TCCSĐT –Thông điệp đoàn kết của các đại biểu quốc tế tại Hội thảo bàn tròn “Gặp gỡ các nhân chứng lịch sử” trong dịp kỷ niệm 40 năm ngày ký hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được nêu rõ như sau: Các đại biểu quốc tế đã tập hợp tại Việt Nam để tôn vinh và chào mừng lễ kỷ niệm 40 năm ngày ký hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, mở đường cho thắng lợi cuối cùng của nhân dân Việt Nam giải phóng và thống nhất đất nước sau nhiều thập niên chiến tranh xâm lược. Chúng tôi bày tỏ tinh thần đoàn kết nhiệt thành với nhân dân Việt Nam trong nỗ lực bảo vệ độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia, xây dựng một đất nước Việt Nam giàu mạnh, bình đẳng, dân chủ, văn minh và có điều kiện để phát triển trong một môi trường hòa bình, nơi nhân dân làm chủ vận mệnh và tài nguyên của mình.

1. Diễn đàn “Kết nối doanh nghiệp Việt Nam – Ác-hen-ti-na”

Ngày 21-1, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Đại sứ quán Ác-hen-ti-na tại Việt Nam tổ chức diễn đàn “Kết nối doanh nghiệp Việt Nam – Ác-hen-ti-na” nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại, tìm kiếm cơ hội đầu tư nhân sự kiện Tổng thống nước cộng hòa Ác-hen-ti-na, bà Cristina Fernandez sang thăm chính thức Việt Nam.

Tại diễn đàn, số liệu xuất khẩu tính đến hết tháng 11-2012, từ Việt Nam sang Ác-hen-ti-na đạt 154,5 triệu USD, nhập khẩu từ Ác-hen-ti-na đạt 859,8 triệu USD, tổng kim ngạch hai chiều đạt 1,01 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2011. Với dân số hơn 40 triệu người, Ác-hen-ti-na là một thị trường lớn đầy tiềm năng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu và nhà đầu tư Việt Nam. Hiện Việt Nam xuất sang Ác-hen-ti-na các mặt hàng giày dép, phụ kiện, cao su, sản phẩm cao su, hàng điện tử, hàng dệt may, quần áo… và nhập khẩu từ Ác-hen-ti-na thức ăn gia súc, nguyên liệu chế biến, dầu mỡ động thực vật, sữa, sản phẩm từ sữa, nguyên phụ liệu dệt may…. Việt Nam cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước thâm nhập thị trường của nhau nhằm thúc đẩy kim ngạch thương mại song phương đạt 1,5 tỷ USD vào năm 2015.

Mối quan hệ Việt Nam – Ác-hen-ti-na được đánh giá là cơ sở cho hợp tác, đầu tư và phát triển không chỉ cho hai nước nói riêng mà còn cho thành viên của khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) và ASEAN.

2. Chăm lo cho đối tượng chính sách, hộ nghèo đón Tết cổ truyền của dân tộc

* Tỉnh Đắk Lắk: đã trích ngân sách 33 tỷ đồng để thăm hỏi, tặng quà Tết Nguyên đán Quý Tỵ cho các đối tượng chính sách. Theo đó, tỉnh hỗ trợ 300.000 đồng/người cho các đối tượng chiến sĩ, sĩ quan lực lượng vũ trang, cán bộ viên chức khu vực hành chính sự nghiệp, cán bộ xã, phường, thị trấn, học sinh dân tộc nội trú, người già neo đơn, gia đình thương binh, liệt sĩ... Tỉnh cũng thăm hỏi, tặng quà cho các đơn vị, cá nhân tiêu biểu, Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang, cán bộ tiền cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, với mức hỗ trợ từ 500.000 đồng đến 6,6 triệu đồng.

* Tỉnh Bạc Liêu: Thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước về việc chăm lo Tết cho người nghèo và đối tượng chính sách, tỉnh Bạc Liêu đã trích ngân sách gần 22 tỷ đồng tặng các đối tượng chính sách, hộ nghèo và cận nghèo với mức hỗ trợ 400.000 đồng/hộ nghèo và 300.000 đồng/hộ cận nghèo, trong dịp Tết Quý Tỵ 2013. Toàn tỉnh có trên 21.000 đối tượng chính sách được nhận quà của Chủ tịch nước và quà của UBND tỉnh với mức 600.000 đồng đối với người thuộc đối tượng một, 500.000 đồng đối với người thuộc đối tượng hai và ba.

* Tỉnh Tuyên Quang: Giúp những người nghèo, gia đình chính sách đón Tết Quý Tỵ vui tư­ơi, phấn khởi, an toàn, ấm no, không để trường hợp nào không có Tết, tỉnh Tuyên Quang tổ chức trao hàng ngàn suất quà, với tổng trị giá gần 16 tỷ đồng. Theo đó, có gần 18.200 suất quà, trị giá hơn 3,3 tỷ đồng được trao cho các đối tượng là người có công. Bên cạnh 8.700 suất quà với tổng trị giá hơn 1,8 tỷ đồng theo quyết định của Chủ tịch nước, tỉnh cũng dành 9.500 suất quà với tổng trị giá 1,5 tỷ đồng cho các đối tượng chính sách, người nghèo.

* Tỉnh Quảng Bình: Theo Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình, toàn bộ qùa Tết của Chủ tịch nước và của UBND tỉnh Quảng Bình đã chuyển về các địa phương để trao tặng các đối tượng gia đình chính sách và hộ nghèo Quảng Bình để góp phần giúp các hộ gia đình có cái Tết an lành và ấm áp. Theo đó, nhân dịp Tết Nguyên đán Qúy Tỵ, Chủ tịch nước đã tặng qùa Tết cho 29.000 đối tượng chính sách tỉnh Quảng Bình với trị giá 6,1 tỷ đồng, mức qùa 400 nghìn và 200 nghìn đồng/người tùy theo đối tượng cụ thể. UBND tỉnh Quảng Bình trích ngân sách 1 tỷ đồng để tặng qùa cho 5.000 hộ nghèo với mức 200 nghìn đồng/hộ. Các huyện, thành phố trong tỉnh cũng trích hơn hai tỷ đồng để tặng qùa cho đối tượng chính sách, nạn nhân chất độc da cam và hộ nghèo. Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Bình cũng sẽ chuẩn bị 1.200 suất qùa trị giá gần 500 triệu đồng cho các gia đình hoàn cảnh khó khăn.

* Tỉnh Hưng Yên: tổ chức tặng gần 38.000 suất quà với tổng trị giá trên 11 tỉ đồng cho các gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công giúp đỡ cách mạng, người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và những hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày. Trong đó, đoàn đã đi thăm và tặng quà cho 21 gia đình chính sách tiêu biểu, mỗi suất quà trị giá 200 nghìn đồng bằng hiện vật và 500 nghìn đồng tiền mặt. Đồng thời, tỉnh cũng đã thăm và tặng quà cho 7 đơn vị, trung tâm nuôi, điều dưỡng thương, bệnh binh và người có công gồm: Trung tâm điều dưỡng thương binh Lạng Giang (Bắc Giang), Thuận Thành (Bắc Ninh), Duy Tiên (Hà Nam), Nho Quan (Ninh Bình), Trung tâm điều dưỡng, chăm sóc người có công tỉnh Hưng Yên, Trung tâm điều dưỡng Tâm thần kinh và viện Quân y 7 (thành phố Hải Dương)....là những nơi có thương, bệnh binh, người có công là người Hưng Yên đang được nuôi dưỡng chăm sóc.

* Tỉnh Trà Vinh: quyết định xuất ngân sách 2,7 tỷ đồng hỗ trợ gạo cho hơn 15.000 đối tượng thuộc diện hộ nghèo có nguy cơ thiếu ăn, với mức hỗ trợ 15 kg gạo/người; vận động Hội cựu chiến binh thành phố Hồ Chí Minh tặng 90 phần quà cho các cụ già neo đơn, không nơi nương tựa, có giá trị 200.000 đồng/phần và tổ chức thăm tặng 200 phần quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở hai xã Đa Lộc (Châu Thành) và Đôn Châu (huyện Trà Cú) có giá trị 200.000 đồng/phần. Ngân hàng Sacombank chi nhánh Trà Vinh tặng 400 phần quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, các cụ già neo đơn, người khuyết tật, hộ nghèo ở thành phố Trà Vinh, mỗi phần có giá trị 300.000 đồng…

* Tỉnh Lai Châu: Chính phủ đã hỗ trợ tỉnh Lai Châu hơn 2.100 tấn gạo để cứu đói cho những hộ nghèo đói nhân dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt năm nay. Theo nguồn hỗ trợ này, từ ngày 22/1 đến ngày 30/1, tỉnh Lai Châu tổ chức cấp hơn 500 tấn gạo cho những hộ bị đói trước Tết. Số gạo còn lại, tỉnh sẽ triển khai cấp đợt 2 sau Tết để cứu đói giáp hạt. Trong đó, huyện biên giới Mường Tè (Lai Châu) được phân bổ cứu trợ nhiều nhất với 1.000 tấn gạo. Tỉnh Lai Châu cũng quyết định hỗ trợ cho hơn 3.700 hộ nghèo khó trong tỉnh đón Tết, mức hỗ trợ là 120.000 đồng/khẩu. Ngoài ra, hơn 600 hộ chính sách được tỉnh hỗ trợ mỗi hộ 1,5 triệu đồng sắm Tết.

* Tỉnh Phú Yên: Sở Lao động- Thương binh & Xã hội tỉnh Phú Yên phối hợp chính chính quyền các cấp tổ chức thăm và tặng 18.143 suất quà Tết của Chủ tịch nước cho các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh nặng, lão thành Cách mạng, cha mẹ liệt sỹ và người có công đang hưởng trợ cấp hàng tháng với tổng trị giá gần 3,7 tỷ đồng; mỗi suất quà trị giá từ 200.000 - 400.000 đồng. Dịp này, tỉnh Phú Yên và các địa phương trong tỉnh trích ngân sách gần 9 tỷ đồng để thăm và tặng quà cho các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công, cán bộ tiền khởi nghĩa, người hoạt động Cách mạng bị địch bắt tù đày, người hưởng trợ cấp chất độc hóa học.

3. Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng

Từ ngày 21 đến 22-1, tại Hà Nội, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng năm 2012.

Báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu rõ: Năm 2012, cấp ủy và Ủy ban kiểm tra các cấp cùng với lãnh đạo, chỉ tổ chức thực hiện tương đối toàn diện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, đã tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI về xây dựng Đảng. Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cấp ủy các cấp đã sửa đổi, bổ sung, ban hành mới một số văn bản về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, chỉ đạo tiến hành nghiêm túc, thận trọng, chặt chẽ việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình trong toàn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI).

Hội nghị tập trung thảo luận, xác định những nhiệm vụ trong tâm, đề xuất các biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo có tính khả thi, sát với tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng Đảng trong toàn Đảng và địa phương, đơn vị gắn với đổi mới công tác kiểm tra, giám sát và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và cải cách hành chính trong Đảng nói chung và trong công tác kiểm tra giám sát của Đảng nói riêng, đảm bảo thúc đẩy, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật trong Đảng năm 2013 và những năm tiếp theo.

4. Triển lãm ảnh “Kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định Paris về Việt Nam”

Ngày 23-1, tại 29 Hàng Bài (Hà Nội) đã diễn ra lễ khai mạc Triển lãm ảnh “Kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định Paris về Việt Nam” với gần 150 bức ảnh, hơn 20 lời trích cùng hiện vật, tài liệu, sách... ; trong đó có những hiện vật quý lần đầu được trưng bày như: văn bản gốc Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam (Hiệp định).

Triển lãm diễn ra từ ngày 23 đến 28-1, công chúng có thể cảm nhận được toàn cảnh cuộc đấu tranh bền bỉ, kiên cường, mưu trí, khôn khéo và đầy bản lĩnh của những nhà ngoại giao cách mạng Việt Nam trên bàn đàm phán; Hiệp định là thắng lợi tổng hợp của cuộc đấu tranh trên các mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao; về sự ủng hộ, cổ vũ của đông đảo các tầng lớp nhân dân thế giới yêu chuộng hòa bình và công lý đối với nhân dân Việt Nam; những giây phút khó khăn cũng như những giây phút xúc động, hân hoan trong niềm vui chiến thắng...

Ngoài ra, Triển lãm còn trưng bày nhiều tư liệu, hiện vật quý tái hiện sinh động quá trình đàm phán và ký kết Hiệp định Paris. Có những hiện vật lần đầu tiên được trưng bày như: Bản gốc Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam; con dấu và biển tên của đoàn Chính phủ lâm thời miền Nam Việt Nam; hai cây bút đã được đoàn Việt Nam sử dụng để ký Hiệp định và Định ước quốc tế công nhận Hiệp định; chiếc xoong nhôm dùng để quấy xi niêm phong bản Hiệp định... Có những hiện vật rất đặc biệt như cuốn sổ tập hợp hơn 1.000 chữ ký của nhân dân Cu-ba phản đối chiến tranh và ủng hộ nhân dân Việt Nam...

5. Phiên họp thứ chín của Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương

Ngày 24-1, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đã chủ trì phiên họp lần thứ 9, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương. Đây là phiên họp cuối cùng trong năm nhằm thảo luận, đánh giá kết quả công tác cải cách tư pháp năm 2012; xác định nhiệm vụ trọng tâm công tác cải cách tư pháp năm 2013; dự kiến chương trình làm việc của Ban chỉ đạo trong năm 2013.

Năm 2012, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp T.Ư đã thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng, nghiên cứu làm rõ, những vấn đề còn ý kiến khác nhau, báo cáo, đề xuất Bộ Chính trị xem xét, kết luận những đề án thuộc nhiệm vụ trọng tâm của chiến lược cải cách tư pháp. Tổ chức, thực hiện nghiêm túc các phiên họp của Ban chỉ đạo và hoàn thành các chương trình, nội dung đã đề ra trong năm 2012.

Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương xác định nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2013 là: Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt việc tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật thể chế hoá các chủ trương, định hướng về cải cách tư pháp đã được xác định trong các văn kiện của Đảng; Nghiên cứu, đề xuất với Bộ Chính trị kết luận rõ một số vấn đề nêu trong Nghị quyết số 49-NQ/TƯ. Tổ chức lấy ý kiến nhân dân và cán bộ tư pháp về việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Hiến pháp năm 1992; tiếp tục xây dựng các đề án chi tiết về đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, cơ quan điều tra; Kiện toàn tổ chức hoạt động của các cơ quan, các tổ chức bổ trợ tư pháp, bảo đảm tính khoa học, đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi đến làm việc tại các cơ quan tư pháp; tiếp tục đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tư pháp nhằm nâng cao trình độ, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của công việc; tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tư pháp.

6. Diễn đàn chính sách quản lý và sử dụng đất đai vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Ngày 25-1, tại Hà Nội, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Ủy ban Dân tộc Chính phủ và Liên hợp quốc tại Việt Nam phối hợp tổ chức diễn đàn chính sách quản lý và sử dụng đất đai vùng đồng bào dân tộc thiểu số với sự tham gia của đông đảo đại diện các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, đại diện các địa phương.

Trong giai đoạn 2002 - 2011, Chính phủ đã tích cực triển khai, ban hành các quyết định, cơ chế đầu tư, cân đối nguồn lực để tập trung giải quyết vấn đề đất ở, đất sản xuất, hỗ trợ đời sống, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số có đời sống khó khăn. Sau 10 năm thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, đã có hàng trăm ngàn hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo từ chỗ không có nhà ở, không có hoặc thiếu đất sản xuất, nhiều hộ nghèo đói, du canh, du cư, di cư tự do, nay đã có nhà ở, có đất sản xuất, được sở hữu và làm chủ tư liệu sản xuất. Đời sống của các hộ dân tộc thiểu số nghèo bước đầu đã được ổn định. Đến tháng 6-2012, hầu hết các địa phương đã hoàn thành việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011 - 2015. Đã có 42 tỉnh, thành phố gửi hồ sơ quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh về Bộ Tài nguyên và Môi trường để thẩm định, 34 tỉnh đã thẩm định xong, trình Hội đồng nhân dân tỉnh, trước khi trình Chính phủ xem xét. Hiện các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã được cấp hơn 1,7 triệu giấy chứng nhận đất ở (94.000 ha), trên 2,3 triệu giấy chứng nhận đất nông nghiệp (1,6 triệu ha), hơn 1 triệu giấy chứng nhận đất lâm nghiệp (4,2 triệu ha).

Đề xuất một số kiến nghị về chính sách quản lý và sử dụng đất đai vùng dân tộc thiểu số, các đại biểu tham dự diễn đàn thống nhất cho rằng: Chính phủ tiếp tục thực hiện các chính sách này trong giai đoạn 2013- 2015, nghiên cứu sửa đổi, thống nhất một số định mức hỗ trợ, suất đầu tư, bố trí đủ vốn từ ngân sách Trung ương, chỉ đạo lồng ghép các nguồn vốn... để hoàn thành kế hoạch đã phê duyệt về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, đào tạo nghề, chuyển đổi nghề cho các hộ dân tộc thiểu số nghèo. Trong giai đoạn 2013-2020, Chính phủ tiếp tục có chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, văn hóa, tiếp cận với kiến thức khoa học kỹ thuật, hướng dẫn cách sản xuất hiệu quả có việc làm và thu nhập từ sản xuất nông, lâm nghiệp, công nghiệp, dịch vụ tại địa phương; phát triển kinh tế phải đi đôi với việc bảo đảm không gian sinh tồn của cộng đồng các dân tộc thiểu số, bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống đoàn kết các dân tộc.

7. Hội thảo khoa học về Tái cơ cấu doanh nghiệp và cân đối kinh tế vĩ mô

Ngày 26-1, Hội đồng Lý luận Trung ương, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã tổ chức Hội thảo khoa học về "Kinh tế Việt Nam 2012-2013: Tái cơ cấu doanh nghiệp và cân đối kinh tế vĩ mô”.

Hội thảo đã nghe 35 báo cáo khoa học của các chuyên gia kinh tế đến từ các trường đại học, các cơ quan quản lý kinh tế trong cả nước. Các tham luận tại hội thảo đều khẳng định: Kinh tế Việt Nam năm 2012 đã đạt được những thành tựu mà nhiều năm qua chúng ta luôn mong uớc. Đó là lạm phát thấp ở mức 6,81%; lần đầu tiên xuất siêu kể từ năm 1993, lãi suất giảm, tỷ giá ổn định. Tuy nhiên, GS.TS Nguyễn Văn Nam, Hiệu trưởng Trường ĐH KTQD cho rằng “những điểm sáng ấy dường như bị lu mờ bởi nỗi lo lắng về một triển vọng khá ảm đạm: doanh nghiệp phá sản, tốc độ tăng trưởng thấp ở mức 5,03%, thâm hụt ngân sách và nợ xấu cao và đang ở mức báo động, Điều ấy phản ánh một nền kinh tế chứa ẩn nhiều nguy cơ và phát triển chưa bền vững.”

Các tham luận cũng chỉ ra rằng trong quá trình tái cơ cấu, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn mà không tự giải quyết được. Đó là đòi hỏi hệ thống ngân hàng cũng phải tái cơ cấu để cung cấp nguồn tài chính lành mạnh cho nền kinh tế. Trong bối cảnh nguồn lực hạn chế, Chính phủ cần có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, khơi thông nguồn vốn, qua đó tạo việc làm và tăng trưởng kinh tế. Các doanh nghiệp nhà nước cần phải nhanh chóng tiến hành tái cơ cấu. Để tạo đà tăng trưởng bền vững, nhiều chuyên gia cho rằng bên cạnh các chính sách can thiệp tới tổng cầu cần chú trọng hơn đến các chính sách tác động vào tổng cung để tạo được đà tăng trưởng bền vững từ năng lực sản xuất của nền kinh tế.

8. Hội thảo bàn tròn “Gặp gỡ các nhân chứng lịch sử”

Ngày 27-1, nằm trong chương trình hoạt động kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định Pa-ri (27-1-1973 – 27-1-2013) do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tổ chức, tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (Thành phố Hồ Chí Minh), khoảng 50 đại biểu quốc tế cùng các nhân chứng lịch sử của Việt Nam đã tham dự Hội thảo bàn tròn “Gặp gỡ các nhân chứng lịch sử”.

Tại Hội thảo, các đại biểu quốc tế và trong nước đã cùng nhau ôn lại ý nghĩa lịch sử của quá trình đàm phán, ký kết Hiệp định Pa-ri, sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế đối với nhân dân Việt Nam trong cả cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đánh giá về những giá trị của Hiệp định Pa-ri đối với Việt Nam, bà Hê-len Lúc (Hélene Luc), Chủ tịch danh dự Hội hữu nghị Pháp - Việt, chia sẻ: Chiến thắng đó là nhờ lòng dũng cảm của nhân dân Việt Nam, cùng sự thống nhất, đoàn kết quốc tế và nhất là sự ủng hộ, giúp đỡ của các nước. Thành phố Choisy-le- Roi có vinh hạnh đón đoàn Việt Nam , nhiệm vụ của chúng tôi là làm cho thế giới thấy rằng xung quanh phái đoàn Việt Nam là tình thương yêu, tình đoàn kết quốc tế, Việt Nam không cô đơn. Thay mặt người dân Việt Nam gửi lời cám ơn đến các đại biểu quốc tế, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, bày tỏ: Tôi muốn thông qua các bạn gửi đến hàng triệu người trên thế giới, từ châu Âu, châu Á, châu Phi, Mỹ La-tinh và cả nước Mỹ, lời cảm ơn đã đồng hành cùng chúng tôi trong cuộc trường chinh 20 năm. Có thể nói, nhiều bạn bè trên thế giới đã đi cùng chúng tôi chiến đấu đến thắng lợi cuối cùng. Mãi mãi nhân dân Việt Nam không bao giờ quên bạn bè đã giúp chúng tôi.

Kết thúc hội thảo, cũng như các hoạt động kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định Pa-ri tổ chức tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, bà Gien-ni Ê-len Mi-rơ (Jeanne Ellen Mirer), Chủ tịch Hội Luật gia Dân chủ Quốc tế, đại diện cho các đại biểu quốc tế tham gia lễ kỷ niệm đã đọc Thông điệp đoàn kết của các đại biểu quốc tế. Thông điệp nêu rõ: Các đại biểu quốc tế đã tập hợp tại Việt Nam để tôn vinh và chào mừng lễ kỷ niệm 40 năm ngày ký hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27-1-1973 – 27-1-2013), mở đường cho thắng lợi cuối cùng của nhân dân Việt Nam giải phóng và thống nhất đất nước sau nhiều thập niên chiến tranh xâm lược. Chúng tôi bày tỏ tinh thần đoàn kết nhiệt thành với nhân dân Việt Nam trong nỗ lực bảo vệ độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia, xây dựng một đất nước Việt Nam giàu mạnh, bình đẳng, dân chủ, văn minh và có điều kiện để phát triển trong một môi trường hòa bình, nơi nhân dân làm chủ vận mệnh và tài nguyên của mình./.