Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 01 đến ngày 07-7-2013
Đến dự Hội thi có Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Nguyễn Đức Lợi, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hồng và đông đảo công đoàn viên các Công đoàn trực thuộc.
Các đội Bộ Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Chính phủ, Thông tấn xã Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Hà Giang, Gia Lai nhận giải khuyến khích.
Trước đó, Hội thi tìm hiểu Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 đã được tổ chức ở các cấp công đoàn cơ sở, lựa chọn 16 đội lọt vào vòng thi chung kết. Tại vòng chung kết, mỗi đội thực hiện 4 phần thi gồm tự giới thiệu, thi kiến thức, thi thuyết trình và thi năng khiếu.
Phần thi kiến thức được tổ chức theo hình thức gắp thăm và trả lời những câu hỏi liên quan đến Luật Cán bộ, công chức và Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 theo Nghị quyết số 30c của Chính phủ. Phần thi thuyết trình, các thí sinh được tự chọn nội dung về cải cách hành chính hoặc đề xuất ý tưởng, giải pháp. Nhiều ý tưởng, giải pháp mới, có tính khả thi đã được đề xuất.
Hội thi đã góp phần thiết thực vào việc tuyên truyền rộng rãi trong cán bộ, công chức, viên chức và đoàn viên các cấp Công đoàn Viên chức Việt Nam về mục đích, yêu cầu, nội dung, ý nghĩa của Chương trình Tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020; vận động mỗi cán bộ đoàn viên tích cực, chủ động tham gia cải cách hành chính nhà nước ngay tại cơ quan, đơn vị; góp phần xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh...
Giới thiệu chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh
Ngày 02-7, Viện Nghiên cứu Lập pháp phối hợp với Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức Hội thảo giới thiệu báo cáo "Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh - PAPI 2012".
Bộ chỉ số PAPI là công cụ theo dõi, đánh giá chính sách của Việt Nam, khảo sát trên quy mô toàn quốc về quản trị và hành chính công ở Việt Nam.
Phương pháp PAPI sử dụng là phỏng vấn trực tiếp người dân ngẫu nhiên. Riêng năm 2012, PAPI đã tiến hành phỏng vấn 14.000 người dân ở khắp 63 tỉnh, thành phố, từ thành thị đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Trong đó, tập trung đánh giá trên 6 vấn đề, gồm: tham gia của người dân ở cấp cơ sở; tính công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công.
Theo kết quả PAPI 2012, 5 địa phương đứng đầu về tiêu chí sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở là: Bình Định, Thái Bình, Bình Phước, Hà Nam và Hà Tĩnh.
Các địa phương dẫn đầu về tính công khai, minh bạch là: Quảng Bình, Quảng Trị, Thái Bình, Hà Nam và Nam Định. Những địa phương dẫn đầu về trách nhiệm giải trình với dân là: Thái Bình, Quảng Bình, Hải Dương, Nam Định và Quảng Trị.
5 địa phương kiểm soát tham nhũng tốt là: Tiền Giang, Bình Định, Long An, Đà Nẵng và Sóc Trăng. Những địa phương dẫn đầu về thủ tục hành chính công là: Quảng Bình, Đà Nẵng, Yên Bái, Lào Cai, Kon Tum.
Ngoài ra, PAPI 2012 còn phân tích riêng phạm vi, mức độ của hối lộ và chi phí không chính thức trong ba lĩnh vực dân sinh căn bản: Chứng nhận quyền sử dụng đất, dịch vụ y tế và giáo dục tiểu học.
Kết quả báo cáo cũng cho thấy có tới 59% người dân cho rằng, tình hình kinh tế hộ gia đình đã tốt hơn so với 5 năm trước. Những người tham gia trả lời phỏng vấn cũng bày tỏ xu hướng lạc quan về tình hình kinh tế hộ gia đình trong 5 năm tới.
Ông Bakhodir Burkhanov, đại diện UNDP tại Việt Nam đánh giá: “PAPI 2012 cho thấy những điểm mạnh, yếu của các địa phương, mức độ chuyển biến theo thời gian. Báo cáo này sẽ giúp các đại biểu Quốc hội, HĐND thấy được bức tranh toàn cảnh về địa phương mình, qua đó sẽ góp phần phục vụ tốt hơn cho hoạt động hoạch định cũng như giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật”.
Dữ liệu PAPI có thể là tài liệu tham khảo tốt đối với các Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, cụ thể như trong việc lấy phiếu tín nhiệm.
Bước tiến lớn trong cải cách và hiện đại hóa hải quan
Thực hiện các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế trong khu vực về Cơ chế một cửa ASEAN và Cơ chế hải quan một cửa quốc gia, dự kiến tháng 8-2013, Cổng Thông tin Hải quan một cửa quốc gia Việt Nam sẽ khai trương.
Với cơ chế này, doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu làm thủ tục hải quan chỉ cần nộp và trao đổi thông tin, chứng từ chuẩn hóa dưới dạng điện tử hoặc giấy tờ tới một điểm tiếp nhận duy nhất để hoàn thành tất cả các yêu cầu liên quan đến xuất nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa, thiết bị, phương tiện vận tải. Các giao dịch thương mại quốc tế phải sử dụng nhiều giấy tờ, chứng từ với nhiều thủ tục kê khai, yêu cầu cung cấp thông tin trùng lặp, việc xử lý thông quan hàng hóa chậm… đang ngày càng lỗi thời sẽ dần được thay thế.
Theo lộ trình đặt ra, trong năm 2013 Cơ chế Hải quan một cửa quốc gia được thực hiện thí điểm ở các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Công Thương, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan), Bộ Giao thông Vận tải và một số cơ quan nhà nước địa phương thuộc các ngành tài chính, công thương và giao thông vận tải. Năm 2014 sẽ mở rộng thí điểm tới các cơ quan thuộc Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên Môi trường và một số cơ quan nhà nước địa phương.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện lộ trình nêu trên đang chậm hơn so với dự kiến. Vì vậy, trong kế hoạch công tác của Ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế Một cửa ASEAN và Cơ chế Hải quan một cửa quốc gia được Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh ký ban hành ngày 15-4-2013 đã xác định tập trung vào việc xây dựng Cổng Thông tin Hải quan một cửa quốc gia kết nối với các hệ thống thành phần của Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải, phấn đấu khai trương cổng thông tin này trong tháng 8-2013.
Theo Tổng cục Hải quan, Cơ chế Hải quan một cửa quốc gia được thực hiện sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu trong việc dịch chuyển hàng hóa tại cửa khẩu biên giới; nhà đầu tư Việt Nam có khả năng hội nhập tốt hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu; Chính phủ có điều kiện nâng cao năng lực thực thi chính sách tại cửa khẩu thông qua khả năng phân tích dữ liệu trong khi vẫn duy trì được tính bảo mật; người tiêu dùng có điều kiện tiếp cận được hàng hóa nhanh hơn do thời gian thông quan hàng hóa nhanh (chưa kể đến tiết kiệm chi phí mà doanh nghiệp nhập khẩu có thể đã bắt người tiêu dùng phải chịu); cộng đồng doanh nghiệp có thể tiết kiệm được hàng triệu USD thông qua giảm thời gian làm thủ tục hải quan bởi tính đơn giản, hài hòa và tự động hóa; doanh nghiệp thương mại và vận tải quốc tế sẽ có điều kiện áp dụng phương thức quản lý mới, tiết kiệm chi phí cũng như giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính, có cơ hội cạnh tranh cao.
Tính ưu việt của Cơ chế Hải quan một cửa quốc gia là rất rõ ràng, song đây cũng là một vấn đề lớn, phức tạp, liên quan đến nhiệm vụ của nhiều bộ, ngành khác nhau đòi hỏi cần phải xử lý thỏa đáng các mối quan hệ (giữa các cơ quan quản lý nhà nước, giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp, cơ quan nhà nước với người dân). Vì vậy, các bộ, ngành liên quan cần phải nỗ lực cao trong việc triển khai nhiệm vụ, đặc biệt đối với hải quan (cơ quan đầu mối) trong việc kết nối, điều phối hoạt động giữa các bộ, ngành.
Cơ chế Hải quan một cửa quốc gia bao gồm một hệ thống tích hợp cho phép các bên tham gia hoạt động xuất nhập khẩu nộp hoặc gửi thông tin và chứng từ chuẩn hóa tới một điểm tiếp nhận duy nhất. Trên cơ sở đó, các cơ quan nhà nước liên quan xử lý dữ liệu, thông tin và ra quyết định dựa trên các quy trình, thủ tục thống nhất, đồng bộ rồi gửi quyết định tới hệ thống cung cấp và trao đổi thông tin thống nhất giữa các cơ quan nhà nước; hải quan là cơ quan ra quyết định cuối cùng thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh hoặc phương tiện vận tải xuất nhập cảnh, quá cảnh căn cứ vào quyết định của các cơ quan nhà nước có liên quan được hệ thống chuyển tới kịp thời theo qui định về cung cấp dịch vụ công.
Khảo sát kinh nghiệm thúc đẩy Chính phủ điện tử tại Nhật Bản
Đoàn cán bộ Văn phòng Chính phủ vừa có chuyến khảo sát, nghiên cứu về Chính phủ điện tử tại Nhật Bản nhằm tìm hiểu những bài học kinh nghiệm thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử.
Chuyến khảo sát, nghiên cứu từ ngày 25-6 đến 04-7 do Cơ quan phát triển quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp với Văn phòng Chính phủ Việt Nam tổ chức.
Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp cụ thể nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông (CNTT-TT) trong các cơ quan nhà nước, hướng tới Chính phủ điện tử, bước đầu đạt được kết quả cả về nhận thức và phát triển ứng dụng trong thực tế. Tuy nhiên, kết quả thực hiện chưa được như mong muốn, do đây là một lĩnh vực mới mẻ, có nhiều thách thức khó khăn với ngay cả các quốc gia có CNTT-TT phát triển hàng đầu thế giới.
Đoàn nghiên cứu đã cùng các cơ quan, tổ chức của Nhật Bản như Bộ Nội vụ và Truyền thông, Văn phòng Nội các, chính quyền tỉnh Gifu, Học viện Chính sách công thuộc Đại học Tokyo, đại diện Tập đoàn Truyền thông NHK, Tập đoàn Fujitsu… trao đổi các nội dung cốt lõi về tiến trình thúc đẩy Chính phủ điện tử như xây dựng Trung tâm dữ liệu điện tử; kết nối mạng thông tin hành chính điện tử của Chính phủ; cung cấp các dịch vụ và tiện ích điện tử trực tuyến cho người dân… từ góc độ xây dựng chính sách, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, xây dựng nguồn nhân lực; những kinh nghiệm thành công và cả thất bại của đất nước mặt trời mọc trong xây dựng Chính phủ điện tử.
Trong khuôn khổ hợp tác giữa Văn phòng Chính phủ Việt Nam với các bộ, ngành, địa phương của Nhật Bản, chuyến khảo sát đã góp phần thắt chặt tình hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản và là một trong những hoạt động thiết thực kỷ niệm năm hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản 2013.
Đánh giá cải cách hành chính ở 5 lĩnh vực
Từ nay cho đến tháng 11-2013, Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính sẽ tổ chức đánh giá việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính ở 5 lĩnh vực: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, thuế, hải quan và kiểm dịch động vật.
Thông qua hoạt động đánh giá này, Hội đồng sẽ xây dựng báo cáo kết quả trình Thủ tướng Chính phủ, đồng thời kiến nghị các thủ tục hành chính cần tiếp tục cải cách trong năm 2014.
Báo cáo này không chỉ cung cấp thông tin về thực trạng hoạt động cải cách thủ tục hành chính ở 5 lĩnh vực trên mà còn “bắt bệnh” việc cải cách thủ tục hành chính ở các lĩnh vực này, đồng thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành thúc đẩy hơn việc cắt giảm các thủ tục không cần thiết.
Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Bộ Tư pháp), đồng thời là Trưởng Ban đánh giá việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính và huy động nguồn lực (Ban III - Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính) trong cuộc họp ngày 04-7 cho biết, 5 lĩnh vực mà Hội đồng lựa chọn đều là những lĩnh vực gắn liền với đời sống xã hội, người dân.
Phương pháp đánh giá được thực hiện bao gồm phát phiếu khảo sát, phỏng vấn người dân, doanh nghiệp về 5 lĩnh vực trên (từ tháng 7 đến tháng 9-2013), đồng thời Ban III sẽ tổ chức các đoàn công tác làm việc tại các địa phương và các bộ, ngành thuộc lĩnh vực được đánh giá (từ tháng 9 đến tháng 11-2013).
Đối với phương pháp khảo sát bằng phát phiếu, phỏng vấn, mỗi lĩnh vực được lựa chọn ra 20 thủ tục hành chính để xin đánh giá của người dân, doanh nghiệp. Tiêu chí để lựa chọn các thủ tục hành chính là số lượng tuân thủ, chi phí tuân thủ và thời gian thực hiện.
Đối với việc đánh giá cải cách thủ tục hành chính ở các lĩnh vực phức tạp hơn như đất đai, ngân hàng sẽ được Ban III lựa chọn để thực hiện ở những năm sau.
Để đảm bảo tính chặt chẽ, hiệu quả của kết quả đánh giá, TS. Nguyễn Sỹ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Phó Trưởng Ban III lưu ý việc đánh giá cải cách thủ tục hành chính cần phải dựa trên những nghiên cứu khoa học, với các chuyên gia thạo việc. Để có được những nghiên cứu bài bản, ông Nguyễn Sỹ Dũng đề nghị cần phải có cơ chế huy động nguồn lực tài chính để tài trợ, thực hiện các nghiên cứu này.
Giảm nhiều thủ tục cho người nộp thuế từ 01-7
Giảm số lần kê khai, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục, đơn giản hồ sơ đề nghị xóa nợ... là những lợi ích mà người nộp thuế được hưởng kể từ ngày 01-7 khi Luật Quản lý thuế (sửa đổi) có hiệu lực.
Ngày 20-11-2012, Quốc hội Khóa 13 thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế. Các nội dung của Luật sửa đổi, bổ sung đã khắc phục những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Luật Quản lý thuế; cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi cho người nộp thuế; bổ sung những phương thức quản lý mới nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế.
Luật sửa đổi, bổ sung liên quan đến 3 nhóm vấn đề lớn. Nhóm vấn đề về đơn giản hoá thủ tục hành chính thuế, trong đó chủ yếu liên quan đến các nội dung sửa đổi theo yêu cầu của Nghị quyết số 57/2010/QH12 của Quốc hội; Nghị quyết số 25/NQ-CP, Nghị quyết số 68/NQ-CP năm 2010 của Chính phủ.
Nhóm vấn đề về phục vụ mục tiêu cải cách, hiện đại hoá và hội nhập, phù hợp thông lệ quốc tế. Nhóm vấn đề về nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý thuế để phù hợp với thực tế và phù hợp với các văn bản pháp luật có liên quan nhằm chống thất thu ngân sách, giảm nợ đọng thuế.
Quảng Ninh: Lợi ích lớn từ thủ tục hải quan điện tửViệc "phủ sóng" thủ tục hải quan điện tử (TTHQĐT) tại 7/7 chi cục Hải quan trực thuộc đã giúp cho Cục Hải quan Quảng Ninh hoàn thành nhiều mục tiêu mà công tác cải cách hành chính hướng tới là tạo thuận lợi tối đa cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân tham gia hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh.
Đến nay Hải quan Quảng Ninh đã thực hiện thông quan điện tử cho 17.753 tờ khai (chiếm 99,69% tổng tờ khai), kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 4.485 triệu USD (chiếm 99,29% tổng kim ngạch), thu hút 626 doanh nghiệp tham gia (chiếm 98,52% doanh nghiệp làm thủ tục hải quan).
Việc triển khai TTHQĐT theo Nghị định 87/2012/NĐ-CP của Chính phủ cơ bản đã tích hợp Hệ thống Quản lý rủi ro trong phân luồng tờ khai thông qua áp dụng các tiêu chí phân tích. Đồng thời, các tiêu chí quản lý rủi ro đã đưa ra những cảnh báo giúp cho cán bộ, công chức biết được những lô hàng có rủi ro cao để quản lý. Hơn nữa, trong quá trình phân luồng tờ khai, công chức Hải quan không phải can thiệp vào hệ thống trước khi cho thông quan hàng hóa.
Không những thế, việc triển khai TTHQĐT đã rút ngắn thời gian từ 5 đến 7 phút như trước đây xuống dưới 1 phút (đối với tờ khai luồng Xanh). Đồng thời, TTHQĐT giúp giảm thiểu thủ tục giấy tờ, nhờ đó đã tạo được sự đồng thuận giữa cơ quan Hải quan và cộng đồng doanh nghiệp, người dân tham gia hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh.
Thấy rõ những lợi ích mà TTHQĐT mang lại, thời gian qua Cục Hải quan Quảng Ninh đã coi công tác cải cách hiện đại hóa luôn gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, đặc biệt là công tác thu nộp ngân sách nhà nước.
Tính đến hết ngày 30- 6-2013, Cục Hải quan Quảng Ninh đã thu nộp ngân sách Nhà nước ước đạt 7.314,039 tỷ đồng, đạt 37,7% kế hoạch năm 2013, bằng 98% so với cùng kỳ năm 2012.
Trong đó, thu thuế qua cảng biển là 6.793,2 tỷ đồng, chiếm 95% tổng thu, giảm 2%; thu ngân sách qua biên giới đất liền đạt 327,2 tỷ đồng, chiếm 5% tổng thu, tăng 12,9% so với cùng kỳ 2012.
Con người thực hiện - Yếu tố quyết định
Phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ bảy, HĐND TP. Hà Nội khóa XIV, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị nhấn mạnh: "Mỗi chúng ta, trên cương vị công tác của mình, hằng ngày cần phải tự đặt ra câu hỏi: Chúng ta đã làm hết bổn phận, trách nhiệm của mình hay chưa? Chúng ta có thể làm tốt hơn, làm nhiều hơn những việc mà Đảng bộ và nhân dân Thủ đô yêu cầu hay không?" Và nghiêm khắc hơn nữa là câu hỏi: "Liệu chúng ta có cản trở sự phát triển của thành phố hay không?...".
Rõ ràng nếu mỗi “công bộc” của dân thực sự mong muốn được cống hiến, đóng góp sức lực cho lợi ích chung thì luôn phải trăn trở với những câu hỏi đó để căn chỉnh hành động của mình. Lấy thí dụ công tác cải cách hành chính được thành phố xác định là khâu đột phá, điều đó không chỉ đơn giản là việc trang bị phương tiện, công nghệ hiện đại; bố trí diện tích "một cửa" - "một cửa liên thông" để tiếp dân; người dân khi có những thủ tục hành chính cần giải quyết không phải "gõ cửa" nhiều nơi, qua nhiều khâu; rồi loại bỏ những thủ tục rườm rà, công khai các loại giấy tờ cần thiết… Tất cả những điều đó mới chỉ là điều kiện cần thiết. Còn yếu tố quyết định hiệu quả của công tác cải cách hành chính chính là con người, là tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Không chỉ riêng với công tác cải cách hành chính, mọi vấn đề đều tương tự như vậy. Có được cơ chế, chính sách đúng đắn, phù hợp nhưng để đạt được mục tiêu đặt ra, hay nói cách khác là để cơ chế, chính sách phát huy hiệu quả trong cuộc sống thì con người thực hiện là yếu tố quyết định.
Và điều đó chỉ có thể làm tốt khi từng cán bộ cảm thấy trăn trở trước những câu hỏi mà Bí thư Thành ủy đã nêu. Cũng về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, cùng với việc các cấp, các ngành của thành phố cần chủ động, quyết liệt trong đổi mới tư duy và tác phong làm việc thì cần phải nhanh chóng khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong điều hành, xử lý công việc, khắc phục bệnh hành chính hóa và chạy theo thành tích, nêu cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ các cấp và trách nhiệm của người đứng đầu…
Đó chính là những “liều thuốc” để chữa bệnh thờ ơ, vô cảm mà nhiều cán bộ, công chức, viên chức đang mắc phải hiện nay.
Năm 2013 được Hà Nội chọn chủ đề là "Năm kỷ cương hành chính" và muốn kỷ cương hành chính được thực thi thì cần phải kiên quyết loại bỏ khỏi bộ máy những cá nhân không đủ phẩm chất, năng lực và ý thức trách nhiệm đối với công việc được giao. Dù đó là việc không đơn giản, là điều "cực chẳng đã", nhưng chỉ có như vậy thì guồng máy mới thông suốt, những cơ chế, chính sách, giải pháp… được ban hành mới có thể phát huy tác dụng, thúc đẩy sự phát triển của thành phố./.
Bán đảo Cà Mau trước nguy cơ sụt lún đất, xói lở bờ biển  (08/07/2013)
Khe Sanh 1968 - Sức mạnh Việt Nam  (07/07/2013)
Thu hút vốn FDI  (07/07/2013)
Kỷ niệm 45 năm chiến thắng Khe Sanh giải phóng Hướng Hóa  (07/07/2013)
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
- An ninh nguồn nước ở Thái Lan và hàm ý cho Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên