TCCSĐT - Trong khuôn khổ Diễn đàn Đại hội đồng Liên hợp quốc khai mạc ở Niu-Oóc (Mỹ) ngày 18-9 vừa qua với sự tham dự của các đại diện đến từ 193 quốc gia thành viên và nhiều tổ chức quốc tế và khu vực, cuộc gặp cấp Bộ trưởng ngoại giao các nước là thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc được tổ chức để bàn về cuộc khủng hoảng ở Xy-ri. Cuộc gặp chứng kiến sự chia rẽ thế giới trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng này.
Tại cuộc gặp này, đại diện các nước là thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc bị chia rẽ thành hai cực: một cực gồm 3 thành viên là Mỹ, Anh và Pháp ủng hộ các lực lượng đối lập ở Xy-ri, còn cực kia gồm Nga và Trung Quốc chủ trương trước sau như một, phải tuân thủ luật pháp quốc tế và các nước không được can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.

Phát biểu tại cuộc gặp, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Hi-la-ri Clin-tơn (Hillary Clionton) kêu gọi những người đồng cấp trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc “giúp đỡ các cuộc cách mạng A-rập”. Bà Hi-la-ri nói rằng: Các quốc gia có đại diện ở tại cuộc gặp này cần phải quan tâm đến thắng lợi của nền dân chủ. Do đó, trách nhiệm của Mỹ là giúp đỡ các nước trong thời kỳ chuyển tiếp và hỗ trợ của quốc tế là đặc biệt quan trọng. Ví dụ rõ ràng về phương diện này là Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã từng nỗ lực để bảo vệ công dân ở Li-bi. Sự đoàn kết trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua được một nghị quyết mạnh để cứu Li-bi khỏi bị tàn phá. Giới phân tích nhận định, bà Hi-la-ri Clin-tơn đã đưa ra một ví dụ không có sức thuyết phục bởi cuộc chiến tranh do NATO tiến hành đã tàn phá nghiêm trọng nền kinh tế Li-bi và hiện nay tâm trạng chống Mỹ ở Li-bi ngày một tăng trong bối cảnh quốc gia này đang chìm sâu trong sự bất ổn do xung đột giữa các sắc tộc và phe phái mà bằng chứng rõ ràng nhất là Đại sứ Crít-xtô-phơ Xti-vân (Christopher Stevens) cùng 3 nhân viên ngoại giao Mỹ vừa bị sát hại tại Ben-ga-di (Bengadi) - nơi được coi là “cái nôi cách mạng của Li-bi”.

Về tình hình Xy-ri, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Hi-la-ri Clin-tơn một lần nữa khẳng định: "Chúng tôi ủng hộ các cải cách chính trị ở Xy-ri mà không có sự tham gia của Tổng thống Ba-sa An Át-xát (Bashar al-Assad)”. Giới quan sát có mặt tại cuộc gặp này hết sức ngạc nhiên khi bà Hi-la-ri Clin-tơn rời khỏi phòng họp trước khi đến lượt Bộ trưởng Ngoại giao Nga Xéc-gây La-vrốp (Xergey Lavrov) phát biểu ý kiến. Sau bài phát biểu của bà Hi-la-ri Clin-tơn, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Xéc-gây La-vrốp đã kịch liệt phê phán một số quốc gia vi phạm những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Ông X.La-vrốp nói: "Những gì đã và đang diễn ra ở Bắc Phi và Trung Đông một lần nữa khẳng định rằng, chúng ta cần phải tôn trọng vô điều kiện các nguyên tắc cơ bản và then chốt của Hiến chương Liên hợp quốc, trước hết là chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, các nước không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng sức mạnh quân sự".

Theo Ngoại trưởng Nga, trách nhiệm trước tình trạng bạo lực đẫm máu vẫn tiếp diễn ở Xy-ri thuộc về những quốc gia vừa khuyến khích các lực lượng đối lập từ chối chấm dứt bạo lực và từ chối đối thoại, vừa đưa ra yêu cầu Chính phủ Xi-ri phải đầu hàng vô điều kiện. Cách tiếp cận này là không thực tế và chỉ khuyến khích các lực lượng đối lập tiến hành các hoạt động khủng bố. Bộ trưởng Ngoại giao Nga bày tỏ lo ngại sâu sắc trước việc một số thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc không lên tiếng phê phán các hành động khủng bố ở Xi-ri. Bộ trưởng Ngoại giao Nga Xéc-gây La-vrốp nhấn mạnh, cách làm đó sẽ phá hoại nguyên tắc cơ bản của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về chủ trương của cộng đồng quốc tế chống khủng bố dưới mọi hình thức và biểu hiện. Ông X.La-vrốp khẳng định: "Điều quan trọng là cộng đồng quốc tế cần phải kiên quyết chống lại các lực lượng khủng bố đang nhân cơ hội lợi dụng các quá trình cải cách để đạt được mục đích của chúng như đã từng diễn ra ở Li-bi, I-rắc hoặc Xy-ri. Ở đây không thể có tiêu chuẩn nước đôi".

Trao đổi với báo giới sau cuộc gặp, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Xéc-gây La-vrốp nhấn mạnh rằng, việc phương Tây không lên tiếng phản đối các hành động khủng bố ở Xy-ri là một cách ứng xử hết sức lạ lùng. Hiện tượng này có thể là tiền lệ nguy hiểm dẫn tới các hoạt động khủng bố trong những tình huống khác và điều này là tuyệt đối không thể chấp nhận. Ông khẳng định, giải pháp duy nhất để giải quyết khủng hoảng Xy-ri là đàm phán hòa bình vì giải pháp chiến tranh, hơn thế nữa là can thiệp quân sự từ bên ngoài, sẽ đe dọa nghiêm trọng an ninh khu vực kéo theo những hậu quả chưa thể lường trước được. Quá trình dàn xếp hòa bình ở Xy-ri chỉ có thể thông qua đàm phán và thỏa hiệp giữa các bên có tính đến lợi ích của tất cả các tôn giáo, sắc tộc và các lực lượng khác trong quốc gia này.

Cơ sở cho các cuộc đối thoại hiện nay đã được xác định trong Tuyên bố chung ở Giơ-ne-vơ của "Nhóm hành động" về Xy-ri, trong đó ghi nhận sự đồng thuận của tất cả các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Liên đoàn A-rập (AL), Thổ Nhĩ Kỳ, EU và Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-mun. Đây sự đồng thuận quan trọng có chữ ký của tất cả 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Vì vậy, điều chủ yếu hiện nay là tất cả những ai tham gia Hội nghị ở Giơ-ne-vơ đã từng đặt bút ký vào Tuyên bố chung không được đi ngược lại nội dung văn kiện quan trọng này. Tuy nhiên, hiện nay một số thành viên tham dự Hội nghị Giơ-ne-vơ của "Nhóm hành động" lại đang tiếp tục đi theo con đường gây áp lực đơn phương nhằm vào Chính phủ Xy-ri, trong khi ở quốc gia này đang diễn ra cuộc chiến tranh đẫm máu giữa các nhóm vũ trang. Bộ trưởng ngoại giao Nga Xéc-gây La-vrốp cũng lưu ý đến sự ủng hộ của nhóm các nước BRICS, gồm Bra-xin, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Cộng hòa Nam Phi về việc chấm dứt bạo lực ở Xy-ri.

Ông Xéc-gây La-vrốp nhắc lại rằng những biến chuyển chính trị ở Trung Đông và Bắc Phi cần phải diễn ra theo quy luật lô-gíc ở các nước trong khu vực trên cơ sở tính đến lợi ích của tất cả các tầng lớp xã hội để tránh những biến động lớn và để cho nhân dân các nước trong khu vực cảm nhận được mục đích của cải cách và thay đổi nhằm hướng đến những điều tốt đẹp hơn, để xây dựng và phát triển kinh tế. Theo hướng đó, các thành viên tham dự Hội nghị G8 năm 2011 ở Đô-vin (Pháp) đã thống nhất xây dựng quan hệ "Đối tác Đô-vin về các cuộc cách mạng A-rập ở Tuy-ni-di và Ai Cập”. Để ủng hộ nguyện vọng hướng đến những cải cách dân chủ và hiện đại hoá nền kinh tế, các nước G8 thống nhất hỗ trợ 20 tỉ USD trong những năm 2011-2013 cho 2 nước này. Ngoài ra, các nước có nền kinh tế phát triển hứa sẽ giúp đỡ để tạo ra nhiều việc làm mới, chống tham nhũng và bảo vệ nhân quyền ở Bắc Phi và Trung Đông. Kết quả đầu tiên của chương trình này đã được sơ kết tại Hội nghị G8 năm 2012 ở Chi-ca-gô (Mỹ).

Tại Diễn đàn của Đại hội đồng Liên hợp quốc lần này, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Xéc-gây La-vrốp khẳng định, Nga không hề có bất kỳ lợi ích thực dân nào ở Trung Đông và Bắc Phi, không bao giờ tiến hành chiến tranh giành giật tài nguyên ở khu vực này và cũng không có ý định tác động làm thay đổi định hướng phong trào chính trị trong khu vực. Trong khi Liên đoàn các nước A-rập (AL) có nhiều tiềm năng để giải quyết xung đột ở Xy-ri, bởi họ hiểu biết sâu sắc đặc điểm tâm lý, truyền thống dân tộc và kinh nghiệm lịch sử của các nước trong khu vực. Nhưng ông cũng lưu ý rằng, AL cần tuân thủ luật pháp quốc tế vì hiện nay một số nước trong AL đã thông qua các quyết định ủng hộ mọi mặt cho các lực lượng đối lập ở Xy-ri, đi ngược lại các nguyên tắc gìn giữ hòa bình.

Trong các buổi thảo luận công khai, Thủ tướng Anh Đa-vít Ca-mơ-run đổ lỗi cho Liên hợp quốc không có khả năng chấm dứt cuộc khủng hoảng Xy-ri, còn Hội đồng Bản an Liên hợp quốc không đưa ra được quan điểm chung. Ông Đ.Ca-mơ-run nói: “Tình hình Xy-ri trong gần 2 năm qua, theo đánh giá của Liên hợp quốc, đã có khoảng 27 nghìn người thiệt mạng. Pháp, Anh và Mỹ chủ trương áp dụng các biện pháp cứng rắn hơn chống lại chế độ của Tổng thống Xy-ri Ba-sa An Át-xát nhưng Nga và Trung Quốc phản đối chủ trương đó".

Tuy nhiên, không phải nguyên thủ tất cả các nước trên thế giới đều ủng hộ giải pháp cứng rắn do Mỹ, Pháp và Anh đề xuất. Tổng thống Bra-xin, bà Đin-ma Ru-xép (Dima Russeff), kêu gọi giải quyết cuộc khủng hoảng Xy-ri bằng con đường ngoại giao theo các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc. Tổng thống Cộng hòa Síp nhấn mạnh, có thể giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị ở Xy-ri bằng các biện pháp chính trị. Trong khi đó, Quốc vương Ca-ta, ông Ha-mát Bin Ha-li-pha An Tha-ni (Hamad bin Khalifa Al Thani) đề xuất đưa quân đội các nước trong khu vực can thiệp vào Xy-ri. Đề xuất này là vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc. Bình luận về đề xuất này của Quốc vương Ca-ta, Tổng thống Nga V.Pu-tin tuyên bố rằng, việc sử dụng sức mạnh quân sự không được phép của Liên hợp quốc sẽ không đem lại điều gì tốt đẹp. Để xoa dịu phản ứng của cộng đồng quốc tế, Tổng Thư ký AL, ông Na-bin An A-ra-bi (Nabil Al-Arabi) đã phải lên tiếng giải thích rằng, đề xuất của Quốc vương Ca-ta “không có nghĩa là phát động chiến tranh”.

Trong khi chủ đề Xy-ri chia rẽ thế giới, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-mun lưu ý các bên rằng, cuộc khủng hoảng ở Xy-ri đang đe dọa an ninh khu vực và toàn cầu. Ông cũng kêu gọi tất cả các bên cần thống nhất nhận thức rằng, không thể sử dụng giải pháp quân sự để giải quyết cuộc khủng hoảng Xi-ri và yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc kiên định trong việc ủng hộ giải pháp ngoại giao để giải quyết khủng hoảng, trước hết là ủng hộ sứ mệnh dàn xếp hòa bình của Đặc phái viên Liên hợp quốc và AL. Đến nay, sứ mệnh của Đặc phái viên đầu tiên, ông Cô-phi An-nan (Cofi Annan) đã thất bại, còn sứ mệnh của Đặc phái viên mới Lác-đa Ba-hi-mi (Lakhdar Brahimi) vừa được triển khai. Nhiều nước mặc dù chính thức tuyên bố ủng hộ hoạt động của các Đặc phái viên Liên hợp quốc và AL nhưng trên thực tế lại viện trợ cho các lực lượng đối lập ở Xy-ri. Như vậy, hiện nay, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vẫn chưa có được quan điểm thống nhất và do đó chiến sự ác liệt vẫn diễn ra ở quốc gia Trung Đông này./.