Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác dân vận
Lịch sử công tác dân vận của Đảng trong suốt 83 năm qua cho thấy có nhiều nghị quyết, văn kiện của Đảng về vấn đề này đã ghi dấu ấn rất quan trọng. Đặc biệt, vào ngày 15-10-1949, với bút danh X.Y.Z, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài báo “Dân vận” nổi tiếng mà từ đó đến nay, bài báo này luôn luôn mang tính thời sự nóng hổi và trở thành “cẩm nang” cho những người làm công tác vận động quần chúng.
Vào ngày 27-3-1990, trước tình hình thế giới và trong nước có những diễn biến phức tạp, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VI đã ban hành Nghị quyết “Về đổi mới công tác vận động quần chúng của Đảng, tăng cường mối liên hệ giữa Đảng và nhân dân” (Nghị quyết này được gọi tắt là Nghị quyết Trung ương 8B).
Nghị quyết Trung ương 8B đã đề ra 4 quan điểm chỉ đạo rất đúng đắn, phù hợp cho cả quá trình cách mạng nước ta từ đó đến nay. Sau đó, từng nhiệm kỳ Trung ương Đảng tiếp theo đều đã ban hành Nghị quyết, Chỉ thị rất quan trọng như Chỉ thị 30-CT/TW “Về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; Nghị quyết “Về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”; “Về công tác dân tộc”; “Về công tác tôn giáo”; các nghị quyết về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân; về đội ngũ trí thức; về công tác thanh niên; về nông nghiệp, nông dân, nông thôn...
Vào ngày 25-2-2010, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết “Về việc ban hành quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị”, trong đó quy định rõ trách nhiệm, nội dung, phương thức công tác dân vận của toàn bộ hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở...
Nhờ việc không ngừng đổi mới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, công tác vận động quần chúng của cả hệ thống chính trị những năm qua đã có những chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào việc thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm ổn định chính trị phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng, chủ động hội nhập quốc tế về mọi mặt. Tuy nhiên, trước yêu cầu mới của sự nghiệp cách mạng, nhất là khi niềm tin của quần chúng, nhân dân đối với sự lãnh đạo của tổ chức đảng; mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân bị giảm sút, có lúc có nơi rất nghiêm trọng, công tác lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận bộc lộ những hạn chế, yếu kém.
Một số tổ chức, cấp ủy đảng chưa quan tâm đúng mức công tác dân vận. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả một số cán bộ cao cấp suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; mang nặng bệnh quan liêu, xa rời quần chúng, chuyên quyền độc đoán, ức hiếp nhân dân, tham ô, hối lộ, sống xa hoa, lãng phí. Các đoàn thể quần chúng ở nhiều nơi cũng bị hành chính hóa, nội dung, hình thức và phương pháp tập hợp nhân dân chậm đổi mới; không ít tổ chức cơ sở hoạt động thất thường, hình thức, nhiều đoàn viên, hội viên không tha thiết gắn bó với đoàn thể của mình.
Để tận dụng thời cơ, vận hội, vượt qua những khó khăn, thách thức, phát huy mọi nguồn lực xã hội và tiềm năng to lớn trong nhân dân, để góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” thì Đảng phải đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác vận động quần chúng, trong đó tập trung vào một số nội dung chính sau đây:
Thứ nhất, thường xuyên quán triệt, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong toàn xã hội về vị trí, vai trò của công tác dân vận trong tình hình mới; nâng cao chất lượng tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân nắm vững, nhất trí với mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ công tác dân vận. Đổi mới, tăng cường tuyên truyền, cổ vũ, động viên các nhân tố mới, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trên mọi lĩnh vực, phát huy chủ nghĩa yêu nước, năng lực thực thi dân chủ, tinh thần sáng tạo, tự lực, tự cường, tạo ra phong trào hành động cách mạng của toàn dân thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới và phát triển đất nước. Tăng cường công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn. Đấu tranh phản bác lại các luận điệu xuyên tạc, chống đối, lôi kéo, kích động quần chúng của các thế lực thù địch trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Thứ hai, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận của các cấp chính quyền, các cơ quan nhà nước. Ngày nay, khi chúng ta đang xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân thì công tác dân vận của các cấp chính quyền và các cơ quan nhà nước có vị trí cực kỳ quan trọng. Các cơ quan này vừa phải điều hành công việc theo chức năng quản lý nhà nước đồng thời làm tốt công tác dân vận theo đúng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân đều phải phụ trách dân vận.”
Mọi cán bộ, đảng viên đều phải có trách nhiệm nâng cao sự hiểu biết về công tác vận động nhân dân. Nhà nước tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, chế độ chính sách về các quyền và nghĩa vụ của công dân, nhất là những vấn đề về đất đai, đền bù, giải phóng mặt bằng. Các cơ quan nhà nước, đặc biệt là những ngành, những đơn vị có quan hệ trực tiếp với dân, làm tốt việc công khai các quy định, các tiêu chuẩn cụ thể về trách nhiệm và thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, nhân viên chính quyền, công bố để nhân dân biết và kiểm tra việc thực hiện. Tổ chức tốt việc tiếp dân và giải quyết kịp thời những đơn thư khiếu tố của dân; cán bộ, đảng viên cơ quan chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu thực hiện đối thoại với nhân dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Các tổ chức, cấp ủy đảng lãnh đạo thực hiện nghiêm túc việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.
Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh, đổi mới nội dung, phương thức trong phong trào thi đua yêu nước trong các tầng lớp nhân dân. Nhà nước bổ sung, hoàn chỉnh các chính sách khuyến khích phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tái cơ cấu nền kinh tế, làm cho tình hình kinh tế chuyển biến ngày càng tốt hơn, đời sống nhân dân và tình hình xã hội ngày càng ổn định.
Chính quyền các cấp quan tâm, đầu tư và cùng với nhân dân huy động các nguồn lực trong xã hội phát triển các cơ sở giáo dục, y tế, văn hóa, thông tin, khoa học, nhất là miền núi, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nơi có nhiều khó khăn. Bằng những hành động thiết thực, chăm sóc đời sống người về hưu, gia đình có công với cách mạng, thương binh và gia đình liệt sỹ. Phát huy vai trò của các đoàn thể quần chúng và nhân dân tham gia đấu tranh chống tiêu cực, nhất là đối với tệ nạn tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Gắn chặt cuộc đấu tranh chống tiêu cực trong Đảng, trong bộ máy Nhà nước và các đoàn thể với cuộc đấu tranh chống tiêu cực ngoài xã hội, chống tội phạm, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Xây dựng và thực hiện Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; thực hiện quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ trì các cấp thường xuyên tiếp xúc, đối thoại với nhân dân, lắng nghe ý kiến nhân dân, giải quyết hoặc phản ánh lên cấp trên và cơ quan chức năng giải quyết kịp thời những yêu cầu chính đáng của nhân dân. Tăng cường lãnh đạo công tác thông tin, báo chí, xuất bản kịp thời biểu dương những nhân tố mới, những kinh nghiệm tốt, những tấm gương sáng; mặt khác, tiếp tục đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tiêu cực, phê phán, đấu tranh kiên quyết với những quan điểm sai trái, lệch lạc, những luận điệu xuyên tạc, phản động của các thế lực thù địch. Gắn với nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng và cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, chống suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.
Thứ tư, đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân. Xác định rõ hơn chức năng nhiệm vụ, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý nhân dân làm chủ thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, hội quần chúng. Nâng cao chất lượng các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội; cổ vũ các mô hình, điển hình tiên tiến; phát huy vai trò người tiêu biểu trong cộng đồng dân cư; chăm lo và bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân.
Đảng lãnh đạo xây dựng cơ chế, quy định để phát huy quyền chủ động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể trong vận động nhân dân, các hình thức tập hợp nhân dân phải đa dạng, hướng các hoạt động về cơ sở; quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác sơ kết, tổng kết về nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân, định kỳ cấp ủy đảng các cấp làm việc, nghe báo cáo tình hình và định hướng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân; tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc tổ chức thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác vận động quần chúng, công tác mặt trận và các đoàn thể; tiếp tục đưa nội dung lãnh đạo xây dựng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân vững mạnh thành một trong những tiêu chuẩn đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tổ chức đảng các cấp.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội làm nòng cốt trong việc phát huy dân chủ, năng lực trí tuệ, ý thức trách nhiệm công dân trong thực hiện giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Thứ năm, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận, xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh. Các tổ chức đảng từ Trung ương đến chi bộ đều phải lấy công tác vận động và chăm lo lợi ích của nhân dân làm một nội dung chủ yếu trong hoạt động của mình theo tiêu chí “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”. Phải có kế hoạch thường xuyên tìm hiểu tình hình đời sống, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và có chủ trương, biện pháp xử lý đúng đắn, kịp thời. Phân công đồng chí chủ chốt trong cấp ủy chuyên trách công tác dân vận. Nâng cao sức chiến đấu của các tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên, biểu dương những đảng viên gương mẫu, xử lý nghiêm những phần tử thoái hoá, biến chất, ức hiếp quần chúng, lợi dụng chức quyền vi phạm lợi ích của nhân dân, khắc phục lối làm việc quan liêu, mệnh lệnh.
Thứ sáu, quan tâm hơn nữa việc lãnh đạo xây dựng, củng cố tổ chức, bộ máy đội ngũ cán bộ làm tham mưu và trực tiếp làm công tác dân vận. Có chính sách đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, thu hút cán bộ làm dân vận. Kiện toàn ban dân vận các cấp đủ về số lượng, cơ cấu, chất lượng; lựa chọn bố trí cán bộ có đủ năng lực, phẩm chất đạo đức, tác phong công tác, đủ sức làm tham mưu cho cấp ủy về công tác vận động quần chúng. Tránh tình trạng bố trí những cán bộ năng lực kém, sắp đến tuổi nghỉ hưu hoặc bị kỷ luật về công tác tại ban dân vận. Chỉ đạo các trường đào tạo cán bộ của Đảng, các trung tâm chính trị xây dựng, hoàn thiện tài liệu học tập về chuyên ngành công tác dân vận; nâng cấp đào tạo đại học và sau đại học chuyên ngành dân vận./.
Việt - Lào thúc đẩy hợp tác tài chính, chứng khoán  (10/05/2013)
Tìm cơ hội phát triển bền vững tiểu vùng Mekong  (10/05/2013)
Quảng Trị tổ chức an táng 53 hài cốt liệt sĩ hy sinh tại Lào  (10/05/2013)
5 nước ASEAN và Trung Quốc hợp tác chống ma túy  (10/05/2013)
Cuba chủ trì Hội nghị các nhà điều phối CELAC  (10/05/2013)
Giao tiếp công vụ - cơ sở cho hoạt động PR của chính phủ đạt hiệu quả  (10/05/2013)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên