Hội nghị khí hậu Đô-ha - cần lắm một tham vọng đổi thay
Thứ nhất, đây là lần đầu tiên Hội nghị khí hậu được tổ chức tại một nước vùng Vịnh, với mục tiêu nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu trên toàn cầu, bởi khu vực này vốn nổi tiếng giàu có nhờ bán nhiên liệu hóa thạch và những thành phố thịnh vượng là những người tiêu dùng khổng lồ nguồn năng lượng do nhà nước trợ cấp.
Thứ hai, đây cũng là lần đầu tiên Hội nghị khí hậu diễn ra đúng Ngày giới tính (26-11) - thời điểm mà vai trò của phụ nữ liên quan đến biến đổi khí hậu được quan tâm chú ý.
Thứ ba, và quan trọng nhất, Hội nghị năm nay sẽ đánh giá khả năng của các nhà lãnh đạo thế giới về việc có thể gia hạn Nghị định thư Ki-ô-tô bắt đầu từ 1-1-2013 hay không.
Kết quả là sau hai tuần đàm phán tại Đô-ha, các bộ trưởng, các nhà thương thuyết đều đã trở về với công việc của mình mà rất ít người mãn nguyện với những gì đạt được tại Hội nghị. Việc gia hạn Nghị định thư Ki-ô-tô dường như chỉ mang tính tượng trưng. Tiến trình đàm phán về biến đổi khí hậu vẫn còn quá trì trệ và các chính khách vẫn chưa có thiện chí đạt được tham vọng lớn.
Hội nghị năm nay diễn ra trong bối cảnh trên thế giới đang có hai xu hướng đáng lo ngại. Một mặt, có nhiều dấu hiệu cho thấy biến đổi khí hậu đang hiện hữu thật sự và có những tác động rõ rệt đối với các khu vực trên thế giới. Mặt khác, thế giới vẫn còn phụ thuộc nhiều vào việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch - nguyên nhân làm gia tăng khí thải nhà kính. Nếu không thay đổi tình trạng này thì mỗi ngày trôi qua là một ngày con người tự “chôn” mình vào một tương lai bất ổn.
Vậy, liệu các cuộc đàm phán quốc tế có ảnh hưởng thực sự đến biến đổi khí hậu?
Trước khi trả lời câu hỏi này, chúng ta cùng phân tích kỹ hơn hai xu hướng trên.
Thứ nhất, những năm gần đây thời tiết khắc nghiệt liên tiếp gây ra những thiệt hại nặng nề tại các nơi trên thế giới. Cùng với đó là rất nhiều những báo cáo đánh giá và bằng chứng của các tổ chức có uy tín cho thấy khí hậu thế giới ngày càng bất ổn. Mới đây nhất và cũng để lại hậu quả vô cùng thảm khốc là siêu bão Bô-pha đổ bộ vào Phi-líp-pin, làm chết ít nhất 700 người và khiến hàng nghìn người mất tích. Bão tố không phải là chuyện hiếm gặp ở Phi-líp-pin nhưng đây là cơn bão mạnh kỷ lục tại miền Nam nước này và lại xuất hiện vào dịp cuối năm.
Trước đó, nước Mỹ cũng bàng hoàng vì siêu bão Xan-đi quét qua Ca-ri-bê, đổ ập đến bờ biển phía Đông tập trung dân cư của nước này khiến hàng trăm người thiệt mạng và hàng nghìn gia đình sống trong cảnh nghèo đói và “màn trời chiếu đất”.
Bên cạnh đó là một loạt báo cáo mới công bố cảnh báo về tình trạng nóng lên của Trái đất, như báo cáo “Giảm nhiệt” của Ngân hàng thế giới (WB), cho biết Trái đất sẽ nóng thêm 4 độ C vào năm 2100, đồng nghĩa với việc sẽ có thêm nhiều cháy rừng, nhiều thủy triều và hạn hán hơn. Bên cạnh đó, môi trường sống dưới đáy đại dương cũng bị hủy hoại trong khi tai họa và dịch bệnh liên tục tăng lên.
Không chỉ vậy, băng Bắc Cực đang tan nhanh hơn và mực nước biển cũng dâng cao hơn. Nghiên cứu của Cơ quan quản lý đại dương và khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA) vừa mới công bố ngày 6-12-2012 cho thấy mực nước biển có thể tăng lên 6,6 feet (tương đương hơn 2 mét) vào cuối thế kỷ 21. Năm 2012 là năm nóng kỷ lục tại Mỹ khi trận hạn hán khắc nghiệt phủ khắp 2/3 đất nước này.
Thứ hai, con người ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào nhiên liệu hóa thạch. Theo một bản phân tích của Viện tài nguyên thế giới của Mỹ ngày 20-11-2012, trên thế giới sắp có thêm 1.200 nhà máy nhiệt điện chạy bằng than. Chỉ cần một phần nhỏ trong số đó đi vào hoạt động thì lượng khí thải ra toàn cầu sẽ lại tiếp tục tăng lên.
Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) mới đây cũng cho biết các chính phủ trợ cấp cho việc khai thác nhiên liệu hóa thạch cao gấp 6 lần trợ cấp cho sản xuất các nguồn năng lượng có thể tái chế. Theo công bố của Tổ chức khí tượng thế giới (WMO) ngày 20-11-2012, chính sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của con người đã khiến cho lượng khí thải nhà kính trong giai đoạn 1990 - 2011 tăng 30%, trong đó 80% là khí các-bon.
Tổng Thư ký WMO Mi-xen Gia-rau (Michel Jarraud) cho biết: “Hàng tỷ tấn các-bon tăng thêm này sẽ còn tồn tại nhiều thế kỷ nữa, khiến cho hành tinh ngày càng nóng lên và ảnh hưởng đến mọi mặt của cuộc sống Trái đất. Các khu rừng, các vùng đất và đại dương là các bồn tự nhiên hấp thụ khí các-bon. Các đại dương ngày càng chứa nhiều chất a-xít do kết quả của hấp thụ các-bon và có những tác động trở lại rất lớn đối với hàng loạt hệ sinh vật dưới nước và các bãi san hô ngầm”.
WMO nhận định các-bon là loại khí thải gây hiệu ứng nhà kính quan trọng nhất do các hoạt động của con người thải ra và nó chiếm 85% sự gia tăng bức xạ bắt buộc trong thập kỷ qua. Đây cũng là khí thải tồn tại lâu dài và nguy hiểm nhất so với các loại khí thải khác như mê-tan và ka-li ni-trat.
Đó là lý do tại sao thế giới cần lắm một thỏa thuận về biến đổi khí hậu có “sức nặng”. Liên hợp quốc là điểm hẹn duy nhất mà các nước có thể ngồi lại gần nhau để lên tiếng về vấn đề này, đồng thời thúc đẩy sự minh bạch và tin tưởng lẫn nhau giữa các nước. Tuy nhiên, Liên hợp quốc chỉ hoạt động có hiệu quả khi mà các nước thành viên có thiện chí hợp tác. Và qua Hội nghị khí hậu kéo dài 12 ngày qua, chúng ta vẫn chưa thấy được những tham vọng muốn đổi thay, những cam kết quyết cắt giảm lượng khí thải nhà kính của các nhà lãnh đạo toàn cầu.
Dĩ nhiên một hệ thống quốc tế không thể tự mình giải quyết vấn đề, mà cần thêm sự chung sức của các nhà doanh nghiệp, các quan chức chính phủ và sự tham gia của cả cộng đồng. Nhận thức của người dân về những tác động của biến đổi khí hậu là sự ủng hộ lớn đối với các hành động cắt giảm khí thải.
Trở lại với Hội nghị khí hậu tại Đô-ha, rõ ràng là chỉ một hội nghị này thôi thì không thể giải quyết triệt để vấn đề, song nó cũng góp phần đưa các nước đi vào một lộ trình và khơi gợi lên tham vọng của họ. Thời gian cho các nước nỗ lực cắt giảm khí thải nhà kính để tránh những hậu họa tàn khốc nhất do biến đổi khí hậu không còn bao lâu.
Đã đến lúc các nhà lãnh đạo, các nhà thương thuyết trên thế giới và cộng đồng cần có hành động cương quyết hơn để phát triển nhiều chiến lược cụ thể hơn và cắt giảm nhiều hơn lượng khí thải nhà kính. Thế giới cần tiếp tục kiên trì theo lộ trình này để đạt được một thỏa thuận tham vọng, công bằng và mạnh mẽ về biến đổi khí hậu./.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực - Giải pháp đột phá trong phát triển nông nghiệp, nông thôn ở Đồng Tháp  (13/12/2012)
Học và làm theo Bác “là tự mình vươn lên, để giảm bớt khó khăn cho gia đình và xã hội”  (13/12/2012)
Học Bác bằng tinh thần vượt khó trong những thời điểm khó khăn nhất  (13/12/2012)
Bộ đội Biên phòng Lai Châu làm theo lời Bác  (13/12/2012)
Mít-tinh kỷ niệm liên minh chiến đấu Lào - Việt Nam  (13/12/2012)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên