Vấn đề ở lại hay ra khỏi Liên minh châu Âu (EU) một lần nữa lại khiến chính trường Anh "tăng nhiệt" khi cựu Bộ trưởng Tài chính Nigel Lawson - một thành viên kỳ cựu và rất có uy tín của Đảng Bảo thủ - ngày 7-5 cho rằng "đảo quốc sương mù" cần sớm từ bỏ tư cách thành viên EU, bởi nỗ lực tìm kiếm thêm quyền hạn từ Brussels mà Thủ tướng David Cameron đang triển khai có nguy cơ lâm vào bế tắc.

Đây được coi là dấu hiệu chứng tỏ Đảng Bảo thủ - một đảng chủ chốt trong Chính phủ liên minh ở Anh hiện nay - ngày càng chia rẽ về chính sách đối với EU.

Ông Lawson cho rằng kế hoạch cải cách EU của Thủ tướng Cameron nhằm gia tăng ảnh hưởng và quyền hạn của nước Anh sẽ không mang lại kết quả khi vấp phải nhiều phản đối.

Theo ông này, cuộc khủng hoảng nợ công tại khu vực đồng tiền chung euro (Eurozone) đã làm thay đổi toàn bộ EU trong bối cảnh khối này ngày càng quan liêu hơn. Vì vậy, Anh cần phải ra khỏi EU để khôi phục và thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Ông Lawson khẳng định việc từ bỏ EU sẽ mang lại lợi ích nhiều hơn cho nước Anh, chứ không phải là thiệt hại. Tuyên bố này được ông đưa ra chỉ vài ngày sau khi Đảng Độc lập Anh (Ukip) đã gây chấn động chính trường bằng chiến thắng tại một loạt các điểm bầu cử hội đồng địa phương.

Dư luận Anh cho rằng việc một thành viên rất có uy tín của Đảng Bảo thủ lên tiếng phản đối chính sách tiếp tục ở lại EU đã khiến ông Cameron phải đối mặt với áp lực ngày càng gia tăng.

Tình thế khó khăn hơn khi đảng Bảo thủ của ông Cameron không thể tìm được tiếng nói chung trong vấn đề EU.

Đáp lại phát biểu của ông Lawson, Văn phòng Thủ tướng Anh cùng ngày lên tiếng khẳng định sẽ tìm mọi cách thuyết phục các nước EU mở cửa hơn nữa thị trường dịch vụ theo hướng linh hoạt và mang tính cạnh tranh.

Theo Ngoại trưởng William Hague, Anh và một số thành viên EU có thể cùng nhau triển khai những cải cách đối với thị trường dịch vụ để bảo đảm mậu dịch tự do mà không cần tính đến các thành viên "bảo hộ" khác.

Thủ tướng Cameron hy vọng nỗ lực cải cách EU để Anh có thêm ảnh hưởng và quyền hạn sẽ giúp duy trì tư cách thành viên của nước này sau cuộc trưng cầu ý dân dự kiến diễn ra vào năm 2017.

Tuy nhiên, một số thành viên cấp cao của Đảng Bảo thủ lại hoài nghi về kế hoạch này và cho rằng Pháp và các nước thành viên EU chưa mở cửa hoàn toàn sẽ ngăn cản những cải cách kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ./.