại U-dơ-bê-ki-xtan, các nhà hảo tâm cam kết ủng hộ 3 tỷ USD để cải thiện tình hình kinh tế - xã hội, y tế và sinh thái cho ba nước ven biển A-ran hay còn gọi là biển Hàm Hải, gồm U-dơ-bê-ki-xtan, Ca-dắc-xtan và Tuốc-mê-ni-xtan. Theo các chuyên gia, mỗi năm có tới 75 triệu tấn bụi và muối độc đã bị “bơm” vào bầu khí quyển từ đáy biển khô cạn, gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm cho con người. Ngoài ra, khu vực này cũng đã mất hơn một nửa nhóm gene của các quần thể động thực vật.

Trong nhiều thế kỷ, người dân ở khu vực Trung Á đã sử dụng hiệu quả nước từ biển A-ran cho hoạt động nông nghiệp, nhưng đáng tiếc là hồ nước khổng lồ hình thành cách đây 5,5 triệu năm này đang biến mất với tốc độ đáng quan ngại trong thời gian qua, chủ yếu do tác động của con người trong thập niên 60 của thế kỷ trước làm thay đổi dòng chảy hai con sông cung cấp nước cho vùng hồ là Amu Darya và Syr Darya. Giới chuyên gia cảnh báo biển A-ran sẽ hoàn toàn biến mất vào năm 2020.

Xtốc-khôm công nhận Nhà nước Pa-le-xtin - Quan hệ I-xra-en - Thụy Điển căng thẳng

Ngày 30-10-2014, Bộ Ngoại giao I-xra-en đã triệu hồi Đại sứ nước này tại Thụy Điển để phản đối việc chính quyền Xtốc-khôm chính thức công nhận Nhà nước Pa-le-xtin. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao I-xra-en cho biết, “động thái này phản ánh sự tức giận và lấy làm tiếc về quyết định của Thụy Điển”, đồng thời cho rằng nỗ lực công nhận Nhà nước Pa-le-xtin không góp phần khôi phục đàm phán hòa bình. Ten A-víp sẽ cân nhắc việc liệu có cử đại sứ trở lại Xtốc-khôm hay không. Hiện Bộ Ngoại giao Thụy Điển chưa đưa ra bình luận nào về động thái của I-xra-en.

Thụy Điển là quốc gia phương Tây đầu tiên công nhận Nhà nước Pa-le-xtin. Ngoại trưởng Thụy Điển Mác-gốt Van-xtrôm (Margot Wallstrom) cho rằng việc công nhận Nhà nước Pa-le-xtin là nhằm “thúc đẩy một thỏa thuận hòa bình bằng việc tạo vị thế cân bằng giữa các bên, hỗ trợ các lực lượng ôn hòa Pa-le-xtin” và góp phần vào tiến trình hòa bình khu vực.

Trong khi đó, Ngoại trưởng I-xra-en A-vích-đô Li-bơ-man (Avigdor Lieberman) cho rằng đây là “động thái không thích hợp” và sẽ chỉ phục vụ “các thế lực cực đoan” và cách duy nhất để đạt thỏa thuận là thông qua đàm phán.

U-crai-na và những thách thức hậu bầu cử

Cuộc bầu cử Quốc hội U-crai-na với việc “Khối Pô-rô-sen-cô” của Tổng thống Pi-ốt Pô-rô-sen-cô (Petro Poroshenko) và Đảng “Mặt trận nhân dân” của Thủ tướng Ác-xê-ni Y-a-xê-ni-úc (Arseniy Yatsenyuk) giành được tỷ lệ phiếu sít sao đang khiến cho việc thành lập liên minh cầm quyền ở quốc gia Đông Âu này trở nên khó khăn. Cùng với đó, việc ngày 02-11, hai nước Cộng hòa nhân dân tự xưng ở miền Đông U-crai-na là Đô-nhét-xcơ và Lu-gan-xcơ tẩy chay bầu cử và tiến hành các cuộc bầu cử riêng đã cho thấy những chia rẽ và mâu thuẫn sâu sắc hơn ở quốc gia này.

Mặc dù kết quả chính thức chưa được công bố, song tiến trình đàm phán nhằm thành lập liên minh cầm quyền ở U-crai-na sau bầu cử đã được xúc tiến. Cả Tổng thống P. Pô-rô-sen-cô và Thủ tướng Ác. Y-a-xê-ni-úc đều đưa ra kế hoạch của riêng mình và đi tới một thỏa thuận, theo đó ghế Thủ tướng thuộc về Ác. Y-a-xê-ni-úc.

Hậu bầu cử, U-crai-na tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó thách thức lớn nhất là phải nhanh chóng chấm dứt cuộc xung đột đang diễn ra tại miền Đông. Theo các chuyên gia, chừng nào quan hệ căng thẳng giữa Nga và phương Tây vẫn còn tiếp tục thì miền Đông U-crai-na vẫn còn là “bãi chiến trường”. Thách thức thứ hai là kinh tế. Quốc hội U-crai-na đã thông qua các kế hoạch cải cách kinh tế triệt để nhằm cứu vãn đất nước đang bên bờ vực phá sản từ cuối năm 2013. Liên minh cầm quyền sắp tới phải giải tỏa được những khó khăn do sự vay mượn từ các định chế tài chính quốc tế. Chính quyền mới sẽ phải giải quyết cấp bách cuộc xung đột về khí đốt với Nga đang làm cho U-crai-na mất đi nguồn khí đốt giá rẻ từ tháng 6, nhất là khi mùa Đông đang tới gần. Cùng với những thách thức trên, việc giải quyết ổn thỏa mối quan hệ giữa U-crai-na và Nga là vô cùng quan trọng bởi cho đến nay chưa có dấu hiệu về sự cải thiện quan hệ song phương. Trong bối cảnh hiện nay, U-crai-na cần một liên minh chính trị đoàn kết, thống nhất để vãn hồi hòa bình và tiến hành cải cách sâu rộng nhằm đưa đất nước thoát khỏi cuộc suy thoái nghiêm trọng. Thế nhưng, tình hình U-crai-na hậu bầu cử đang cho thấy quốc gia này sẽ phải đối mặt với những khó khăn và thách thức mới, thậm chí phức tạp hơn do nguy cơ đấu tranh giành quyền lực giữa các đảng phái./.