Bán đảo Cà Mau trước nguy cơ sụt lún đất, xói lở bờ biển
Bán đảo Cà Mau đang chìm dần xuống biển
Trong Chương trình hợp tác với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, sau một giai đoạn nghiên cứu và khảo sát tình trạng mất đất ở vùng bờ biển, mất rừng ngập mặn và xâm thực nước mặn vào sâu trong các kênh, rạch ở tỉnh Cà Mau, Viện Địa kỹ thuật Na Uy (NGI) vừa đưa ra nhận định: Tình trạng sụt lún của tỉnh Cà Mau nói riêng và khu vực bán đảo Cà Mau của vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng, vượt hơn các dự báo trước đây. Số liệu được NGI đưa ra là trong khi bề mặt của hầu hết các địa phương ở tỉnh Cà Mau chỉ cao hơn mặt nước biển khoảng 1m thì 15 năm gần đây ở nhiều nơi trong khu vực này, mức độ sụt lún đất đã ở mức 30 - 80cm.
Đất sụt lún nhanh kéo theo tình trạng mất đất liên tục, hư hại các tuyến rừng ngập mặn phòng hộ ven biển và nước mặn theo các sông, kênh, rạch ngày càng xâm nhập sâu vào nội địa. Theo kết quả khảo sát gần đây của Phân viện Điều tra quy hoạch rừng Nam Bộ, trong tổng số 768km bờ biển của vùng ven biển Đồng bằng sông Cửu Long đã có hơn 310km bờ biển và ven các cửa sông bị xói lở. Trong đó, chiều dài các đoạn bờ biển bị xói lở ở tỉnh Tiền Giang là 47,2km, Bến Tre hơn 29km, Trà Vinh: 14,2km, Sóc Trăng: 18,7km, Bạc Liêu: 6,3km, Cà Mau: 111,6km, Kiên Giang gần 88km. Ở nhiều khu vực ven biển, các hình ảnh thu được từ vệ tinh cho thấy trong vòng 20 năm qua, đất bị mất, bờ biển đã thụt vào từ 100m đến 1,4km.
Theo nhận định bước đầu của NGI, sụt lún đất không chỉ giới hạn trong địa bàn tỉnh Cà Mau mà đang là vấn đề nan giải ở nhiều địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nơi có điều kiện địa chất tương tự với khu vực bán đảo Cà Mau. Hậu quả của tình trạng này là diện tích đất tự nhiên (chủ yếu là đất nông nghiệp) ngày càng mất dần. Sụt lún ở quy mô toàn khu vực bán đảo Cà Mau trong bối cảnh nước biển dâng kéo theo hệ quả là những dải rừng ngập mặn, phòng hộ ven biển ngày càng suy giảm, càng làm tăng tình trạng xói mòn bờ biển, gia tăng thiệt hại khi có bão tố. Tình trạng này cũng dẫn đến hệ lụy là nhiều diện tích trồng lúa nuôi thủy sản biến mất; độ mặn của nước trong các sông, kênh rạch và trong các tầng nước ngầm ngày càng gia tăng…
Xói lở bờ biển không chỉ làm mất đất sản xuất, đất nuôi trồng thủy sản, mất rừng ngập mặn mà còn làm cho những tác hại của thiên tai như gió lốc, cát bay, triều cường kết hợp với gió chướng ngày càng khốc liệt hơn. Những tác động bất lợi do biến đổi khí hậu, nước biển dâng cùng với tình trạng sụt lún đất, xói lở bờ biển, nước mặn ngày càng xâm nhập sâu vào nội đồng đang đe dọa cuộc sống của hàng triệu người dân và nhiều công trình kết cấu hạ tầng ven biển khu vực bán đảo Cà Mau và vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Nhân tai đáng lo hơn thiên tai
Bên cạnh những nguyên nhân khách quan do tác động của tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng thì việc khai thác nước ngầm quá mức ở các tầng nước sâu được các nhà khoa học của NGI xem là một nguyên nhân chủ yếu làm gia tăng nhanh tình trạng sụt lún đất ở Cà Mau. Số liệu được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam công bố tháng 10 - 2012 cho thấy vào thời điểm này ở Cà Mau có 109.096 giếng nước ngầm với tổng lượng nước được bơm lên hằng ngày khoảng 373.000m3. Theo tính toán của các nhà khoa học, khả năng tái nạp nguồn nước ngầm tự nhiên ở khu vực này chỉ ở mức 50.000 - 150.000m3/ngày. Điều đó có nghĩa là lượng nước ngầm mất đi mỗi ngày khoảng 200.000 - 320.000m3. Khi mạch nước ngầm bị khai thác quá mức và khai thác cùng lúc ở nhiều nơi, mất khả năng tái nạp đầy đủ, kịp thời sẽ khiến một khối lượng đất tương ứng bị mất đi thông qua hiện tượng sụt lún. Trên thực tế, với tình trạng khai thác nước ngầm phổ biến ở nhiều nơi trong tỉnh, trên tổng diện tích tự nhiên khoảng 4.350km2, mức độ sụt lún bề mặt đất ở các địa phương trên địa bàn Cà Mau trong vòng 15 năm qua đã ở mức 30 - 80cm. Nếu các nguyên nhân chủ yếu gây sụt lún không được giải quyết, theo tính toán của NGI, trong vòng 25 năm tới tốc độ sụt lún dự báo sẽ tăng lên 90 - 150cm và trong 50 năm tới là 120-210cm. Nói khác đi, lúc đó cả vùng bán đảo Cà Mau sẽ bị nhấn chìm xuống biển.
Trong khi đó, tình trạng xói lở, mất đất vùng ven biển được xác định là do có nhiều hạn chế và bất cập trong công tác quản lý rừng phòng hộ ven biển. Hạn chế lớn nhất là công tác quy hoạch và quản lý giám sát tài nguyên rừng bị buông lỏng ở nhiều địa phương, thiếu sự phối hợp giữa các ngành và các địa phương, vì thế chưa thu hút được người dân và cộng đồng địa phương cùng tham gia bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ ven biển. Minh chứng cho thực trạng này là tình trạng tự phát phá rừng làm đầm nuôi tôm, chuyển mục đích sử dụng từ đất rừng sang sản xuất nông nghiệp, làm khu công nghiệp, khu tái định cư, khai thác khoáng sản, làm muối… khiến diện tích rừng phòng hộ ven biển ở khu vực bán đảo Cà Mau ngày càng bị thu hẹp. Bên cạnh đó, ý thức về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng của một bộ phận cư dân yếu kém; công tác nghiên cứu khoa học về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn; thiếu nguồn vốn đầu tư; những tác động bất lợi do biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thiên tai, các chất thải từ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp… cũng góp phần không nhỏ trong việc tàn hại nhiều cánh rừng phòng hộ ven biển.
Cần những giải pháp đồng bộ, liên hoàn
Nghị quyết số 24-NQ/TW Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XI “Về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường” đã nêu rõ: “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường là những vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn, quan hệ, tác động qua lại, cùng quyết định sự phát triển bền vững của đất nước; là cơ sở, tiền đề cho hoạch định đường lối, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cả hệ thống chính trị; là trách nhiệm và nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư…” (1). Theo đó, một trong những nhiệm vụ cụ thể được đề ra là phải “đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống, hạn chế tác động của triều cường, ngập lụt, xâm nhập mặn do nước biển dâng”. Trong công tác bảo vệ môi trường, cần “chú trọng bảo vệ, phục hồi, tái sinh rừng tự nhiên, đẩy mạnh trồng rừng, nhất là rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển, rừng đầu nguồn” (2).
Trên cơ sở quán triệt những quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XI “Về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”, cần chú trọng một số giải pháp sau để hạn chế, ngăn chặn những nguy cơ do sụt lún đất, xói lở bờ biển ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững bán đảo Cà Mau và cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
- Vấn nạn sụt lún đất, xói lở bờ biển, xâm nhập mặn ở khu vực bán đảo Cà Mau là những quá trình rất phức tạp, đòi hỏi phải có một cách tiếp cận tổng thể, đa chiều, liên ngành. Vì thế, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa Trung ương và địa phương để triển khai sớm một dự án nghiên cứu, quan trắc và xác minh những giả thiết, kết luận về tình trạng sụt lún, xói lở bờ biển, xâm nhập mặn… cùng những nguyên nhân gây nên tình trạng này, để trên cơ sở đó đề ra những giải pháp ngăn chặn, đối phó hữu hiệu.
- Sớm thiết lập, ứng dụng một số mô hình dự báo tổng thể tác động của biến đổi khí hậu, tình trạng sụt lún đất, xói lở bờ biển, xâm nhập mặn đến phát triển kinh tế - xã hội và tài nguyên, môi trường ở tỉnh Cà Mau. Từ những mô hình đó, áp dụng thí điểm phương thức quản lý tổng hợp, thống nhất về tài nguyên, môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu cho lưu vực ven biển, sau đó nhân rộng ra khu vực bán đảo Cà Mau và vùng ven biển Đồng bằng sông Cửu Long.
- Các bộ, ngành hữu quan của Trung ương và chính quyền tỉnh Cà Mau cùng các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long khẩn trương phối hợp nghiên cứu, đưa ra các cảnh báo kịp thời và cần thiết về mức độ nghiêm trọng của tình trạng lún sụt đất do khai thác nguồn nước ngầm quá mức. Trong đó, điều quan trọng là có những giải pháp thích ứng để sớm ngăn chặn hoặc hạn chế tình trạng khai thác và sử dụng nước ngầm tùy tiện; huy động các nguồn vốn thích ứng triển khai các dự án cung cấp nước sạch từ nguồn nước sông, kênh, rạch để thay thế việc sử dụng nước ngầm trong sinh hoạt.
- Xây dựng một hệ thống kỹ thuật liên hoàn phục vụ cho việc giám sát nước ngầm, ngập lụt, hạ mực nước ngầm, sụt lún đất ở khu vực bán đảo Cà Mau. Hệ thống này bao gồm các giếng quan trắc mực nước ngầm bị hạ; các trạm giám sát lún sụt đất; hệ thống giám sát ngập lụt; các trạm dự báo hiện tượng sụt lún đất, nước biển dâng; hệ thống giám sát sụt lún trong trường hợp xây dựng các công trình lấn biển…
- Trên cơ sở xây dựng quy hoạch tổng thể về rừng ngập mặn trên phạm vi toàn quốc, tiến hành rà soát quy hoạch ổn định cho các ngành chủ yếu sử dụng đất ngập mặn ven biển có liên quan như xây dựng đê, trồng và bảo vệ rừng ngập mặn, nuôi trồng thủy sản ở bán đảo Cà Mau. Song song đó, tăng cường quản lý quy hoạch sử dụng đất, rừng ngập mặn, xử lý nghiêm những trường hợp lấn chiếm rừng, sử dụng đất không đúng mục đích, làm tổn hại đến rừng; tiếp tục giao đất, rừng ngập mặn cho nhóm hộ gia đình, cộng đồng dân cư đối với những diện tích rừng và đất rừng ngập mặn chưa có chủ quản lý.
- Tổ chức quản lý đất và rừng ngập mặn ven biển theo dự án cho các tỉnh trọng điểm có tình trạng xói lở đất nhiều, suy giảm nặng đất và rừng ngập mặn để ưu tiên quản lý, giám sát và đầu tư phát triển rừng. Rà soát, quy hoạch lại dân cư ven biển, hạn chế di cư tự do trong vùng rừng ngập mặn. Tăng cường đầu tư, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống trong vùng rừng ngập mặn.
- Hợp tác quốc tế đóng vai trò rất quan trọng cho việc thực hiện các giải pháp kỹ thuật, công nghệ, các ý tưởng về đổi mới quản lý tài nguyên, môi trường đất và nước để khắc phục tình trạng sụt lún đất, xói lở bờ biển ở bán đảo Cà Mau. Song song đó, sớm xây dựng và triển khai mạnh mẽ chương trình đào tạo, hướng dẫn về quản lý, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước và đất nhằm xây dựng đạo đức môi trường và nâng cao trách nhiệm của người dân trong việc sử dụng nước và đất vì mục tiêu phát triển bền vững./.
---------------------------------------------
(1), (2) Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03-6-2013 Hội nghị Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường (http://123.30.190.43:8080/tiengviet/tulieuvankien/vankiendang/details.asp?topic=191&subtopic=9&leader_topic=990&id=BT661331651)
Khe Sanh 1968 - Sức mạnh Việt Nam  (07/07/2013)
Thu hút vốn FDI  (07/07/2013)
Kỷ niệm 45 năm chiến thắng Khe Sanh giải phóng Hướng Hóa  (07/07/2013)
Việt Nam - Lào xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển  (07/07/2013)
Khó khăn trước, thuận lợi sau  (07/07/2013)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay