Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực - Giải pháp đột phá trong phát triển nông nghiệp, nông thôn ở Đồng Tháp

Nguyễn Thị Thu Nga Học viện Chính trị - Hành chính Khu vực IV, thành phố Cần Thơ
19:44, ngày 13-12-2012
TCCSĐT - Đồng Tháp là tỉnh nằm trong vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long, nông nghiệp là ngành kinh tế trọng yếu trong cơ cấu kinh tế. Một trong những yếu tố ảnh hưởng tới tốc độ chuyển dịch cơ cấu giữa các ngành kinh tế tỉnh chính là nguồn nhân lực.

Nhận thức được tầm quan trọng của nguồn nhân lực trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2011 - 2015.

Những năm qua, nông nghiệp đã có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, mức độ chuyển dịch cơ cấu giữa các ngành còn chậm, tỷ trọng GDP của các ngành năm 2005 là, nông nghiệp 58,27%, công nghiệp và xây dựng 14,87% và thương mại - dịch vụ là 26,86%; năm 2010 tương tự là 48,77%; 22,99% và 28,24%. 

Nguồn nhân lực của tỉnh được nâng lên một bước cả về số lượng và chất lượng. Lao động qua đào tạo tăng nhanh, đạt 40%, riêng đào tạo nghề chiếm 26,6% tổng số lao động, có 150 sinh viên trên 01 vạn dân. Chất lượng và hiệu quả lao động sau đào tạo tăng dần. Cơ cấu ngành, nghề đào tạo từng bước được điều chỉnh phù hợp với cơ cấu kinh tế, cơ bản đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và yêu cầu chuyển dịch cơ cấu lao động. Số lượng cán bộ, công chức, giáo viên, giảng viên có trình độ đại học và sau đại học tăng lên. Tỉnh đã đạt và duy trì chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở và thí điểm phổ cập giáo dục trung học phổ thông ở các thị trấn, thị xã, thành phố.

Tuy nhiên, nguồn nhân lực của tỉnh trong thời gian qua còn nhiều hạn chế, yếu kém. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng nhưng phần lớn là dạy nghề ngắn hạn; trình độ trung cấp và cao đẳng nghề còn thấp, kỹ năng nghề nghiệp chỉ đáp ứng cho các ngành, nghề có nhu cầu lao động đơn giản. Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế trên là Nhà nước chưa quản lý được lao động xã hội, chưa nắm bắt được nhu cầu xã hội dẫn đến không dự báo được hoặc dự báo chưa chính xác cung - cầu lao động. Đầu tư cho lĩnh vực dạy nghề chưa tương xứng với yêu cầu; cơ cấu, chất lượng đào tạo một số ngành, nghề chưa phù hợp yêu cầu xã hội; cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy nghề còn thiếu, một số đã lạc hậu hoặc chưa phù hợp theo nhu cầu đào tạo bậc cao. Đặc biệt, trong sản xuất nông nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực vừa yếu, vừa thiếu lại không ổn định. Do đó, mức độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp còn chậm, cơ cấu sản xuất nội bộ ngành nông nghiệp năm 2005 là: trồng trọt 82,41; chăn nuôi 10,02% và dịch vụ 7,57%, đến năm 2010 tỷ lệ tương ứng là 83,58%, 11,28% và 5,14%. … Nguyên nhân chính là việc đầu tư phát triển nguồn nhân lực nông thôn chưa thích đáng. Chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh còn rất hạn chế. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có tăng nhưng còn thấp so với mặt bằng chung của khu vực và cả nước. Năm 2001 tỷ lệ này là 7,7%, đến năm 2010 đạt xấp xỉ 35% (trong đó 4,1% trình độ cao đẳng, đại học và sau đại học, 9,5% trung học chuyên nghiệp, 22,5% đã qua đào tạo nghề), tỷ lệ lao động được qua đào tạo chính quy chỉ đạt 7,5%, thấp hơn mức bình quân của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (8,5%) và của cả nước là 14,5%. 

Để phát triển một nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa công nghệ cao thì chất lượng nguồn nhân lực phải là khâu đột phá. Vì vậy, trong đề án quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh và đề án quy hoạch và phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn từ nay đến 2020, Đồng Tháp tập trung đào tạo nguồn nhân lực nông thôn, chuyển một bộ phận lao động nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, giải quyết việc làm, phấn đấu nâng cao thu nhập của cư dân nông thôn gấp 2,5 lần so với hiện nay:

Một là, tỉnh xác định nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới; nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tạo cơ hội cho người lao động tiếp cận các ngành, nghề phi nông nghiệp, ổn định cuộc sống, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động khu vực nông thôn. Thực hiện tốt đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tập trung đào tạo nghề cho nông dân trực tiếp sản xuất, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp hiện đại, hỗ trợ nông dân không có đất hoặc ít đất sản xuất chuyển sang các ngành, nghề khác. Tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, cơ sở sản xuất dạy nghề cho lao động nông thôn; khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sử dụng lao động nông thôn đã được đào tạo nghề, nhất là đối với lao động nữ. Quan tâm thu hút đào tạo các ngành, nghề mới xã hội có nhu cầu, mà khả năng và điều kiện hiện có của các cơ sở đào tạo nghề trong tỉnh chưa đáp ứng được.

Hai là, tổ chức đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn, kỹ thuật của các hợp tác xã, trang trại và tổ chức liên kết sản xuất khác.

Đề án “Đào tạo phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn, nông dân tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020” đã xác định các mục tiêu cụ thể cho công tác đào tạo nguồn nhân lực cho nông nghiệp, nông thôn của tỉnh. 

Theo Đề án, đến năm 2015, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 55,5%, trong đó, qua đào tạo nghề đạt 40%, 80% lao động qua đào tạo có việc làm. Đến năm 2020, tỷ lệ này là 68%; 100% xã, phường thị trấn có kỹ sư trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản; có kỹ sư hoặc cán bộ trung cấp thuỷ lợi và các kỹ sư chuyên ngành khác để đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp. Đến năm 2020, 90% lao động nông nghiệp được học qua các khoá khuyến nông, khuyến ngư,… Tỉnh tập trung đào tạo cán bộ quản lý và chuyên môn kỹ thuật các ngành: phát triển nông thôn, nuôi trồng thuỷ sản, trồng trọt, chăn nuôi thú y, công nghệ sinh học, quản lý môi trường,… Giai đoạn 2009 - 2015 đào tạo 1.500 người (trong đó, trung cấp 580 người, đại học 800 người và sau đại học 120 người); giai đoạn 2016 - 2020 đào tạo 900 người). 

Trong giai đoạn 2011 - 2020, Đồng Tháp đặt kế hoạch đào tạo nghề cho 16.000 nông dân đạt trình độ trung cấp trở lên với các nghề: trồng trọt, chăn nuôi, thú y, nuôi trồng thuỷ sản, cơ khí nông nghiệp, tài chính kế toán,… để bổ sung cho các hợp tác xã nông nghiệp, trang trại, các hội làm vườn, Hội Nông dân, Hiệp hội Thuỷ sản,… 

Tỉnh cũng phấn đấu hằng năm tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho 13.500 lượt nông dân các kiến thức về kỹ thuật nông nghiệp, kỹ thuật nuôi và ươm trồng thuỷ sản, chăm sóc cây ăn trái, duy tu, vận hành và sửa chữa máy nông nghiệp, kỹ thuật sơ chế, bảo quản và các kiến thức về tiếp thị, kinh doanh nông sản. 

Nguồn kinh phí thực hiện Đề án gồm ngân sách nhà nước, kinh phí đóng góp của người học, tài trợ của các tổ chức quốc tế, các cá nhân và tổ chức trong và ngoài nước. Tổng kinh phí thực hiện Đề án khoảng hơn 122 tỷ đồng.

Ba là, thực hiện cơ chế Nhà nước và nhân dân cùng làm để tăng cường đầu tư cho giáo dục, nâng cao trình độ văn hoá cho các vùng nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng biên giới sớm phổ cập giáo dục cơ sở.

Điều chỉnh mạng lưới cơ sở đào tạo cho phù hợp với yêu cầu quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng nông thôn. Tỉnh đã xây dựng một số cơ sở sản xuất nông nghiệp có trình độ kỹ thuật công nghệ cao trong các vùng nông nghiệp trọng điểm nhằm kết hợp khuyến nông, đẩy mạnh hoạt động phổ biến, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân. Trong việc đào tạo nghề nông nghiệp cho nông dân, tỉnh đã chú ý cả phương tiện kỹ thuật và kỹ năng quản lý, không chỉ chú trọng các loại hình chính quy trên cơ sở phát triển hệ cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, mà còn quan tâm tới mô hình đào tạo cộng đồng. Tăng cường đào tạo ngành nghề phi nông nghiệp cho nông dân, điển hình là các nghề thủ công cho nông dân vùng di dân vượt lũ.

Tỉnh đã hỗ trợ Trường Đại học Đồng Tháp đầu tư mở rộng giai đoạn 2. Mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo của Trường Cao đẳng Cộng đồng, Trường Cao đẳng Nghề, Trường Cao đẳng Y tế. Phối hợp với Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện Đề án đào tạo đại học Y Dược khu vực đồng bằng sông Cửu Long tại Đồng Tháp. Hoàn thiện cơ sở vật chất Trường Trung cấp Nghề giao thông vận tải, Trường Trung cấp Nghề khu vực Hồng Ngự, Tháp Mười; xây dựng mới Trường Trung cấp Nghề Thanh Bình, Lấp Vò, Cao Lãnh; củng cố tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên các địa phương còn lại. Thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ quản lý đào tạo nghề các cấp. Huy động các nhà khoa học, nghệ nhân, cán bộ kỹ thuật, kỹ sư, người lao động có tay nghề bậc cao tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, các trung tâm khuyến nông - lâm - ngư, nông dân sản xuất giỏi tham gia đào tạo nghề cho lao động. Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng nghề và phổ cập các nghề mới cho giáo viên các trung tâm, các trường dạy nghề. Xây dựng lộ trình đào tạo phù hợp để đội ngũ giảng viên các trường cao đẳng, đại học, các trường nghề đạt chuẩn theo quy định. Kịp thời cập nhật nội dung, chương trình dạy nghề, gắn với bổ sung, phát triển phù hợp với thực tế của địa phương, chú trọng chương trình đào tạo kỹ thuật viên, đào tạo nghề cho lao động khu vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ. Đổi mới nội dung, chương trình dạy nghề theo địa chỉ, ứng dụng có hiệu quả những thành tựu khoa học - kỹ thuật mới, công nghệ - thông tin vào quá trình giảng dạy, đáp ứng tốt nhất yêu cầu của thị trường lao động. Khuyến khích các cơ sở đào tạo đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất, đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, giáo viên. 

Từ việc xác định được tầm quan trọng của nguồn nhân lực trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và địa bàn nông thôn nói riêng, các cấp chính quyền tỉnh Đồng Tháp đã đề ra nhiệm vụ, mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn chính là góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới./.