TCCSĐT - Nguồn nhân lực nước ta nói chung và khu vực nông thôn nói riêng hiện nay đang có nhiều hạn chế, bất cập, không những làm cản trở quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế mà còn dẫn đến nhiều khó khăn trong quá trình hội nhập. Thực tế này cũng làm cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn chuyển biến chậm, dẫn đến khả năng tự thoát nghèo của người nông dân còn hạn chế.

Thực trạng nguồn nhân lực khu vực nông thôn Việt Nam hiện nay

Để đánh giá chất lượng nguồn nhân lực ở nông thôn, một trong những chỉ số quan trọng nhất là trình độ đào tạo. Với chỉ tiêu này, khu vực nông thôn đang có tỷ lệ thấp hơn so với khu vực thành thị và tỷ lệ chung của cả nước. Theo kết quả cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, có 8,6 triệu người từ 15 tuổi trở lên đã được đào tạo chuyên môn kỹ thuật, chiếm 13,3% tổng dân số ở độ tuổi này, trong đó, 2,6% đã tốt nghiệp sơ cấp; 4,7% trung cấp; 1,6% cao đẳng; 4,2% đại học và 0,2% có trình độ trên đại học. Trong số những người từ 15 tuổi trở lên được đào tạo chuyên môn kỹ thuật, tỷ lệ ở thành thị là 25,4% (tăng 8% so với năm 1999), và 8% ở khu vực nông thôn (tăng 4% so với năm 1999). Ở khu vực thành thị, tỷ lệ người được đào tạo từ trung cấp trở lên cao gấp 2 lần, từ trình độ cao đẳng trở lên cao gấp 5 lần khu vực nông thôn. Đây cũng là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự chênh lệch về trình độ chuyên môn của nguồn nhân lực và sự phát triển giữa thành thị và nông thôn. Còn theo tính toán mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay cả nước có khoảng hơn 25 triệu lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, chiếm 55,7% tổng số lao động của cả nước, và mỗi năm có thêm khoảng 1 triệu người đến tuổi lao động. Như vậy, mỗi năm sẽ có khoảng 2 triệu lao động nông thôn cần được đào tạo nghề để chuyển đổi sang các ngành nghề phi nông nghiệp.

Cũng theo kết quả của cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, dân số ở khu vực thành thị chỉ chiếm 29,6% tổng dân số cả nước; dân số khu vực nông thôn chiếm 70,4%. Như vậy, dân số thành thị đã tăng với tốc độ trung bình 3,4%/năm, trong khi tốc độ này ở khu vực nông thôn chỉ là 0,4%/năm. Điều này phản ánh thực trạng di dân và quá trình phát triển theo hướng công nghiệp hóa và đô thị hóa của nước ta. Mặc dù dân cư sống tập trung chủ yếu ở nông thôn nhưng trên thực tế nguồn nhân lực trẻ, khỏe, có trình độ của khu vực này lại di dân tự do đến các thành phố lớn, các khu công nghiệp. Thời kỳ di cư mạnh nhất là giai đoạn 2004 - 2009 do các khu chế xuất, khu công nghiệp phát triển nhanh. Trong giai đoạn này, lượng dân di cư tới địa bàn hành chính cùng cấp huyện tăng 275.000 người, di cư cùng cấp tỉnh tăng 571.000 người, di cư sang tỉnh khác tăng 1,4 triệu người và di cư sang vùng khác tăng hơn 1 triệu người. Sự di dân cùng với đô thị hóa đã “hút” một nguồn nhân lực lớn đến các đô thị, các trung tâm thành phố lớn. Nguồn nhân lực còn lại ở khu vực nông thôn chủ yếu là những người trên hoặc dưới độ tuổi lao động, không có sức khỏe hoặc đang đi học. Điều này làm sâu thêm những “lỗ hổng” về đội ngũ nhân lực khu vực nông thôn vốn đã yếu kém về mặt chất lượng. Chất lượng lao động nông thôn thấp đã làm cho thu nhập của người lao động không thể tăng nhanh; gây ra sự chênh lệch giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn ngày càng xa thêm.

Yếu kém trong đào tạo nghề cho nông dân - một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên 

Một trong những nguyên nhân dẫn đến chất lượng của nguồn nhân lực khu vực nông thôn hạn chế là công tác đào tạo nghề. Có thể khái quát ở những điểm chính sau: 

Thứ nhất, chúng ta đang thiếu một tầm nhìn ở cấp quốc gia về giáo dục nghề nghiệp (dạy nghề và trung cấp chuyên nghiệp) và nhận thức về giáo dục nghề nghiệp chưa thật đầy đủ. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội chưa thực sự lấy giáo dục dạy nghề làm “quốc sách hàng đầu”, làm nền tảng và động lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Chính phủ đã có những chiến lược và các giải pháp để tạo việc làm, nhưng thực tế, thị trường lao động trong nước, nơi tiếp nhận đầu ra vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Hơn nữa, việc giáo dục và đào tạo nghề ban đầu cho những người lao động tương lai của đất nước còn gặp nhiều khó khăn, bất cập và thách thức lớn. Nhiều cấp ủy đảng và chính quyền từ Trung ương đến cơ sở chưa nhận thức đúng về vai trò, vị trí của giáo dục, đào tạo nghề, trong đó có việc giáo dục, đào tạo nghề cho nông dân khu vực nông thôn. 

Thứ hai, hệ thống giáo dục, đào tạo nghề còn lạc hậu, chưa đủ sức đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực trình độ cao cho sản xuất và đời sống; sự quản lý manh mún, chồng chéo dẫn đến sự lãng phí của nguồn lực do tình trạng gia tăng đầu mối quản lý và nhiều đơn vị cùng làm. Cơ cấu hệ thống giáo dục chưa đáp ứng yêu cầu, các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng (298 trường) nhiều hơn trung cấp và dạy nghề (269 trường); cán bộ quản lý và giáo viên của cơ sở đào tạo đại học và cao đẳng (83.087 người) cao hơn trung cấp và dạy nghề (20.626 người).

Thứ ba, hệ thống chính sách, pháp luật chồng chéo (đầu tư, giáo dục, dạy nghề,…); giải pháp đổi mới giáo dục, đào tạo nghề còn thiếu hệ thống, đồng bộ, mang tính chắp vá, không hiệu quả. Nguồn lực dành cho giáo dục nghề nghiệp hạn chế, quản lý yếu kém, thiếu sự minh bạch, dễ bị thất thoát; một số cán bộ lãnh đạo, quản lý có khuynh hướng chỉ chú trọng vốn bằng tiền, vốn bằng vật chất cụ thể, chưa coi trọng đến nguồn nhân lực có chất lượng, chưa tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và người lao động sau khi được đào tạo nghề có việc làm phù hợp. 

Thứ tư, một bộ phận nông dân không có nhu cầu cao trong học tập, nâng cao trình độ văn hóa chuyên môn cho con em. Ngoài lý do xa trường, chi phí cho học tập, sinh hoạt còn thói quen nặng về sử dụng lao động trẻ em, thiếu tầm nhìn dài hạn trong phát triển, nên nhiều gia đình cho con, em nghỉ học từ nhỏ. Ngoài ra, nhiều nông dân chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc đào tạo nghề nên không mặn mà với các trung tâm dạy nghề. Nhiều gia đình chỉ tính đến việc cho con em mình theo học nghề khi không đủ chỉ tiêu để theo học bất kỳ hệ đào tạo nào khác. Thực tế cho thấy, công tác đào tạo nghề mới chỉ thu hút được 25% số lao động trẻ ở nông thôn tham gia, và tỷ lệ này còn thấp hơn ở nhóm lao động đã có tuổi (trên 35 tuổi).

Thứ năm, hoạt động dạy nghề chủ yếu do các trường, trung tâm, tổ chức thuộc Nhà nước tiến hành. Đào tạo nghề vẫn chủ yếu xuất phát từ phía cung - có nghĩa là giảng dạy, hướng dẫn những kiến thức kỹ năng mà các tổ chức dạy nghề có, không thực sự xuất phát từ yêu cầu của người học - từ phía cầu. Chương trình nặng về lý thuyết, nhẹ thực hành, dụng cụ dạy học bị thiếu nghiêm trọng, ít giảng dạy tại hiện trường, xí nghiệp, cánh đồng, trang trại,... Dạy nghề chưa kết hợp với sử dụng tạo việc làm, chưa gắn kết chiến lược đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đây là nguyên nhân cơ bản làm cho người nông thôn thiếu hào hứng tham gia học nghề. 

Một số giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho khu vực nông thôn

Cùng với quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế thì nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khu vực nông thôn là một trong những giải pháp quan trọng. Trước hết, cần xác định những định hướng cơ bản cho đào tạo nguồn nhân lực nông thôn, đó là: 

- Nguồn nhân lực nông thôn phải có thể lực tốt, có khả năng chịu đựng, dẻo dai, từng bước được cải thiện chiều cao, cân nặng;

- Nguồn nhân lực nông thôn phải có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, có khả năng ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; không chỉ đáp ứng các yêu cầu của thị trường trong nước mà còn đáp ứng được đòi hỏi của hội nhập quốc tế, đó là những hiểu biết và kỹ năng cần thiết trong hội nhập. 

Trong các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khu vực này, công tác đào tạo nghề cần được coi trọng. Trên cơ sở thực trạng những năm qua, để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề cho khu vực nông thôn cần tập trung vào một số giải pháp chính sau:

Thứ nhất, phát huy vai trò Nhà nước, Trung ương và chính quyền các địa phương. Người lao động sẽ tích cực tham gia học nghề, nguồn lực xã hội sẽ không bị lãng phí, điều này không những ảnh hưởng tích cực đến cuộc sống của khu vực nông thôn mà còn ảnh hưởng đến sức mạnh và năng lực cạnh tranh đất nước. 

Để giải quyết thực trạng đào tạo nghề cho lao động nông thôn nước ta, ngày 27-11-2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1956/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” (gọi tắt là Đề án 1956). Đề án 1956 đã đề ra mục tiêu tổng quát: “Bình quân hằng năm đào tạo nghề cho khoảng 1 triệu lao động nông thôn, trong đó đào tạo, bồi dưỡng 100.000 lượt cán bộ, công chức xã. Tuy nhiên, bên cạnh đó, Nhà nước cần có các chính sách, cơ chế phù hợp để thúc đẩy các doanh nghiệp và cả xã hội tham gia vào quá trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Hiện cả nước mới chỉ có gần 1.300 cơ sở dạy nghề, rõ ràng đây là một con số quá ít ỏi.

Ngoài ra, để hoạt động dạy nghề cho lao động nông thôn đạt hiệu quả, các ngành chức năng của trung ương và địa phương cần phối hợp với các doanh nghiệp tại mỗi vùng hay mỗi địa phương tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với các chương trình khuyến nông, công, ngư,... Sự phối hợp này càng chặt chẽ nhịp nhàng, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển tại địa phương và nhu cầu của người học nghề.

Thứ hai, thúc đẩy đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo phương châm xã hội hóa với vai trò giám sát của Nhà nước. Với điều kiện như hiện nay và theo kinh nghiệm của các nước đi trước, nếu chỉ riêng Nhà nước thì rất khó bảo đảm được sự đa dạng của các hình thức dạy nghề cho lao động nông thôn. Do đó, cần phải có sự kết hợp các hình thức xã hội hóa, từ đó sẽ hình thành những mô hình dạy nghề phù hợp, như việc các cơ quan nhà nước (Tổng cục dạy nghề, sở lao động các tỉnh,...) phối hợp với khu vực kinh tế nhà nước tổ chức dạy nghề tại các cơ sở đào tạo của các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty,...; phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội hay xã hội - nghề nghiệp (nông dân, công đoàn, phụ nữ, thanh niên, cựu chiến binh, liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật,...) tổ chức dạy nghề có tính đại trà tại các địa phương; phối hợp với UBND tỉnh, thành phố hay quận, huyện tổ chức dạy nghề với sự tham gia của các cơ sở doanh nghiệp, các đoàn thể, hội nghề nghiệp tại địa phương; phối hợp với các nhóm làng nghề (mây tre đan, đồ gỗ gia dụng, đồ gốm,...) tổ chức dạy các nghề truyền thống,...

Cùng với việc xã hội hóa, để bảo đảm chất lượng và hiệu quả của việc đào tạo nghề, phải xây dựng, hoàn thiện luật về quản trị doanh nghiệp, trong đó có cơ sở dạy nghề. Việc thể chế hóa trách nhiệm quản trị tốt cho các cơ sở dạy nghề là để thúc đẩy phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề, chuẩn hóa chương trình dạy nghề, chuẩn hóa và hiện đại hóa cơ sở vật chất và thiết bị dạy nghề, kiểm định, đánh giá và cấp chứng chỉ nghề quốc gia,… Đồng thời, phải thực hiện giám sát nghiêm minh để bảo đảm số lượng chiêu sinh phải tương xứng với khả năng đào tạo thường được thể hiện qua đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, đặc biệt là tỷ lệ học viên tìm được việc làm. 

Thứ ba, tăng cường các hoạt động điều tra, khảo sát và dự báo các nhu cầu cơ bản, ổn định về học nghề của đội ngũ lao động nông thôn, và yêu cầu về sử dụng nhân lực qua đào tạo nghề trong các ngành, vùng và địa phương.

Đây là một công tác cũng rất quan trọng, với mục đích là nhằm xác lập mối quan hệ tương tác giữa nhu cầu và yêu cầu. Việc định hướng này bảo đảm được quyền (hay nhu cầu cơ bản, ổn định) của người lao động nông thôn trong việc học nghề theo hướng bám sát yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của ngành, vùng và địa phương; đồng thời mỗi ngành, vùng và địa phương cũng phải điều chỉnh yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội theo quyền của người lao động nông thôn trong việc học nghề.

Ngoài ra, việc nắm bắt nhu cầu và yêu cầu này phải đi trước một bước, phải triển khai thường xuyên với quy mô và mức độ khác nhau, để kịp thời bổ sung những thông tin về những nghề mới. Quyền học nghề của người lao động nông thôn là căn cứ để phân nhóm đối tượng cho các khóa đào tạo phù hợp; ví dụ nhóm đối tượng chỉ có thể tham gia được các khóa đào tạo ngắn hạn, và nhóm có thể tham gia các khóa đào tạo dài hạn; hay phân nhóm đối tượng theo trình độ học vấn,... Còn yêu cầu của đất nước, của ngành, vùng và địa phương về sử dụng lao động nông thôn qua đào tạo chính là “đầu ra” của đào tạo, qua đó có thể biết được cần đào tạo những nghề gì với số lượng và trình độ nào.

Thứ tư, cần coi trọng công tác hướng nghiệp và đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với tái cấu trúc nền kinh tế, nhất là gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đây là công tác quan trọng không kém cùng với công tác đào tạo. Để làm tốt công tác này, việc hướng nghiệp và đào tạo nghề cho lao động nông thôn cần phải gắn với việc quy hoạch phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, yêu cầu nhân lực thực tế của từng vùng, từng địa phương để phát triển cơ sở đào tạo nghề, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, phát triển của mỗi vùng, mỗi địa phương. 

Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập của lao động nông thôn; góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Ưu tiên đào tạo nghề cho các đối tượng là người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi, người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người tàn tật, người thuộc diện có đất thu hồi,…

Ngoài ra, trong bối cảnh tái cấu trúc nền kinh tế, việc nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn hiện nay càng thêm ý nghĩa. Một mặt, tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó có ngành nông nghiệp và kinh tế ở nông thôn, là chuyển mạnh sang phát triển các ngành nghề mới, sản phẩm mới, dựa trên nền tảng công nghệ ngày càng hiện đại. Do đó đòi hỏi phải có nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng được những yêu cầu khắt khe hơn của doanh nghiệp, kể cả hoạt động ở nông thôn. Mặt khác, tái cấu trúc nền kinh tế, là giảm thiểu các ngành nghề và sản phẩm có hàm lượng lao động cao. Từ đó làm gia tăng sự dôi dư đội ngũ lao động giản đơn.

Cùng với đó, phải tăng cường đào tạo và tái đào tạo nghề trong xã hội, trước tiên là lao động nông thôn, cả về số lượng và chất lượng. Đối với khu vực nông thôn, việc đào tạo và tái đào tạo nghề chỉ đạt chất lượng như mong muốn khi việc triển khai thực hiện công tác này gắn liền với việc bố trí lại không gian nông nghiệp và sự phát triển xã hội ở nông thôn phù hợp với điều kiện vùng miền và dân tộc theo hướng đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Tiếp cận một cách cụ thể hơn, việc nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn phải gắn với việc sắp xếp, tổ chức lại từng ngành hàng hóa, từng vùng chuyên canh nông nghiệp và từng vùng kinh tế nông thôn, đặc biệt tại các vùng kinh tế trọng điểm. 

Thứ năm, đa dạng hóa loại hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, từ năm 2010 đến năm 2012 đã có khoảng 46% trong tổng số 800 nghìn lao động nông thôn được học nghề theo “Đề án 1956”. Nhưng việc dạy nghề cho lao động nông thôn còn nặng về lý thuyết, chưa có phương pháp, nội dung đào tạo phù hợp và thường tách rời các mô hình sản xuất - kinh doanh trên địa bàn. Vì vậy, để nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn cần gắn với các mô hình sản xuất - kinh doanh điển hình hay dự án sản xuất tại địa phương.

Trong thời gian tới, cần quan tâm việc dạy nghề cho lao động nông thôn theo hướng này, và thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, như dạy tại các cơ sở dạy nghề; dạy nghề theo đơn đặt hàng của các tập đoàn, tổng công ty; dạy nghề lưu động; dạy nghề tại doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; dạy nghề gắn với các vùng chuyên canh, làng nghề,... Cùng với đó, các phương thức đào tạo cũng cần phải đa dạng hoá, phù hợp với từng nhóm đối tượng và điều kiện của từng vùng, miền,... như đào tạo tập trung tại các cơ sở dạy nghề đối với những nông dân chuyển đổi nghề nghiệp (trung tâm dạy nghề, trường trung cấp, cao đẳng nghề, các trường khác có tham gia dạy nghề,...); đào tạo nghề lưu động cho nông dân tại các làng, bản, buôn, ấp,... Một lĩnh vực cũng cần được quan tâm, đó là phát triển các ngành nghề thủ công, nhất là việc thực hiện “mỗi làng, một nghề” đang được triển khai. Trong nông thôn đang có một số nghề thủ công, mỹ nghệ truyền thống cần được bảo tồn và có khả năng phát triển, cần được quan tâm và đưa vào chương trình dạy nghề. Cụ thể như: chế biến gỗ, sơn mài, chạm, khảm; làm đồ gốm, đồ đồng; nghề mây tre đan, nghề thêu ren, nghề dệt, lụa, thổ cẩm,…

Thứ sáu, cần tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia đi trước, đó là việc đào tạo và sử dụng, bố trí nguồn nhân lực này sau khi đã đào tạo. Có nhiều cách tham khảo, có thể tổ chức thực tế tại các nước hoặc thông qua các nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hoặc nguồn vốn hỗ trợ phát triển (ODA), đồng thời có thể mời các chuyên gia nước ngoài đến truyền đạt kinh nghiệm,.../.