Việt Nam với các Mục tiêu Thiên niên kỷ

Hữu Hạnh
13:34, ngày 29-04-2009

TCCSĐT - Trong công cuộc đổi mới, hội nhập kinh tế toàn cầu, các tổ chức thế giới và khu vực đánh giá cao Việt Nam đã có những bước tiến đáng ghi nhận trong việc lồng ghép các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG) với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Rõ nhất là đã phát huy những lợi thế trong nước, mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế, khắc phục những khó khăn nội tại, từ đó đã duy trì được khả năng tăng trưởng, tạo điều kiện thuận lợi hoàn thành các Mục tiêu MDG.

Thành tựu chặng đường đã qua

Thời kỳ kế hoạch 5 năm 2001 - 2005, kinh tế Việt Nam đạt được tốc độ tăng trưởng GDP bình quân là 7,5%/năm. Các ngành kinh tế, các vùng kinh tế đều có sự phát triển khá. Bước vào kế hoạch 5 năm 2006 - 2010, nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao: năm 2006, GDP tăng 8,2%, năm 2007 tăng 8,48%.

Năm 2008 với những diễn biến không thuận của kinh tế thế giới, khủng hoảng tài chính lan rộng và những khó khăn trong nội tại của nền kinh tế đã tác động tiêu cực đến sản xuất và đầu tư, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, lạm phát tăng cao, sau đó đảo chiều sang thiểu phát, nhiều chỉ tiêu kinh tế tăng trưởng chậm, thậm chí suy giảm, Chính phủ đưa 5 nhóm giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý, bền vững. Nhờ vậy, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2008 tăng 6,23% so với năm 2007, và quý I năm 2009 tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2008.

Cùng với phát triển kinh tế và các mặt xã hội, Việt Nam tiếp tục nâng cao chất lượng các Mục tiêu MDG và đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận, trong các năm gần đây, tiêu biểu là trong lĩnh vực xoá đói giảm nghèo. Theo mức tăng trưởng mặt bằng thu nhập dân cư, chuẩn nghèo đã được nâng lên tiếp cận với chuẩn nghèo quốc tế, thực hiện nhiều phương thức xoá đói giảm nghèo, xoá bỏ tình trạng nghèo cùng cực và thiếu đói. Công tác xoá đói giảm nghèo được triển khai thực hiện cùng với việc khuyến khích làm giàu hợp pháp trên tất cả các vùng, nhất là hỗ trợ cho các vùng còn khó khăn vươn lên thoát nghèo, làm giàu là nét mới, nhằm nâng cao chất lượng thực hiện mục tiêu xoá đói, giảm nghèo ở Việt Nam.

Chỉ trong vòng 6 năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 28,9% năm 2002 xuống 15,9% năm 2006, rồi 14,7% năm 2007 và 12% năm 2008. Mục tiêu đến 2010 còn 10%. Trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng năm 2006 là 24% và năm 2007 còn 21,2% (năm 1990 là 41%).

Về mục tiêu phổ cập giáo dục và đào tạo giai đoạn 2006 - 2010 được tiếp tục triển khai và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tỷ lệ phổ cập tiểu học đã đạt 96% từ năm 2006. Phổ cập giáo dục trung học cơ sở đến nay đã có 42/63 tỉnh thành phố đạt chuẩn quốc gia. Số năm của người dân đi học đạt mức 10,8 năm. Tỷ lệ lao động được đào tạo tăng dần: 27,8 năm 2006 rồi 30,5% năm 2007 và 37% năm 2008. Dự kiến đến năm 2010 đạt 40%.

Về mục tiêu bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ: Việt Nam tiếp tục đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, quản lý kinh tế - xã hội và trong các cơ quan lãnh đạo của các ngành, các cấp. Hiện nay, nữ chiếm khoảng 50,8% dân số cả nước và 49% lực lượng lao động, đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội và trong công cuộc phát triển của đất nước.

Mục tiêu bảo vệ sức khoẻ của bà mẹ và trẻ em cũng tiếp tục được cải thiện. Chương trình tiêm chủng mở rộng tiếp tục được triển khai với quy mô rộng hơn và chất lượng hơn. Tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm rõ rệt; tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em dưới 5 tuổi cũng đã có chiều hướng giảm và có nhiều nét được cải thiện trên một số vùng trong cả nước qua các năm. Công tác bảo vệ và tăng cường sức khoẻ bà mẹ được triển khai trên cả nước. Mạng lưới y tế cơ sở được củng cố và nâng cấp; các loại dịch bệnh nguy hiểm được khống chế và đẩy lùi. Tỷ số mẹ chết liên quan đến thai sản đã giảm mạnh, từ 203/100.000 người năm 1990 còn 75/100.000 vào năm 2007. Trên 95% phụ nữ khi sinh được cán bộ y tế chăm sóc. Ở khu vực thành thị và các vùng đồng bằng, tỷ lệ này đạt trên 98%. Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể về chỉ số sức khoẻ (cân nặng, chiều cao, tuổi thọ của người dân). Nhà nước đã hỗ trợ mua Bảo hiểm y tế cho người nghèo; khám chữa bệnh miễn phí đối với trẻ em dưới 6 tuổi.

Với mục tiêu bảo đảm môi trường sống, Việt Nam tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình nghị sự 21. Các mục tiêu phát triển bền vững đã được lồng ghép vào các mục tiêu phát triển trong các chương trình quốc gia và đã đạt được một số kết quả bước đầu. Năm 2007, tỷ lệ người dân nông thôn được tiếp cận với nước sạch đã đạt 70%, dân thành thị đạt 75% (tăng gấp đôi số lượng người dân được tiếp cận nguồn nước sạch năm 2005). Diện tích đất rừng liên tục tăng tỷ lệ che phủ, năm 2007 đạt 38,2%, năm 2008 đạt 39%, dự kiến năm 2009 đạt 40%. Công tác bảo tồn thiên nhiên và bảo vệ đa dạng sinh học có bước tiến bộ rõ rệt. Các khu bảo tồn tăng nhanh cả về số lượng và diện tích. Nhiều khu bảo tồn đã được công nhận là di sản tự nhiên của thế giới, là khu dự trữ sinh quyển quốc tế và là di sản tự nhiên của ASEAN.

Trong lĩnh vực hợp tác đa phương, Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị APEC Việt Nam năm 2006; cùng với các nhà lãnh đạo của 21 nền kinh tế thông qua "Tuyên bố Hà Nội", tiếp tục thúc đẩy tự do hoá thương mại, xây dựng chương trình hành động thực hiện lộ trình Bu-san, hướng tới mục tiêu Bô-gô về tự do hoá thương mại, đầu tư và mở rộng thị trường. Việt Nam trở thành thành viên chính thức của WTO vào năm 2006, tham gia tích cực vào Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), Diễn đàn tương lai châu Á, Hội doanh nghiệp châu Á, Đối thoại châu Á (ACD). Trong khuôn khổ hợp tác tiểu vùng Mê-công, Việt Nam đã đẩy mạnh việc tham gia các chương trình hợp tác theo hướng thực chất và toàn diện. Trong hợp tác song phương, Việt Nam đã có quan hệ thương mại với trên 170 quốc gia, vùng và lãnh thổ, đã ký hơn 60 hiệp định kinh tế về thương mại song phương, thiết lập quan hệ đầu tư với 70 quốc gia, vùng lãnh thổ…

Về đối ngoại, Việt Nam đạt được những thành tựu quan trọng về thiết lập mối quan hệ đối tác toàn cầu vì phát triển; thực hiện chính sách mở cửa và chủ động hội nhập với khu vực và thế giới, là Ủy viên không thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc năm 2008.

Có được những kết quả đó, trước hết là do phát huy nội lực, vượt qua thách thức, tiếp tục cải cách và đổi mới nền kinh tế, huy động tối đa các nguồn lực trong nước, khơi dậy các nhân tố tích cực trong các tầng lớp dân cư. Thành công đó còn do những tác động tích cực và trực tiếp, sự hỗ trợ cả về nguồn lực và kinh nghiệm của các tổ chức của Liên hợp quốc, cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế, các tổ chức phi chính phủ...

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang là nước phát triển có thu nhập thấp, đang đứng trước những khó khăn, thách thức trong bối cảnh có nhiều tác động không thuận của kinh tế thế giới, ảnh hưởng đến việc thực hiện các Mục tiêu MDG. Trước tình hình đó, Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế sự suy giảm chất lượng thực hiện các Mục tiêu và hướng đến việc hoàn thành các Mục tiêu MDG vào năm 2015 như đã cam kết.

Tiếp tục vượt qua thách thức

Có hai khó khăn thách thức mà Việt Nam phải đối mặt trong quá trình thực hiện 8 Mục tiêu MDG chặng đường từ nay tới năm 2015 là: ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu và biến đổi phức tạp của khí hậu.

Tình hình lạm phát tăng cao trong những tháng cuối năm 2007 và đầu năm 2008, Chính phủ Việt Nam đã có những giải pháp kịp thời và đưa ra chuỗi đòn bẩy quản lý kinh tế vĩ mô nhằm giảm lạm phát và cả những dự tính lạm phát. Những nỗ lực của Chính phủ đã có kết quả, tỷ lệ lạm phát đã giảm xuống dưới 1% tháng kể từ tháng 8-2008 và thâm hụt thương mại cũng đã giảm xuống. Tháng 10-2008, khi nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam dần trở lại ổn định thì cũng là thời cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu bước vào đỉnh điểm càng ảnh hưởng mạnh đến kinh tế của Việt Nam. Phải khẳng định rằng tác động của sự đi xuống của kinh tế toàn cầu là không thể tránh khỏi. Chính phủ đã nỗ lực rất nhiều trong việc hỗ trợ doanh nghiệp và cộng đồng qua các gói kích cầu từ hệ thống tài chính - ngân hàng nhưng ảnh hưởng gián tiếp của suy thoái toàn cầu đến Việt Nam ít nhất là hết năm 2009. Kinh tế vĩ mô của Việt Nam cơ bản đang ở trong giai đoạn ổn định nhưng vẫn còn nhiều lo ngại. Thâm hụt tài khoản hiện tại đang ở mức cao; mức tăng trưởng tín dụng cũng chưa thật ổn định bởi còn phụ thuộc vào sự ổn định, phát triển của nền kinh tế; tuy không phải đối mặt với những khoản nợ nước ngoài ngắn hạn phải chi trả hay những vấn đề về hệ thống ngân hàng - điều mà rất nhiều nước đang phải đối mặt - nhưng để khắc phục được những tồn tại nêu trên, Việt Nam vẫn cần phải có những nỗ lực vượt bậc, với những giải pháp hữu hiệu để thực hiện Mục tiêu MDG vào năm 2009 - 2010.

Thách thức lớn về biến đổi khí hậu: Là một đất nước với đường biển dài và những đồng bằng lớn, tỷ lệ người dân sinh sống dựa vào tài nguyên thiên nhiên và mức phát triển vẫn còn thấp, Việt Nam được dự đoán là sẽ còn phải gánh chịu những hậu quả lớn của việc biến đổi khí hậu. Lượng mưa tăng lên cùng với nguy cơ lũ lụt cũng như hạn hán, đặc biệt là nhu cầu đòi hỏi về nước sạch ở những khu đô thị mới đang mọc lên, sự tăng lên về nhiệt độ và mực nước biển, sự gia tăng số lượng cơn bão và bão đổ bộ từ Biển Đông vào đất liền… sẽ để lại những hậu quả đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Theo dự báo của các nhà khoa học, nếu mực nước biển dâng lên hơn 1m xảy ra vào năm 2100 đến 2150 thì Việt Nam sẽ mất khoảng 4,5% đất đai dọc đường biển dài trên 3.200km và ảnh hưởng đến gần 11% dân số cả nước. Điều này đã được Ngân hàng Thế giới cảnh báo và đưa Việt Nam vào danh sách những nước có thể phải chịu ảnh hưởng lớn nhất.

Các nhà khoa học còn dự báo, khi mực nước biển dâng lên chỉ hơn 30cm cũng đủ gây ra những khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn nước ngọt để dùng cho việc tưới tiêu và dùng làm nước uống hàng ngày. Nhiệt độ đo được đang ngày càng cao cũng làm tăng lượng nước bẩn và những thảm hoạ nghiêm trọng đối với con người; trẻ em, người già có nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy, dịch tả, bệnh cảm hàn và sự quay trở lại của những bệnh do muỗi gây ra như sốt xuất huyết hoặc sốt rét.

Sự biến đổi khí hậu còn là mối đe doạ nguy hiểm nhất đối với rất nhiều loại cây trồng mùa màng và các loại động vật. Một số loài sẽ không có sức đối phó với những thay đổi đột ngột và có nguy cơ dẫn đến tuyệt chủng, một số khác có thể thích nghi hoặc di cư. Điều này, căn bản sẽ làm thay đổi môi trường sống của động vật hoang dã và là cơ hội cho những loài sâu bọ phá hoại phát sinh đa dạng hơn.

Theo Tổng quan Kinh tế thế giới, một đất nước với GDP đầu người thấp như Việt Nam sẽ ít có khả năng để thích nghi cao khi có biến đổi khí hậu nặng và kéo dài. Hệ quả sẽ là thành tựu xoá đói giảm nghèo chậm lại, nền kinh tế sẽ phát triển chậm hơn. Việt Nam đã cam kết sẽ nỗ lực giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu bằng việc ký vào Khung Hành động Hyogo và Hiệp định Kyoto cùng với chương trình mục tiêu Quốc gia đã được Chính phủ phê duyệt vào tháng 12 năm 2007. Nhiều dự án đang trong quá trình thực thi để trực tiếp giải quyết hậu quả do biến đổi khí hậu đã gây ra trong những năm qua.

Chính phủ Việt Nam nhận thức rõ rằng, để chủ động ứng phó và vượt qua các thách thức một cách đó hiệu quả, cần phải có đủ các giải pháp phù hợp với tình hình cụ thể và có sự phối hợp đồng bộ. Trên cơ sở phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, tranh thủ sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, Việt Nam sẽ từng bước hạn chế đầy lùi khó khăn, vượt qua thách thức lớn của cả từ bên trong và bên ngoài dội tới, tiếp tục thực hiện tốt các mục tiêu MDG trên những chặng đường tiếp theo./.