Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam cùng đồng bào Công giáo “sống tốt đời đẹp đạo”
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam là một tổ chức xã hội đại diện cho phong trào thi đua yêu nước của người Công giáo, có nhiệm vụ tập hợp, đoàn kết rộng rãi mọi người Công giáo Việt Nam tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; thực hiện đường hướng mục vụ “Giáo hội gắn bó với dân tộc, phục vụ hạnh phúc của đồng bào” theo tinh thần Thư chung năm 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam. Từ khi thành lập đến nay, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam đã trải qua 5 nhiệm kỳ đại hội, luôn xác định tôn chỉ, mục đích và đường hướng đồng hành cùng dân tộc; có nhiều đóng góp thiết thực vào sự nghiệp chung của đất nước, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đề ra, đất nước ta đã tranh thủ những thời cơ thuận lợi, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tác động của cuộc suy thoái kinh tế và khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua để đạt được những thành tựu to lớn và rất quan trọng. Đất nước ra khỏi tình trạng khủng hoảng, bước vào nhóm nước có mức thu nhập trung bình. Nhiều mục tiêu kinh tế - xã hội đặt ra đã đạt được. Kinh tế tăng trưởng nhanh; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục được xây dựng, hoàn thiện. Các lĩnh vực văn hoá, xã hội đạt được những thành tựu quan trọng trên nhiều mặt. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt; dân chủ trong xã hội tiếp tục được bảo đảm và phát huy. Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng - an ninh được giữ vững; công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế được phát triển sâu rộng, góp phần tạo nên môi trường hoà bình, ổn định và tăng thêm nguồn lực phát triển đất nước.
Về phía Giáo hội Công giáo Việt Nam, quan hệ giữa Việt Nam và Tòa thánh Va-ti-căng đang tiến triển tốt đẹp. Các cuộc tiếp xúc và đối thoại hằng năm giữa Toà thánh Va-ti-căng và Nhà nước Việt Nam về các vấn đề liên quan đến Giáo hội Công giáo Việt Nam đã tạo niềm tin đối với người Công giáo. Kết quả của các cuộc gặp gỡ, trao đổi ở cấp cao đã khẳng định mong muốn và thiện chí hợp tác của cả hai bên. Lần đầu tiên, Đức Giáo hoàng ban Huấn từ cho Giáo hội Công giáo Việt Nam nhân dịp Đoàn các Giám mục Việt Nam sang thăm và làm việc tại Rô-ma (I-ta-li-a) vào tháng 6-2009. Trong Huấn từ dành cho các Giám mục và đồng bào Công giáo Việt Nam, Đức Giáo hoàng Bê-nê-đíc-tơ XVI (Benedict) đã cỗ vũ đường hướng mục vụ trong Thư chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam năm 1980 với tinh thần “Giáo hội Chúa Ki-tô ở giữa dân của mình” cũng đồng nghĩa với “Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc” và nhấn mạnh đến vai trò chứng tá của người giáo dân giữa lòng xã hội để xã hội nhìn nhận rằng “Người Công giáo tốt cũng chính là người công dân tốt”. Đường hướng này đã đem lại cho Giáo hội Công giáo Việt Nam một trang sử mới. Đây là cơ hội và là điều kiện thuận lợi để người Công giáo Việt Nam tiếp tục dấn thân phục vụ đất nước và Giáo hội trong thời kỳ đổi mới và hội nhập. Một sự kiện to lớn trong đời sống tôn giáo ở Việt Nam, cũng là vinh dự của người Công giáo Việt Nam là, lần đầu tiên Hội đồng Giám mục Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị toàn thể Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC) lần thứ X tại Tòa Giám mục Xuân Lộc, từ ngày 10 đến ngày 16-12-2012. Đây là Hội nghị kỷ niệm 40 năm thành lập FABC. Tham dự Hội nghị có 122 đại biểu là hồng y, tổng giám mục, giám mục và đại biểu của Giáo hội Công giáo các nước châu Á, một số nước châu Âu, châu Mỹ, châu Úc và Tòa thánh Va-ti-căng. Mục tiêu của Hội nghị là nhằm giúp các Giáo hội Công giáo tại châu Á cùng nhau nhận định thực trạng của những thách đố, khó khăn chung, đưa ra những đường hướng và cùng giúp nhau giải quyết trong việc sống đức tin và loan truyền đức tin.
Với xu thế đi lên của đất nước và đường hướng gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, người Công giáo ngày càng được khẳng định vị thế của mình: “Tổ quốc không của riêng ai, tương lai đất nước phụ thuộc vào hành động yêu nước của mỗi người Việt Nam hòa hợp trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc”, để thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Là một tổ chức xã hội, đại diện cho phong trào yêu nước của người Công giáo, thành viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam luôn nỗ lực dấn thân thực hiện đường hướng “đồng hành, gắn bó với dân tộc”, năng động và có nhiều sáng tạo trong các hoạt động thi đua yêu nước, nhất là việc triển khai thực hiện phong trào thi đua “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, sống tốt đời đẹp đạo”, gắn với 10 nội dung thi đua cụ thể. Những thành tựu của đất nước đạt được trong thời gian qua là có sự đóng góp đáng kể của đồng bào Công giáo trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nâng cao vị thế của người Công giáo Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Sau khi tổ chức thành công Đại hội đại biểu những người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lần thứ V, nhiệm kỳ 2008-2013, ngày 08-12-2008, Ban Thường trực Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam đã ban hành Kế hoạch về tuyên truyền kết quả Đại hội đại biểu những người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lần thứ V đến Ủy ban Đoàn kết Công giáo các tỉnh, thành phố. Những định hướng lớn trong Nghị quyết Đại hội đã được cụ thể hóa thành chương trình hành động hằng năm của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam. Từ 10 nội dung thi đua do Đoàn Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam ban hành vào tháng 7-2009, Ban Thường trực Ủy ban Đoàn kết Công giáo các tỉnh, thành phố đã thể chế hoá thành những nội dung cụ thể cho phù hợp với tình hình thực tế ở mỗi địa phương; phối hợp với Mặt trận Tổ quốc các cấp triển khai đến Ban Đoàn kết Công giáo các xứ, họ đạo, khu dân cư Công giáo, trong đó tập trung vào phát triển kinh tế, xoá đói, giảm nghèo, đấu tranh phòng, chống các tệ nạn xã hội, xây dựng đời sống văn hóa mới, đẩy mạnh các hoạt động xã hội từ thiện, nhân đạo, chăm sóc người có công, người có hoàn cảnh khó khăn bất hạnh, trẻ em lang thang cơ nhỡ,...
Đại hội đại biểu những người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lần thứ V đề ra nhiệm vụ tiếp tục triển khai thực hiện phong trào thi đua “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, sống tốt đời đẹp đạo”, gắn với 10 nội dung thi đua. Ngày 15-7-2009, Hội nghị Đoàn Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam lần thứ III đã ra nghị quyết đổi tên phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư, sống tốt đời đẹp đạo” thành phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, sống tốt đời đẹp đạo”. Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu những người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lần thứ IV và V, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam đã tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào Công giáo hưởng ứng, tham gia thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động. Ban Thường trực Đoàn Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam đã có chương trình công tác ngay từ đầu mỗi năm cho cả năm, duy trì hội nghị hằng tháng để nắm bắt tình hình phong trào thi đua yêu nước của đồng bào Công giáo một cách thường xuyên và chính xác; thông qua những chương trình công tác và giao cho Văn phòng Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam thực hiện; kịp thời điều chỉnh và giải quyết những vấn đề phát sinh trong công tác tổ chức cũng như trong các hoạt động của Ủy ban; duy trì hội nghị Đoàn Chủ tịch theo định kỳ 6 tháng một lần đúng kỳ hạn; duy trì hội nghị toàn thể Ủy ban định kỳ hằng năm.
Luôn đồng hành cùng Giáo hội Công giáo Việt Nam, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam quan tâm đặc biệt đến những sự kiện, những thông điệp của Giáo hội bằng cách tổ chức kịp thời những cuộc tọa đàm khoa học để những thông điệp của Giáo hội được truyền tải sâu rộng đến mọi tầng lớp giáo dân, như các cuộc tọa đàm “30 năm Thư chung 1980” (năm 2011); “Người Công giáo tốt cũng là công dân tốt” (năm 2012); “Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam: 30 năm một chặng đường” (năm 2013). Các cuộc tọa đàm đã gây được tiếng vang tốt trong dư luận và thực sự đem lại hiệu quả tích cực mà thực tiễn phong trào thi đua yêu nước của đồng bào Công giáo đã và đang đặt ra.
Để chuẩn bị cho Đại hội đại biểu những người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lần thứ VI, Ban Thường trực Đoàn Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam đã kịp thời ban hành một số văn bản hướng dẫn, tờ trình, khen thưởng, quyết định công nhận,... liên quan tới công tác tổ chức Đại hội cấp tỉnh và toàn quốc. Ban Thường trực Đoàn Chủ tịch cũng đã đi dự và chỉ đạo Đại hội đại biểu những người Công giáo xây dựng và bảo vệ Tổ quốc các tỉnh, thành phố trong năm 2012 và 2013. Việc ban hành kịp thời các văn bản và dự đại hội của các tỉnh, thành phố đã góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy phong trào và hoạt động của Ủy ban Đoàn kết Công giáo các địa phương. Cũng trong nhiệm kỳ này, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam đã tổ chức nhiều cuộc thăm hỏi, tiếp xúc tạo được sự đồng cảm, chia sẻ với các Đức Giám mục đương nhiệm cũng như đã nghỉ hưu ở nhiều giáo phận. Đặc biệt, Ủy ban đã kết hợp với tỉnh Phú Thọ thành lập và tiến hành Đại hội đại biểu những người Công giáo tỉnh Phú Thọ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lần thứ nhất (năm 2012), nâng tổng số Ủy ban Đoàn kết Công giáo lên 39 (đã được thành lập tại 39 tỉnh, thành phố). Bên cạnh đó, duy trì quy trình tổ chức đón mừng Lễ Chúa Giáng sinh hằng năm bảo đảm ý nghĩa và có tính lan tỏa cao, thông qua thư, thiếp, lịch chúc mừng và nhất là những buổi gặp mặt thân mật tại trụ sở của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, số 34 Ngô Quyền, Hà Nội.
Năm năm qua, hoạt động của Văn phòng Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam có nhiều tiến bộ, tham mưu, phục vụ Ban Thường trực và Đoàn Chủ tịch Ủy ban hoàn thành tốt chương trình, kế hoạch của Ủy ban đề ra. Văn phòng đã triển khai tổng hợp số liệu về tình hình và tổ chức của Ủy ban Đoàn kết Công giáo các tỉnh, thành phố để phục vụ công tác chuẩn bị tổ chức Đại hội đại biểu những người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lần thứ VI.
Thực hiện công văn số 2843/MTTW-BTT, ngày 13-9-2012, của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về việc chuẩn bị báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam đã thu nhận ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của cử tri là người Công giáo để phản ánh với Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam những vấn đề thiết thực, như: đề nghị Nhà nước quan tâm hơn nữa đến đời sống của đồng bào Công giáo; kết hợp tuyên truyền việc thực thi chính sách, pháp luật với giải quyết linh hoạt, hợp lý, hợp tình các vấn đề liên quan đến Công giáo; sửa đổi mẫu khai lý lịch, giấy chứng minh nhân dân; tổ chức các cuộc làm việc, trao đổi với tổ chức Công giáo và tạo điều kiện giúp đỡ, nâng cao vị thế của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam trong giai đoạn mới. Thời gian qua, Ban Thường trực Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam đã có một số buổi làm việc tại các địa phương như Nam Định, Nghệ An, Đồng Nai, Đà Nẵng,… để nghiên cứu, tìm hiểu về những vấn đề bức xúc liên quan đến dân tộc, tôn giáo; đồng thời giao cho Ban Tư vấn Pháp luật của Ủy ban nghiên cứu, tư vấn để phản ánh với các cơ quan chức năng trả lời cá nhân và tập thể theo trình tự thủ tục của pháp luật.
Từ khi ra đời đến nay, Ban Từ thiện Xã hội của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam cùng với Quỹ Vì trẻ em khuyết tật, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức các hoạt động truyền thông, các cuộc thăm hỏi, tặng quà người có hoàn cảnh khó khăn, một số trung tâm từ thiện ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam với số tiền hàng trăm triệu đồng, góp phần thúc đẩy phong trào bác ái xã hội; tiếp tục thống kê, tổng hợp kết quả hoạt động từ thiện xã hội của đồng bào Công giáo ở một số tỉnh, thành phố.
Trong thời đại công nghệ thông tin, việc cung cấp và lĩnh hội thông tin cần được cập nhật từng giờ, bởi vậy, bên cạnh việc truyền thông qua bưu chính và qua Báo Người Công giáo Việt Nam, Báo Công giáo và dân tộc, Văn phòng Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam còn chú trọng đến việc trao đổi thông tin, truyền thông qua thư điện tử và Website của Ủy ban, từng bước xây dựng và củng cố Website của Ủy ban. Mặc dù đến nay Website của Ủy ban chưa được hoàn thiện và kinh phí còn khó khăn nhưng đã đóng góp một phần không nhỏ vào việc tuyên truyền, vận động đồng bào Công giáo tham gia các phong trào thi đua yêu nước; tuyên truyền những gương điển hình tiên tiến sống “tốt đời đẹp đạo”,… Website của Ủy ban còn có sức ảnh hưởng sâu rộng và thu hút được sự quan tâm của đông đảo độc giả trong nước và quốc tế (lên tới hàng nghìn lượt truy cập mỗi ngày). Tin, bài trên Website của Ủy ban đã được không ít kênh truyền thông khác khai thác và sử dụng lại. Các cơ quan, ban, ngành có liên quan cũng đã nhận thấy sự ảnh hưởng, nên khi có sự kiện đã mời đại diện Website của Ủy ban đến dự và đưa tin, bài với tư cách như một mạng truyền thông chính thức.
Sau Đại hội đại biểu những người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lần thứ V, Ủy ban Đoàn kết Công giáo các tỉnh, thành phố đã tích cực triển khai kế hoạch tuyên truyền về kết quả của Đại hội, tạo niềm tin, sự phấn khởi trong đồng bào Công giáo. Do tính chất, đặc điểm của từng địa phương, Ủy ban Đoàn kết Công giáo nhiều tỉnh, thành phố đã cụ thể hoá chương trình công tác. Ủy ban Đoàn kết Công giáo các tỉnh, thành phố bước vào nhiệm kỳ mới đã nhanh chóng hoàn thành việc phân công, phân nhiệm, thông qua Quy chế làm việc của Ủy ban, xây dựng kế hoạch, động viên phong trào thi đua yêu nước, sống “tốt đời đẹp đạo” trong đồng bào Công giáo,…
Thời gian qua, Ủy ban Đoàn kết Công giáo các tỉnh, thành phố đã tổ chức những lớp tập huấn cho các vị ủy viên Ủy ban tìm hiểu sâu về pháp luật có liên quan đến tôn giáo và tôn chỉ, mục đích của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam. Điển hình như Ủy ban Đoàn kết Công giáo Hà Nội, hằng năm đều tổ chức những lớp tập huấn chuyên đề do các chuyên gia là các nhà nghiên cứu tôn giáo hay cán bộ quản lý ở Trung ương và thành phố lên lớp. Ủy ban Đoàn kết Công giáo Hà Nội cũng thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu trao đổi kinh nghiệm công tác với các Ủy ban Đoàn kết Công giáo các tỉnh, thành phố khác, như với Thanh Hóa (năm 2011), Quảng Ninh (năm 2012) và Đà Nẵng (năm 2013). Kết quả của các cuộc giao lưu được đánh giá rất cao và đang được nhân rộng. Ủy ban Đoàn kết Công giáo của tỉnh, thành phố cũng đã tổ chức các hoạt động chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước và Giáo hội Công giáo trong năm 2010 và 2011 (80 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; 65 năm thành lập nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Đại lễ 1000 Thăng Long - Hà Nội; Năm Thánh 2010; 350 năm thành lập hai giáo phận Tông Tòa Đàng Trong và Đàng Ngoài; 50 năm thiết lập hàng giáo phẩm,…). Ngoài ra, Ủy ban Đoàn kết Công giáo các tỉnh, thành phố đã vận động giáo dân tích cực tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016; nhiệt tình tham gia đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và gửi về Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam đúng thời gian quy định.
Có thể khẳng định, Ủy ban Đoàn kết Công giáo các cấp trong 5 năm qua đã bám sát tôn chỉ, mục đích, động viên cộng đồng dân Chúa chu toàn bổn phận Ki-tô hữu đối với Giáo hội và đất nước; hướng dẫn phong trào thi đua yêu nước của đồng bào Công giáo hướng về cơ sở, khu dân cư; bám sát nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương. Đặc biệt, triển khai thực hiện kế hoạch hướng dẫn của Ban Thường trực Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam về tổ chức Đại hội đại biểu những người Công giáo xây dựng và bảo vệ Tổ quốc các tỉnh, thành phố đạt yêu cầu.
Mặc dù hoạt động của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam cũng như phong trào thi đua yêu nước của đồng bào Công giáo vẫn còn những mặt tồn tại, hạn chế, nhưng có thể khẳng định, 5 năm qua phong trào thi đua yêu nước của đồng bào Công giáo và hoạt động của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam được phát triển cả về bề rộng và chiều sâu. Cụ thể là, xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương điển hình tiên tiến, xuất sắc trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo; đẩy mạnh các hoạt động từ thiện, nhân đạo; chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào không ngừng được cải thiện, góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội; giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bộ mặt của xứ, họ đạo ngày càng khang trang, sạch đẹp, đồng bào ngày càng phấn khởi, yên tâm giữ đạo và chu toàn trách nhiệm công dân. Nhiều Ủy ban Đoàn kết Công giáo địa phương xây dựng được chương trình hoạt động thực hiện Nghị quyết Đại hội. Phương thức hoạt động của Ủy ban Đoàn kết Công giáo các cấp có nhiều đổi mới; có trọng tâm, trọng điểm, bám sát nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương; đã và đang hướng về cơ sở, khu dân cư.
Từ thực tiễn phong trào thi đua yêu nước của đồng bào Công giáo và hoạt động của Ủy ban Đoàn kết Công giáo các cấp trong 5 năm qua, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:
- Luôn bám sát tôn chỉ, mục đích mà Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam đã đề ra để động viên người Công giáo Việt Nam luôn xác tín, trung thành với Tổ quốc và Giáo hội, đồng hành, gắn bó với dân tộc để thực hiện công cuộc đổi mới đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Phát hiện kịp thời những việc tốt, người tốt và tổng kết để nhân ra diện rộng.
- Ủy ban Đoàn kết Công giáo các cấp phải biết tranh thủ sự giúp đỡ của cấp ủy đảng, chính quyền và Mặt trận Tổ quốc các cấp, đồng thời có sự chia sẻ của các đấng bậc trong Giáo hội.
- Thường xuyên củng cố và đổi mới phương thức hoạt động của Ủy ban Đoàn kết Công giáo các cấp, nhất là củng cố Ban Thường trực và Văn phòng Ủy ban Đoàn kết Công giáo các cấp có đủ khả năng tham mưu và chỉ đạo phong trào thi đua yêu nước, “sống tốt đời đẹp đạo”.
- Vận động đồng bào Công giáo phát huy tính tích cực, đoàn kết, sáng tạo để thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, “sống tốt đời đẹp đạo”, đặc biệt là trong các lĩnh vực xóa đói, giảm nghèo, từ thiện xã hội, phòng, chống các tệ nạn xã hội và bảo vệ trật tự, an toàn xã hội./.
Đại tướng Phùng Quang Thanh tiếp các đại sứ Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc  (15/11/2013)
Quốc hội biểu quyết thông qua phương án phân bổ ngân sách  (15/11/2013)
Hội nghị “APEC trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương của thế kỷ XXI”  (15/11/2013)
Báo động tình trạng trẻ em bại liệt ở Trung Đông  (15/11/2013)
ASEAN ra mắt trang web thúc đẩy, bảo vệ cạnh tranh  (15/11/2013)
Khai mạc Diễn đàn Phụ nữ Việt Nam - Hàn Quốc  (15/11/2013)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên