Châu Phi: Viễn cảnh lạc quan
Vươn lên từ đói nghèo, lạc hậu
Theo báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Phi (BAD), triển vọng phát triển kinh tế của châu lục rất lạc quan, GDP toàn châu lục sẽ tăng đến 900%, đạt mức 15.000 tỉ USD vào năm 2060 - đúng vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày châu Phi giành được độc lập. Thu nhập bình quân đầu người sẽ tăng gấp ba trong vòng 50 năm tới: từ mức 1.667 USD năm 2010 lên đến khoảng 5.600 USD vào năm 2060, tương đương mức thu nhập của người dân vùng Đông Nam Á hiện nay. Đến năm 2060, hầu hết các nước châu Phi sẽ đạt được mức thu nhập trung bình cao và nạn đói nghèo sẽ được hoàn toàn giải quyết. Trong nhóm “11 quốc gia kế cận” bao gồm các thị trường mới nổi với viễn cảnh hứa hẹn chỉ sau nhóm BRIC, có hai nước châu Phi là Ai Cập và Nigeria.
Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc, đồng thời là Thư ký chấp hành Ủy ban Liên hợp quốc về kinh tế châu Phi (UNECA), Abdoulie Janneh, dự báo, đến năm 2050, kinh tế châu Phi sẽ trở thành một cực tăng trưởng toàn cầu nhờ thành tựu tăng trưởng kinh tế trung bình đạt 5%/năm trong suốt thập kỷ qua. Châu Phi đã từ vị trí châu lục tăng trưởng chậm thứ 2 thế giới trở thành châu lục có tốc độ tăng trưởng cao thứ 2 thế giới.
Những dự báo lạc quan nêu trên được minh chứng bằng những số liệu đáng khích lệ về tình hình kinh tế của các quốc gia trong khu vực thời gian qua. Trong vòng một thập niên qua, 6 trong số 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới nằm ở châu Phi. Tăng trưởng toàn châu lục đạt 5,5%/năm so với 1,5% ở các nước phát triển và 1% ở châu Âu, giúp GDP toàn châu lục vượt qua mức 1.600 tỉ USD. Hoạt động kinh tế của châu lục đã chứng minh được năng lực chống cự khá tốt trước các cú sốc tài chính kinh tế vừa qua của thế giới. Trong cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu vừa qua, trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2009 ở Mỹ giảm 2,4% và ở châu Âu giảm 4%, châu Phi vẫn giữ được mức tăng 2%, mặc dù luồng tài chính đổ vào đây giảm từ 53 tỉ USD xuống còn 22 tỉ USD. Sự phục hồi được khẳng định trong các năm 2010 và 2011 khi tốc độ tăng trưởng của châu lục đạt 6% và dự báo sẽ tiếp tục tốc độ trên vào năm 2012, xấp xỉ tốc độ tăng trưởng của châu Á.
Ở châu Phi có sự tăng trưởng nhanh chóng của các thành phố lớn. Lục địa này có tỉ lệ đô thị hóa cao nhất thế giới, thông qua phát triển công nghiệp và kinh tế. Hiện 1/3 cư dân châu Phi sống tại các đô thị, dự báo trong 30 năm tới, sẽ có một nửa số cư dân của lục địa này sống ở các đô thị lớn.
Có một số lý do để đưa ra những dự báo lạc quan về triển vọng kinh tế châu Phi. Trước hết là tiến trình nhất thể hóa kinh tế châu Phi có bước tiến to lớn, nhất là việc thống nhất ba tổ chức kinh tế có uy tín và tiềm năng ở châu Phi là Thị trường chung Đông Nam châu Phi, Thị trường chung Đông châu Phi và Thị trường chung Nam châu Phi. Ba tổ chức này gồm 26 nước thành viên với dân số hơn 700 triệu, chiếm 57% tổng dân số và 58% tổng GDP (trên 625 tỉ USD) của châu Phi, đã thỏa thuận đẩy nhanh tốc độ nhất thể hóa kinh tế châu Phi. Đây là nhân tố thúc đẩy buôn bán nội khối tăng lên, bù đắp tổn thất do thị trường thế giới bị suy giảm.
Thứ hai, những tiến bộ về chính trị đã góp phần bảo đảm cho kinh tế châu lục phát triển ổn định. Tuy vẫn còn xung đột, song hòa bình đã trở lại với nhiều nước bị tàn phá sau hàng thập kỷ đối đầu. Người dân tại nhiều quốc gia cuối cùng cũng đã được hưởng bầu không khí hòa bình, được thực thi các quyền dân chủ cơ bản và được tự mình định đoạt vận mệnh của đất nước thông qua lá phiếu cử tri. Nhiều quốc gia đã dần được điều hành bởi các chính phủ dân chủ, có năng lực, qua đó có nhiều điều kiện thuận lợi hơn để tập trung phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ ba, một số điều kiện cơ bản để phát triển kinh tế của châu Phi đang được phát triển đúng hướng. Châu lục này có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, chỉ tính về tài nguyên năng lượng, châu Phi nắm giữ tới 30% tiềm năng thủy điện của thế giới cũng như nguồn năng lượng mặt trời và năng lượng gió vô tận. Châu Phi chiếm tới 80% trữ lượng đất nông nghiệp, hứa hẹn sẽ trở thành "trang trại của thế giới", đáp ứng phần lớn nhu cầu của 7 tỉ dân số thế giới có mức tiêu thụ thực phẩm gia tăng trong tương lai. Châu Phi cũng có một tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh chóng. Theo Ngân hàng Standard, châu Phi hiện có khoảng 60 triệu người có thu nhập trung bình 3.000 USD một năm và dự báo đến năm 2015, số người này sẽ tăng lên đến 100 triệu người. Sức mua của tầng lớp trung lưu sẽ lên tới 2.200 tỉ USD vào năm 2030.
Cùng với quá trình đô thị hóa nhanh chóng, những yếu tố trên sẽ giúp kích cầu tiêu dùng, phát triển thương mại trong khu vực.
Thứ tư, châu Phi đang dần hình thành được một hệ thống đầu tàu kinh tế giúp kéo nền kinh tế cả khu vực đi lên. Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu từ năm 2008, các nền kinh tế mới trỗi dậy thu hút được nhiều sự chú ý của thế giới. Châu Phi hiện có Nam Phi và Nigeria - hai nước đông dân và có tiềm lực kinh tế khá mạnh, có khả năng dẫn dắt kinh tế khu vực đi lên; tiếp sau đó, một loạt quốc gia được mệnh danh là "sư tử châu Phi" như: Algeria, Botswana, Ai Cập, Mauritius, Libya, Morocco, Tunisia đã đạt mức thu nhập tính theo đầu người 10.000 USD. Bên cạnh đó, với việc hàng rào thuế quan giữa các nước đang được dỡ bỏ, thương mại xuyên biên giới giữa các quốc gia nội khối đang có chiều hướng phát triển tốt sau nhiều năm bị gián đoạn bởi xung đột chính trị, tạo điều kiện để các quốc gia trong khu vực tự lực cánh sinh giúp đỡ nhau thúc đẩy kinh tế phát triển.
Thứ năm, đầu tư từ nước ngoài. Với sự tham gia của các quốc gia như Trung Quốc, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ, Malaysia và Ấn Độ, châu Phi có thể trở thành trung tâm của ngành sản xuất công nghiệp nhẹ và dịch vụ của thế giới trong tương lai. Theo thống kê, lượng vốn đầu tư nước ngoài vào châu lục đã tăng khoảng 10 lần trong 10 năm qua, và dự báo, dòng vốn quốc tế chảy vào châu Phi có thể sẽ đạt 150 tỉ USD vào năm 2020.
Cuối cùng, một số điều kiện kinh tế - xã hội đang dần được cải thiện. Sức khỏe của nhiều triệu người châu Phi đang có những bước tiến rõ rệt. Lực lượng thanh niên được đào tạo đầy đủ hơn bắt đầu bước chân vào thị trường lao động. Tỷ lệ sinh bắt đầu giảm góp phần giảm bớt gánh nặng cho nền kinh tế. Dự báo dân số châu Phi sẽ tăng từ 860 triệu lên 1,8 tỉ người từ nay đến năm 2050, có cơ cấu dân số với tỷ lệ người trong tuổi lao động cao hơn số người phụ thuộc, châu Phi đang có những yếu tố rất thuận lợi để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng.
Vẫn còn nhiều việc phải làm
Theo các chuyên gia, để phát triển bền vững, châu Phi cần phải thực hiện gói giải pháp gồm 4 biện pháp cụ thể, chủ yếu:
Một là, đa dạng hóa thị trường và sản phẩm, cần mở rộng hơn nữa các kênh trao đổi buôn bán và đa nguyên hóa sản phẩm xuất khẩu để kinh tế châu Phi có hiệu quả cao hơn. Thông qua chuyên môn hóa, tăng sức cạnh tranh, mở rộng quy mô kinh tế làm tăng hàm lượng khoa học kỹ thuật trong sản phẩm và không ngừng cải thiện thị trường dịch vụ. Hiện nay tỷ trọng mậu dịch của châu Phi trong tổng kim ngạch buôn bán toàn cầu còn rất nhỏ vì đến nay, châu Phi mới chủ yếu xuất khẩu nguyên vật liệu thô, sự hợp tác tương trợ giữa các nước trong châu lục còn hạn chế.
Hai là, nâng cao trình độ quản lý kinh tế và phát triển giáo dục. Thời gian qua các nước châu Phi đã chú trọng tới công tác giáo dục, nhưng tỷ lệ học sinh vào học cao đẳng, đại học còn thấp và tiêu chuẩn giáo dục thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn chung của quốc tế. Hơn nữa, rất ít sinh viên lựa chọn ngành khoa học kỹ thuật cao, ngành xây dựng và tài chính ngân hàng mà chỉ chú trọng vào các lĩnh vực xã hội và nhân văn. Bởi vậy, giáo dục của châu Phi bị thiên lệch, không toàn diện.
Ba là, tăng cường vai trò của phụ nữ trong xã hội. Trình độ giáo dục của phụ nữ thấp kém, thua xa nam giới, cùng những quy định luật pháp, pháp chế về gia đình, kinh doanh, lao động, thừa kế, sở hữu tài sản... đều đặt trọng tâm vào nam giới, có lợi cho nam giới, làm cho người phụ nữ chịu nhiều thiệt thòi, nhất là trong tham gia phát triển kinh tế đất nước.
Bốn là, tạo việc làm cho thanh niên, tìm biện pháp giúp các hộ gia đình nhỏ phát triển nông nghiệp và quan tâm hơn đến việc tạo một "cú huých" lớn để đạt các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs).
Năm là, xác định ngành kinh tế thế mạnh, trong đó tập trung phát triển du lịch. Du lịch châu Phi có tiềm năng to lớn để phát triển. Nếu như châu Phi tập trung làm tốt một số công tác như vệ sinh, y tế, đầu tư xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng và bồi dưỡng đội ngũ những người làm dịch vụ du lịch, ngành du lịch ở châu lục này sẽ hứa hẹn triển vọng rất tốt đẹp, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, nâng cao thu nhập của người dân, góp phần ổn định xã hội.
Theo cựu Tổng thư ký Liên hợp quốc Kofi Annan, trong những năm tới, châu Phi đứng trước nhiều cơ may và thách thức. Đó là kinh tế châu Phi ngày càng có vai trò quan trọng đối với hệ thống tiền tệ và kinh tế thế giới, nhưng chất lượng tăng trưởng thấp đang đe dọa thành quả mà châu Phi đạt được, đồng thời có thể làm mất đi những cơ may hiếm có trong lịch sử phát triển châu Phi. Ông K. Annan cho rằng, để giải quyết tình trạng trên, các nước châu Phi cần tập trung giải quyết vấn đề sau: khắc phục tình trạng thiên về xuất khẩu nguyên vật liệu thô, chưa qua khâu gia công hoặc tinh chế; nâng cấp ngành khai khoáng và chế tạo của châu Phi hiện rất lạc hậu so với trình độ chung của thế giới; tăng cường trao đổi buôn bán giữa các nước châu Phi với nhau (hiện nay, kim ngạch buôn bán giữa các nước châu Phi chỉ đạt 10% tổng kim ngạch của châu Phi với các châu lục khác); thay đổi phương thức tăng trưởng kinh tế. Phương thức hiện nay của châu Phi ít tạo ra việc làm và thu nhập cũng không cao, nên không thể giải quyết có hiệu quả việc xóa đói, giảm nghèo ở châu lục này.
Dư luận cho rằng, “Diễn đàn kinh tế châu Phi” ở Ethiopia vừa qua đã rung hồi chuông yêu cầu các nước quan tâm, giúp đỡ có hiệu quả hơn cho châu Phi. Kinh tế châu Phi phát triển, xóa bỏ tình trạng đói nghèo là cống hiến chung để thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc, là nhân tố quan trọng góp phần ổn định tình hình chính trị hiện nay ở châu Phi. Phó Tổng Thư ký A. Janneh đã khẳng định cam kết của Liên hợp quốc trong việc hỗ trợ châu Phi phát triển thông qua thúc đẩy trực tiếp đầu tư tư nhân và đối tác công - tư, cũng như thông qua các diễn đàn chính sách như Diễn đàn đầu tư liên Phi./.
Thông cáo số 7, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII  (29/05/2012)
Quốc hội thảo luận dự thảo Luật Giám định tư pháp  (29/05/2012)
Thảo luận dự thảo Luật phổ biến, giáo dục pháp luật  (29/05/2012)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội kiến Tổng thống Áo  (29/05/2012)
Chính phủ luôn ủng hộ hợp tác quốc phòng với Nhật  (29/05/2012)
Cộng hoà Áo đánh giá cao vị trí và vai trò của Việt Nam  (29/05/2012)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay