TCCSĐT - Với phương châm: Ổn định hài hòa, tập trung đột phá, khai thác tiềm năng, hội nhập phát triển được xác định và đạt được sự đồng thuận chính trị cao tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV (nhiệm kỳ 2010-2015), Tuyên Quang đang tạo ra nhiều khởi sắc, lấp lánh trước ánh sáng truyền thống của mùa thu Cách mạng tỏa nắng.

Trong cái khó khăn chung của đất nước trên đường đổi mới, hội nhập để phát triển thì Tuyên Quang là tỉnh miền núi còn nhiều lần khó khăn hơn. Vì vậy, trên lộ trình để “cán đích”: sớm đưa Tuyên Quang ra khỏi tình trạng kém phát triển và phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực miền núi phía Bắc vẫn còn lắm gian nan. Nhiệm kỳ 2010 - 2015, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã lựa chọn tập trung 4 khâu đột phá là: i) Huy động nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống giao thông; ii) Phát triển công nghiệp; iii) Phát triển kinh tế Du lịch; iv) Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Đến Tuyên Quang bây giờ, chúng ta chưa thấy hiện rõ vóc dáng của một địa phương trên đà phát triển mạnh về công nghiệp và các loại hình dịch vụ. Nhưng có hình ảnh thật về Tuyên Quang ngút ngát xanh, trầm tĩnh, êm đềm và đang khởi sắc. Những ngọn núi nhấp nhô xanh mướt, đường nhựa, đường bê tông trườn mình bám theo sườn đồi, vách núi vào hút sâu đến các thôn, bản xa trung tâm. Dòng sông Gâm vào đầu thu, nước xanh dần lên, đẹp như một dải lụa màu cổ tích. Thấp thoáng bên đường hiện lên những ngôi nhà sàn bình yên ẩn hiện trong những vạt rừng keo, rừng tràm và các trang trại sườn đồi… Độ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh đã đạt hơn 50%, mục tiêu năm 2015 là 60% diện tích. Năm 2012, toàn tỉnh tiếp tục trồng mới 15.682 ha rừng; rừng sản xuất đạt 116.807 ha. Trong lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp, tiềm năng được đánh giá và quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa gắn với việc chuyển đổi cơ cấu, mô hình sản xuất cùng với chú trọng tiêu thụ sản phẩm đã đem lại những kết quả bước đầu tích cực. Diện tích đất lúa vẫn được khuyến khích mở rộng thêm để bảo đảm an ninh lương thực bền vững. Sản xuất lương thực năm 2012 đạt sản lượng 33,4 vạn tấn, bình quân lương thực/đầu người/năm là 450kg. Hiện nay, tỉnh đã quy hoạch và phát triển thành các vùng chuyên canh như vùng chè với tổng diện tích là 8.068ha; vùng mía: 9.557ha, vùng lạc, vùng cam; cây ăn quả: 5.441ha. Cam sành Hàm Yên là sản phẩm được công nhận là một trong 50 loại trái cây ngon nổi tiếng Việt Nam. Nhà máy đường Hàm Yên được xây dựng, sẽ giúp tiêu thụ cây mía trên một vùng nguyên liệu trải rộng ở các huyện Hàm Yên, Yên Sơn, Chiêm Hóa… Hàng chục nghìn hộ gia đình bà con nông dân ở vùng dân tộc thiểu số sẽ có cơ hội gia tăng thu nhập. 

Chúng tôi đến xã Mỹ Bằng ở phía Tây huyện Yên Sơn, nơi mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã về thăm và kiểm tra về việc thực hiện Chương trình Xây dựng nông thôn mới. Xã có 11.900 nhân khẩu, 3.146 hộ, thuộc 6 dân tộc, hai họ đạo cùng đoàn kết, cư trú tại 25 thôn, bản trên địa bàn. Đa số là nông dân sản xuất nông nghiệp, đời sống còn nhiều khó khăn. Nhưng khi vào cuộc triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TU, ngày 23-11-2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang (khóa XV) về Xây dựng nông thôn mới, Mỹ Bằng lại có cách làm rất hiệu quả. Ngày 7-5-2012, Ủy ban nhân dân huyện Yên Sơn mới phê duyệt Đề án xây dựng nông thôn mới cho xã. Nhưng ngay từ đầu, Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã đã rất sát sao thực hiện lộ trình. Công tác tuyên truyền vận động trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên, hội viên các đoàn thể quần chúng và nhân dân được tiến hành rất cụ thể, chu đáo, đầy đủ nội dung để dân được bàn thảo và xây dựng các giải pháp vượt khó với phương châm là “dân bàn, dân làm, dân hưởng thụ”, nghĩa là dựa vào nội lực là chính, trách nhiệm đầu tư hỗ trợ của Nhà nước là quan trọng. Bài toán về huy động nguồn vốn trong dân được giải quyết không chỉ bằng sự đồng thuận. Đó mới chỉ là quyết tâm và ý chí; điều quan trọng là làm sao để thúc đẩy nền kinh tế của địa phương phát triển thì nguồn lực mới bền; đó mới là cái gốc của xây dựng nông thôn mới. Khi lòng dân đã thuận, mọi việc đều được trôi chảy. Sau quy hoạch, bà con lựa chọn mục tiêu trước hết là làm giao thông nông thôn. Khu giáp ranh làm trước, khi đến gần xóm ngõ, dù hơi vất vả nhưng mọi người đều gắng “rướn” lên như lời đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Bùi Quang Hùng nói. Vì vậy, năm 2012, Mỹ Bằng đã làm được 93/103km đường bê tông liên thôn (đạt 87,3%) và nửa đầu năm 2013 đã hoàn thành xong 103km của toàn xã. Tiếp đó là hoàn thành việc cứng hóa 23,7/30km kênh mương nội đồng (79%) với năng lực tưới tiêu đạt 90%. Phần còn lại cũng sẽ được hoàn thành trong năm 2013. Đường liên thôn ở Mỹ Bằng vắt qua những cánh ruộng, những đồi chè ngút ngát xanh đẹp như tranh vẽ. Nhiều cặp trai gái trong xã và trong huyện trước ngày cưới đã tìm về Mỹ Bằng vừa du lịch sinh thái, vừa lấy bối cảnh trên những đồi chè để chụp ảnh kỷ niệm. Các công trình xây dựng đều do dân tự bàn bạc và thiết kế, thi công nên thường tiết kiệm được 20% - 30% chi phí. Thu nhập bình quân đầu người năm 2012 ở Mỹ Bằng đạt 19,080 triệu đồng, vượt trên mức đề ra trong Chương trình xây dựng nông thôn mới theo Quyết định của Chính phủ. Đến giữa năm 2013, xã Mỹ Bằng đã đạt chuẩn 15/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, 4 tiêu chí còn lại chưa đạt nhưng cũng đang trên đường “cán đích” như: hộ sử dụng điện đạt cao (92%) nhưng 40% đường dây vẫn chưa an toàn; trường học xây dựng kiên cố, đủ diện tích theo quy định nhưng chưa đủ phòng chức năng; cơ sở vật chất văn hóa thôn đầy đủ nhưng diện tích nhà văn hóa đa năng cấp xã chưa đạt và tỷ lệ số dân tham gia bảo hiểm y tế chưa đạt mức 70%. Xã đang phấn đấu để từ nay đến năm 2015 sẽ hoàn thành các tiêu chí còn lại. Nhưng đến Mỹ Bằng đã thấy hiện lên hình ảnh thật của một nông thôn mới từ cảnh quan, cơ sở vật chất đến cả lối sống trong mỗi gia đình, mỗi công dân địa phương. 

Thuận lòng và trúng ý dân nên phong trào quy hoạch và xây dựng đường giao thông trong Chương trình Xây dựng nông thôn mới lan tỏa rộng như một phong trào cách mạng của quần chúng ở Tuyên Quang - mảnh đất được suy tôn là “Thủ đô kháng chiến”. Chương trình bê tông hóa đường giao thông nông thôn năm 2012 và nửa đầu năm nay đã làm mới hơn 600 km đường bê tông thôn, bản, nâng tổng số đường giao thông nông thôn ở Tuyên Quang được bê tông hóa hơn 1.400 km. Cầu Ba Đạo, huyết mạch quan trọng của Quốc lộ 2C đang được xây dựng sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế - xã hội tuyến vùng cao Nà Hang. Với tốc độ phát triển như hiện nay thì những hiện trạng khó khăn về kinh tế, hệ thống kết cấu hạ tầng chưa phát triển, giao thông không thuận lợi, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân sẽ có chuyển động tích cực. Là vùng chiến khu cách mạng và kháng chiến, Tuyên Quang cũng thường xuyên nhận được sự quan tâm lớn của Trung ương Đảng và Chính phủ, Quốc hội; của các bộ, ngành Trung ương và doanh nghiệp. Ngay trong năm 2012, tỉnh đã vượt qua nhiều trở ngại, nỗ lực phát triển và đạt được những thành tựu đáng khích lệ trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, du lịch, an sinh xã hội… Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm xã hội đạt 12,54%; thu nhập bình quân đạt 22 triệu đồng/người/năm…

Nhà máy thủy điện Chiêm Hóa vừa xây dựng xong, đã bắt đầu hòa mạng với lưới điện quốc gia. Cùng với đó là các nhà máy may xuất khẩu MSA-YB; nhà máy bột giấy và giấy An Hòa; nhà máy sản xuất xi măng Tuyên Quang tiếp tục hoạt động có hiệu quả; chè Mỹ Lâm đã giữ vững thương hiệu trên thị trường và đang tiếp tục cho ra những sản phẩm cao cấp mới. Nhờ đó, trong bối cảnh khó khăn, Tuyên Quang vẫn duy trì được sản xuất, giá trị sản xuất công nghiệp trong năm đạt hơn 2.991 tỷ đồng, bằng 96,8% kế hoạch năm, tăng 17,4% so với năm 2011. Các lĩnh vực thương mại, dịch vụ có sự phát triển rõ nét. Năm 2012, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt 1.183 tỷ đồng. 

Trong những ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, du khách trở về thăm lại vùng Thủ đô kháng chiến đông đúc hơn. Những địa danh như mái đình Hồng Thái, lán Nà Lừa… tấp nập và rộn rã khác thường. Người dân ở Tân Trào, huyện Sơn Dương đã bắt nhịp với cuộc sống mới không chỉ làm ruộng, làm nương, trong sản xuất, bà con cả 5 dân tộc ở Tân Trào đã tích cực chuyển đổi sản xuất theo mô hình sản xuất hàng hóa tập trung. Cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp cùng với việc áp dụng các kỹ thuật và công nghệ mới trong sản xuất đã tạo ra giá trị cao, nhiều gia đình đã giàu lên nhờ quy mô chăn nuôi mở rộng. Nhà ít cũng có 30 - 40 con lợn, vài trăm con gia cầm; hộ nhiều thì từ 200 - 300 con gia súc và hàng nghìn con gia cầm. Nhiều hộ gia đình đồng bào ở Tân Trào đã tiếp cận và làm kinh tế du lịch có hiệu quả. Đồng chí Viên Tiến Thăng, Bí thư Đảng ủy xã Tân Trào cho biết, các chương trình phát triển kinh tế xã hội của địa phương đã tạo ra phong trào hành động mới song tính cách mạng và truyền thống vẫn luôn được giữ vững và phát huy mạnh mẽ trên vùng đất này. Đồng bào các dân tộc ở Tân Trào nói riêng và tỉnh Tuyên Quang nói chung vẫn thủy chung son sắt với cách mạng như tự thuở nào, lòng vẫn hướng về Thủ đô, nơi có Đảng và Bác Hồ vĩ đại. Cũng như ở nhiều địa phương khác, phong trào xây dựng nông thôn mới đã tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân với sự quan tâm chỉ đạo của đảng uỷ và chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của các đoàn thể chính trị, tạo được chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương. Vì vậy các nguồn lực huy động cho Chương trình Xây dựng nông thôn mới được đa dạng hóa. Xã đã hoàn chỉnh xây dựng được hơn 12 km đường bê tông liên thôn và đang tiếp tục nỗ lực hoàn chỉnh 6 km còn lại trong năm 2013. Toàn xã có 1.446 hộ, trong đó diện nhà tạm cần phải xóa là 200 hộ, đến nay 100 hộ đã được hỗ trợ xây mới. Với quyết tâm cao, cũng theo đồng chí Bí thư Đảng ủy xã thì trong năm 2013 này, Tân Trào sẽ căn bản xóa xong được số nhà tạm trên địa bàn.

Khi hỏi về những khó khăn mà nơi địa chỉ Đỏ Tân Trào cần tiếp tục nỗ lực vượt qua, đồng chí Bí thư Đảng ủy chân thành nói: Điểm xuất phát về kinh tế địa phương thấp, mặc dù luôn nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước nhưng Tân Trào vẫn chưa tạo được sức bật, chưa có đột phá trong quá trình đi lên. Dường như sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức; sự vào cuộc của toàn dân cũng như việc tranh thủ và sáng tạo trong huy động nguồn lực để thực hiện các mục tiêu đặt ra chưa đủ mạnh, chưa kiên quyết và chưa đạt tới độ để bứt phá. Trong xây dựng nông thôn mới, cái khó nhất ở Tân Trào vẫn là các mục tiêu về tăng thu nhập (Tiêu chí số 10). Hiện nay mức thu nhập bình quân đầu người/năm ở Tân Trào còn thấp dưới mức chung của tỉnh, mới đạt 10,6 triệu đồng. Xã đang đặt mục tiêu phấn đấu trong năm 2013 là 12 triệu nhưng có vẻ sự nỗ lực “vượt rào” này đang còn nhiều thách thức. Ngay cả vấn đề năng lực của đội ngũ cán bộ cơ sở cũng chưa đáp được yêu cầu nhiệm vụ đặt ra, cần phải tiếp tục phấn đấu.

Ở Tuyên Quang, du lịch được định hướng phát triển trở thành ngành kinh tế quan trọng. Không chỉ có tiềm năng về du lịch, về lịch sử văn hóa và lễ hội mà tiềm năng về du lịch sinh thái của tỉnh cũng rất lớn. Tuy vậy, “tiềm lực vẫn còn ngủ yên”, chưa tạo ra được những sản phẩm du lịch mang nét đặc thù với bản sắc riêng của địa phương. Đặc biệt, ngành du lịch của tỉnh muốn phát triển còn phải tạo ra được tính liên kết vùng, miền, tua tuyến… và sự quảng bá cần đủ mạnh để hút khách. Những yêu cầu này, Tuyên Quang chưa làm được. Du lịch hồ Na Hang là một địa chỉ hấp dẫn. Rất ít nơi có được lợi thế về sinh thái tự nhiên tươi đẹp và phong phú như ở đây. Rừng nguyên sinh và rừng khoanh nuôi tái tạo trên một vùng lòng hồ trải dài mấy chục cây số xanh ngút mắt; những thác nước tự nhiên cuộn chảy cùng vô số những huyền thoại được dệt nên, mang nhiều ý nghĩa nhân văn của đồng bào các dân tộc thiểu số tụ cư trong vùng qua mấy thiên niên kỷ như là những tiếng vọng về của một thời quá vãng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của cha ông. Ban quản lý khu du lịch Na Hang đã hoạt động nhưng từ các công trình hạ tầng đang xây dựng đến nội dung hoạt động và dịch vụ… còn nghèo nàn, chưa thực sự ăn nhập với cảnh quan tự nhiên và tiềm năng vốn có của nó. Nếu du lịch Na Hang có được sự đầu tư mạnh mẽ và tư duy khoa học cùng sự quản lý điều hành có nghề thì chắc chắn nơi đây sẽ là địa chỉ hấp dẫn du khách. 

Bên cạnh đó, các lĩnh vực y tế, văn hóa - thông tin, thể thao ở Tuyên Quang cũng có nhiều khởi sắc. Hoạt động lễ hội, sưu tầm văn hóa dân gian, khôi phục các lễ hội truyền thống và gắn với quản lý, bảo vệ, trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa và di tích cách mạng, khai thác các giá trị văn hóa truyền thống được đẩy mạnh. Tỉnh cũng đang xây dựng mới công trình văn hóa tượng đài Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang. 

Giáo dục - đào tạo tiếp tục là ngành được tỉnh quan tâm, đổi mới và nâng cao chất lượng. Toàn tỉnh quyết tâm duy trì bền vững tỷ lệ 100% xã phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, và trung học cơ sở. Đặc biệt, công tác phổ cập giáo dục bậc học mầm non, thu nhận trẻ đúng độ tuổi ra lớp của tỉnh đã đạt được kết quả tốt đẹp. Huyện Chiêm Hóa là một điển hình về việc huy động trẻ đến lớp và xây dựng các điểm trường mầm non bán trú. 100% số xã trong huyện có các điểm trường bán trú dân nuôi đúng quy chế của Bộ Giáo dục - đào tạo. Chiêm Hóa có nhiều cách làm sáng tạo, được các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể quần chúng và nhân dân trực tiếp vào cuộc. Ở các thôn bản của đồng bào các dân tộc thiểu số cũng huy động được hầu hết các cháu ra lớp và duy trì tốt nội dung giáo dục, chăm sóc các cháu do những cô giáo được đào tạo chính quy và yêu nghề, mến trẻ thực hiện. 

Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội năm 2013 và tăng tốc tiếp tục “cán đích” vào năm 2015 các mục tiêu, các chỉ tiêu đặt ra, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang, Mặt trận Tổ quốc cùng với nhân dân các dân tộc trong tỉnh đang chung sức, chung lòng, tập trung trí tuệ, nêu cao quyết tâm chính trị thực hiện nhiệm vụ một cách quyết liệt. Tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay gắn với tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV; khắc phục bằng được những yếu kém để phát triển: “ Chủ động khai thác mọi tiềm năng, lợi thế phát triển của nền kinh tế theo hướng cơ cấu công nghiệp - dịch vụ - nông, lâm nghiệp. Tỉnh Tuyên Quang cũng xác định tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm được Đại hội Đảng bộ tỉnh xây dựng và thông qua. Đồng thời đặt ra các chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2015 đạt chỉ số tăng trưởng GDP bình quân/năm là 14%; thu nhập bình quân đầu người đạt 1.300 USD/người/năm; giảm mạnh tỷ lệ hộ nghèo đều đặn qua các năm và bền vững. Tỉnh cũng chủ trương chú trọng các chương trình an sinh xã hôi; công tác xóa nghèo, tạo việc làm cho 80.000 người; xóa nhà dột nát, nhà tạm cho hộ nghèo; hỗ trợ người nghèo vay vốn, đào tạo nghề cho nông dân, tăng cường hợp tác đầu tư, hợp tác xuất khẩu lao động; đẩy mạnh công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; thực hiện tăng trưởng và phát triển kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; bảo đảm quốc phòng an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc trên địa bàn./.