Những mưu toan sử dụng vũ lực để giải quyết cuộc xung đột tại Syria sẽ khiến tình hình nước này nói riêng và toàn bộ khu vực Trung Đông nói chung trở nên bất ổn hơn. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã khẳng định như vậy trong cuộc điện đàm ngày 27-8 với đặc phái viên chung của Liên hợp quốc và Liên đoàn A-rập (AL) Lakhdar Brahimi.

Ngoại trưởng Nga nhắc lại rằng giải pháp chính trị và ngoại giao đối với vấn đề Syria là không thể thay thế. Những mưu toan sử dụng vũ lực chỉ khiến cho tình hình quốc gia Trung Đông này và toàn bộ khu vực trở nên bất ổn hơn. Theo ông Lavrov, những động thái và tuyên bố mà một số nước đưa ra trong những ngày qua sau khi xuất hiện cáo buộc chế độ Tổng thống Syria Bashar Al-Assad (Ba-sa An Át-xát) tấn công bằng vũ khí hóa học đã khiến tình hình tại quốc gia Trung Đông này trở nên cực kỳ căng thẳng. Nga và Liên đoàn Arập nhất trí cho rằng vào "thời điểm nguy kịch hiện nay", tất cả các bên đều phải hành động với tinh thần trách nhiệm cao nhất, để không lặp lại các sai lầm trong quá khứ.

Trong nỗ lực tìm kiếm giải pháp để tháo ngòi "thùng thuốc súng" Syria, cùng ngày, Ngoại trưởng S. Lavrov còn có cuộc điện đàm với người đồng cấp Hoa Kỳ John Kerry. Tuyên bố đưa ra sau cuộc điện đàm nêu rõ Moskva bác bỏ cáo buộc của Washington rằng, Chính phủ Syria đứng đằng sau cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học gần thủ đô Damascus hồi tuần trước khiến hơn 1.300 người thiệt mạng. Theo Ngoại trưởng S. Lavrov, dựa trên thông tin mà Washington cho rằng "từ các nguồn xác thực" ông Kerry đã "kết án" Chính phủ Syria tiến hành các cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học. Ngoại trưởng Lavrov cũng cảnh báo tình hình hiện nay đang làm xói mòn các nỗ lực ngoại giao nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Syria, trong bối cảnh phương Tây nhiều khả năng sẽ có hành động quân sự chống lại chính quyền của Tổng thống B. Assad.

Trong diễn biến liên quan, cùng ngày Văn phòng Thủ tướng Anh ra thông báo cho biết Thủ tướng David Cameron và Tổng thống Mỹ Barack Obama đều nhất trí cho rằng, tất cả các thông tin mà hai nhà lãnh đạo này tiếp cận được đều cho thấy "chế độ của Tổng thống B. Assad đã sử dụng vũ khí hóa học chống lại người dân". Hiện Thủ tướng D. Cameron chưa đưa ra bất cứ quyết định đặc biệt nào để trừng phạt Chính quyền Tổng thống B. Assad, chỉ nói rằng "sẽ có hành động hợp pháp và thích đáng" đối với hành vi sử dụng vũ khí giết người hàng loạt này. Anh sẽ đệ trình Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc dự thảo nghị quyết lên án Chính quyền của Tổng thống B. Assad sử dụng vũ khí hóa học chống người dân Syria.

Ngày 28-8, Đại sứ Syria tại Liên hợp quốc Bashar al-Jaafari cáo buộc lực lượng nổi dậy đã sử dụng vũ khí hóa học để lôi kéo các cường quốc nước ngoài can thiệp quân sự chống chính quyền của Tổng thống B. Assad. Phát biểu trên truyền thông nhà nước, ông Jaafari khẳng định: "Nhiều chứng cứ có thể chứng minh sự vô can của Chính phủ Syria, rằng chính quyền Syria là nạn nhân của những cáo buộc sai trái". Những bằng chứng đó cũng cho thấy "các nhóm vũ trang đã sử dụng vũ khí hóa học để lôi kéo can thiệp quân sự và gây hấn chống Syria". Đại sứ B. Jaafari cáo buộc phương Tây và Thổ Nhĩ Kỳ đã "cho phép các nhóm khủng bố lập một phòng thí nghiệm tại Thổ Nhĩ Kỳ để sản xuất vũ khí hóa học bằng những nguyên liệu do Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia và Qatar cung cấp..., sau đó tuồn số vũ khí hóa học này sang Syria để sử dụng".

Cùng ngày, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon tuyên bố Syria cần một giải pháp ngoại giao và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cần duy trì sự hiện diện tại đây. Ông chỉ rõ các thanh sát viên của Liên hợp quốc cần có thời gian để xác định lực lượng nào đã sử dụng vũ khí hóa học tại Syria.

Trong một diễn biến liên quan, lãnh tụ tối cao Iran, Đại giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei ngày 28-8 đã cảnh báo bất kỳ sự can thiệp quân sự nào của Mỹ vào Syria sẽ báo hiệu một "thảm họa" đối với khu vực./.