Tích cực, chủ động triển khai ứng phó với bão số 3
TCCSĐT - Trước khả năng cơn bão mạnh số 3 (Kalmaegi) vào Vịnh Bắc Bộ, ảnh hưởng trực tiếp tới các tỉnh Đông Bắc, chiều ngày 15-9, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp trực tuyến chỉ đạo các lực lượng, địa phương triển khai các biện pháp ứng phó.
Theo báo cáo nhanh, đến 16h chiều ngày 15-9, vị trí tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 400 km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, 13, giật cấp 15, 16.
Các cơ quan khí tượng trong nước và khu vực dự báo trong những giờ tới, vị trí tâm bão sẽ di chuyển theo hướng Tây - Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25-30km và còn có khả năng mạnh thêm. Đến chiều ngày 16-9, tâm bão cách bờ biển Quảng Ninh - Hải Phòng khoảng 260km về phía Đông - Đông Nam, sức gió mạnh cấp 13, giật cấp 15, 16.
Bão sẽ đi vào đất liền các tỉnh Đông Bắc Bộ vào đêm ngày 16-9 và rạng sáng ngày 17-9 và có thể suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn trung ương.
Bộ đội Biên phòng cho biết, tính đến chiều ngày 15-9, đã phối hợp với các địa phương thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn 81.924 phương tiện, lồng bè, chòi canh thủy sản/336.498 người trong khu vực bão biết về diễn biến bão để chủ động phòng tránh.
Trong 3 ngày qua, trên cả nước rải rác có mưa, có nơi mưa to và rất to, lượng mưa phổ biến dưới 50mm. Đáng chú ý các tỉnh Bắc Bộ có nơi như Phố Lu (Lào Cai), Thổ Bình (Tuyên Quang), lượng mưa từ 158-186mm. Trong khi đó, các hồ chứa khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa hiện đang có dung tích trữ tương đối cao, từ 80% dung tích thiết kế trở lên, trong khi các hệ thống thủy lợi lớn ở Đông Bắc Bắc bộ đang ở mức thấp, các đơn vị đang chủ động tiêu nước đệm để phòng, chống úng ngập.
Thông tin từ các địa phương Bắc Bộ cho biết, lúa vụ hè thu đã cơ bản thu hoạch xong diện tích 165.000 ha. Lúa vụ mùa đã gieo cấy gần 1,2 triệu ha.
Sau khi cập nhật thông tin, đánh giá tình hình, diễn biến cơn bão, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nêu rõ đây là cơn bão lớn, di chuyển nhanh và khu vực tác động rộng, nhất là mưa lớn đi kèm. Vì vậy, tinh thần chỉ đạo trước hết là tiếp tục tổ chức hướng dẫn, hỗ trợ các phương tiện, công trình trên biển có biện pháp ứng phó an toàn. Số tàu, thuyền còn thuộc diện thông báo, hướng dẫn trú tránh còn lớn nên cần có ngay những biện pháp kiểm tra, quản lý chặt chẽ kịp thời.
Các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa dừng các hoạt động không cần thiết, theo dõi sát diễn biến, kiểm soát chặt chẽ tàu, thuyền hoạt động ven biển, vùng cửa sông, căn cứ tình hình thực tế để chủ động xác định thời điểm cấm tàu, thuyền hoạt động trên biển.
Xác định vùng nguy hiểm từ vĩ tuyến 17 trở lên, trước 17h ngày 16-9 các địa phương phải hoàn thành các phương án trú tránh tàu, thuyền, sơ tán dân khỏi nơi xung yếu, nguy hiểm; tổ chức chặt tỉa cành cây, hướng dẫn nhân dân chằng chống nhà cửa, công trình, bố trí trực bảo đảm giao thông, điện, thông tin.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đặc biệt lưu ý tới các phương án bảo đảm an toàn hồ đập, đê điều trước khả năng mưa lớn kèm bão, gây sạt lở, lũ quét và ngập lụt: “Cơn bão số 2 vừa qua, chúng ta ứng phó tốt trên bộ, trên biển nhưng thiệt hại về người vẫn rất đáng tiếc. Các trường hợp chết người ở Lạng Sơn, Sơn La,... đều do đi qua suối, ngầm trong và sau mưa bão thì bị lũ cuốn. Đây là điều phải hết sức chú ý, không được chủ quan để tránh xảy ra những sự việc tương tự”.
Sẽ có 2 Đoàn công tác Trung ương đến các tỉnh trong khu vực có thể chịu ảnh hưởng bão số 3 để cùng các địa phương chống bão.
Quân đội khẩn trương phòng, chống bão số 3
Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có điện chỉ đạo các đơn vị quân đội liên quan khẩn trương phối hợp với các địa phương trong phòng, chống bão số 3.
Nội dung bức điện số 34 ĐK:TK, ngày 16-9 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cầu Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng chỉ đạo Biên phòng các tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Bình phối hợp với các địa phương bằng mọi biện pháp thông báo kêu gọi, hướng dẫn cho tàu, thuyền còn đang hoạt động trên biển biết diễn biến của bão, nhanh chóng về nơi tránh trú an toàn hoặc thoát ra khỏi vùng nguy hiểm.
Lực lượng Biên phòng tham mưu cho chính quyền địa phương thời điểm cấm tàu, thuyền ra khơi (bao gồm cả các tàu du lịch và vận tải), các tàu hoạt động ở Vịnh Bắc Bộ và vùng biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An phải về bờ neo đậu trước 12 giờ ngày 16-9; triệt để sơ tán dân trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản xong trước 17 giờ ngày 16-9.
Các đơn vị trong vùng ảnh hưởng của bão số 3 tạm hoãn các cuộc họp chưa thực sự cần thiết, tập trung triển khai công tác ứng phó với bão; có biện pháp bảo đảm an toàn cho người, vũ khí, phương tiện, kho tàng, doanh trại; tổ chức, duy trì nghiêm các chế độ ứng trực; phân công các đồng chí Chỉ huy đi kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống bão; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cơ động ứng phó kịp thời, hiệu quả trong mọi tình huống.
Các quân khu 1, 2, 3, 4 chỉ đạo Bộ Chủ huy quân sự các tỉnh tham mưu cho chính quyền địa phương chủ động sơ tán, di dời dân từ các vùng thấp trũng ven biển, cửa sông, những nơi có khả năng bị ngập sâu và có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn; tổ chức canh gác, cắm biển báo tại các khu vực ngập sâu, ngầm, tràn, nước chảy xiết kiên quyết không để người và phương tiện qua lại. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện giúp dân khắc phục hậu quả trong và sau bão.
Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó với tình huống ngập lụt. Phối hợp với lực lượng Công an khắc phục, hướng dẫn giao thông khi bị ngập úng trong nội thành và các vùng trọng điểm phụ cận.
Quân chủng Hải quân, Phòng không - Không quân, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển duy trì lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia cứu hộ, cứu nạn khi có lệnh.
Bộ Tư lệnh Công binh, các quân đoàn 1, 2 sẵn sàng lực lượng, phương tiện cơ động ứng cứu các tình huống lũ quét, sạt lở đất.
Bộ Tư lệnh Thông tin Liên lạc có phương án bảo đảm thông tin thông suốt phục vụ công tác chỉ đạo các đơn vị ứng phó bão số 3.
Tổng cục Chính trị chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với các cơ quan truyền thông trong và ngoài Quân đội làm tốt công tác tuyên truyền về hoạt động ứng phó bão số 3 của các đơn vị; kịp thời động viên cán bộ, chiến sĩ có thành tích xuất sắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Hà Giang cấp bách triển khai phương án phòng, chống sạt lở đất
Để chủ động ứng phó với bão số 3, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang khẩn trương chỉ đạo các sở, ban, ngành chức năng của tỉnh, Ủy ban nhân dân 11 huyện, thành phố triển khai đồng bộ các biện pháp cấp bách phòng, chống sạt lở đất, ứng phó với ảnh hưởng hoàn lưu của bão số 3.
Theo ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang, Trưởng ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh: Để bảo đảm an toàn tính mạng cho người và tài sản, hạn chế thấp nhất thiệt hại do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 có thể gây ra, Ủy ban nhân dân tỉnh đã thành lập các đoàn công tác khẩn trương xuống cơ sở để cùng với các địa phương triển khai công tác di dời các hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm, sạt lở.
Ông Nguyễn Đình Hợp, Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn tỉnh Hà Giang cho biết: Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, từ đêm 16-9 đến ngày 18-9 tại Hà Giang có mưa vừa, mưa to đến rất to và rải rác có dông, với tổng lượng mưa ước tỉnh khoảng 80 - 130 mm, nhiều nơi được dự báo cao hơn. Do vậy, các địa phương trong tỉnh cần đề phòng sạt lở đất, lũ ống, lũ quét cục bộ có thể xảy ra.
Hiện nay, tại 11 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Hà Giang, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố cử cán bộ xuống địa bàn hướng dẫn bà con khẩn trương thu hoạch lúa mùa với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”; bảo đảm các phương tiện trong công tác phòng, chống lụt bão. Đối với các địa phương có hồ chứa cần có phương án bảo vệ hồ, đập tràn, phương án phòng, chống lụt bão cho vùng hạ du.
Các địa phương đã bố trí người canh gác các đập tràn, đập xung yếu trong thời gian mưa bão, không cho người dân đi lại trong trường hợp lũ vượt tràn từ 20cm trở lên. Bên cạnh đó, khẩn trương di dời các hộ dân sống ở nơi có nguy cơ sạt lở cao đến nơi ở an toàn; thực hiện có hiệu quả phương án “4 tại chỗ”, duy trì công tác trực phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn 24/24 giờ.
Đặc biệt, các huyện có nguy cơ sạt lở đất cao như: Hoàng Su Phì, Xín Mần, Yên Minh, Mèo Vạc… đã chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, phương tiện, sẵn sàng cơ động, ứng cứu khi có tình huống xảy ra. Đồng thời tổ chức tuyên truyền cho nhân dân về tính chất nguy hiểm của hoàn lưu bão số 3, vận động nhân dân chủ động di dời đến nơi ở mới an toàn.
Đối với các địa phương bị ngập lụt, thiệt hại nặng trong cơn bão số 2 như Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang yêu cầu 3 huyện trên cần phải chủ động trong phương án phòng, chống lụt bão. Hướng dẫn nhân dân sơ tán tài sản đến nơi an toàn; chuẩn bị bè mảng, phương tiện bảo đảm cho công tác phòng, chống lụt bão. Hiện, tỉnh Hà Giang đã hoãn các cuộc họp chưa cần thiết để tập trung cho công tác ứng phó với hoàn lưu bão số 3.
Lai Châu rà soát, sơ tán dân ở các điểm có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét
Để chủ động ứng phó với mưa lũ, gió lốc, sạt lở đất do ảnh hưởng của bão số 3, Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu chỉ đạo tổ chức cảnh báo, kiểm soát người qua lại tại các khu vực ngầm, tràn, đường bị ngập. Đặc biệt, nghiêm cấm người dân vớt củi, xúc cá, lội qua suối… khi có mưa lũ. Trước đó, trên địa tỉnh miền núi Lai Châu đã có nhiều trường hợp bị tử vong do bất cẩn vượt qua suối khi có lũ.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu, ông Nguyễn Khắc Chử đã yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn, các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, các huyện, thành phố; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, bão, để chỉ đạo, ứng phó kịp thời, chính xác, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra. Đồng thời rà soát, sơ tán dân ở các điểm có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét; chân các taluy đồi có nguy cơ sạt lở cao. Kiểm tra các công trình kè, đập, cầu cống, công trình đang thi công để có giải pháp bảo đảm an toàn về người và tài sản. Giám sát chặt chẽ việc tích nước của hồ chứa, có phương án xử lý bảo đảm an toàn công trình và vùng hạ du.
Các sở, ban, ngành, lực lượng Công an, Quân đội trên địa bàn cần phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chủ động triển khai các phương án phòng, chống mưa, lũ, sạt lở đất; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để tổ chức ứng cứu khi có yêu cầu. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn tỉnh tăng cường công tác thông tin, cảnh báo, theo dõi sát diễn biến thời tiết, báo cáo kịp thời để Ủy ban nhân dân tỉnh và các huyện, thành phố có biện pháp chỉ đạo. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Lai Châu và các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường thời lượng đưa tin về các diễn biến của bão và cảnh báo về mưa lũ sau bão; tuyên truyền để người dân biết về các hiểm họa do bão, lũ, lũ quét và sạt lở đất sau bão, đặc biệt là khi đi qua ngầm, suối. Tổ chức trực ban 24/24 giờ, thường xuyên theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến của thời tiết, kịp thời báo cáo về Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh.
Thái Bình thành lập nhiều đoàn công tác xuống kiểm tra, chỉ đạo ở cơ sở
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình, đến sáng 16-9, hơn 1.130 phương tiện tàu, thuyền cùng hơn 1.230 lao động đã cập bờ an toàn. Tuy nhiên, vẫn còn 33 tàu, thuyền với gần 130 lao động chưa cập bến.
Toàn bộ số tàu, thuyền hiện chưa cập bến được Đồn Biên phòng Diêm Điền và Đồn Biên phòng Cửa Lân theo dõi tình hình di chuyển. Qua hệ thống thông tin liên lạc, chủ của 33 tàu, thuyền chưa vào đất liền cho biết hệ thống máy móc của các phương tiện đang hoạt động tốt, dự kiến đến cuối giờ trưa 16-9, các tàu, thuyền này sẽ cập đất liền, vào trú ẩn ở những bến bãi an toàn.
Chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của bão số 3, các cấp, ngành, địa phương của tỉnh Thái Bình đang ráo riết chuẩn bị, triển khai các phương án để giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản. Công tác di dời dân ngoài đê chính, kêu gọi người lao động trên các chòi canh ngao ngoài bãi triều vào tránh bão đã và đang được triển khai thực hiện đồng bộ theo kế hoạch đặt ra. Dự kiến, đến trưa 17-9, công tác di dời lao động canh ngao, người dân sống ngoài đê chính được tỉnh Thái Bình hoàn tất.
Sáng 16-9, lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân, lãnh đạo các sở, ngành liên quan của tỉnh Thái Bình đã thành lập nhiều đoàn công tác trực tiếp xuống cơ sở để kiểm tra, rà soát, nắm tình hình và đôn đốc, chỉ đạo thực hiện công việc phòng, chống lụt, bão ở mỗi địa phương theo phương châm “4 tại chỗ”.
Quảng Ninh dừng các cuộc họp để tập trung chống bão số 3
Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh khóa XII đã quyết định hoãn cuộc họp chuyên đề thứ 16 theo kế hoạch diễn ra trong 2 ngày 16 và 17-9 để tập trung cho công tác phòng, chống bão số 3 (Kalmeagi).
Trước tình hình bão số 3 có nhiều khả năng đổ bộ trực tiếp vào tỉnh Quảng Ninh, tối 15-9, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh yêu cầu: Chủ tịch Ủy ban nhân dân các địa phương, Thủ tưởng các sở, ngành và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh nghiêm túc, chủ động triển khai các biện pháp đối phó với số 3 với phương châm "4 tại chỗ". Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các địa phương, sở, ban, ngành tập trung vào một số nhiệm vụ như: dừng ngay các cuộc họp để tập trung chỉ đạo công tác phòng, chống bão số 3; cấm biển và cấm các phương tiện tàu, thuyền hoạt động trên Vịnh Hạ Long, tàu, thuyền đánh bắt ven bờ từ 12 giờ ngày 16-9 (đối với 294 tàu đánh bắt xa bờ phải vào nơi neo đậu tránh trú an toàn trước 12 giờ ngày 16-9); thông báo liên tục và kêu gọi các chủ phương tiện tàu, thuyền nghề cá và tàu vận tải, tàu du lịch còn đang trên biển khẩn trương về nơi trú tránh an toàn trước 16 giờ ngày 16-9. Bên cạnh đó, kiểm tra, đôn đốc các chủ phương tiện khẩn trương chằng chống tàu, thuyền, các lồng bè nuôi trồng thủy sản, nhà bè, chòi canh thủy sản chắc chắn xong trước 16 giờ ngày 16-9; tuyệt đối không để người ở trên các tàu, thuyền, lồng bè, nhà bè và chòi canh thủy sản. Tỉnh yêu cầu phải di chuyển ngay các hộ gia đình đang sinh sống ở nhà yếu (gồm nhà tạm, nhà cấp 4, nhà tranh tre nứa lá, nhà lợp mái tôn….) đến các hộ gia đình có nhà ở kiên cố gần nhất nơi ở; tổ chức di dời ngay đến nơi an toàn đối với toàn bộ học sinh, sinh viên, công nhân, người lao động đang ở tại các khu nhà trọ không bảo đảm an toàn. Đồng thời, kiên quyết di dời người dân đang ở trên các chòi canh vùng nuôi trồng thủy sản, lồng bè, nhà bè, nhà hàng trên biển; người dân ở những vùng có nguy cơ bị lũ quét, sạt lở đất, ngập úng… đến nơi an toàn.
Đối với các địa phương có tuyến đê biển, Quảng Ninh cũng yêu cầu chuẩn bị vật tư, thiết bị phương tiện, lực lượng để sẵn sàng triển khai gia cố các tuyến đê xung yếu; huy động các lực lượng trên địa bàn phối hợp với các lực lượng thanh niên xung khích và nhân dân triển khai sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu. Khẩn trương rà soát các điều kiện về lương thực, thực phẩm, lực lượng và phương tiện để ứng cứ khi có sự cố xảy ra. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các địa phương và Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng Công ty Đông Bắc triển khai ngay các phương án đề phòng mưa lớn gây lũ quét, sạt lở các khu dân cư, sạt lở đất đá khu vực bãi thải, ngập úng đường lò, khai trường khai thác. Quảng Ninh cũng thành lập 3 đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc các địa phương triển khai công tác ứng phó với bão số 3.
* Các địa phương khác như Lạng Sơn, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi... cũng đã và đang khẩn trương có nhiều hoạt động, biện pháp chủ động, tích cực ứng phó với bão số 3./.
Đoàn kết - dân chủ - đổi mới - phát triển  (16/09/2014)
Đề nghị Mỹ có giải pháp mở lại kênh vốn vay ODA cho Việt Nam  (16/09/2014)
Việt Nam và Cộng hòa Kiribati thiết lập quan hệ ngoại giao  (16/09/2014)
Thúc đẩy tiến trình thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân góp phần bảo đảm an sinh xã hội và sự phát triển bền vững của đất nước  (16/09/2014)
Thúc đẩy tiến trình thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân góp phần bảo đảm an sinh xã hội và sự phát triển bền vững của đất nước  (16/09/2014)
Tạp chí Ấn Độ ra chuyên đề đặc biệt về quan hệ Ấn Độ - Việt Nam  (16/09/2014)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên