Một trí thức Việt kiều yêu nước
Theo đuổi hoài bão
Nói đến Phạm Quang Lễ thì không nhiều người biết, nhưng nhắc cái tên ông do Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt cho - Trần Đại Nghĩa - thì chẳng mấy ai không biết. Ông sinh ngày 13-9-1913 tại xã Xuân Hiệp, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, là cựu học sinh Trường Petrus Ký nổi tiếng Sài Gòn. Mùa hè năm 1926, Phạm Quang Lễ thi đỗ vào Trường Trung học Mỹ Tho. Năm 1933, ở tuổi 20, Phạm Quang Lễ thi đỗ thủ khoa cả tú tài tây và tú tài bản xứ. Vì học giỏi nên chính quyền Pháp có ý định đưa Phạm Quang Lễ ra Hà Nội học làm quan, nhưng ông từ chối và đi làm ở Tòa sứ Mỹ Tho. Tháng 9-1935, Phạm Quang Lễ khi đó mới 22 tuổi, sang học ở Pháp. Mong muốn của Phạm Quang Lễ là ngoài việc học về kỹ thuật dân dụng còn tìm cách học cho kỳ được kỹ thuật chế tạo vũ khí, giúp nước nhà đánh đuổi giặc Pháp. Ông tự nhủ, đó là nghĩa vụ thiêng liêng của mình đối với Tổ quốc. Sau này, ông nhắc lại: “từ khi mới ra đi, tôi vẫn có ý định học vũ khí. Ý định đó được củng cố ngay trên đường viễn dương, khi con tàu đi qua kênh Xu-ê, tôi được tin cuộc chiến tranh tại I-ta-li-a và Ê-ti-ô-pi bùng nổ. Những năm tôi du học bên Pháp là thời kỳ thế giới rung chuyển bởi chiến tranh. Tôi không được phép thi vào các trường đại học quân sự, nhưng tôi biết các môn học có liên quan đến thiết kế - chế tạo vũ khí được dạy trong 6 trường đại học lớn”(1).
Trong 11 năm ở Pháp, Phạm Quang Lễ đã thi lấy bằng cử nhân khoa học ở Trường Đại học Sorbonne, bằng kỹ sư cầu đường ở Trường Cầu cống quốc gia, bằng kỹ sư điện tại Trường Đại học Điện và bằng kỹ sư hàng không tại Học viện Kỹ thuật Hàng không, đồng thời thi lấy chứng chỉ ở Trường Đại học Bách khoa, Trường Đại học Mỏ. Ngoài ra, ông còn tự học tiếng Đức để đọc các tài liệu của Đức từ nguyên bản. Để tích lũy vốn kiến thức về vũ khí, ông tìm đọc tài liệu ở các thư viện. Cuối cùng, ông cũng thu thập được hơn 30.000 trang tài liệu về vũ khí và thuốc nổ, hầu hết là tài liệu mật. Ông đã dành nhiều thời gian nghiên cứu và ghi nhớ những tài liệu đó.
Ngày 22-6-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Pa-ri. Đứng trong đoàn đại biểu Việt kiều ra đón thượng khách của Chính phủ Pháp tại sân bay, Phạm Quang Lễ thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh ăn mặc rất giản dị, nét mặt hiền từ, vui vẻ, khiêm tốn và đôi mắt rất sáng. Qua bác sĩ Hoàng Xuân Mãn (em ruột Giáo sư Hoàng Xuân Hãn), Chủ tịch Hội Việt kiều ở Pháp, chỉ 3 ngày sau khi Hồ Chủ tịch đến Pa-ri, kỹ sư Phạm Quang Lễ được tiếp kiến Người. Những ngày Bác ở trên đất Pháp, ông thường xuyên được đi theo Bác. Một lần, Bác hỏi Phạm Quang Lễ: “nguyện vọng của chú lúc này là gì?”. Ông trả lời ngay điều đã ôm ấp từ buổi đầu xuất ngoại: “dạ thưa, nguyện vọng cao nhất là được trở về Tổ quốc cống hiến hết năng lực và tinh thần”(2).
Hội nghị Phông - ten - nơ - blô (Fontainbleau) không thành công. Nguyện vọng về nước của ông được Bác Hồ đồng ý. Một hôm, Bác gọi Phạm Quang Lễ đến và nói: “Bác về nước, chú chuẩn bị về với Bác, 2 ngày nữa ta lên đường”(3). Nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, kỹ sư Phạm Quang Lễ về nước thực hiện hoài bão, cống hiến hết mình cho lý tưởng mà ông theo đuổi từ tuổi thanh xuân. Hành trang trở về của ông là 1 tấn sách nội dung chỉ về vũ khí.
Xây dựng ngành Quân giới trong kháng chiến chống Pháp
Ngày 20-10-1946, con tàu đưa Hồ Chủ tịch và đoàn tùy tùng cập bến Hải Phòng. Chỉ 7 ngày sau khi về nước, Phạm Quang Lễ được Bác trực tiếp giao nhiệm vụ lên Thái Nguyên, nghiên cứu chế tạo súng chống tăng dựa theo mẫu Ba-dô-ca của Mỹ, với 2 viên đạn do Giáo sư Tạ Quang Bửu, lúc này là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cung cấp.
Ngày 5-12-1946, Phạm Quang Lễ được gọi vào Bắc Bộ phủ gặp Bác. Vừa gặp, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng nhưng cũng đầy thân mật bảo: "kháng chiến sắp đến nơi rồi, hôm nay tôi gọi chú lại để trao cho chú nhiệm vụ làm Cục trưởng Cục Quân giới. Chú lo vũ khí cho bộ đội diệt giặc". Rồi Người căn dặn: "việc của chú là việc đại nghĩa, vì thế từ nay Bác đặt tên cho chú là Trần Đại Nghĩa. Dùng bí danh này để giữ bí mật cho chú và để bảo vệ gia đình, bà con chú còn ở trong Nam". Bác giải thích ý nghĩa cái tên: "một là họ Trần, là họ của danh tướng Trần Hưng Đạo. Hai là, Đại Nghĩa là nghĩa lớn để chú nhớ đến nhiệm vụ của mình với nhân dân, với đất nước. Đại Nghĩa còn là chữ của Nguyễn Trãi trong Bình Ngô đại cáo. Chú có ưng bí danh đó không?"(4). Ngày ông được giao nhiệm vụ Cục trưởng Cục Quân giới và được Bác Hồ đặt bí danh đầy ý nghĩa là mốc lịch sử rất lớn đối với cuộc đời ông. Nhận trọng trách Bác Hồ giao phó, trong hoàn cảnh ngành sản xuất vũ khí của ta vừa yếu, vừa thiếu, bằng những kiến thức tích lũy được, ông cho ra đời nhiều loại vũ khí hiện đại khiến địch phải ngỡ ngàng.
Hai tuần sau, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, để kịp thời chống lại các chiến xa địch, Trần Đại Nghĩa giới thiệu kinh nghiệm dùng chai cháy - một vũ khí thô sơ có hiệu quả nhất trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Vũ khí này được dùng để đánh chiến xa trong các thành phố. Từ trên cao, người lính ném chai xuống xe tăng và xe thiết giáp địch, chai vỡ, hỗn hợp bám dính trên vỏ thép và bốc cháy, nhiệt độ trong xe tăng lên rất cao, khiến cho lính địch không chịu đựng được, phải mở nắp chui ra. Đó là cơ hội tốt để tiêu diệt địch bằng súng bộ binh.
Bên cạnh đó, cùng các cộng sự, Trần Đại Nghĩa bắt tay vào công việc nghiên cứu sản xuất đạn Ba-dô-ca. Cuối tháng 2-1947, cuộc thử nghiệm Ba-dô-ca thành công. Mức đâm xuyên của đạn vừa chế tạo đạt độ sâu 75cm trên tường thành xây gạch tương đương với sức nổ xuyên của đạn Ba-dô-ca do Mỹ chế tạo. Việc một đất nước vừa thoát khỏi cảnh thuộc địa và nửa phong kiến như nước ta chế tạo thành công loại vũ khí hiện đại này, thật như huyền thoại và là điều không thể ngờ đến của địch.
Chiến sự ngày một ác liệt, Trần Đại Nghĩa và các cộng sự ngày đêm miệt mài nghiên cứu, thiết kế và sản xuất thành công súng SKZ, đạn bay (một loại tên lửa nặng 30kg, có thể đánh các mục tiêu xa 4km). Tinh thần quyết tâm và óc sáng tạo đã chiến thắng những trở ngại do nguyên liệu khan hiếm, máy móc cũ kỹ. Ngày 28-5-1948, Trần Đại Nghĩa được phong quân hàm thiếu tướng cùng đợt với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung tướng Nguyễn Bình và 9 thiếu tướng khác. Khi ấy, ông mới 35 tuổi.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Trần Đại Nghĩa được Chính phủ giao trách nhiệm phụ trách các công tác bên ngoài quân đội, như: năm 1954, tiếp tục giữ chức Thứ trưởng Bộ Công thương mà ông đã đảm nhiệm từ năm 1950. Năm 1956, Bộ Công thương tách làm Bộ Thương nghiệp và Bộ Công nghiệp, ông giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Công nghiệp. Tháng 9-1960, Bộ Công nghiệp tách làm Bộ Công nghiệp nặng và Bộ Công nghiệp nhẹ, ông giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Công nghiệp nặng. Tháng 3-1963, ông chuyển sang giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban kiến thiết cơ bản Nhà nước. Tháng 7-1965, ông làm Chủ nhiệm Ủy ban kiến thiết cơ bản Nhà nước. Tháng 9-1965, ông kiêm chức Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước. |
Ngày 12-6-1952, trên báo Nhân Dân, Bác Hồ kính yêu dưới bút danh C.B, đã viết bài “Dân tộc anh hùng và anh hùng của dân tộc”. Về Trần Đại Nghĩa, Người viết: “là một đại trí thức, đi học ở châu Âu đã nhiều năm, mang một lòng nhiệt thành về phụng sự Tổ quốc, phục vụ kháng chiến, đó là Anh hùng lao động trí óc Trần Đại Nghĩa”.
Đối đầu với vũ khí hiện đại của Mỹ
Đầu năm 1966, theo gợi ý của Bác Hồ, Quân ủy Trung ương đề nghị Thủ tướng Chính phủ điều động Trần Đại Nghĩa trở lại phục vụ quân đội với chức vụ Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, chuyên trách theo dõi, chỉ đạo về mặt kỹ thuật vũ khí quốc phòng, đồng thời, vẫn làm Chủ nhiệm Ủy ban kiến thiết cơ bản Nhà nước, kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước.
Để ngăn chặn chiến tranh phá hoại miền Bắc của không quân Mỹ, Trần Đại Nghĩa và các cộng sự đã cải tiến thiết bị chống B-52 gây nhiễu loạn sóng ra-đa điều khiển tên lửa SAM-2 và tăng tầm bay cho tên lửa tương ứng với tầm bay của máy bay B-52, tạo nên chiến công cho tên lửa SAM-2 của Quân đội nhân dân Việt Nam hạ máy bay B-52 của Mỹ. Ngoài ra, ông còn đóng góp vào việc thiết kế và chế tạo thành công các loại vũ khí đặc biệt, như: A12, DKB nội tầng, vũ khí phá chướng ngại FR, thủy lôi APS…
Ngày 8-2-1966, ông được tặng danh hiệu Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô.
Sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, ngày 20-5-1975, Chính phủ quyết định thành lập Viện Khoa học Việt Nam. Viện sĩ Trần Đại Nghĩa, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước được cử kiêm giữ chức vụ viện trưởng đầu tiên của Viện Khoa học Việt Nam. Từ tháng 2-1977, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa thôi kiêm giữ chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước để tập trung làm nhiệm vụ Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam với hàm Bộ trưởng. Trong giai đoạn 1977 - 1983, dưới sự lãnh đạo của ông, các ngành khoa học ở Viện Khoa học Việt Nam phát triển nhanh về số lượng và chất lượng. Năm 1996, ông được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 về Cụm Công trình nghiên cứu và chỉ đạo kỹ thuật chế tạo vũ khí (Ba-dô-ca, súng không giật, đạn bay) trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp 1945 - 1954.
Như vậy, từ khi về nước, Trần Đại nghĩa đã cống hiến hết mình phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và giải phóng dân tộc. Ngày nay, trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đảng và Nhà nước luôn coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của dân tộc, luôn đánh giá cao tiềm năng và có những chính sách đúng đắn khuyến khích đội ngũ trí thức kiều bào tham gia xây dựng quê hương, đất nước. “Trên thế giới hiện có khoảng 300.000 chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài, phân bổ chủ yếu ở các nước công nghiệp phát triển. Đông đảo nhất là ở Mỹ, với khoảng 150.000 người, Pháp - 40.000 người, Ô-xtrây-li-a - 7.000 người, Đông Âu và Liên bang Nga - 4.000 người, Ca-na-đa - 2.000 người, Bỉ - 500 người, Đức - 300 người”(6). Vì vậy, Đảng và Nhà nước đang tiếp tục hoàn chỉnh và xây dựng mới hệ thống chính sách nhằm thu hút nhân tài, phát huy sự đóng góp của trí thức kiều bào đối với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước./.
-----------------------------------------------
(1) http://www.cand.com.vn/vi-VN/phongsu/2011/12/161278.cand
(2) Nguyễn Văn Đạo, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2002, tr. 131
(3) Nhiều tác giả, Bác Hồ cầu hiền tài, Nxb Thông Tấn, Hà Nội, 2006, tr. 74
(4) Nhiều tác giả, Những người lao động sáng tạo của thế kỷ, tập 4, Nxb Lao động, Hà Nội, 2000, tr. 338
(5) Nhân Dân, ngày 12-6-1952
(6) http://www.mofahcm.gov.vn/vi/mofa/nr040807104143/nr040807105001/ns050812135039
Khởi công tu bổ di tích đền thờ và lăng Ngô Quyền  (27/08/2013)
Hội nghị khu vực ASEAN lần thứ 2 dự án APCD/JAIF  (27/08/2013)
Tuyên Quang trên đường đổi mới và phát triển  (27/08/2013)
Tuyên Quang trên đường đổi mới và phát triển  (27/08/2013)
Việt Nam - Ai Cập ký kết thỏa thuận hợp tác văn học  (26/08/2013)
Tổng Bí thư tiếp đoàn thành phố Vientiane của Lào  (26/08/2013)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay