Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 27-10 đến ngày 02-11-2014
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chỉ đạo việc kết nối chính thức Cơ chế một cửa quốc gia giai đoạn 1
Ngày 27-10, Văn phòng Chính phủ đã ban hành văn bản số 8485/VPCP-KTTH chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh về việc kết nối chính thức Cơ chế một cửa quốc gia giai đoạn 1. Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải chủ động, khẩn trương hoàn thành kết nối chính thức giai đoạn 1 Cơ chế một cửa quốc gia theo Quyết định số 56/QĐ-BCDDASSW ngày 11-8-2014 của Ban Chỉ đạo quốc gia về cơ chế một cửa ASEAN và Cơ chế hải quan một cửa quốc gia. Phó Thủ tướng giao cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo đôn đốc, giám sát các thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện theo đúng lộ trình đề ra.
Năm 2015: Đơn giản hóa 18 nhóm thủ tục hành chính
Ngày 28-10 tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ Tư pháp phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức hội thảo lấy ý kiến cho Dự thảo Kế hoạch đơn giản hóa thủ tục hành chính và cắt giảm gánh nặng hành chính trọng tâm năm 2015.
Mục tiêu của kế hoạch nhằm cắt giảm tối thiểu 25% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính đối với 18 nhóm thủ tục, quy định liên quan. Bên cạnh đó, đến trước ngày 31-12-2015, toàn bộ (100%) thủ tục hành chính tại 4 cấp chính quyền được công bố công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính và niêm yết đồng bộ, thống nhất tại nơi tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính.
Ông Phan Vinh Quang (thuộc Dự án quản trị Nhà nước về tăng trưởng toàn diện của USAID) cho biết, theo Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2014-2015, Việt Nam đứng thứ 68/144 nước, trong đó, chỉ số môi trường thể chế đứng thứ 92. Để nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia, không cách nào khác, Việt Nam cần phải đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Tuy nhiên, ông Quang cho biết, muốn đẩy mạnh cải cách 18 nhóm thủ tục hành chính trong năm 2015, đầu tiên Việt Nam cần tăng cường liên thông giữa các cơ quan chức năng.
Kết quả khảo sát của USAID đối với các cơ quan Nhà nước tại Việt Nam cho thấy hầu như không có sự liên thông của các cơ quan mà cơ sở giữ liệu của cơ quan nào cũng chỉ chia sẻ nội bộ trong cơ quan đó. Do đó, dẫn tới việc doanh nghiệp và người dân phải nộp nhiều giấy tờ, và các quy trình rất khó để đơn giản hóa, tốn kém cho doanh nghiệp, làm cho công tác quản lý kém hiệu quả, gây thất thu cho ngân sách nhà nước. Chẳng hạn, nếu như cơ quan Thuế và Bảo hiểm xã hội liên thông với nhau thì doanh nghiệp sẽ khó gian lận trong việc đóng thuế thu nhập, việc so sánh được mức lương đóng thuế và đóng bảo hiểm xã hội sẽ tìm ra “kẻ hở đó”.
Bà Hồ Xuân Hương, Phó Phòng Cải cách thủ tục hành chính (Văn phòng UBND TP. Hồ Chí Minh) cho rằng để thực hiện các kế hoạch về đơn giản thủ tục hành chính, cần làm rõ vai trò của đơn vị chủ trì, người chịu trách nhiệm tại 18 nhóm thủ tục hành chính này.
Căn cước và cải cách hành chính
Mỗi công dân Việt Nam từ khi sinh ra sẽ có một số định danh cá nhân và số này sẽ đi theo họ suốt cuộc đời. Đó là tinh thần chính của dự luật Căn cước công dân và luật Hộ tịch mà Quốc hội đang xem xét. Như vậy, thẻ căn cước công dân với số định danh cá nhân sẽ giúp thay đổi căn bản phương pháp quản lý dân cư.
Tuy nhiên, vẫn còn 2 vấn đề chưa được làm rõ: Thẻ căn cước công dân sẽ thay thế được bao nhiêu loại giấy tờ (trong số 9 loại giấy tờ hành chính) hiện nay và cấp thẻ căn cước có thay thế giấy khai sinh truyền thống hay không?
Hiện nay, chưa có cơ quan chức năng nào chính thức trả lời Quốc hội câu hỏi bao nhiêu loại giấy tờ có thể được thay thế bởi thẻ căn cước (thực chất là quá trình tích hợp các loại giấy tờ vào thẻ căn cước). Nhưng kinh nghiệm của nhiều nước thì có ít nhất 4 loại giấy tờ (công) sẽ có thể được tích hợp (vì cùng sử dụng mã số công dân - hiện nay là số chứng minh nhân dân) bao gồm: mã số thuế cá nhân, giấy phép lái xe (ô tô, mô tô), thẻ bảo hiểm xã hội và thẻ bảo hiểm y tế. Ngoài ra, thẻ căn cước công dân cùng với cơ sở dữ liệu công dân (gồm 22 thông tin cá nhân) sẽ giúp công dân không cần phải xuất trình giấy tờ gốc, nộp bản sao giấy tờ công dân hoặc điền mẫu đơn, tờ khai để cung cấp thông tin cá nhân khi làm việc với cơ quan nhà nước. Với khoảng 600.000 lượt thực hiện thủ tục hành chính trên toàn quốc mỗi ngày, chi phí tiết kiệm được từ việc rút bớt các thủ tục giấy tờ là đáng kể.
Tăng cường giám sát việc thực thi công vụ
Ngày 31-10, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh đã làm việc với Huyện ủy Thạch Thất về công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện cải cách hành chính.
Thống kê cho thấy, trước năm 2012, tổng số thủ tục hành chính đưa ra tiếp nhận và trả kết quả tại bộ phận một cửa huyện là 18/297 thủ tục (bằng 6,06%), hiện nay là 254/290 thủ tục, bằng 87,6%. Đây là con số tăng đáng kể. Ở cấp xã, tổng số thủ tục hành chính đưa ra tiếp nhận và trả kết quả tại bộ phận một cửa là 157/157 thủ tục. Kết quả thực hiện các thủ tục hành chính giải quyết trước và đúng hạn đều đạt tỷ lệ cao trên 99%. Lý giải cho việc còn 36 thủ tục chưa đưa ra bộ phận một cửa, lãnh đạo huyện cho biết: có 12 thủ tục không áp dụng với huyện và 24 thủ tục giải quyết ở các phòng, ban chuyên môn như các vấn đề liên quan đến thanh tra xây dựng, một số thủ tục thuộc lĩnh vực đô thị. Mặc dù giải quyết ở bộ phận chuyên môn, nhưng vẫn xây dựng quy trình và công khai trên bộ phận một cửa.
Trong việc hiện đại hóa hành chính, huyện cũng được đoàn kiểm tra đánh giá khá tốt khi đã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước với 76,9% cơ quan cấp huyện và 95,6% xã, thị trấn; sử dụng hệ thống camera giám sát tại bộ phận một cửa. Tuy nhiên, một số thủ tục liên quan đến việc cấp sổ đỏ, thuế trước bạ, hộ tịch vẫn trả kết quả quá hạn so với quy định. Trụ sở làm việc của một số đơn vị khó khăn, hạ tầng công nghệ thông tin chưa đáp ứng được yêu cầu; một số cán bộ còn hạn chế về kỹ năng giao tiếp hành chính…
Đồng tình với những giải pháp huyện đưa ra, Phó Bí thư Thành ủy cho rằng: Huyện cần thẳng thắn nhìn nhận vào những điểm yếu còn tồn tại trong cải cách hành chính để tiếp tục rút kinh nghiệm, khắc phục; tăng cường công tác tuyên truyền; đẩy mạnh ứng dụng ISO trong quản lý hành chính; thực hiện dịch vụ hành chính công mức độ 3 ở một số lĩnh vực. Tăng cường kiểm tra, giám sát thực thi công vụ và thái độ cán bộ, công chức.
Bí quyết thu hút vốn FDI vào Bắc Ninh
Bên lề hội thảo “Ngày hội các nhà máy FDI” tổ chức ngày 28-10-2014 tại Khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh, ông Nguyễn Tiến Nhường, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết thu hút đầu tư nước ngoài của tỉnh Bắc Ninh trong năm qua rất tốt, có 510 dự án với vốn hơn 8 tỷ USD. Để đạt được kết quả này, ngoài những chính sách của nhà nước thì tỉnh có một số chính sách quan trọng. Thứ nhất là công tác cải cách hành chính. Việc này được tỉnh thực hiện rất nhanh, tạo ra một hệ thống thủ tục hành chính thông thoáng cho doanh nghiệp. Thứ hai là một số chính sách liên quan đến địa phương: giảm phí sử dụng hạ tầng cho nhà đầu tư, kéo dài thời gian hỗ trợ các doanh nghiệp và yếu tố đặc biệt là tính tiên phong của lãnh đạo các sở, ban, ngành trong việc đồng hành với doanh nghiệp, trực tiếp tháo gỡ các vấn đề cho nhà đầu tư.
Riêng về tính tiên phong của lãnh đạo, tỉnh đã quy định là làm việc không giới hạn thời gian. Bất kỳ khi nào doanh nghiệp có ý kiến là tỉnh sẽ giải quyết, thậm chí đến tận doanh nghiệp để giải quyết. Điều này khiến doanh nghiệp rất vui mừng và tin tưởng./.
Công bố Quyết định thăng cấp bậc hàm cấp Tướng Công an nhân dân  (02/11/2014)
Công dân về từ Guinea âm tính với Ebola cả 3 lần xét nghiệm  (02/11/2014)
Công dân về từ Guinea âm tính với Ebola cả 3 lần xét nghiệm  (02/11/2014)
Thái Nguyên thúc đẩy hợp tác với các địa phương Hàn Quốc  (02/11/2014)
Các điểm bỏ phiếu ở Donbass chính thức được mở cửa  (02/11/2014)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên