Tạo cú “hích” để Phú Quốc thành đặc khu kinh tế quan trọng
Đây là hạng mục cuối cùng trong dự án đầu tư đưa điện lưới quốc gia từ đất liền ra đảo Phú Quốc bằng cáp ngầm xuyên biển 110kV.
Sự kiện này không chỉ góp phần bảo vệ và cải thiện môi trường cho huyện đảo, đưa Phú Quốc trở thành Hòn Ngọc của Việt Nam mà còn nâng cao sức cạnh tranh đưa Phú Quốc trở thành đặc khu kinh tế quan trọng, khu du lịch chất lượng cao của đất nước.
Chọn phương án tối ưu
Quyết định 178/2004/QĐ-TTg ngày 05-10-2004 của Thủ tướng Chính phủ về “Đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020” đã tạo điều kiện cho Phú Quốc chuyển biến rất rõ nét, nhất là kinh tế tăng trưởng hàng năm trên 22%, thu nhập bình quân đầu người tăng cao hơn rất nhiều so với bình quân chung cả nước.
Lượng khách du lịch tăng bình quân 13%/năm, hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu đã được quy hoạch và triển khai đầu tư; trong đó đưa Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc hiện đại vào vận hành.
Cùng với sự phát triển nhanh về kinh tế - xã hội, nhu cầu điện trên đảo cũng tăng rất nhanh. So với thời điểm ngành điện tiếp nhận quản lý vào đầu năm 2002, đến nay công suất nguồn điện trên đảo là 31.155kW, tăng gấp 8 lần. Riêng năm nay, sản lượng điện thương phẩm ước đạt 60 triệu kWh, tăng gấp 10 lần.
Tuy nhiên điều này cũng chưa phản ánh đúng nhu cầu về điện của Phú Quốc vì năng lực cấp điện của nguồn phát diesel có hạn chế.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho rằng việc xác định nguồn cấp điện cho Phú Quốc không chỉ bao gồm yếu tố công suất, sản lượng mà còn phải đảm bảo giá điện đến người sử dụng hợp lý, bảo vệ môi trường. Vì vậy, khi Chính phủ, Bộ Công Thương giao cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nghiên cứu giải pháp cấp điện cho huyện đảo Phú Quốc từ hệ thống lưới điện quốc gia thì đây là phương án tối ưu hơn cả.
Dự án cáp ngầm 110kV xuyên biển Hà Tiên - Phú Quốc có tính phức tạp và dài nhất Đông Nam Á với vốn đầu tư gần 2.336 tỷ đồng, lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam.
Để triển khai được dự án này là quá trình chuẩn bị kiên trì hơn 5 năm, từ việc thu xếp để có nguồn vốn đầu tư lớn, tính chất phức tạp ở cấp điện áp cao, phương án hướng tuyến hợp lý, đến việc lựa chọn được nhà thầu có năng lực, uy tín.
Trên cơ sở phân tích ý nghĩa và tính khả thi của dự án, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định đây là dự án mang tính khả thi và có những ý nghĩa rất lớn.
Cụ thể, dự án bảo đảm năng lực cung cấp điện ổn định cho Phú Quốc trong bối cảnh nhu cầu tăng rất cao mà nguồn phát diesel không đáp ứng được, đồng thời giảm được giá bán điện trên đảo từ mức bình quân 5.060 đồng/kWh về giá đất liền bình quân khoảng 1.508,85 đồng/kWh.
Ngoài việc cung cấp điện cho các nhu cầu hiện tại, dự án này còn cấp mới cho các phụ tải quan trọng như Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, cảng biển quốc tế An Thới, cảng nội địa Dương Đông, cấp điện cho nhân dân các xã Gành Dầu, Bãi Thơm và nhiều khu vực khác chưa có điện trên đảo như vị trí ấp Rạch Hàm, xã Hàm Ninh, cũng như phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh và dịch vụ du lịch mà Phú Quốc đang có lợi thế.
Dự án này chính là tiền đề quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, tạo cú hích cho sự chuyển mình để Phú Quốc nhanh chóng trở thành một đặc khu kinh tế quan trọng và là khu du lịch sinh thái chất lượng cao của cả nước.
Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, sau khi Chính phủ ban hành Quyết định 178, nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đã đến Kiên Giang để tìm kiếm cơ hội đầu tư ở Phú Quốc.
Cùng với tốc độ tăng trưởng nhanh ở huyện đảo này, nhiều nhà đầu tư đã đề xuất với địa phương và Chính phủ cho họ tham gia đầu tư cấp điện cho đảo bằng các nguồn nhiệt điện, phong điện, cáp ngầm, song lại đòi hỏi nhiều điều kiện ưu đãi cũng như chưa chứng minh được tính khả thi nên đều không thể triển khai được.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng: “Trong bối cảnh Phú Quốc đang rất cần nhiều điện, việc giao cho EVN thực hiện dự án là quyết định phù hợp và chỉ có ngành điện mới làm được. Điều này cũng thể hiện vai trò nổi bật không thể thiếu của ngành điện trong việc bảo đảm nhu cầu năng lượng đối với các hoạt động sản xuất, thương mại, dịch vụ và sinh hoạt của nhân dân”.
Tạo cú hích quan trọng
Dự án cáp ngầm 110kV xuyên biển Hà Tiên - Phú Quốc đóng một vai trò quan trọng trong việc ổn định nguồn điện trên đảo Phú Quốc, là động lực mạnh mẽ, cú hích quan trọng và là điều kiện tiền đề để phát triển đảo Phú Quốc trở thành một đặc khu kinh tế quan trọng, khu du lịch sinh thái chất lượng cao của cả nước.
Trên thực tế, bằng trách nhiệm và sự quyết tâm, EVN đã tìm kiếm và thu xếp được nguồn vốn gần 2.400 tỷ đồng, lựa chọn được các đơn vị khảo sát, thiết kế và nhà thầu EPC có đủ năng lực, uy tín để thực hiện dự án.
Dự án sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới từ nguồn Hỗ trợ phát triển chính sách cải cách ngành điện giai đoạn 2 kết hợp với vốn đối ứng của Tổng Công ty Điện lực miền Nam.
Cùng với việc Tổng công ty Điện lực miền Nam và nhà thầu Prysmian (Italy) triển khai thi công tuyến cáp ngầm 110kV xuyên biển Hà Tiên - Phú Quốc sớm hơn sáu tháng so với kế hoạch, đẩy nhanh thời gian kết nối lưới điện của đảo Phú Quốc với hệ thống điện quốc gia qua hệ thống cáp ngầm xuyên biển 110kV dài 58km, đến nay, các hạng mục công trình phía Hà Tiên đã hoàn thành.
Đơn cử như đường dây 110kV Kiên Lương - Hà Tiên và đoạn đấu nối ra đầu cáp ngầm phía bờ Hà Tiên, Trạm 110kV Hà Tiên; Đường dây 110kV Hàm Ninh - Phú Quốc và Trạm 110kV Phú Quốc.
Bên cạnh đó, các lộ ra phía 22kV của Trạm 110kV Phú Quốc đang tích cực được triển khai để hoàn thành trong năm 2013.
Cùng với những dự án này, các công trình đầu tư và sửa chữa lưới điện phân phối trên đảo Phú Quốc với khối lượng 61,7km đường dây 22kV và trên 9,6km đường dây hạ áp, 245 trạm biến áp với tổng dung lượng trên 12.772kVA cũng đang được Công ty Điện lực Kiên Giang khẩn trương triển khai trong năm nay, bảo đảm đón nhận dòng điện từ lưới điện quốc gia ngay sau khi tuyến cáp ngầm hoàn thành, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện tăng cao trên đảo. Trong đó có các tuyến đường dây trung hạ áp để cấp điện cho 728 hộ dân chưa có điện ở hai xã Gành Dầu và Bãi Thơm.
Tổng công ty Điện lực miền Nam cho biết bắt đầu từ ngày 17-11, công tác lắp đặt đoạn cáp ngầm đầu tiên sẽ được thực hiện ở vùng biển khu vực xã Hàm Ninh, sau đó sẽ kéo sang phía bờ biển Hà Tiên và tiếp bờ ở khu vực xã Thuận Yên.
Theo cam kết của nhà thầu Prysmian vừa thực hiện thành công dự án kéo cáp ngầm 22kV ra huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh, công tác lắp đặt phần cáp ngầm dưới đáy biển và đấu nối sẽ hoàn thành vào ngày 13-1-2014.
Trong thời gian này, Tổng Công ty đề nghị các phương tiện trên tàu thuyền và hoạt động đánh bắt hải sản trên vùng biển từ Phú Quốc đến Hà Tiên tuân thủ nghiêm ngặt các quy định cảnh báo của cơ quan chức năng, giữ khoảng cách an toàn với đoàn tàu thi công, đồng thời giúp quá trình thi công tuyến cáp ngầm được an toàn, nhanh chóng và đạt chất lượng, sớm cấp điện cho nhân dân trên đảo.
Dự kiến công tác thí nghiệm, hiệu chỉnh các hạng mục công trình của dự án sẽ hoàn thành trong tháng 1-2014 và có thể đóng điện vào dịp Tết Nguyên đán 2014.
Cùng với dự án này, trước đó là huyện đảo Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh) đã có điện lưới, sắp tới là huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), Kiên Hải (tỉnh Kiên Giang) và đầu năm 2014, Tổng công ty Điện lực miền Nam sẽ tiếp nhận quản lý điện ở Côn Đảo.
Như vậy đến năm 2014, EVN sẽ trực tiếp quản lý lưới điện ở 10/12 huyện đảo của cả nước, riêng Tổng công ty Điện lực miền Nam hoàn thành việc đưa điện đến 100% số huyện đảo trong khu vực quản lý.
Đây chính là điều kiện quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống người dân các huyện đảo, đồng thời, thể hiện vai trò trách nhiệm và góp phần đắc lực trong việc giữ vững chủ quyền vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc./.
ANMC21: Điểm nhấn quy hoạch và năng lượng đô thị  (19/11/2013)
Đồng bằng sông Cửu Long thu hút đầu tư vào 138 dự án  (19/11/2013)
Việt Nam điện thăm hỏi vụ tai nạn máy bay nghiêm trọng tại Nga  (19/11/2013)
Tổng thống Namibia thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam  (19/11/2013)
Việt Nam - Lào hợp tác trong công tác bồi dưỡng cán bộ  (19/11/2013)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên