Ngày đầu thi đại học đợt 2: "Công tác tổ chức thi rất chu đáo và chuyên nghiệp"
Thí sinh không nên mang điện thoại vào phòng thi
Rút kinh nghiệm từ đợt 1 có nhiều thí sinh bị đình chỉ vì sử dụng điện thoại di động, các giám thị đều nhắc nhở thí sinh kiểm tra kỹ thiết bị, đồ dùng mang theo trước khi vào phòng thi; đồng thời tổ chức giữ cặp, ba lô, giúp thí sinh an tâm làm bài. Do đợt thi thứ 2 có nhiều khối thi và có sự thay đổi trật tự môn thi nên việc tổ chức thi ở các trường đều thực hiện rất chặt chẽ, đặc biệt là việc giao nhận đề thi, nhằm tránh tình trạng bóc nhầm đề. Theo báo cáo sơ bộ của các trường, trong ngày thi đầu tiên chưa xảy ra sự cố về đề thi.
Thí sinh trao đổi khi kết thúc môn thi |
Nhằm phát hiện sớm các trường hợp gian lận trong thi cử, đặc biệt là thi nhờ, thi hộ, các giám thị đều đối chiếu kỹ danh sách ảnh, với thí sinh dự thi. Đại tá Bùi Trung Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng thi Học viện An ninh nhân dân cho biết: “Các giám thị trong quá trình coi thi phải kiểm soát kỹ hơn các bản ảnh bằng nghiệp vụ của mình thông qua nhìn nét mặt rồi những dấu hiệu mà thấy nghi ngờ. Thứ 2 là có một số trường hợp thí sinh mất toàn bộ giấy tờ thì chúng tôi đã cho cán bộ đến tận nơi để chụp ảnh trực tiếp đối với thí sinh nhằm bảo đảm thí sinh vẫn có thể thi được nhưng mình vẫn có thể kiểm tra. Chúng tôi có hệ thống kiểm tra sơ tuyển ở địa phương nữa. Vì vậy, chúng tôi tin là sẽ tốt hơn rất nhiều”.
Tổng hợp trong ngày thi 9-7, tại Hội đồng Trường Đại học Tây Bắc có 4 thí sinh bị đình chỉ thi do mang tài liệu vào phòng thi; 1 thí sinh đến muộn không được vào thi; không có cán bộ và giám thị coi thi nào vi phạm quy chế thi.
Kết thúc ngày thi đầu tiên kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm nay, thành phố Đà Nẵng có 1 thí sinh bị đình chỉ thi do mang điện thoại di động vào phòng thi. Đó là em Nguyễn Thị Thương, ở điểm thi trường THCS Cao Thắng. Trong khi đó, đợt 1 kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng vừa qua, Đà Nẵng có đến 17 thí sinh vi phạm quy chế do mang điện thoại vào phòng thi.
Còn tại cụm thi Quy Nhơn, số thí sinh dự thi ngày đầu tiên của đợt 2 đạt hơn 83% so với đăng ký. Trong buổi thi sáng 9-7, tại cụm thi liên trường thành phố Quy Nhơn có 1 thí sinh bị ngất xỉu phải bỏ thi giữa chừng. Kết thúc ngày thi đầu tiên có 2 thí sinh của cụm thi liên trường thành phố Quy Nhơn bị đình chỉ do mang điện thoại di động vào phòng thi.
Ông Hà Hữu Phúc, Phó Giám đốc cơ quan đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra lời khuyên cho các thí sinh và phụ huynh trước khi bước vào môn thi cuối cùng: “Không nên mang điện thoại vào phòng thi. Nếu lỡ mang vào rồi thì tắt điện thoại và để bên ngoài phòng thi. Thứ hai là phụ huynh nên đưa con em đến trường thi đúng giờ, như hôm nay có trường hợp chỉ trễ 3 phút là đã không được thi rồi”.
Đề thi bám sát chương trình phổ thông và có tính phân loại cao
Kết thúc ngày thi đầu tiên của đợt 2, đề thi các môn Toán, Sinh học, Địa lý, Lịch sử và Ngoại ngữ được thí sinh và giáo viên đánh giá là bám sát chương trình phổ thông và có tính phân loại cao. Đề thi môn Địa lý tiếp tục hướng về biển đảo được học sinh đánh giá là mang tính thời sự.
Thí sinh Lê Thị Hoài dự thi Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: “Đề địa năm nay cũng không khó lắm so với mọi năm và có tính tổng hợp cao. Em thích nhất câu về biển đảo của Việt Nam, bởi đây đang là vấn đề của xã hội, nóng bỏng của nước ta hiện nay”.
Đề thi môn tiếng Anh được các thí sinh nhận xét là có nhiều câu khó, lượng từ mới nhiều nên một số thí sinh không hoàn thành bài thi.
Thí sinh Mai Thu Trà dự thi Đại học Ngoại ngữ nói: “Nhìn chung đề Tiếng Anh khó hơn so với năm ngoái, lượng từ mới cũng nhiều hơn. Đề này với các bạn khá giỏi thì có thể làm được, với học lực trung bình thì khả năng làm được bài thấp hơn. Sau ngày thi hôm nay, kết quả chưa biết nhưng em cũng có chút hy vọng”.
Thí sinh Nguyễn Trọng Toàn, dự thi khối B, trường Đại học Y Hà Nội nhận xét: “Đề Sinh năm nay rất khó, em thấy có nhiều câu hỏi về đột biến, câu hỏi lý thuyết nhiều còn câu hỏi bài tập ít và dễ hơn mọi năm. Sau 2 môn thi, em thấy mình làm được khoảng 80%, thi được 2 môn nên em thấy thoải mái, mai thi sẽ tự tin hơn”.
Chiều 9-7, thí sinh khối C cả nước đã hoàn thành xong môn thi Lịch sử - môn thi thứ hai trong đợt II kỳ thi tuyển sinh đại học.
Tại điểm thi Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), nhiều thí sinh ra khỏi phòng thi sớm hơn 1 tiếng so với thời gian quy định. Đa phần các sĩ tử đều cho biết đề thi năm nay dễ hơn năm ngoái, song khá dài so với khả năng của các em. Nếu chăm chỉ học thuộc bài, các sĩ tử sẽ làm được hết các câu hỏi. Tuy nhiên, một số khác lại xác định môn Lịch sử sẽ bị điểm kém và cũng là môn làm bài kém hơn so với môn Ngữ văn và môn Địa lý.
Thí sinh Trương Thị Thủy (quê Thanh Hóa), dự thi khoa Thông tin thư viện, Trường Đại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn Hà Nội cho biết, đề Lịch sử năm nay không xé nhỏ câu hỏi thành các ý, cũng không đánh đố thí sinh. Mặc dù làm hết tất cả các câu hỏi, song Thủy vẫn không hài lòng về bài thi của mình. Thủy cho biết: “Chủ yếu đề ra về học thuộc lòng, ít câu hỏi tư duy liên hệ thực tế, trong khi có quá nhiều sự kiện, nhiều mốc lịch sử, nên em cảm thấy không tự tin về bài làm”.
Theo thí sinh Ma Thị Vinh (quê ở Tuyên Quang) dự thi vào Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) than, đề thi năm nay chỉ trúng tủ… 2 câu. “Em chỉ làm được 3 câu và bỏ mất câu 2 điểm về Chiến dịch Đông - Xuân 1953 - 1954. Đó là câu hỏi khiến em đau đầu nhất. Các câu khác có thể nhớ ý và tự phân tích được, nhưng riêng câu đó, em chủ quan, nghĩ không vào nên không ôn tập kỹ. Hy vọng ngày mai làm tốt môn Văn để kéo điểm lại”, Vinh kể.
Chiều 9-7, các thí sinh thi vào các trường đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn thành môn thi thứ 2 gồm: Ngoại ngữ (Khối D1), Sinh (khối B) và Lịch sử (khối C).
Với thời gian làm bài 90 phút, Ngoại ngữ và Sinh học là môn thi hoàn thành xong sớm nhất trong chiều 9-7. Theo các thí sinh thì đề môn Sinh ra quá dài, phần bài tập khó. Đề thi môn Lịch sử khá dễ, nội dung thi đều tập trung trong sách giáo khoa nên có khả năng nhiều thí sinh sẽ đạt điểm cao. Còn về đề thi tiếng Anh, các thí sinh cho biết đề ở mức trung bình, có thể dễ dàng đạt được điểm trên trung bình trở lên. Tuy nhiên cũng có không ít thí sinh cho rằng đề thi môn tiếng Anh hơi dài, nhiều người chỉ kịp làm được 80% câu hỏi trắc nghiệm, phần khó nhất trong đề tập trung phần ngữ pháp và đọc hiểu.
Về môn Địa lý, Đề thi năm nay có câu 4a về bản chất, biểu hiện của xu thế toàn cầu hóa. Vì sao toàn cầu hóa vừa là thời cơ, vừa là thách thức đối với các nước đang phát triển? Đây là câu hỏi được nhiều thí sinh đánh giá hay, hấp dẫn thí sinh.
Thí sinh Triệu Thị Oanh ở Bắc Kạn cho hay: “Đây là câu hỏi mở, nên đòi hỏi thí sinh phải phân tích, tổng hợp cũng như nắm bắt xu hướng phát triển của các nước trên thế giới và phải liên hệ với thực tế. Do đó, thí sinh không chỉ nắm vững kiến thức, mà còn phải có kiến thức xã hội nhất định thì mới làm tốt được bài thi”. Bạn Oanh rất hào hứng và tự tin về câu hỏi này: “Câu hỏi này em đã liên hệ thực tế với nước ta. Nước ta là nước đang phát triển, trong khi đó các nước trên thế giới đều có xu hướng toàn cầu hóa. Nếu chúng ta không biết nắm bắt cơ hội về vốn, khoa học kỹ thuật, tận dụng thời cơ… thì sẽ tụt hậu so với các nước trên thế giới”.
Thí sinh Trương Thị Thủy tâm sự: “Em thấy đề thi Ngữ văn và Địa lý trong kỳ thi tốt nghiệp đã bắt đầu ra dạng đề thi liên hệ với thực tế, xã hội và chúng em cảm thấy rất hào hứng khi làm những đề thi đó. Từ đó, chúng em được áp dụng những kiến thức xã hội, sự hiểu biết của mình vào bài thi và cảm thấy môn sử sẽ không còn khô khan nữa”.
"Công tác tổ chức thi rất chu đáo và chuyên nghiệp"
Trong ngày thi 9-7, Bộ Giáo dục - Đào tạo tiếp tục tổ chức các đoàn kiểm tra lưu động các Hội đồng thi tại Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh.
Đánh giá về ngày thi đầu tiên, Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Bùi Văn Ga, Trưởng Ban chỉ đạo tuyển sinh của Bộ cho biết: “Tình hình thi ngày hôm nay diễn ra rất suôn sẻ. Đề thi được đánh giá rất tốt, nằm trong chương trình phổ thông, không quá phức tạp, phù hợp với trình độ làm bài của học sinh và có tính phân loại cao. Công tác tổ chức thi rất chu đáo và chuyên nghiệp. Giám thị được phổ biến quy chế rất kỹ cho nên công tác giám sát ở phòng thi diễn ra rất chặt chẽ. Đặc biệt là Bộ có nhấn mạnh đến cảnh giác việc thi hộ, thi kèm thì các giám thị cũng rất lưu ý đối chiếu với danh sách ảnh cẩn thận, kiểm tra lại số báo danh cũng như là tên tuổi thí sinh trong phòng thi để mà tránh xảy ra tình trạng thi hộ, thi kèm”.
Theo đánh giá của Hội đồng tuyển sinh Trường Đại học Tây Bắc, trong ngày thi đầu tiên của đợt 2 này diễn ra an toàn, nghiêm túc và không có biến cố gì xảy ra. Những năm trước, Trường Đại học Tây Bắc tuyển sinh chỉ tập trung ở các tỉnh trong khu vực Tây Bắc như: Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Hoà Bình… Song 3 năm trở lại đây, nhà trường đã mở rộng tuyển sinh trong cả nước. Do vậy, năm nay số thí sinh đăng ký dự thi tại trường đã được nâng lên trên 30 tỉnh, thành.
Thí sinh ra về sau khi thi xong |
Thí sinh Lường Văn Minh tham dự tại Hội đồng tuyển sinh Trường Đại học Tây Bắc nhận xét: “Đề thi năm nay rất sát với chương trình học và ôn tập của thi. Đề thi cũng hay. Về tình hình trong phòng thi thì em thấy thí sinh làm bài rất nghiêm túc. Giám thị coi rất ngặt. Bên ngoài phòng thi và quanh khu vực thi thì các sinh viên tình nguyện và các anh công an làm việc rất nghiêm túc và nhiệt tình”.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Nam, Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho biết: “Rút kinh nghiệm đợt 1, đợt 2 của kỳ thi đại học năm nay, công tác coi thi cũng là công tác vô cùng quan trọng. Nhà trường cũng thấy rằng, trong đợt 1, riêng các em thi vào Đại học Đà Nẵng sử dụng điện thoại di động khá nhiều so với bình quân chung của cả nước. Cho nên chúng tôi cũng tập trung phổ biến kỹ lại nữa, các điểm thi cũng có giữ điện thoại di động cho các em nếu các em có nhu cầu, để giúp cho các em yên tâm trong việc làm bài làm sao cho tốt”.
Ngày 10-7, thí sinh tiếp tục bước vào ngày thi cuối cùng của đợt 2, kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2013. Theo đó, thí sinh khối B thi Hóa; khối C, D thi Ngữ Văn./.
Đoàn Đảng Tái lập Cộng sản Italia thăm Việt Nam  (09/07/2013)
Quỹ tín dụng nhân dân phải đồng hành với nông dân  (09/07/2013)
Họp Hội đồng nhân dân Đà Nẵng, Đăk Lăk, Lào Cai: lấy phiếu tín nhiệm các chức danh  (09/07/2013)
Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ  (09/07/2013)
Việt Nam sẵn sàng hợp tác viễn thông với Cuba  (09/07/2013)
Khai mạc kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh Nam Định  (09/07/2013)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay