Chính sách đối ngoại của Pháp trong bối cảnh mới
TCCS - Trong nhiệm kỳ Tổng thống Emmanuel Macron, Pháp xác định ba mục tiêu quan trọng trong chính sách đối ngoại là bảo đảm an ninh quốc gia, nỗ lực tham gia duy trì ổn định thế giới; bảo đảm lợi ích quốc gia, phát huy ảnh hưởng của Pháp thông qua việc tăng cường đối thoại với tất cả các bên; đưa ra các sáng kiến nhằm giải quyết các vấn đề an ninh và phát triển trên phạm vi khu vực và toàn cầu. Tuy nhiên, những biến động do bối cảnh xung đột Nga - Ukraine đã làm thay đổi cục diện thế giới khiến Pháp có một số điều chỉnh chiến lược đối ngoại đáng chú ý.
Ưu tiên chính sách đối ngoại của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong nhiệm kỳ đầu (2017 - 2022)
Thúc đẩy chủ nghĩa đa phương. Theo đó, Pháp đã tích cực tăng cường đối thoại với các cường quốc Mỹ, Trung Quốc và Nga; thúc đẩy phát triển quan hệ với Ấn Độ, Australia; đóng vai trò trung gian hòa giải trong các cuộc xung đột như tại khu vực Trung Đông, châu Phi trên cơ sở thực thi các hình thức ngoại giao đa phương nhằm nâng cao vai trò của Pháp ở khu vực và trên thế giới. Về cơ bản, nước Pháp dưới thời kỳ Tổng thống Pháp E. Macron mong muốn phát huy vai trò “cường quốc cân bằng”.
Bên cạnh đó, Pháp chủ trương đề cao vai trò của Liên hợp quốc và các thể chế đa phương truyền thống, như Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) nhằm góp phần giải quyết khủng hoảng địa chính trị, kinh tế, tạo dựng bình đẳng và dân chủ, đóng góp cho phát triển toàn cầu.
Tập trung vào các dự án phát triển kinh tế, hợp tác giáo dục và tham gia giải quyết các thách thức khu vực. Chính quyền Tổng thống Pháp E. Macron chủ trương thúc đẩy việc xây dựng lực lượng quốc phòng trong khuôn khổ đa phương như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và trong khuôn khổ các hiệp định song phương với các nước (đặc biệt là với các nước châu Phi). Tổng thống Pháp E. Macron đã đưa ra những đề xuất tăng cường quốc phòng và an ninh cho châu Âu bằng cách tạo ra một “lực lượng can thiệp chung”, ngân sách quốc phòng chung và “học thuyết chung” để hành động. Theo đó, cải cách quân đội đi đôi với tổ chức lại nền công nghiệp quốc phòng để có khả năng cung cấp cho quân đội những vũ khí hiện đại, tăng sức cạnh tranh trên thị trường vũ khí thế giới tiếp tục là những ưu tiên của Tổng thống E. Macron trong nhiệm kỳ thứ hai.
Tầm nhìn “châu Âu tự chủ” và chính sách nhất thể hóa khu vực. Ngay từ khi tranh cử, Tổng thống Pháp E. Macron cho rằng việc cải tổ châu Âu là bắt buộc với những ưu tiên chủ yếu về các vấn đề liên quan tới chủ quyền. Trong phát biểu “Sáng kiến vì châu Âu” năm 2017, Tổng thống Pháp E. Macron chủ trương xây dựng “một châu Âu chủ quyền, thống nhất và dân chủ”. Trên thực tế, ý tưởng về một “châu Âu chủ quyền” đã từng được đề cập trong chính sách đối ngoại của Pháp. Ngay từ những năm 60 của thế kỷ XX, song hành với chính sách “tự chủ chiến lược” trong trật tự thế giới hai cực, ngoại giao Pháp đã nỗ lực đưa ý tưởng “châu Âu phòng thủ” trở lại chương trình nghị sự nhất thể hóa châu Âu. Ý tưởng của Pháp về một “châu Âu tự chủ” đã dần được đưa vào chương trình nghị sự của EU, mặc dù thời gian đầu chưa nhận được nhiều sự hưởng ứng của các đối tác trong EU, cũng như cách hiểu về “tự chủ chiến lược” còn nhiều khác biệt giữa các nước thành viên.
Đẩy mạnh vai trò đồng tiền chung châu Âu. Theo quan điểm của Pháp, quản trị tiền tệ chính là việc thực thi chủ quyền, bởi tiền tệ là một biểu tượng truyền thống của chủ quyền quốc gia. Để bảo đảm một “châu Âu chủ quyền”, EU cần duy trì đồng tiền chung châu Âu (đồng euro) mạnh và vì vậy phải tăng cường tính gắn kết nội khối. Đồng thời, EU cần tăng cường hội nhập sâu hơn nữa trong khu vực đồng euro để đối phó với các cuộc khủng hoảng trong tương lai, nhất là trong bối cảnh Anh rời EU (Brexit) và cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc.
Những điều chỉnh trong ưu tiên đối ngoại của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong nhiệm kỳ thứ hai (2022 - 2027)
Với nhiệm kỳ tổng thống lần thứ hai, Tổng thống Pháp E. Macron thực hiện “xoay chuyển” ưu tiên trong chính sách đối ngoại trên tinh thần vừa duy trì vai trò “cân bằng” truyền thống của Pháp, vừa phát huy sức mạnh, tiếng nói của Pháp trong EU và trên trường quốc tế. Những điều chỉnh trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Pháp E. Macron trong nhiệm kỳ thứ hai tập trung các nội dung chủ yếu sau:
Một là, đối với thách thức tại châu Âu.
Pháp mong muốn xây dựng EU trở thành một khối liên minh có sự gắn kết chặt chẽ và tự cường để thúc đẩy lợi ích quốc gia của Pháp trên trường quốc tế. Pháp luôn là một nước thành viên đóng góp mạnh mẽ trong quá trình xây dựng thể chế và hội nhập EU, cũng như tăng cường gắn kết, hợp tác giữa các nước thành viên. Dưới thời kỳ Tổng thống E. Macron, Pháp chủ động đẩy mạnh chủ trương tự chủ chiến lược của EU trong nhiều lĩnh vực, hướng tới một liên minh tự cường, có bản sắc riêng.
Năm 2022, nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên Hội đồng châu Âu của Pháp diễn ra trong bối cảnh có nhiều thách thức lớn như đại dịch COVID-19, gia tăng căng thẳng địa - chính trị ở khu vực châu Âu liên quan đến cuộc xung đột Nga - Ukraine, ảnh hưởng lớn đến sự phục hồi kinh tế của Pháp cũng như các nước EU. Do vậy, Tổng thống E. Macron nhấn mạnh, Pháp ưu tiên nhiệm vụ chấn hưng kinh tế, tăng cường sức mạnh và hội nhập nội khối; ưu tiên bảo vệ an ninh EU, kiểm soát làn sóng nhập cư, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác quốc phòng với các nước, phát triển “mô hình tăng trưởng” kinh tế dựa trên đầu tư công nghệ cao. Mục tiêu là để EU thành công trong công cuộc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và kỹ thuật số, bảo vệ các giá trị và lợi ích của khối.
Tổng thống Pháp E. Macron chủ trương tiếp tục quá trình hội nhập sâu rộng trong EU và khẳng định chính sách kinh tế của Pháp chỉ phát huy tác dụng toàn diện trên cơ sở thúc đẩy hợp tác với EU. Theo đó, Pháp tăng cường hội nhập với châu Âu và củng cố quan hệ với Đức để duy trì vai trò đầu tầu thúc đẩy EU phát triển. Tổng thống Pháp E. Macron mong muốn một châu Âu tự chủ hơn và thông qua gắn kết với EU để bảo vệ lợi ích quốc gia của mình ở cấp độ toàn cầu. Nước Pháp dưới thời kỳ Tổng thống E. Macron đề xuất sáng kiến cải cách EU với hai ý tưởng quan trọng: 1- Thay đổi hình thức biểu quyết chuyển từ “đồng thuận” (consensus) sang “đa số tuyệt đối” (qualified majority); 2- Thành lập cơ chế đối thoại liên chính phủ mới có tên gọi là “Cộng đồng Chính trị châu Âu” (EPC), tạo lập không gian trao đổi giữa các nước EU và các quốc gia lân cận để tìm ra giải pháp chung cho các vấn đề an ninh khu vực. Theo Tổng thống Pháp E. Macron, hai sáng kiến này sẽ giúp châu Âu hành động hiệu quả hơn, thống nhất hơn và phản ứng nhanh hơn trong bối cảnh quốc tế đầy biến động hiện nay. Sáng kiến này nhằm hồi sinh ý tưởng về “Liên bang châu Âu” từng được cố Tổng thống Pháp Francois Mitterrand đưa ra vào giai đoạn cuối Chiến tranh lạnh.
Kể từ khi cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine nổ ra, nền kinh tế Pháp và nhiều nước châu Âu rơi vào tình trạng ảm đạm và đang đứng trước khả năng suy thoái do giá cả năng lượng, thực phẩm tăng cao đẩy lạm phát lên mức cao nhất trong nhiều thập niên. Các tuyên bố về tầm nhìn của Tổng thống Pháp E. Macron về EU phản ánh quan điểm và lựa chọn của ông trong cuộc bầu cử năm 2017 khi ông khẳng định mình là ứng cử viên có thiên hướng châu Âu nhất, cấp tiến nhất và tự do nhất trước các ứng cử viên theo “chủ nghĩa hoài nghi châu Âu”, bảo thủ, dân tộc chủ nghĩa và dân túy. Việc ông E. Macron được bầu làm Tổng thống Pháp dựa trên chương trình tranh cử hướng tới cải tổ EU không chỉ mang lại xung lực mới cho Pháp, mà còn cho cả vị thế lãnh đạo của nước này trong EU(1). Có thể thấy, tầm nhìn của Tổng thống Pháp E. Macron về EU chủ yếu xoay quanh trục chính là ý niệm về “EU chủ quyền”, với mục tiêu khẳng định sức mạnh chính trị, kinh tế cả trong nội bộ EU lẫn trên trường quốc tế.
Hai là, đối với xung đột khu vực.
Tính đến năm 2024, hai vấn đề ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh của EU chính là cuộc xung đột Nga - Ukraine và căng thẳng ở Trung Đông. Pháp đang nỗ lực đóng vai trò trung gian hòa giải nhằm hạ nhiệt những xung đột và căng thẳng trong khu vực.
Trước khi cuộc xung đột Nga - Ukraine xảy ra, về cơ bản Pháp vừa duy trì đối thoại, hợp tác với Nga trong lĩnh vực kinh tế và giải quyết các thách thức khu vực; quyết liệt đối với Nga trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh. Tuy nhiên trong tình hình xung đột Nga - Ukraine hiện nay, Tổng thống Pháp E. Macron cho rằng, mặc dù quan hệ giữa châu Âu với Nga đang ở tình trạng không mấy tốt đẹp, song châu Âu cũng không thể bỏ qua được thực tế lịch sử và địa lý hiển nhiên rằng, Nga là một phần của châu Âu. Do đó, đối thoại với Nga là nhiệm vụ của châu Âu và nước Pháp với tư cách là một cường quốc có năng lực, là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, cần nỗ lực duy trì đối thoại, mặc dù đây là điều không dễ dàng trong bối cảnh hiện nay.
Đối mặt với những biến động địa - chính trị đang diễn ra ở khu vực Trung Đông, chính sách của Pháp từ lâu gắn liền với mục tiêu chống khủng bố, đã phải tự đổi mới để duy trì vai trò của mình trong cạnh tranh chiến lược tại khu vực. Pháp có nhiều lợi ích chiến lược cần bảo vệ ở khu vực Trung Đông. Các lợi ích an ninh, chẳng hạn như bảo vệ công dân và cuộc chiến chống khủng bố, vẫn được đặt lên hàng đầu. Cam kết an ninh này nhằm mục đích rộng hơn là bảo đảm các điều kiện cần thiết cho sự phát triển thích hợp của các hoạt động kinh tế, ngoại giao và văn hóa, góp phần duy trì ảnh hưởng của Pháp ở khu vực Trung Đông.
Ba là, hợp tác với Mỹ và NATO.
Đối với Pháp, Mỹ là đối tác, đồng minh khó tách rời. Pháp và Mỹ là một trong năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Hai bên thường xuyên chia sẻ các giá trị chung và có chính sách song song về hầu hết các vấn đề chính trị, kinh tế và an ninh. Tuy vậy, trên nền tảng của chủ thuyết De Gaulle(2), Pháp vẫn duy trì các động thái “tự chủ tương đối” đối với Mỹ trong nhiều vấn đề toàn cầu. Pháp và Mỹ hợp tác chặt chẽ trong chống khủng bố, nỗ lực ngăn chặn phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và các vấn đề về bảo đảm an ninh khu vực, bao gồm ở châu Phi, Trung Đông, Balkans và Trung Á. Là một trong những nước P5+1, Pháp tham gia ngăn chặn Iran phát triển vũ khí hạt nhân thông qua Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) và vẫn tiếp tục nỗ lực này ngay cả khi Mỹ rút khỏi JCPOA.
Bên cạnh đó, việc Mỹ có những quyết định đơn phương, khó dự báo khiến Pháp gia tăng hoài nghi về khả năng bị đồng minh Mỹ gạt ra khỏi những kế hoạch then chốt. Mặc dù vậy, Mỹ vẫn là một đối tác không thể thiếu, lợi ích của Pháp sẽ không thể được bảo đảm nếu không duy trì được mối quan hệ mang tính xây dựng với Mỹ. Nếu tình trạng căng thẳng trong mối quan hệ với Mỹ diễn ra, điều này sẽ không có lợi cho Pháp. Chính vì vậy, duy trì quan hệ đồng minh với Mỹ được Tổng thống Pháp E. Macron hướng đến trong nhiệm kỳ thứ hai, song Pháp vẫn triển khai một số bước đi độc lập khi cần thiết để khẳng định vai trò và vị thế quốc tế của mình.
Quan hệ của Pháp đối với NATO luôn chứa đựng nhiều mâu thuẫn. Một mặt, Pháp là một trong những nước tham gia tích cực và đóng góp nhiều vào ngân sách của NATO. Mặt khác, động thái “tự chủ tương đối” trong quan hệ với Mỹ cũng phản ánh tới chính sách hoài nghi của Pháp đối với vai trò của NATO trong bảo vệ lợi ích an ninh của các nước đồng minh. Tuy nhiên, quan điểm của Pháp với NATO đã có sự điều chỉnh từ sau cuộc xung đột Nga - Ukraine. Chiến lược NATO công bố vào tháng 6-2022 tái khẳng định nhiệm vụ phòng thủ tập thể là ưu tiên hàng đầu. Đồng thời, văn kiện này cũng nhấn mạnh tới tăng cường hợp tác an ninh với EU. Từ năm 2022 cho đến nay, Pháp tăng cường tham gia và đóng góp trong củng cố sức mạnh chung NATO, thông qua hợp tác an ninh - quân sự với các nước thành viên NATO Đông Âu, ủng hộ đối với việc hai nước Moldova và Ukraine mong muốn gia nhập tổ chức này, cũng như gia nhập EU.
Bốn là, đối với Trung Quốc.
Mặc dù Pháp chia sẻ nhận định với EU coi Trung Quốc là một “đối thủ hệ thống”, tác động tiêu cực tới khía cạnh chính trị, kinh tế của EU nói chung và các nước thành viên EU nói riêng, song Pháp tiếp tục theo đuổi một chính sách “cân bằng” với Trung Quốc, do nước này là một trong những đối tác kinh tế hàng đầu của cả Pháp và EU. Một mặt, Pháp duy trì đối thoại với Trung Quốc trong giải quyết các thách thức toàn cầu và tranh thủ các lợi ích kinh tế. Mặt khác, Pháp nỗ lực kiềm chế các động thái của Trung Quốc nhằm thay đổi trật tự thế giới và những hành động phía Pháp coi là “vi phạm luật pháp quốc tế”.
Trong bối cảnh quan hệ Trung Quốc và châu Âu có nhiều diễn biến phức tạp, Pháp thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc theo hướng thực dụng và hiệu quả hơn. Trong cuộc đối thoại cấp cao về kinh tế và tài chính (năm 2021), Pháp và Trung Quốc cam kết tạo điều kiện tiếp cận thị trường, không phân biệt đối xử đối với các nhà xuất khẩu nông sản và thực phẩm của hai nước, khuyến khích doanh nghiệp hai bên tham gia xây dựng mạng 5G theo nguyên tắc thị trường và bảo mật, cũng như trao đổi và hợp tác liên quan đến tiền kỹ thuật số.
Đặc biệt, sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, Pháp hy vọng Trung Quốc sẽ cùng Pháp trở thành những nhân tố dẫn đầu đóng vai trò quyết định trong việc thực thi thỏa thuận này. Do đó, thời gian tới, bên cạnh việc duy trì hợp tác trong các lĩnh vực truyền thống như năng lượng hạt nhân dân sự và hàng không vũ trụ, việc thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc trong các lĩnh vực mới nổi như trí tuệ nhân tạo (AI), năng lượng sạch, chống biến đổi khí hậu sẽ là những ưu tiên mà Pháp hướng đến.
Năm là, đối với thách thức tại châu Phi.
Châu Phi là khu vực có tầm quan trọng chiến lược hàng đầu đối với Pháp, thể hiện qua việc Tổng thống Pháp E. Macron đã lựa chọn châu Phi là điểm đến trong chuyến công du đầu tiên (ngoài châu Âu) trong nhiệm kỳ thứ hai của mình. Những năm gần đây, châu Phi có những bước chuyển mình mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực và trở thành địa bàn cạnh tranh chiến lược của các cường quốc. Trước những tiềm ẩn từ việc các cường quốc, như Mỹ, Nga, Trung Quốc gia tăng cạnh tranh ảnh hưởng chính trị - kinh tế, Pháp có nguy cơ bị “đánh bại” ngay tại khu vực vốn được xem là sân nhà. Mặc dù Tổng thống Pháp E. Macron nỗ lực thay đổi cách tiếp cận đối với châu Phi thông qua các sáng kiến hợp tác kinh tế, chung tay giải quyết các thách thức an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống, nhưng chính sách của nước này tại châu Phi được đánh giá còn thiếu hiệu quả. Nhận thức những bất cập trong quan hệ, Pháp nỗ lực thay đổi trọng tâm hợp tác trong các lĩnh vực, như hợp tác giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống ở khu vực, như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, nạn đói… Điển hình nhất là Sáng kiến lương thực “Farm” do G7, EU và Liên minh châu Phi (AU) dẫn dắt, khởi động từ tháng 3-2022; duy trì hợp tác an ninh, chống khủng bố trong khuôn khổ quốc gia (Chiến dịch Serval/Barkhane) và trong khuôn khổ EU.
Sáu là, đối với thách thức tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Pháp đang nỗ lực gia tăng sự hiện diện tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương do đây được xác định là khu vực có vai trò quan trọng trong chiến lược của Pháp. Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương không chỉ là nơi cạnh tranh chiến lược trên quy mô rộng lớn về an ninh, kinh tế toàn cầu, mà còn nắm giữ lợi ích an ninh quốc gia trực tiếp đối với Pháp. Trong bối cảnh nhiều quốc gia đang chuyển trọng tâm hợp tác kinh tế từ Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương, việc Pháp mở rộng hợp tác quốc phòng - an ninh, kinh tế với các quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương không chỉ giúp nước Pháp khẳng định vị thế cường quốc của mình, mà còn nhằm bảo đảm môi trường an ninh có lợi cho các hoạt động chính trị và kinh tế tại đây. Pháp cũng mong muốn đóng vai trò quan trọng trong sự hợp tác giữa các nước có cùng sự quan tâm tới Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhằm duy trì trật tự dựa trên luật lệ và tạo ra đối trọng với sức mạnh và ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở khu vực.
Xuất phát từ các mục tiêu trên, Pháp mong muốn thực hiện đầy đủ vai trò của mình như một cường quốc khu vực để bảo vệ các lợi ích, chủ quyền quốc gia, bảo đảm an toàn cho người dân và đóng góp tích cực vào sự ổn định và an ninh của khu vực. Pháp là nước châu Âu đầu tiên công bố chính sách đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vào năm 2018(3). Đây là đòn bẩy cho một số nước thành viên EU nói riêng và EU nói chung xây dựng chiến lược tại khu vực này. Thông qua chiến lược của Pháp tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để khẳng định lại chính sách tự chủ chiến lược, tầm quan trọng của các liên minh và sức mạnh của chủ nghĩa đa phương nhằm: 1- Bảo vệ toàn vẹn chủ quyền quốc gia, bảo vệ vùng lãnh thổ và vùng đặc quyền kinh tế. Những sứ mệnh này là trọng tâm của chiến lược quốc phòng và an ninh của Pháp; 2- Cùng với các đối tác duy trì quyền tiếp cận tự do và cởi mở tới các khu vực chung và bảo đảm an ninh của các kênh thông tin hàng hải; 3- Tham gia duy trì ổn định chiến lược thông qua hành động toàn cầu dựa trên chủ nghĩa đa phương, nhằm bảo vệ các lợi ích của châu Âu, đặc biệt trong lĩnh vực chống phổ biến vũ khí hạt nhân.
Bên cạnh đó, Pháp tiếp tục duy trì quan hệ cân bằng với các cường quốc, như Nga, Trung Quốc, Nhật Bản. Chủ động đẩy mạnh quan hệ, đối thoại cấp cao với một số nước mới nổi, như Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam. Pháp là một trong năm nước trong khu vực châu Âu (cùng Anh, Đức, Tây Ban Nha và Italia) có quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam, thể hiện những gắn kết về lịch sử và lợi ích song trùng, sự tin cậy giữa hai nước, cũng như mối liên hệ chặt chẽ trong tổng thể các lĩnh vực, từ chính trị, quốc phòng, an ninh đến kinh tế, giáo dục, y tế… Việt Nam là một trong số ít nước trong khu vực Đông Nam Á mà Pháp thiết lập quan hệ đối tác chiến lược (ngoài Indonesia năm 2011, Singapore năm 2012). Điều này khẳng định ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Pháp đối với Việt Nam, coi Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng giúp Pháp tăng cường ảnh hưởng tại châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng. Sau hơn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, đặc biệt trong hơn 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, Việt Nam và Pháp đã và đang không ngừng thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực, đạt được nhiều bước chuyển mình quan trọng. Hai nước có nhiều tiềm năng và triển vọng để tăng cường hợp tác hơn nữa, nhất là trong lĩnh vực kinh tế khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực năm 2020. Các dự án hợp tác, đầu tư của Pháp tại Việt Nam được thúc đẩy, triển khai, nhất là những dự án mang tính trọng điểm trong quan hệ hai nước được nêu trong Tuyên bố chung nhân chuyến thăm Pháp của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (năm 2021). Trong khuôn khổ hợp tác đa phương, Việt Nam và Pháp có thể tăng cường triển khai quan hệ đối tác giữa EU với Việt Nam và EU với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Tựu trung, thừa hưởng đường lối đối ngoại của chủ thuyết De Gaulle, chính sách đối ngoại của Pháp dưới thời kỳ Tổng thống E. Macron tiếp tục hướng tới mục tiêu xây dựng và củng cố năng lực quốc gia; duy trì tính độc lập, sức mạnh quốc gia, cũng như ảnh hưởng và vị thế của nước này trong EU và trên trường quốc tế. Mặc dù chưa thể hiện thực hóa tối đa cam kết cải tổ trong nước, nhưng Tổng thống Pháp E. Macron đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình (2017 - 2022) trong triển khai chiến lược ngoại giao toàn diện, giữ vai trò cầu nối, tích cực tham gia giải quyết các vấn đề toàn cầu, cũng như các điểm nóng khu vực, quốc tế nhằm nâng cao vai trò, vị thế và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, trong bối cảnh khu vực, thế giới và trong nước còn nhiều biến động, nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Pháp E. Macron phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Theo đó, Tổng thống Pháp E. Macron sẽ phải duy trì được sự cân bằng giữa các xu hướng chính trị khác nhau ở trong nước, đồng thời triển khai chính sách ngoại giao linh hoạt với các nước đối tác và dẫn dắt EU đến một triển vọng độc lập, mạnh mẽ hơn, nhất là khi cuộc xung đột Nga - Ukraine đã khiến ưu tiên đối ngoại của Pháp chú trọng hơn đến khu vực châu Âu. Là nước lớn có vai trò đầu tàu trong khu vực, một mặt, Pháp có trách nhiệm duy trì an ninh, ổn định của EU và khu vực; mặt khác, đóng góp sâu rộng vào quá trình xây dựng thể chế, củng cố thực lực Liên minh hướng tới tự chủ chiến lược.
Đối với trong nước, cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu ngày 9-6-2024 vừa qua với chiến thắng áp đảo của Đảng Tập hợp Quốc gia cực hữu của bà Marine Le Pen với 31,5% số phiếu bầu, gấp đôi so với 15,1% mà Đảng Phục hưng của Tổng thống Pháp E. Macron giành được đang làm rung chuyển chính trường Pháp. Tổng thống Pháp E. Macron đã phải quyết định giải tán Nghị viện Pháp và tổ chức sớm 2 vòng bầu cử vào ngày 30-6-2024 và ngày 7-7-2024. Đây là lần đầu tiên sau 27 năm, Nghị viện Pháp bị giải tán để bầu cử sớm. Theo kết quả chính thức vòng 2 của cuộc bầu cử Quốc hội Pháp, liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân mới (NFP) đã giành được 182 ghế, tiếp đến là Liên minh Cùng nhau (Ensemble) của Tổng thống Pháp E. Macron với 163 ghế, còn Đảng cánh hữu Tập hợp Quốc gia (RN) chỉ giành được 143 ghế(4). Kết quả này tuy đã ngăn được đảng cực hữu lên nắm quyền nhưng cũng đẩy nền chính trị Pháp rơi vào bất ổn, tình trạng “Quốc hội treo” khi không đảng nào giành được đa số để thành lập chính phủ và sẽ tạo ra nhiều thách thức cho đường lối ngoại giao của Tổng thống Pháp E. Macron trong thời gian tới./.
---------------------
(1) Semo, Marc: “Diplomatie: les limites de la methode Macron sur la scene mondiale” (Tạm dịch: Ngoại giao: Những giới hạn trong chính sách của Tổng thống Emmanuel Macron trên trường quốc tế), Le Monde, 2018, https://www.lemonde.fr/international/article/2018/05/18/macron-les-limites-d-une-diplomatie-jupiterienne_5301010_3210.html
(2) “Chủ thuyết de Gaulle” (Gaullism) về cơ bản là tập hợp các quyết sách, hành động của Tướng Charles De Gaulle trong thời gian cầm quyền (1958 - 1969), có tầm ảnh hưởng lớn đối với nền chính trị Pháp trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, cũng như nhiều năm sau này với mục tiêu bảo đảm nền độc lập quốc gia, sự tự chủ về chính trị - kinh tế của Pháp
(3) Báo cáo “Hướng tới không gian châu Á - Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương toàn diện” năm 2018, tiếp đó là “Báo cáo Chiến lược Quốc phòng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” năm 2019 và “Tài liệu đối tác Pháp tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” năm 2021
(4) Việt Tùng: “Bất ngờ lớn trên chính trường Pháp”, Báo Nhân dân điện tử, ngày 11-7-2024, https://nhandan.vn/bat-ngo-lon-tren-chinh-truong-phap-post818566.html
Hợp tác Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc trong bối cảnh mới  (07/09/2024)
Những thay đổi trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc từ sau Đại hội XVIII đến nay  (25/07/2024)
Kinh nghiệm tự chủ chiến lược của một số quốc gia trên thế giới và hàm ý chính sách đối với Việt Nam  (27/02/2024)
Những điều chỉnh trong chính sách đối ngoại của Đức và nhìn lại quan hệ Việt Nam - Đức thời gian qua  (23/01/2024)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam