Hội nghị thường niên ADB 2011: Xây dựng quan hệ thương mại, đầu tư ổn định, cùng có lợi giữa Việt Nam với các đối tác
Ngày 3-5, Hội nghị cấp cao về kinh doanh tại Việt Nam đã khai mạc trọng thể tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội), với sự tham dự của đông đảo đại diện ngân hàng trung ương, cơ quan tài chính các nước thành viên ADB, nhiều tổ chức tài chính quốc tế, các nhà doanh nghiệp, các diễn giả uy tín trong nước và quốc tế. Đây là sự kiện quan trọng trong khuôn khổ Ngày Việt Nam, được tổ chức nhân dịp Hội nghị thường niên lần thứ 44 của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Hà Nội. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Giàu, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh và lãnh đạo nhiều bộ, ngành, địa phương của Việt Nam đã tham dự Hội nghị.
Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhiệt liệt chào mừng các vị đại biểu đến Việt Nam tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 44 của ADB và dự Hội nghị cấp cao về kinh doanh tại Việt Nam, đồng thời giới thiệu với các đại biểu, qua đó mong muốn chuyển tải tới cộng đồng quốc tế thông điệp về sự phát triển của Việt Nam thời gian qua, về môi trường đầu tư, kinh doanh, cũng như những chính sách, định hướng chiến lược của Việt Nam thời gian tới. Nêu bật những thành tựu kinh tế - xã hội mà Việt Nam đã đạt được trong 10 năm qua, Phó Thủ tướng cho biết: Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng kinh tế bình quân 7,26%/năm, quy mô kinh tế tăng gấp 3,3 lần, đồng thời đạt nhiều tiến bộ về xóa đói giảm nghèo, giáo dục, tạo công ăn việc làm, chăm sóc sức khỏe người dân... trở thành nước có thu nhập trung bình từ năm 2008. Trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng kinh tế 6,78%, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 157 tỉ USD trong năm qua. Đến nay đã có 92 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 12.463 dự án đang có hiệu lực, tổng vốn đăng ký 194,6 tỉ USD, trong đó vốn thực hiện gần 80 tỉ USD. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, chất lượng tăng trưởng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, các cân đối vĩ mô chưa vững chắc, chất lượng nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng vẫn là những điểm nghẽn cản trở sự phát triển. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang đứng trước những thách thức về thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển so với các nước trong khu vực, vượt qua bẫy thu nhập trung bình.
Về phương hướng phát triển thời gian tới, Phó Thủ tướng chỉ rõ, Việt Nam tiếp tục thực hiện đổi mới toàn diện và hiệu quả nền kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng nhanh và bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên môi trường, chủ động ứng phó với các tác động của biến đổi khí hậu, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế... tạo nền tảng đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Để đạt được các mục tiêu đó, Việt Nam sẽ tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là cải cách hành chính, tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng; phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn kết chặt chẽ với phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ; xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ... Với khoảng 300 tỉ USD cho đầu tư phát triển giai đoạn 2011-2015, Việt Nam sẽ dành ưu tiên hàng đầu cho cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tạo lập đồng bộ và phát triển các loại thị trường: tài chính, hàng hóa, dịch vụ, lao động, khoa học và công nghệ theo hướng tự do hóa thương mại và đầu tư, phát huy tối đa các nguồn lực trong và ngoài nước... Khẳng định Việt Nam kiên trì thực hiện đường lối đổi mới, cải cách kinh tế theo hướng thị trường và chủ động hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế khu vực và thế giới, xây dựng quan hệ thương mại, đầu tư ổn định với các đối tác, các quốc gia, vùng lãnh thổ trên nguyên tắc tôn trọng lợi ích của nhau và cùng phát triển, Phó Thủ tướng cũng bày tỏ tin tưởng, Hội nghị sẽ là dịp để bạn bè quốc tế hiểu biết nhiều hơn và mở rộng đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc, Hội nghị là cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước trao đổi, tìm kiếm cơ hội hợp tác trong tương lai. Bộ trưởng ghi nhận và đánh giá cao sự giúp đỡ to lớn của cộng đồng các nhà tài trợ dành cho Việt Nam trong suốt những năm qua, trong đó ADB đã hỗ trợ tích cực về tài chính, kỹ thuật, tư vấn chính sách, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, cải cách doanh nghiệp nhà nước... góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, tăng trưởng bền vững. Bộ trưởng nêu rõ, trong bối cảnh suy giảm kinh tế toàn cầu, Việt Nam tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng cao, tiếp tục là điểm đến hấp dẫn về đầu tư bởi tốc độ phát triển thị trường, khả năng thâm nhập thị trường khu vực và các chính sách ưu đãi về đầu tư. Bộ trưởng mong rằng, cộng đồng các nhà tài trợ, trong đó có ADB sẽ tiếp tục hỗ trợ, giúp Việt Nam thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, xóa đói giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách phát triển, hội nhập khu vực và quốc tế, hoàn thành các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ.
Chủ tịch ADB Ha-ru-hi-ko Ku-ro-da chúc mừng Việt Nam về sự tiến bộ đạt được thời gian gần đây và đã chuyển sang nước có thu nhập trung bình. Từ khi thực hiện công cuộc đổi mới năm 1986 đến nay, nền kinh tế Việt Nam đã tăng gấp 6 lần, trong khi tỉ lệ nghèo đã giảm từ 58% xuống còn 10% hiện nay, khu vực kinh tế tư nhân phát triển đã tạo ra hơn 90% việc làm mới và đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng của nền kinh tế. Từ khi trở thành thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới, Việt Nam hội nhập kinh tế khu vực và thế giới ngày càng sâu rộng hơn. Quá trình hội nhập sẽ mang lại cơ hội cho Việt Nam, như thúc đẩy cải cách cơ cấu, mở rộng thị trường, thu hút vốn và công nghệ cao..., tuy nhiên cũng đặt nhiều thách thức về duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường kinh doanh ổn định. Chủ tịch ADB cho biết ông tin tưởng vào tiềm năng mạnh mẽ của Việt Nam ở tầm trung và dài hạn, với một thị trường rộng lớn 87 triệu người dân, lực lượng lao động trẻ, cần cù... Để vượt qua các thách thức, Việt Nam cần nâng cao hiệu quả và năng suất của nền kinh tế, giải quyết nhu cầu về lao động có kỹ năng, giảm trở ngại về giao thông đường bộ và đường biển, giảm chi phí kinh doanh thông qua quản trị tốt hơn... Khu vực kinh tế tư nhân đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, chiếm tới 47% GDP, thu hút 1,5 triệu lao động mỗi năm... do đó Việt Nam cần cải thiện hệ thống thuế và các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hơn trong việc tiếp cận vốn, đất đai, nhằm khai thác tối đa tiềm năng của khu vực này. Để trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, Chủ tịch ADB nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng cường đối thoại chính sách, cải thiện môi trường đầu tư, cung cấp các hàng hóa, dịch vụ công và khuyến khích phát triển khu vực kinh tế tư nhân tại Việt Nam. Khẳng định ADB là đối tác phát triển của Việt Nam, Chủ tịch Haruhiko Kuroda cho biết các hỗ trợ của ADB sẽ tập trung vào các lĩnh vực: xây dựng hạ tầng thiết yếu, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho khu vực tư nhân; cam kết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu đã đề ra, vì cuộc sống thịnh vượng của người dân.
Trong khuôn khổ Hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và các quan chức Việt Nam đã dành nhiều thời gian trả lời cởi mở, thẳng thắn các câu hỏi của các đại biểu xoay quanh các vấn đề đặt ra trong quá trình phát triển của Việt Nam những năm tiếp theo như: Phát triển công nghiệp phụ trợ, định hướng ưu tiên đầu tư nhằm nâng cao giá trị gia tăng, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển cơ sở hạ tầng, các chính sách kiềm chế lạm phát, duy trì tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân...
Hội nghị tiến hành các phiên thảo luận theo các chủ đề: Cải thiện cơ sở pháp lý và thể chế tài chính cho đầu tư kinh doanh tại Việt Nam; hợp tác công tư. Theo đó, các đại biểu trao đổi về nhiều nội dung: xu hướng thị trường tài chính; vai trò quản trị của Ngân hàng Nhà nước trong việc khuyến khích đầu tư, kinh doanh; vai trò của dịch vụ tài chính, ngân hàng đối với đầu tư, kinh doanh; cải cách hệ thống ngân hàng Việt Nam - thực trạng và giải pháp; đầu tư theo hình thức Đối tác công-tư (PPP), nhất là trong phát triển cơ sở hạ tầng như điện, hệ thống giao thông, thu xếp vốn cho các dự án PPP.../.
Kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử tại Thừa Thiên - Huế  (03/05/2011)
Hội đồng bảo an Liên hợp quốc: Cái chết của Bin La-đen là bước ngoặt trong cuộc chiến chống khủng bố  (03/05/2011)
Xi-ri – Chính biến trong cục diện khác  (02/05/2011)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Hội nghị Cấp cao ASEAN 18  (02/05/2011)
Dư luận thế giới hoan nghênh việc trùm khủng bố Bin La-đen bị tiêu diệt  (02/05/2011)
Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma: Trùm khủng bố Bin La-đen đã bị tiêu diệt  (02/05/2011)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay