Tiếp tục Phiên họp toàn thể lần thứ 14, sáng 13-9, tại Hà Nội, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã cho ý kiến về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm năm 2014; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và công tác thi hành án năm 2014.

Một trong những vấn đề nhận được nhiều ý kiến của các vị đại biểu là việc tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm có hiện tượng bỏ lọt hay không khi ở cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn) sau khi tiếp nhận không chuyển lên Cơ quan điều tra cấp huyện; giải pháp giải quyết của Bộ Công an trong thời gian tới.

Giải trình về nội dung này, Trung tướng Trần Trọng Lượng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm cho biết: Thông tư liên tịch số 06/2013 ngày 02-8-2013 về Hướng dẫn thi hành quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố, có giao cho công an xã, phường, thị trấn có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Sau khi nhận được tố giác phải báo ngay tin đã nhận được cho Cơ quan điều tra chứ không được giải quyết (quy định tại điểm 6, Điều 7 của Thông tư liên tịch số 06/2013). Do đó, Công an cấp cơ sở chấp hành đúng quy định của Thông tư liên tịch số 06 thì không có việc bỏ lọt tin báo, tố giác tội phạm ở cấp cơ sở.

Sau khi Thông tư liên tịch số 06 được ban hành, trong năm 2013, Bộ Công an đã xây dựng kế hoạch, tổ chức tập huấn, quán triệt và triển khai thực hiện trong toàn lực lượng từ cấp Bộ đến cấp cơ sở. Do đó, tinh thần và những nội dung của Thông tư liên tịch đã được các đơn vị quán triệt, tổ chức triển khai nghiêm túc, đúng quy định. Lực lượng Công an các cấp luôn nỗ lực, cố gắng cao nhất để quán triệt và thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật, bảo đảm thời gian giải quyết tin báo, tố giác tội phạm theo quy định.

Theo thống kê, kết quả giải quyết tin báo, tố giác tội phạm của lực lượng Công an các cấp đạt trên dưới 90%... Để nâng cao tỷ lệ giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, đáp ứng được yêu cầu mà Quốc hội đã đề ra, trong thời gian tới, Bộ Công an sẽ tiếp tục đôn đốc các đơn vị, địa phương tăng cường chỉ đạo lực lượng Công an cơ sở, cơ quan điều tra thường xuyên quán triệt, tổ chức phổ biến, tập huấn quy định tại Thông tư liên tịch số 06/2013. Bộ Công an sẽ thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố.

Đại diện Bộ Công an đã trả lời ý kiến của một số đại biểu cho rằng, trong năm 2014, số vụ án tham nhũng giảm 0,4% số vụ và 7,01% bị can; việc giảm này do đấu tranh yếu hay thực tế giảm? Đại diện Bộ Công an khẳng định: Trong những năm gần đây, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng luôn được dư luận xã hội cũng như Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, số lượng các vụ án tham nhũng khởi tố không tăng không phải do chúng ta đấu tranh yếu hay tội phạm tham nhũng giảm.

Theo đại diện Bộ Công an, điều này do hiện nay các hành vi tham nhũng được che đậy dưới nhiều hình thức khác nhau. Một số người không tố giác, tố cáo mà còn tiếp tay cho tham nhũng. Bên cạnh đó, công tác phát hiện tham nhũng còn nhiều hạn chế. Việc tự phát hiện các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng trong nội bộ các cơ quan, tổ chức, đơn vị hầu như không có. Số vụ do các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán phát hiện chuyển cho cơ quan điều tra rất ít. Các vụ án tham nhũng do cơ quan điều tra khởi tố, điều tra chủ yếu được phát hiện thông qua hoạt động nghiệp vụ của lực lượng công an hoặc qua công tác xác minh đơn thư tố cáo, trong khi đó nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Lý giải băn khoăn của nhiều đại biểu về việc bảo quản, xử lý vật chứng; nhiều vụ án vật chứng từ lúc thu giữ đến khi xử lý kéo dài dẫn đến tình trạng lãng phí công trông coi, bảo quản thậm chí bị hư hỏng, giảm giá trị sử dụng, nhất là các vật chứng như: ô tô, xe máy, đồ điện tử,... Trung tướng Trần Trọng Lượng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm cho biết: Việc bảo quản và xử lý vật chứng được quy định tại Điều 75, 76 Bộ luật Tố tụng hình sự; căn cứ vào các quy định tại Nghị định số 26/2005 của Chính phủ về định giá tài sản trong tố tụng hình sự. Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay việc xử lý vật chứng, tang vật của vụ án còn nhiều bất cập, gây lãng phí tiền bạc, nhân lực nhưng chưa có giải pháp để khắc phục do chưa có quy định cụ thể.

Theo Trung tướng Trần Trọng Lượng, nguyên nhân của vấn đề trên là do chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể khi giải quyết, xử lý vật chứng trong giai đoạn điều tra hoặc trong trường hợp chờ xét xử thi hành án; áp lực về thời hạn điều tra. Trong một số trường hợp cụ thể cần phải chờ quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án mới xác định được tội danh của các đối tượng phạm tội và từ đó mới có thể tiến hành xử lý vật chứng. Nhiều vụ án việc xác định chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp đối với tài sản gặp khó khăn như: Cơ quan điều tra phải ra thông báo tìm chủ sở hữu trong khi đó Bộ luật Tố tụng hình sự không quy định về trình tự, thủ tục, thời gian truy tìm.

Mặt khác, quan điểm xử lý vật chứng giữa cơ quan tiến hành tố tụng vẫn chưa thống nhất; việc định giá tài sản bị kéo dài do các đơn vị chức năng liên quan chậm tiến hành lập hội đồng và họp để định giá. Ngoài ra, do sợ trách nhiệm nên một số điều tra viên, kiểm sát viên không dám đề xuất việc xử lý vật chứng mà đẩy lên tòa án nhân dân để chờ phán quyết cuối cùng.

Để bảo đảm việc xử lý vật chứng, tang vật được kịp thời, tránh lãng phí, Bộ Công an kiến nghị Quốc hội quy định cho liên ngành tư pháp có hướng dẫn cụ thể về luật để áp dụng chung trong việc xử lý vật chứng được nhanh chóng; có thể bán đấu giá tài sản gửi tiền kho bạc chờ xử lý. Bộ Công an cũng đề nghị cần quy định cụ thể thời gian phải trả kết quả định giá tài sản, mà thời gian này phải ngắn hơn thời hạn điều tra vụ án; đồng thời cần quy định rõ trách nhiệm xử lý vật chứng của cá nhân, tổ chức có thẩm quyền giải quyết.

Liên quan đến vụ án Huỳnh Thị Huyền Như có nhiều ngân hàng liên quan mà chỉ xử lý Như, không xử lý trách nhiệm của Ngân hàng Vietinbank và các ngân hàng có liên quan, đại diện Bộ Công an giải thích: Đây là vụ án trọng điểm, nên trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, chuyên viên và lãnh đạo liên ngành Tư pháp Trung ương đã nhiều lần họp đánh giá tài liệu, chứng cứ xác định hành vi phạm tội của các bị can, người liên quan, diện đối tượng cần khởi tố. Quá trình điều tra vụ án, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố, đề nghị truy tố 15 bị can nguyên cán bộ Ngân hàng Vietinbank chi nhánh Hồ Chí Minh và chi nhánh Nhà Bè về 3 tội danh: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; thiếu trách nhiệm; vi phạm quy định về cho vay; đồng thời đã xác định một số ngân hàng đã có hành vi cố ý làm trái trong việc ủy thác cho các công ty “sân sau” và nhân viên ngân hàng gửi tiền vào Vietinbank bị Như lừa đảo chiếm đoạt và hành vi thiếu trách nhiệm của một số cá nhân là lãnh đạo Vietinbank chi nhánh Hồ Chí Minh. Đến nay, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng đã điều tra làm rõ hành vi cố ý làm trái và đề nghị truy tố đối với 7 bị can nguyên là lãnh đạo Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu trong vụ án Nguyễn Đức Kiên.

Cũng trong phiên họp, các đại biểu đã góp ý về vấn đề: Công tác thi hành án; việc bồi thường oan sai; vận chuyển ma túy là người nước ngoài; công tác quản lý tại các trại giam, tạm giam hiện nay...

Kết luận buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện đánh giá cao nội dung các báo cáo của Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao đã phản ánh tương đối đầy đủ những mặt công tác, lĩnh vực quản lý; đã triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp, các nghị quyết của Quốc hội về công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; chỉ đạo, thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp, hoàn thành, đạt và vượt chỉ tiêu một số lĩnh vực được giao.

Tuy nhiên, trước việc một số chỉ tiêu các cơ quan của Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao chưa đạt được theo quy định của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện đề nghị: Các cơ quan tư pháp cần phân tích, làm rõ nguyên nhân của những hạn chế chế đó. Trong đó, Bộ Công an làm rõ thêm vi phạm trong lĩnh vực thuế đã gây thất thu lớn cho ngân sách, ảnh hưởng đến chính sách điều hành kinh tế của Chính phủ; tội phạm về môi trường. Viện kiểm sát nhân dân tối cao phân tích, làm rõ hơn về vấn đề bắt khẩn cấp và tạm giam hiện nay; việc nhiều án bị trả hồ sơ điều tra lại; vấn đề nâng cao chất lượng hồ sơ truy tố và năng lực của kiểm sát viên. Tòa án nhân dân tối cao cần làm rõ thêm các vụ án xét xử hành chính, số lượng xử ít lại sai nhiều; chất lượng xét xử các vụ án dân sự. Bộ Tư pháp phân tích rõ nguyên nhân nhiều chỉ tiêu về công tác thi hành án chưa đạt theo quy định của Quốc hội, nhất là việc phân loại án.../.