Tiếp tục các nỗ lực phòng, chống bão HaiYan

Nguyễn Đức tổng hợp
21:15, ngày 10-11-2013
TCCSĐT - Siêu bão HaiYan đã tàn phá nhiều tỉnh ở Phi-lip-pin. Khi vào Biển Đông, hướng di chuyển của bão rất phức tạp, gây thêm khó khăn cho công tác phòng, chống bão. Quán triệt chỉ đạo của Chính phủ, các địa phương đang huy động nỗ lực của cả hệ thống chính trị cho công tác phòng, chống bão, không lơ là, chủ quan, với mục tiêu hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại.

Bão HaiYan di chuyển song song bờ biển các tỉnh Trung Bộ

Theo Trung tâm khí tượng thủy văn, hồi 14 giờ ngày 10-11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18 độ Vĩ Bắc; 108,8 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Nghệ An - Quảng Trị khoảng 270km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13 (tức là từ 118 đến 149 km một giờ), giật cấp 14, cấp 15.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 30 - 35km. Đến 1 giờ ngày 11-11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,6 độ Vĩ Bắc; 106,5 độ Kinh Đông, trên vùng bờ biển các tỉnh ven biển phía Đông Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10 (tức là từ 75 đến 102 km một giờ), giật cấp 11, cấp 12.

Trong khoảng 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa Bắc và Bắc Đông Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20km, đi vào đất liền các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 13 giờ ngày 11-11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 22,1 độ Vĩ Bắc; 107 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới Việt - Trung. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49 km một giờ), giật cấp7.

Trong khoảng 24 đến 36 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng giữa Đông Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km và suy yếu dần thành một vùng áp thấp, trên khu vực phía Nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).

Do ảnh hưởng của bão, khu vực Vịnh Bắc Bộ (bao gồm đảo Hòn Ngư, các huyện đảo Cô Tô, Bạch Long Vĩ, Cát Hải) có gió mạnh cấp 8, cấp 9, sau tăng lên cấp 10 - 11, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 12 - 13, giật cấp 14, cấp 15. Các tỉnh từ Quảng Trị đến Thanh Hóa có gió mạnh cấp 6 - 7, giật cấp 8, cấp 9. Ở các tỉnh ven biển phía Đông Bắc Bộ từ chiều tối 10-11 gió sẽ mạnh cấp 7, cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9, cấp 10, giật cấp 11 - 12.

Ở khu vực Bắc Trung Bộ và các tỉnh phía Đông Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, riêng vùng đồng bằng ven biển và khu vực Đông Bắc Bắc Bộ có mưa to đến rất to. Khu vực ven biển và các đảo từ Nghệ An - Quảng Ninh cần đề phòng nước dâng do bão kết hợp với triều cường cao từ 3,5 - 4,5 m, vùng gần tâm bão 4 - 6m.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải kiểm tra công tác phòng chống bão

Trong ngày 10-11, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã thị sát công tác chuẩn bị phòng chống bão số 14 dọc ven biển các tỉnh từ Quảng Trị - Thanh Hóa.

So với các dự báo trước đây, siêu bão số 14 đã di chuyển thẳng lên phía Bắc và hầu hết các tỉnh từ miền Trung đều chỉ chịu ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 14, ở Quảng Trị, Hà Tĩnh, Quảng Bình, có gió giật mạnh cấp 7, nhưng chủ yếu ở phía ven biển. Sâu trong đất liền, sức gió nhẹ hơn. Lượng mưa phổ biến đo được 13 giờ chiều khoảng 40-100 mm, một số nơi lớn hơn như Hòn Ngư (Nghệ An) 172 mm; Nam Đông (Huế) 156 mm, Trà Bồng (Quảng Ngãi) 155 mm.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tiếp tục kiểm tra, thị sát các công tác phòng chống, trú tránh, đặc biệt các điểm xung yếu điều tiết mưa lũ ở một số địa phương (từ Quảng Trị đến Thanh Hóa) được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng của bão.

Phó Thủ tướng lưu ý chính quyền cần nắm chắc thông tin trước mọi diễn biến của cơn bão số 14 còn rất khó lường này, đặc biệt là mưa hoàn lưu sau bão, cần chú ý vấn đề hồ chứa, việc điều tiết nước trên các khu vực dân cư, điểm xung yếu,…

Phó Thủ tướng chỉ đạo các địa phương căn cứ vào tình hình thực tế và thông tin dự báo thời tiết để tổ chức bố trí cho dân trở về nhà từ các điểm sơ tán; bắt đầu công tác khắc phục những hậu quả thiệt hại do gió, mưa gây ra, như khôi phục đường điện, giao thông, giúp đỡ, hỗ trợ các gia đình khó khăn trong những ngày tới.

Tại Khu kinh tế Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh, Phó Thủ tướng yêu cầu các lực lượng phải hướng dẫn ngư dân neo đậu tàu thuyền đảm bảo chắc chắn, đúng cách, không để va đập hư hỏng; tuyệt đối không để người ở lại trên tàu, trên các lồng bè, hồ nuôi tôm sát biển. Tập đoàn Formosa nhanh chóng đưa toàn bộ hơn 13.000 công nhân đến nơi ở an toàn, đồng thời có phương án bảo vệ các công trình đang xây dựng.

Phó Thủ tướng yêu cầu các nhà thầu, đơn vị thi công tập trung chằng chống lại nhà cửa, kho tàng, bảo vệ an toàn tài sản của nhà nước, tài sản lương thực, tính mạng của cán bộ, chuyên gia, công nhân; nhanh chóng tổ chức di dời dân đến trú tránh ở những công trình kiên cố như: trường học, đồn biên phòng, trạm y tế và các ngôi nhà kiên cố của dân...

Hà Nội chủ động triển khai, phối hợp chặt chẽ trong phòng chống bão HaiYan

Theo thông báo của Đài khí tượng thuỷ văn Trung ương, siêu bão HaiYan sẽ gây mưa to và rất to ở khu vực các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, trong đó bao gồm cả Hà Nội từ ngày 10 đến 12-11.

UBND thành phố Hà Nội đã có công điện khẩn gửi Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão các quận, huyện, thị xã và giám đốc các sở, ban, ngành yêu cầu chủ động ứng phó với cơn bão này. Thành phố yêu cầu UBND, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão các quận, huyện, thị xã rà soát lại số nhà cấp 4, nhà yếu và nhà tạm để chỉ đạo và giúp nhân dân thực hiện việc chằng, chống, bảo vệ nhà cửa, tài sản. Chủ động di dời nhân dân đến nơi an toàn để tránh trú bão đề phòng khả năng bão đổ bộ trực tiếp kết hợp với không khí lạnh sẽ gây mưa lớn. Các địa phương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị đóng quân trên địa bàn để thực hiện tốt việc tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, đặc biệt quan tâm đến các gia đình chính sách, gia đình neo đơn. Đối với các xã miền núi cần sẵn sàng di dời và bảo vệ nhân dân ở vùng gần sông suối đồi núi, đề phòng mưa lớn xảy ra lũ quét gây sạt lở đất theo phương án đã được phê duyệt.

Sở Xây dựng kiểm tra, rà soát có phương án đảm bảo an toàn cho nhân dân sống tại các khu nhà cao tầng cũ, xuống cấp, các công trình đang xây dựng dở dang, đặc biệt đảm bảo an toàn tuyệt đối với các cần cẩu tháp do gió bão hoặc mưa lớn gây lún làm đổ cầu.

Sở Giáo dục - Đào tạo kiểm tra, rà soát và có phương án bảo vệ các trường học xuống cấp, thường xuyên theo dõi diễn biến của mưa bão để tham mưu đề xuất UBND thành phố cho học sinh nghỉ học.

Tổng Công ty Điện lực, Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các đơn vị trực thuộc kiểm tra hệ thống điện, hệ thống cáp và cột điện đảm bảo an toàn khi có gió bão và mưa lớn gây úng ngập.

Sở Y tế, Sở Công Thương chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, đội ngũ y bác sỹ, cơ sở y tế và lương thực nhu yếu phẩm thiết yếu sẵn sàng ứng phó kịp thời khi có tình huống xấu xảy ra.

Công điện cũng yêu cầu các đơn vị tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn bão số 14 và xử lý kịp thời các tình huống, báo cáo về UBND thành phố và Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố.

Theo ông Lê Văn Dục, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, Sở Xây dựng phối hợp với công ty Thoát nước đã xây dựng xong kế hoạch phòng, chống lụt bão và phương án tiêu thoát nước, chống úng ngập cho nội thành, đặc biệt là ứng trực, phối hợp xử lý tình huống mưa lớn trên địa bàn. Công tác thoát nước trong những trận mưa do ảnh hưởng bão được chuẩn bị phương án chi tiết bao gồm chủ động hạ mực nước các hồ điều hòa, kênh bao, nước sông..., rà soát công trình đang thi công trên địa bàn, tháo dỡ vật cản thu hẹp dòng chảy, đảm bảo máy móc, phương tiện, nhân lực sẵn sàng ứng phó khi xảy ra mưa lớn, hỗ trợ tiêu nước sông Nhuệ qua trạm bơm Yên Sở...

Hiện nay, Công ty Thoát nước Hà Nội đã sẵn sàng triển khai phương án thoát nước, phòng, chống úng ngập do ảnh hưởng bão. Công ty thường xuyên cập nhật, theo dõi chặt chẽ diễn tiến của cơn bão, sẵn sàng nhận nhiệm vụ theo yêu cầu của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão. Khi có mưa bão, các đơn vị bố trí 100% lực lượng công nhân thực hiện ứng trực tại các vị trí theo phương án, hạ mực nước hồ điều hòa Yên Sở về mức 1,5m và hạ mực nước tại các hồ điều hoà do đơn vị quản lý đến mức thấp nhất. Cùng với rà soát các công trình đang thi công trên địa bàn quản lý, thanh thải dòng chảy, tháo dỡ các trường hợp làm thu hẹp dòng chảy; bố trí đầy đủ lực lượng ứng trực có đầy đủ phương tiện, công cụ dụng cụ, thiết bị cơ giới để giải quyết thoát nước tại các vị trí được phân công, Công ty kiểm tra và xử lý các sự cố bất cập của ga thu trên các tuyến phố đảm bảo khả năng thu nước, chuẩn bị vật tư đóng cọc căng dây cảnh báo nguy hiểm trên hệ thống sông mương.

Huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh) chủ động phòng chống bão

Chủ động đối phó với diễn biến có tính chất phức tạp của cơn bão HaiYan, huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh) đã huy động mọi lực lượng, mọi nguồn lực tại chỗ để đương đầu với thiên tai, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cơn bão này có thể gây ra.

Ủy ban Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện Cô Tô đã chỉ đạo trực tiếp các đơn vị, lực lượng vũ trang tập trung lực lượng kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú.

Huyện đảo đã kêu gọi 500 phương tiện cùng gần 1.700 người vào nơi neo đậu an toàn. Còn lại một số tàu thuyền đậu tại khu vực âu tàu, các lực lượng trực tiếp hướng dẫn ngư dân neo đậu, chằng chống phương tiện, di chuyển người lên bờ để đảm bảo an toàn.

Nhằm tránh diễn biến có chiều hướng xấu của cơn bão, gây thiệt hại về người và tài sản, công tác chỉ đạo của huyện Cô Tô đang quyết liệt cho công tác phòng, chống. Đồng chí Mai Tuấn Phượng - Phó Chủ tịch UBND, trưởng Ban PCLB và TKCN huyện Cô Tô cho biết: Huyện tổ chức các lực lượng phòng, chống bão theo phương châm "bốn tại chỗ", chỉ đạo công tác kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú. Các phương tiện đã nhận được chỉ dẫn mà vẫn chủ quan không di chuyển đến nơi an toàn, huyện sẽ có biện pháp cưỡng chế.

Ngay tối 9-11, các Đồn Biên phòng đã tổ chức bắn pháo hiệu 2 lượt để ngư dân biết hướng di chuyển của bão, chủ động đưa phương tiện vào bờ.

Tối ngày 10-11, Đồn Biên phòng Cô Tô sẽ tiếp tục bắn pháo hiệu, sẵn sàng lực lượng ứng cứu trước diễn biến bất thường trước, trong và sau cơn bão.

Các tỉnh, thành phố từ Phú Yên đến Quảng Bình tạm dừng công tác di dân phòng, chống bão số 14

Sáng 10-11, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Tiền phương đối phó với bão số 14 tại Đà Nẵng, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những nỗ lực của các địa phương, bộ, ngành liên quan trong triển khai nghiêm túc và đầy tránh nhiệm chỉ đạo của Thủ tướng trong công tác phòng, chống bão số 14. Đặc biệt là công tác sơ tán nhân dân ở những vùng nguy hiểm đến những nơi trú tránh bão an toàn trước khi bão đến và việc kêu gọi các tàu thuyền tìm nơi trú tránh bão an toàn...

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước đã có chủ trương, quyết sách kịp thời trong công tác chỉ đạo các cấp, các ngành chủ động phòng, chống cơn bão số 14. Việc sơ tán hàng chục vạn hộ dân với gần 600.000 người một cách kịp thời, an toàn và lo đầy đủ chỗ ăn, ở, thuốc men đã cho thấy ý thức trách nhiệm rất cao của các cấp chính quyền trước dân. Việc người dân chủ động đào hầm tránh bão cho thấy sự sáng tạo và ý thức của người dân trong việc phòng, chống thiên tai... Các phương tiện thông tin đại chúng đã thông tin kịp thời và đầy đủ, đúng mực về diễn biến về sự tàn phá của cơn bão số 14 đã góp phần tạo nên ý thức và trách nhiệm của người dân trong phòng, chống bão.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng yêu cầu, với tọa độ của cơn bão hiện nay, ngay từ 12 giờ ngày 10-11, các địa phương tổ chức cho dân trở về nơi ở cũ, trừ các đảo Lý Sơn, Cù Lao Chàm, Cù Lao Xanh... Các địa phương và các ngành liên quan, đặc biệt là lực lượng quân đội, công an, thanh niên tập trung hỗ trợ việc đưa dân trở về chỗ cũ an toàn, trật tự, trách nhiệm. Các địa phương khi tổ chức đưa dân về phải tổ chức họp dân rút kinh nghiệm, cần biểu dương nhân dân đã chấp hành nghiêm túc việc sơ tán và cần phát huy tinh thần này mỗi khi có cơn bão lớn xuất hiện để giảm thiểu thiệt hại do bão lũ gây ra.

Bộ Công Thương chỉ đạo các hồ thủy điện xả lũ đúng quy định; Bộ Công thương và Bộ Y tế cần triển khai chuẩn bị hàng hóa, lương thực, thuốc men để phục vụ người dân. Các lực lượng và các ngành chức năng, đặc biệt là quân đội, công an... cần sẵn sàng mọi phương án để ứng cứu kịp thời khi tình huống xấu xảy ra...

Ban Chỉ đạo Tiền phương đối phó với bão số 14 cho biết, đến sáng 10-11 các tỉnh, thành phố từ Phú Yên đến Quảng Bình đã tạm dừng công tác di dân. Số hộ đã sơ tán tính đến 6 giờ ngày 10-11 là 166.603 hộ với 597.014 người.

Theo Tổng Công ty Điện lực miền Trung, đến sáng 10-11, tình hình cấp điện tại các tỉnh trên địa bàn đang hoạt động bình thường. Riêng tại tỉnh Quảng Nam mất điện khu vực huyện Đông Giang và Tây Giang, Tỉnh Quảng Ngãi mất điện khu vực huyện Bình Sơn. Lưới điện 100kV vận hành bình thường./.