Thẳng thắn góp ý, làm rõ nhiều nội dung Dự thảo sửa đổi Hiến pháp
TCCSĐT - Ngày 28-2, tại Hà Nội và một số địa phương khác, các ngành, các cơ quan đã tiến hành tổ chức Hội thảo, hội nghị góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
* Bộ Giáo dục góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp làm việc với lãnh đạo Thành phố Hà Nội.
Ngày 28-2, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành tổ chức Hội thảo góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Ý kiến chủ yếu tập trung góp ý về các điều khoản liên quan tới giáo dục, đào tạo; bên cạnh đó, một số ý kiến cũng góp ý quanh một số vấn đề khác như quyền bình đẳng giữa các dân tộc, nghiên cứu khoa học và công nghệ, bình đẳng giới…
Về cơ bản, các đại biểu đều bày tỏ sự nhất trí dự thảo sửa đổi, bổ sung; bản dự thảo đã giải quyết những vấn đề bất cập, tồn tại của thực tiễn đặt ra trong quá trình tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992 và làm rõ hơn sự tiến bộ xã hội.
Điều 66 nói về mục tiêu giáo dục, ý kiến góp ý cho là chưa đầy đủ, thậm chí chưa đầy đủ bằng bản sửa đổi bổ sung năm 2001. Trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp mới, mới chỉ chú trọng phần “dạy chữ” với việc dạy nghề, dạy văn hóa mà chưa nêu lên phần “dạy người.”
Ngoài ra, Điều 42 quy định “Công dân có quyền và nghĩa vụ học tập,” nên sửa thành “Công dân có quyền và nghĩa vụ học tập suốt đời.” Đồng thời, riêng nội dung về giáo dục trong Hiến pháp cần lấy thêm ý kiến của các chuyên gia giáo dục có nhiều kinh nghiệm để hoàn thiện hơn.
Các Điều 22, Điều 5, Điều 66 về việc hiến mô, xác cho y học, quyền bình đẳng giữa các dân tộc, quyền của người khuyết tật, người có hoàn cảnh khó khăn. Theo đó, ý kiến đống góp cho rằng, việc sửa đổi nội dung về quyền của người khuyết tật là “được học văn hóa và học nghề” là chưa đầy đủ. Họ cũng có đầy đủ quyền công dân và được Đảng, Nhà nước đối xử công bằng. Vì vậy, nên sửa thành “được học theo nhu cầu” để không giới hạn nhu cầu học tập, nghiên cứu của người khuyết tật giống như các công dân khác.
Tại Khoản 2, Điều 66 có ghi “Nhà nước thống nhất quản lý hệ thống giáo dục quốc dân, ưu tiên đầu tư và tạo điều kiện thu hút các nguồn đầu tư khác cho giáo dục...” cần thêm một cụm từ: “xây dựng đội ngũ nhà giáo.”
Nhiều ý kiến tại hội nghị đề xuất Điều 66 cần bổ sung câu từ để thể hiện rõ hơn việc phát triển giáo dục không chỉ bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất, năng lực của công dân mà tạo ra những con người có lòng yêu nước, có niềm tự hào dân tộc; đồng thời đề nghị cần có một buổi hội thảo để góp ý riêng cho 2 điều trên...
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Mạnh Hùng khẳng định: Việc tổ chức lấy ý kiến về các quy định của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của cán bộ, công chức, viên chức ngành giáo dục, để tham mưu, đề xuất những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992; trong đó, các quy định về giáo dục, đào tạo cho phù hợp với tình hình thực tế; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi đơn vị, cá nhân đối với việc sửa đổi Hiến pháp và thi hành Hiến pháp. Việc triển khai lấy ý kiến đã được Bộ Giáo dục phổ biến trong toàn ngành và triển khai từ cấp cơ sở, cấp trường, cấp Sở và các cục, vụ của Bộ.
* Ngành Kiểm sát Nhân dân góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp Đồng chí Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại Hội nghị.
Sáng 28-2, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn ngành lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Dự Hội nghị có đại diện Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp và Ban biên tập Hiến pháp; Viện Kiểm sát Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cùng những đơn vị trực thuộc Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao.
Chủ trì Hội nghị, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Ủy viên Ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 nêu rõ Hội nghị nhằm huy động trí tuệ, tâm huyết của các cán bộ, kiểm sát viên, công chức, viên chức trong toàn ngành vào việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992; đồng thời nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi cán bộ, kiểm sát viên, công chức, viên chức và từng cấp kiểm sát đối với việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và thi hành Hiến pháp.
Hội nghị góp phần để nhân dân hiểu sâu sắc hơn về chế định Viện Kiểm sát Nhân dân trong Hiến pháp, từ đó đóng góp tích cực vào việc sửa đổi Hiến pháp nói chung và chế định Viện Kiểm sát Nhân dân nói chung.
Tại Hội nghị, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân các tỉnh, thành phố và một số đơn vị trực thuộc của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao tập trung đóng góp ý kiến vào các nội dung Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 như Lời nói đầu; chế độ chính trị; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghiệp và môi trường; bảo vệ Tổ quốc; bộ máy nhà nước, hiệu lực của Hiến pháp và quy trình sửa đổi Hiến pháp; quy định về trưng cầu ý dân; quy định về chính quyền địa phương...
Đặc biệt, nhiều đại biểu đã góp ý sâu vào những vấn đề liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Viện Kiểm sát Nhân dân, cũng như những vấn đề mới đang được nhân dân và các ngành, các cấp quan tâm.
Đề cập về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Viện Kiểm sát Nhân dân, thạc sỹ Nguyễn Thị Thủy, Phó Viện trưởng Viện khoa học Kiểm sát, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, cho biết Quy định tại khoản 1 Điều 112 Dự thảo Hiến pháp về chức năng của Viện Kiểm sát Nhân dân cơ bản là phù hợp.
Tuy nhiên, đối chiếu với các chức năng, nhiệm vụ mà Viện kiểm sát đang đảm nhiệm và các yêu cầu mới về kỹ thuật lập hiến, quy định này cần được nghiên cứu để bổ sung cho phù hợp.
Do vậy, đề nghị bổ sung khoản 1 Điều 112 theo hướng “Viện kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp và thực hiện những nhiệm vụ khác do luật định.”
Việc bổ sung quy định này chính là nhằm bảo đảm tính hợp hiến của các đạo luật do Quốc hội ban hành, đáp ứng những yêu cầu mới đặt ra đối với hoạt động lập hiến, lập pháp trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đồng thời tránh những tranh luận không đáng có trong quá trình xây dựng các đạo luật trong lĩnh vực tư pháp thời gian tới.
Góp ý về vấn đề bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức các chức danh tư pháp, đại biểu Nguyễn Minh Đức, Vụ Tổ chức cán bộ, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, đề xuất bổ sung thêm một ngạch mới là Thẩm phán cao cấp và Kiểm sát viên cao cấp cho phù hợp với dự kiến thành lập hệ thống Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân theo bốn cấp.
Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao và Kiểm sát viên Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao chỉ giới hạn là những thành viên Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao hoặc Ủy ban Kiểm sát Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao...
* Ngày 28-2, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai đã tổ chức hội nghị cấp tỉnh lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Các đại biểu dự hội nghị. (Nguồn: baodongnai.com.vn)
Tại Hội nghị, tỉnh Đồng Nai đã gợi mở 12 nội dung trọng tâm để các đại biểu, người dân tham gia góp ý.
Phần lớn các ý kiến đóng góp đều thể hiện sự nhất trí với bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 do Ban soạn thảo đưa ra. Tuy nhiên nhiều đại biểu, người dân cũng đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng trong việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Nhiều đại biểu quan tâm đến Chương III của bản Hiến pháp sửa đổi nói về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ và môi trường.
Đại biểu đồng tình và cho rằng việc sửa đổi bổ sung Điều 15, Điều 43 thành Điều 53 với nội dung: “Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trên cơ sở phát huy nội lực, chủ động tích cực hội nhập quốc tế; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; phát triển kinh tế kết hợp chặt chẽ, hài hòa với phát triển văn hóa; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường” là phù hợp. Theo góp ý của nhiều đại biểu, nội dung trên là đầy đủ và ngắn gọn hơn, trong đó có đưa nội dung bảo vệ môi trường trong quá trình xây dựng, phát triển là phù hợp.
Trong Chương III của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cũng đã khẳng định trách nhiệm của Nhà nước và xã hội trong lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh xã hội, chăm lo sức khỏe cho nhân dân; vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, xây dựng gia đình truyền thống, phát triển con người; đồng thời đề cao trách nhiệm của Nhà nước trong bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động và người sử dụng lao động.
Đối với nội dung bảo vệ Tổ quốc được nêu trong Chương IV, các đại biểu cho rằng: Trên cơ sở giữ nội dung và bố cục Chương IV của Hiến pháp năm 1992, bản Dự thảo tiếp tục khẳng định bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, giữ vững an ninh quốc gia là sự nghiệp của toàn dân.
Đối với nội dung về chính quyền địa phương trong Chương IX của bản Dự thảo, có ý kiến cho rằng Dự thảo quy định một cách tổng quát về phân chia đơn vị hành chính lãnh thổ, còn những vấn đề về tổ chức, thẩm quyền của từng cấp chính quyền địa phương sẽ do Luật quy định. Dự thảo quy định nguyên tắc phân cấp, phân quyền trong quan hệ giữa trung ương và địa phương nhằm giải quyết những vấn đề bất cập hiện nay trong việc phân cấp giữa trung ương và địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương với nhau.
Có nhiều ý kiến cho rằng vì thiếu nguyên tắc này nên vẫn chưa có cơ sở hiến định vững chắc để thực hiện đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương, làm cơ sở cho việc sửa đổi Luật tổ chức Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thẳng thắn góp ý với tinh thần trách nhiệm cao, nhằm làm rõ nhiều nội dung cơ bản trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Đồng chí Đinh Quốc Thái, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các đại biểu và mong muốn các đại biểu, người dân tiếp tục đóng góp ý kiến cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, để xây dựng một bản Hiến pháp hoàn chỉnh./.
Việt Nam sẽ nỗ lực để thúc đẩy hợp tác với Serbia  (28/02/2013)
Đại hội Chi hội Nhà báo Tạp chí Cộng sản nhiệm kỳ 2012 - 2015  (28/02/2013)
Đổi mới công tác đào tạo nghề góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khu vực nông thôn  (28/02/2013)
Hệ thống ngân hàng Việt Nam trong bối cảnh tái cơ cấu kinh tế  (28/02/2013)
Vì con người xã hội chủ nghĩa!  (28/02/2013)
Hiệu quả phòng, chống bạo lực gia đình ở Bắc Giang  (28/02/2013)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay