Mới thắng trận, chưa thắng cuộc

Quách Quỳnh
21:39, ngày 05-10-2012

TCCSĐT - Cuộc tranh luận tay đôi trực tiếp đầu tiên trên truyền hình ở Mỹ giữa đương kim tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma (Barack Obama) thuộc Đảng Dân chủ Mỹ và ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hoà Mỹ Mít Rôm-ni (Mitt Romney) đã làm cho cuộc chạy đua vào Nhà Trắng thêm gay cấn.

Ông B. Ô-ba-ma tuy dẫn đầu trong kết quả tất cả các cuộc thăm dò dư luận ở Mỹ, nhưng bị dư luận cử tri và truyền thông ở Mỹ coi là thua ông M.Rôm-ni ở cuộc tranh luận này.

Ấn tượng chung qua 90 phút tranh luận tay đôi đầu tiên này là ông B.Ô-ba-ma bị ông M.Rôm-ni dồn vào thế bị động, đối phó nhiều hơn tấn công, tự biện bạch và bào chữa nhiều hơn là chỉ ra và khoét sâu vào những điểm yếu của đối thủ chính trị. Chính vì thế mà bản lĩnh và khả năng lãnh đạo của ông B. Ô-ba-ma bị tổn hại trong nhìn nhận của cử tri và dư luận chung ở Mỹ. Kết quả này gây bất ngờ vì trước đó gần như không ai ở Mỹ lại tin rằng ông M. Rôm-ni tranh luận tốt đến thế và ông B. Ô-ba-ma tồi đến thế.

Về nội dung, cuộc tranh luận này không đưa lại được điều mới mẻ gì. Cả hai đều nhắc lại những quan điểm và cam kết đã nhiều lần được thể hiện trong quá trình vận động tranh cử cho tới nay. Chủ đề nội dung của lần tranh luận tay đôi trực tiếp đầu tiên này là tình hình kinh tế và công ăn việc làm ở Mỹ. Liên quan mật thiết đến hai chủ đề ấy là chủ đề tình hình tài chính ngân sách nhà nước, cụ thể là thâm hụt ngân sách và nợ công, và cuộc cải cách y tế mà ông Obama đã thực hiện. Đó cũng đồng thời là những lĩnh vực chính sách thuộc diện những điểm yếu nhất của ông B. Ô-ba-ma và ông M. Rôm-ni dễ dàng tấn công nhất.

Sách lược của ông M. Rôm-ni là chủ động tấn công, phê phán ông B. Ô-ba-ma nhiều hơn là thể hiện quan điểm và dự định chính sách của mình sao cho cử tri bị thuyết phục và tin rằng đó là sự lựa chọn thay thế cho chính sách của ông B. Ô-ba-ma. Ông B. Ô-ba-ma dường như coi trọng việc thể hiện cương lĩnh tranh cử nhiều hơn là đấu khẩu để bẻ gẫy những mũi tấn công của ông M. Rôm-ni. Ông M. Rôm-ni thắng lần này vì những lẽ đó.

Nhưng thắng trận này không có nghĩa là đã thắng cuộc và cũng chưa hẳn đã giúp ông M. Rôm-ni xoay chuyển được tình thế. Điều chắc chắn là ông M. Rôm-ni đã duy trì được cơ hội để ít nhất cũng xoay chuyển tình thế. Trước ngày bầu cử tổng thống Mỹ (6-11 tới) vẫn còn 2 cuộc tranh luận tay đôi trực tiếp nữa giữa hai ứng cử viên này trên truyền hình và những chủ đề nội dung cho hai cuộc ấy là đối ngoại và an ninh, đối nội và xã hội thì lại đều là những lĩnh vực mà thành tựu cầm quyền của ông B. Ô-ba-ma trong bốn năm qua khá nổi bật nên ông M. Rôm-ni không dễ dàng chiếm lĩnh và tận dụng như ở lần này.

Tranh luận trực tiếp trên truyền hình giữa các ứng cử viên tổng thống được tiến hành ở Mỹ từ thập kỷ 60 của thế kỷ trước và thường không có tác dụng quyết định kết quả bầu cử. Nhưng cũng đã có một vài lần ngoại lệ. Chúng thu hút sự quan tâm theo dõi của hàng chục triệu khán giả ở Mỹ. Tác động của chúng như thế nào trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay là một câu đố bởi không có ứng cử viên nào thực sự nổi trội đến mức áp đảo ứng cử viên còn lại. Ông B. Ô-ba-ma không tạo nên được cái hào khí của một sự khởi đầu mới cho nước Mỹ như cách đây bốn năm. Có bộ phận cử tri không nhỏ khi trước đã bỏ phiếu cho ông B. Ô-ba-ma nhưng nay thất vọng về ông B. Ô-ba-ma. Trong khi đó, ông M. Rôm-ni lại là một ứng cử viên yếu của Đảng Cộng hoà, không tự chứng tỏ được một cách thuyết phục là sự lựa chọn thay thế tốt hơn ông B. Ô-ba-ma cả về quan điểm chính sách lẫn bản lĩnh lãnh đạo đất nước. Vì thế, sự lựa chọn của cử tri Mỹ sẽ khó khăn. Vì thế, cuộc bầu cử này còn gay cấn đến tận phút cuối./.