Hợp tác đầu tư và phát triển bền vững tiểu vùng Mekong là nội dung chính của Diễn đàn Tài nguyên Mekong II diễn ra ngày 10-5, tại Vĩnh Phúc.

Diễn đàn do Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư ở nước ngoài (VAFIE), Hội phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam - Lào - Campuchia (VILACAED), Tổ chức Forest Trends và Tạp chí Đầu tư nước ngoài phối hợp tổ chức.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 31-12-2012 đã có tổng cộng 719 dự án đầu tư trực tiếp ra nước ngoài được cấp phép với tổng số vốn đăng ký là 29,2 tỷ USD; trong đó vốn của các nhà đầu tư Việt Nam là 12,8 tỷ USD. Lưu vực sông Mekong là nơi đầu tư lớn nhất của Việt Nam. Trong cơ cấu đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài, các lĩnh vực liên quan đến tài nguyên thiên nhiên (phát triển thủy điện, khai khoáng, cây công nghiệp, khai thác lâm sản...) chiếm tỷ trọng lớn.

Đại diện Cục Đầu tư nước ngoài, ông Vũ Văn Chung cho biết, Việt Nam rất coi trọng vấn đề phát triển bền vững. Vì vậy, Chính phủ đã yêu cầu các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào các nước tiểu vùng Mekong phải tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật nước sở tại, bảo đảm hài hòa mục tiêu kinh tế, góp phần cải thiện đời sống nhân dân vùng dự án, xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững.

Đặc biệt, các tác động về tự nhiên, sinh thái môi trường của dòng sông Mekong không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến các quốc gia có dòng Mekong chảy qua mà còn ảnh hưởng đến cả khu vực. Do vậy, việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư quy mô lớn trên dòng chính của sông Mekong cần phải tính đến các yếu tố phát triển bền vững cho cả khu vực.

Theo Trung tâm Con người và Thiên nhiên, nằm ở hạ nguồn sông Mekong, Việt Nam đang đứng trước nguy cơ phải gánh chịu tác động to lớn, chưa thể lường trước từ các chương trình, dự án như thủy điện, tưới tiêu, phát triển nuôi trồng thủy sản, giao thông thủy lợi, quản lý lũ lụt và du lịch... trên dòng chính ở phía thượng nguồn. Các dự án chuyển nước của các quốc gia thượng lưu kết hợp với hoạt động của đập thủy điện sẽ làm gia tăng sự thiếu hụt nguồn nước ở các quốc gia hạ lưu, trong đó Việt Nam nằm cuối cùng hạ lưu sẽ chịu tác động nặng nề nhất.

Đặc biệt là việc thiếu nguồn nước từ sông Mekong đổ về sẽ khiến nước biển xâm mặn đến sớm hơn và kéo dài hơn vào mùa khô.

Tại diễn đàn này, các đại biểu đã cùng nhau chia sẻ về một số vấn đề liên quan đến tác động môi trường và xã hội từ hoạt động đầu tư như sự tham gia của Việt Nam trong phát triển thủy điện lưu vực sông Mekong; phát triển thủy điện lưu vực sông Sêsan, Srêpok và Sêkông (3S) và tác động đối với cộng đồng; cạnh tranh đầu tư khai thác tài nguyên trong khu vực Mekong và những hệ lụy; thực trạng đầu tư của Việt Nam ở Campuchia trong lĩnh vực tài nguyên trên cơ sở phân tích số liệu...

Diễn đàn Tài nguyên Mekong là sáng kiến thúc đẩy đối thoại giữa các tổ chức thuộc các quốc gia trong khu vực tiểu vùng Mekong mở rộng. Diễn đàn gồm nhiều hoạt động đối thoại, trao đổi, hợp tác trên cơ sở tôn trọng lợi ích của các bên và tăng cường hiểu biết khoa học về các vấn đề liên quan đến tài nguyên thiên nhiên.

Diễn đàn lần thứ nhất được tổ chức vào tháng 12-2011./.