65 năm thành lập ngành Thống kê Việt Nam (6-5-1946 - 6-5-2011) Thông tin thống kê – công cụ quan trọng để có chính sách đúng
Hội nghị Thủ trưởng các cơ quan thống kê ASEAN 11 (ASHOM 11) tổ chức tại Hà Nội 8,9-12-2010. |
TCCSĐT - Trong những năm qua, đặc biệt trong thời kỳ đổi mới, ngành Thống kê Việt Nam đã có những đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng đất nước. Chất lượng thông tin thống kê đang ngày càng được cải thiện, công tác phổ biến thông tin cũng ngày càng được nâng cao, không chỉ phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Đảng và Nhà nước, mà còn mở rộng tới các đối tượng khác. Nhân dịp 65 năm ngày thành lập ngành, Tiến sĩ Đỗ Thức, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đã có cuộc trao đổi với Tạp chí Cộng sản điện tử.
PV: Tổng cục trưởng có thể nhận xét về vai trò của thông tin thống kê đối với công tác hoạch định chiến lược phát triển của Việt Nam những năm gần đây?
Đồng chí Đỗ Thức: Thông tin thống kê đóng vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng, theo dõi, giám sát và đánh giá việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, cũng như đánh giá tiến trình đạt được những Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ. Đặc biệt, thông tin thống kê là nguồn số liệu rất quan trọng để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia cũng như các địa phương. Một chiến lược dài hạn, ngắn hạn hay những quyết sách tình thế đều cần có sự góp mặt của thông tin thống kê. Thông tin chính xác, kịp thời sẽ góp phần xây dựng được chính sách đúng nhằm huy động và sử dụng nguồn lực hợp lý, hiệu quả để đưa kinh tế - xã hội phát triển. Với ý nghĩa đó, ngành Thống kê luôn nỗ lực đổi mới về mọi mặt, hoàn thiện phương pháp nghiệp vụ chuyên môn, tăng cường môi trường pháp lý, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm nâng cao chất lượng thông tin thống kê.
PV: Vậy, theo ông, thông tin thống kê thời gian qua đã đáp ứng tốt yêu cầu xây dựng, hoạch định chiến lược hay chưa?
Đồng chí Đỗ Thức: Cách đây tròn 65 năm, sau khi đất nước giành được độc lập, ngày 06 - 5 - 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 61/SL thành lập Nha Thống kê Việt Nam thuộc Bộ Quốc dân Kinh tế - tiền thân của ngành Thống kê và Tổng cục Thống kê ngày nay. Trải qua các giai đoạn cách mạng, ngành Thống kê đã từng bước phát triển và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao phó.
Đặc biệt, trong thời kỳ đổi mới và hội nhập, ngành Thống kê đã rất nỗ lực tăng cường năng lực thông tin thống kê, từng bước đổi mới phương pháp nghiệp vụ chuyên môn, áp dụng các phương pháp thống kê tiên tiến… Nhờ vậy, chất lượng thông tin luôn được cải thiện và được Chính phủ, các đối tượng trong và ngoài nước công nhận và sử dụng rộng rãi, đặc biệt là trong công tác xây dựng và hoạch định chính sách phát triển. Kết quả Tổng điều tra Dân số và nhà ở năm 2009 là một ví dụ minh chứng cho điều này. Với cơ cấu dân số vàng tối ưu thu được từ Tổng điều tra, Chính phủ cần có những chính sách và chương trình phù hợp nhằm tận dụng những cơ hội, phát huy lợi thế của cơ cấu dân số vàng, cũng như giải quyết các thách thức đặt ra để thích ứng với những thay đổi về nhân khẩu học ở Việt Nam và thu hẹp dần khoảng cách giữa các vùng miền và nhóm dân cư. Hoặc những thông tin thu thập được từ các cuộc Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản, Tổng điều tra cơ sở kinh tế hành chính sự nghiệp, điều tra mức sống dân cư, điều tra doanh nghiệp, các Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội hằng tháng, hằng quý, hằng năm… đã đóng góp rất quan trọng trong việc tạo nên những bức tranh tổng thể của từng giai đoạn phát triển. Nhờ vậy, các nhà hoạch định chính sách có căn cứ để xây dựng chính sách sát hợp với thực tế.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, thông tin thống kê phục vụ công tác hoạch định, chiến lược cũng còn tồn tại những bất cập. Số lượng và chất lượng thông tin tuy đã được nâng lên, nhưng nhìn chung chưa đáp ứng kịp tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước. Một số chỉ tiêu thống kê của một số ngành còn thiếu hoặc chưa được cập nhật. Hiện tượng chênh lệch số liệu giữa Trung ương và địa phương, giữa Tổng cục Thống kê và các bộ, ngành vẫn còn tồn tại. Nguyên nhân có nhiều, cả khách quan và chủ quan. Luật Thống kê và các văn bản hướng dẫn thi hành đã được Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành, song việc tuyên truyền, phổ biến quán triệt chưa đầy đủ và sâu rộng. Nhận thức về Luật Thống kê trong cộng đồng còn hạn chế, việc thực hiện chưa nghiêm đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng và tính pháp lý của thông tin thống kê; thống kê bộ, ngành chưa được củng cố về tổ chức và tăng cường về nhân lực để tương xứng với nhiệm vụ. Nghiệp vụ chuyên môn của cán bộ làm công tác thống kê còn hạn chế, đặc biệt ở khối cán bộ cấp cơ sở. Thậm chí bệnh thành tích cũng còn rất nặng, đặc biệt ở các cấp địa phương cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng thông tin thống kê.
PV: Theo ông, ngành Thống kê cần phải làm gì để tiếp tục nâng cao chất lượng thông tin thống kê đáp ứng yêu cầu của xã hội?
Đồng chí Đỗ Thức: Tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa, số liệu thông tin thống kê chính xác, kịp thời sẽ góp phần quan trọng trong xây dựng chính sách đúng, trong nhiều trường hợp còn có ý nghĩa hơn cả nguồn lực, vì giúp cho việc huy động và sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn. Với tầm quan trọng đó, để bảo đảm thu thập và cung cấp thông tin thống kê có chất lượng, kịp thời, chính xác, có tính so sánh quốc tế, đòi hỏi cần có sự đầu tư thỏa đáng để đổi mới đồng bộ công tác thống kê ở nước ta, từ khâu thu thập, xử lý đến phân tích, dự báo và phổ biến thông tin thống kê trên cơ sở áp dụng các phương pháp luận thống kê tiên tiến; hoàn thiện thể chế, khuôn khổ pháp lý và cơ chế điều phối giữa các nhà sản xuất, cung cấp thông tin với những người sử dụng thông tin. Ngày 02 - 3 - 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 312/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Đổi mới đồng bộ hệ thống chỉ tiêu Thống kê quốc gia, ngành Thống kê đang phối hợp với thống kê các bộ, ngành và các địa phương tích cực thực hiện Đề án và trong tháng 6 năm 2011, Tổng cục Thống kê sẽ trình Thủ tướng Chính phủ Chiến lược Phát triển ngành Thống kê giai đoạn 2011 – 2020 và tầm nhìn 2025. Trong đó, tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm: đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động thu thập thông tin của hệ thống thống kê nhà nước; đổi mới và hoàn thiện hoạt động xử lý, tổng hợp và phổ biến thông tin; tăng cường nghiên cứu, ứng dụng phương pháp luận và chuẩn hóa các quy trình thống kê; đẩy mạnh phân tích và dự báo thống kê; hoàn thiện thể chế, khuôn khổ pháp lý và điều phối các hoạt động thống kê; phát triển nhân lực ngành thống kê; tăng cường cơ sở vật chất - kỹ thuật và huy động các nguồn lực tài chính phục vụ hoạt động thống kê; ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong ngành thống kê; mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thống kê. Đây là những cơ sở quan trọng để ngành Thống kê tiếp tục tăng cường năng lực, phục vụ ngày càng tốt hơn yêu cầu về thông tin thống kê của Đảng, Chính phủ và các đối tượng dùng tin khác trong thời đại hội nhập.
PV: Xin cảm ơn đồng chí./.
Thực hiện nhiệm vụ ngân hàng năm 2010 và định hướng năm 2011  (04/05/2011)
Phương hướng nhiệm vụ hoạt động tài chính - ngân sách năm 2011  (04/05/2011)
Việt Nam phản đối chủ nghĩa khủng bố và lên án các hoạt động khủng bố dưới mọi hình thức  (04/05/2011)
Chiến sự vẫn diễn ra ác liệt tại Li-bi  (04/05/2011)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay