Ngày 26-8-2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam - Cam-pu-chia đến năm 2020.
Theo đó, đối với cửa khẩu quốc tế và cửa khẩu chính, từ năm 2013 đến năm 2020, ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia, căn cứ điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương một cách toàn diện, cân nhắc, chủ động hiệp thương với phía Cam-pu-chia; báo cáo Chính phủ hai nước xem xét việc ưu tiên mở và nâng cấp thêm 3 cửa khẩu quốc tế đường bộ, 1 cửa khẩu quốc tế đường sắt và 9 cửa khẩu chính đường bộ với dự kiến phân bố tại các vùng Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ.

Các cửa khẩu khác sẽ được lựa chọn đầu tư nâng cấp hạ tầng và hiện đại hóa trang thiết bị theo nguyên tắc sau ưu tiên vốn đầu tư cho những công trình xây dựng chuyển tiếp, sắp hoàn thành, những công trình có tính quyết định, để đưa một chuỗi các công trình đã đầu tư vào hoạt động một cách đồng bộ có hiệu quả; ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng và trang thiết bị cho các cửa khẩu quốc tế và cửa khẩu chính; xem xét, lựa chọn các dự án có hiệu quả kinh tế, xã hội và phát triển theo hướng hiện đại hóa; thể hiện được bản sắc dân tộc và thể diện quốc gia.

Đối với cửa khẩu phụ, ủy ban nhân dân tỉnh biên giới căn cứ các quy định về mở cửa khẩu phụ (nêu tại Nghị định số 32/2005/NĐ-CP ngày 14-3-2005 của Chính phủ về Quy chế cửa khẩu đất liền); tình hình, điều kiện cụ thể của địa phương để trao đổi với tỉnh đối diện phía Cam-pu-chia quyết định việc mở cửa khẩu phụ vào thời điểm thích hợp.

Đối với các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính, cửa khẩu phụ hiện có, căn cứ danh mục các cửa khẩu cũng như tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, ủy ban nhân dân các tỉnh xây dựng Đề án xin ý kiến các bộ, ngành hữu quan, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định về việc đầu tư, nâng cấp và hiện đại hóa trang thiết bị đối với từng loại cửa khẩu liên quan.

Mục tiêu của Quy hoạch phát triển hệ thống cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam - Cam-pu-chia đến năm 2020 nhằm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của hệ thống cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính biên giới đất liền Việt Nam - Cam-pu-chia theo mô hình chuẩn gồm: nhà kiểm soát liên hợp, quốc môn, đường giao thông nội bộ, các khu chức năng… phù hợp với từng loại cửa khẩu, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và khu vực; tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Bên cạnh đó, đầu tư có định hướng về trang thiết bị, kỹ thuật hiện đại, đồng bộ để có thể kết nối hoạt động của tất cả các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính tuyến biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia cũng như với hệ thống cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính biên giới đất liền trên toàn quốc, nhằm mục tiêu thông quan nhanh chóng, hiệu quả./.