Nhận lời mời của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trương Tấn Sang và Phu nhân, Tổng thống nước Cộng hòa Namibia Hifikepunye Pohamba và Phu nhân sẽ thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 18 đến ngày 20-11-2013.

Cộng hòa Namibia nằm ở Tây Nam châu Phi, với diện tích 823,145 km2, dân số 2,18 triệu người. Từ khi giành độc lập đến nay, Namibia thực hiện đường lối đối ngoại không liên kết, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, đóng góp tích cực vào việc thành lập Liên minh châu Phi (AU) vào quá trình tìm giải pháp cho các cuộc xung đột tại châu Phi.

Namibia là thành viên của Liên hợp quốc, Phong trào không liên kết, AU, Cộng đồng phát triển miền Nam châu Phi (SADC), Khối Liên hiệp Anh và thành viên của các Tổ chức quốc tế Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB)...

Đất nước Namibia có nguồn tài nguyên thiên nhiên quý hiếm như uranium (thứ 4 thế giới), kim cương (đứng thứ 5 thế giới), đồng, kẽm... Ngành khai khoáng đóng góp chính cho kinh tế Namibia (chiếm 8% GDP, 50% nguồn thu ngoại tệ), tiếp theo là ngành đánh cá, chăn nuôi gia súc, du lịch.

Hiện nay, Namibia đang tập trung triển khai chiến lược phát triển đất nước theo hướng đẩy mạnh du lịch, nông nghiệp, thủy sản, phát huy lợi thế có trên 1.500km bờ biển nhằm đảm bảo an ninh lương thực, giảm phụ thuộc vào nguồn thu từ hoạt động khai thác tài nguyên, thu hẹp chênh lệch giàu nghèo, cải thiện các điều kiện sống cho người dân.

Việt Nam và Namibia thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 21-3-1990, với mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp từ những năm 70, quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Tổ chức Nhân dân Tây Nam Phi (SWAPO - Đảng cầm quyền Namibia hiện nay) đã được thiết lập.

Hai bên đã ủng hộ, giúp đỡ nhau trong cuộc đấu tranh giành độc lập của mỗi nước. Chủ tịch Đảng SWAPO đồng thời là Tổng thống đầu tiên của Namibia, ông Sam Nujoma, có tình cảm đặc biệt với Việt Nam, coi Chủ tịch Hồ Chí Minh là anh hùng dân tộc của Namibia, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị tướng của Quân đội Namibia.

Đặc biệt, những thành tựu trong đổi mới và phát triển đất nước của Việt Nam, nhất là việc Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới đã trở thành nguồn cổ vũ to lớn cho Namibia trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Thời gian qua, hai nước duy trì thường xuyên trao đổi đoàn các cấp, Namibia đã cử nhiều đoàn sang thăm Việt Nam, trong đó có chuyến thăm của Bộ Trưởng Ngoại giao, Bộ Trưởng nghề cá và nguồn lợi thủy sản...

Hai nước đang triển khai dự án hợp tác Việt Nam - Namibia theo mô hình 3 bên do tổ chức Nông - Lương thế giới (FAO) tài trợ và Namibia đánh giá cao về hiệu quả hợp tác.

Hai nước đã ký một số Hiệp định quan trọng như Hiệp định khung hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học, kỹ thuật; Hiệp định khuyến khích và Bảo hộ đầu tư; Hiệp định thương mại, Thỏa thuận hợp tác giữa hai Phòng Thương mại và công nghiệp...

Tuy nhiên, hợp tác giữa hai nước còn chưa đạt được nhiều kết quả cụ thể, trao đổi thương mại hai chiều năm 2012 mới đạt 1,3 triệu USD. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam là hàng dệt may, cà phê, sản phẩm gỗ, mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là sắt thép các loại, dầu mỡ động thực vật.

Hai nước đang triển khai dự án 3 bên về thủy sản do Tổ chức Nông Lương Thế giới (FAO) tài trợ (năm 2010). Hiện nay, Việt Nam có 3 chuyên gia và 2 kỹ thuật viên thuộc viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I làm việc tại Namibia (từ tháng 10-2010).

Namibia đánh giá cao sự hợp tác của các chuyên gia Việt Nam và đề nghị tiếp tục xây dựng dự án hợp tác về trồng lúa theo mô hình 3 bên với sự tài trợ của JICA, Nhật Bản tại vùng Đông Bắc Namibia, nơi có nhiều sông ngòi thuận lợi cho phát triển nông nghiệp.

Hai bên đang đàm phán thỏa thuận hợp tác giữa hai Bộ Nông nghiệp. Trong lĩnh vực hợp tác giáo dục - đào tạo, Namibia mong muốn Việt Nam giúp cải thiện chất lượng giáo dục, mở rộng các lĩnh vực đào tạo và xem xét cấp học bổng cho sinh viên nông nghiệp của Namibia sang học tại Việt Nam.

Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống nước Cộng hòa Namibia Hifikepunye Pohamba nhằm khẳng định mong muốn thúc đẩy hợp tác song phương; trao đổi các biện pháp tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực đầu tư, thương mại, nông - lâm nghiệp, thủy sản, giáo dục, hàng không, đồng thời trao đổi một số vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm và ký một số văn kiện hợp tác./.