Nga - Mỹ nhất trí thúc đẩy nỗ lực tìm kiếm hòa bình cho Xyri
Trong khuôn khổ chuyến thăm Mátxcơva, Ngoại trưởng Mỹ Giôn Keri (John Kerry) đã có cuộc gặp Tổng thống Nga Vlađimia Putin (Vladimir Putin) và hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Nga Xécgây Lavrốp (Sergei Lavrov). Phát biểu tại cuộc họp chung sau đó, Ngoại trưởng Lavrốp cho biết hai bên nhất trí Nga và Mỹ sẽ khuyến khích Chính phủ Xyri cũng như các nhóm đối lập tìm kiếm một giải pháp chính trị.
Ông Lavrốp cùng ông Keri thông báo hai ngoại trưởng này sẽ hợp tác chặt chẽ để đến cuối tháng 5 có thể tiến hành một hội nghị quốc tế tìm kiếm giải pháp hòa bình cho Xyri. Theo Ngoại trưởng Mỹ, mục đích chính của hội nghị trên là tập hợp các đại diện của chính phủ và phe đối lập Xyri. Ông Keri khẳng định một giải pháp chính trị đạt được thông qua đàm phán nhằm chấm dứt cuộc nội chiến Xyri sẽ giúp làm giảm nguy cơ quốc gia Trung Đông này bị chia cắt, đồng thời có thể ảnh hưởng đến quyết định vũ trang của Mỹ cho phe đối lập Xyri. Trong khi đó ông Lavrốp nhấn mạnh mục đích chính mà hội nghị hướng tới là nhằm hối thúc các bên liên quan tại Xyri thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận đạt được tại Giơnevơ (Geneva), Thụy Sĩ, hồi tháng 6 năm ngoái. Ngoại trưởng Nga tuyên bố Mátxcơva và Oasinhtơn sẵn sàng sử dụng mọi khả năng để đưa "Chính phủ Xyri và phe đối lập đến bàn thương lượng".
Thỏa thuận Giơnevơ vạch ra lộ trình hướng tới một chính phủ chuyển tiếp ở Xyri nhưng không làm rõ về tương lai của Tổng thống nước này Basa An Átxát (Bashar al-Assad). Oasinhtơn từ lâu cho rằng ông Átxát phải rời bỏ quyền lực. Nhưng phát biểu tại Mátxcơva, Ngoại trưởng Keri nói rằng quyết định về ai tham gia trong chính phủ chuyển tiếp ở Xyri cần được để cho người dân Xyri lựa chọn.
Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Oasinhtơn, ngày 7-5, Tổng thống Mỹ Barắc Ôbama (Barack Obama) đánh giá Mỹ có cả "nghĩa vụ đạo đức" và "lợi ích an ninh quốc gia" trong việc chấm dứt cuộc nội chiến ở Xyri.
Gần đây, Tổng thống Ôbama phải đối mặt với các chỉ trích từ các nghị sĩ Mỹ cho rằng Oasinhtơn dường như hành động chậm trễ trước thông tin các lực lượng Xyri đã sử dụng vũ khí hóa học, việc mà ông Ôbama từng nhận định sẽ là "giới hạn đỏ". Phản ứng trước các chỉ trích như vậy, Tổng thống Ôbama nêu lại việc thông tin tình báo sai lệch trước đây cho rằng Irắc đã phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt dẫn đến Mỹ can dự và sa lầy trong cuộc chiến này. Ông Ôbama tái khẳng định "sẽ không đưa ra quyết định dựa trên sự cảm tính và không xây dựng liên minh quốc tế trên cơ sở sự cảm tính", đồng thời nhấn mạnh chính quyền đã làm việc nghiêm túc để hỗ trợ về mặt tổ chức và cung cấp các trợ giúp phi sát thương cho quân nổi dậy ở Xyri.
Trước đó, ngày 6-5, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ Rôbớt Mênênđết (Robert Menendez) đã giới thiệu một dự luật cho phép cung cấp vũ khí của Mỹ cho các nhóm đối lập ở Xyri. Các quan chức Nhà Trắng từng cho biết họ đang cân nhắc một kế hoạch như vậy nhưng vẫn lo ngại về những rủi ro tiềm tàng trong đó có khả năng vũ khí của Mỹ rơi vào tay các nhóm khủng bố.
Trên lĩnh vực ngoại giao, ngày 7-5, Iran và Gioócđani đã hối thúc Xyri tiến hành đối thoại giữa chính phủ với các nhóm đối lập hòa bình nhằm nhanh chóng chấm dứt các cuộc xung đột đẫm máu.
Phát biểu trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp bên phía Gioócđani, Noxơ Giuđết (Nasser Judeh) tại thủ đô Amman, Ngoại trưởng Iran Ali Ácba Xalêhi (Ali Akbar Salehi) cho biết: "Chúng tôi đã kêu gọi các cuộc đàm phán giữa Chính phủ Xyri và phe đối lập hòa bình nhằm thành lập một chính phủ chuyển tiếp", song nhấn mạnh các cuộc đàm phán này không nên có sự tham gia của Mặt trận An Nuxra (Al-Nusra) - lực lượng có liên hệ với mạng lưới khủng bố al-Qaeda ở Irắc và bị Mỹ liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố.
Ngoại trưởng Iran cảnh báo rằng hậu quả của cuộc khủng hoảng Xyri sẽ tác động tới các nước láng giềng và các nước khác, đồng thời cho rằng cuộc khủng hoảng này nên được giải quyết một cách hòa bình. Ông Salehi cũng nhắc lại rằng Têhêran phản đối bất kỳ hành động can thiệp nào từ bên ngoài vào cuộc xung đột Xyri và cho biết Iran đang hỗ trợ cho Xyri về mặt kinh tế. Về phần mình, Ngoại trưởng Gioócđani hối thúc các bên liên quan tìm ra một giải pháp chính trị toàn diện cho cuộc xung đột Xyri và nhấn mạnh: "Tình trạng đổ máu cần được chấm dứt và tất cả mọi tầng lớp nhân dân Xyri phải là một phần của giải pháp này thay vì là một phần của cuộc xung đột"./.
Tổng thống V.Putin hài lòng về quan hệ hợp tác Nga - Mỹ  (08/05/2013)
Tổng thống Átxát: Xyri đủ sức đương đầu với Ixraen  (08/05/2013)
Bạo lực tại Pakixtan trước thềm bầu cử  (08/05/2013)
Cán bộ công đoàn doanh nghiệp FDI Hà Nội bảo vệ quyền lợi của người lao động hiện nay - kinh nghiệm và đề xuất  (08/05/2013)
Thỏa thuận lịch sử giữa Xéc-bi-a và Cô-xô-vô  (08/05/2013)
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay