TCCSĐT - Ngày 28-4-2012, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức Hội nghị giám sát một số vụ việc xảy ra gần đây trong lĩnh vực khoc học, công nghệ và bảo vệ môi trường, gây bức xúc dư luận xã hội.

Phát biểu khai mạc, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng nhấn mạnh: thời gian gần đây, cử tri quan tâm tới một số vấn đề xảy ra trong đời sống xã hội, trong đó có các vấn đề về lĩnh vực khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường, bao gồm: nguyên nhân cháy, nổ xe máy và các giải pháp khắc phục; hiện tượng rò rỉ nước tại đập dâng của Công trình thủy điện Sông Tranh 2; sự cố sạt lở tại bãi thải Mỏ than Phấn Mễ, Đại Từ, Thái Nguyên; công tác quản lý, sử dụng chất bị cấm trong chăn nuôi. Hội nghị giám sát sẽ thảo luận về 4 nội dung nêu trên để làm rõ các vấn đề dư luận xã hội đang quan tâm, phương hướng xử lý trong thời gian tới, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tại buổi làm việc sáng, các đại biểu tập trung vào hai nội dung chính: Nguyên nhân cháy, nổ xe máy và các giải pháp khắc phục; hiện tượng rò rỉ nước tại đập dâng của Công trình thủy điện Sông Tranh 2.

Về nội dung “Nguyên nhân cháy, nổ xe máy và các giải pháp khắc phục”, Thiếu tướng Trần Anh Dũng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Bộ Công an) cho biết: Qua nghiên cứu 439 vụ cháy, nổ ôtô, xe máy trong 2 năm 2010, 2011 và 3 tháng đầu năm 2012 cho thấy: xảy ra cháy xe ở nhiều hãng sản xuất đã có thương hiệu như Huyndai, Daewoo, BMV, Mercedes, Ford….. Các vụ cháy, nổ xe xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau như chập điện, cháy lan, tai nạn giao thông, do đốt... Ngoài ra có một số vụ cháy có hiện tượng bất thường như dừng xe tắt máy, tự nhiên xe nổ và cháy; xe chết máy tháo bugi phụt lửa gây cháy; xe đang lưu thông bị tắt máy, khởi động lại gây cháy nổ... Dư luận nghi ngờ do xăng kém chất lượng gây nên hiện tượng cháy, nổ xe. Tuy nhiên chưa có cơ quan, đơn vị nào công bố kết luận nguyên nhân cháy ôtô, xe máy vừa qua do xăng dầu trực tiếp gây nên.

Đại diện Bộ Khoa học Công nghệ cho biết thời gian tới, Bộ tiếp tục tăng cường các biện pháp quản lý chất lượng xăng dầu, tiếp tục rà soát lại các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhiên liệu, đặc biệt quan tâm đến thành phần các chất phụ gia ảnh hướng đến khả năng gây cháy, nổ; rà soát, nghiên cứu chỉnh sửa các văn bản quản lý về chất lượng xăng, dầu để đảm bảo việc quản lý chất lượng xăng dầu theo chuỗi từ sản xuất, nhập khẩu, lưu kho, vận chuyển đến phân phối, bán lẻ; kiểm tra, thanh tra việc thực hiện quy định pháp luật về đo lường, chất lượng xăng dầu đối với các cơ sở sản xuất, nhập khẩu kinh doanh xăng dầu…

Thảo luận về nội dung này, các đại biểu cho rằng cần tập trung để tìm được nguyên nhân chính gây ra cháy, nổ xe máy. Các báo cáo của các Bộ, ngành nêu ra chưa giải thích được vì sao tình trạng cháy xe lại xảy ra nhanh, nhiều, dồn dập như thời gian gần đây. Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Hải (Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh - thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội) đề nghị Bộ Giao thông Vận tải bên cạnh đề tài khoa học cấp nhà nước về “Nghiên cứu xác định nguyên nhân và các giải pháp kỹ thuật phòng, chống cháy, nổ đối với ô tô và xe máy” cần có nhánh đề tài điều tra theo nguyên nhân xã hội học về vấn đề cháy, nổ xe máy, từ đó nêu ra được những khuyến cáo chung đối với người dân trong sử dụng phương tiện gắn máy. Nhấn mạnh 3 nguyên nhân cần được quan tâm trong vấn đề cháy nổ xe máy, gồm: mối tương quan giữa động cơ và xăng; quy trình chọn mẫu kiểm định và chất lượng xăng, có ý kiến đề nghị cần tăng mạnh hình thức kiểm tra xăng dầu, không chỉ đợi cháy mới kiểm tra; tăng mức phạt đối với người kinh doanh xăng dầu vi phạm quy tắc…

Phát biểu kết luận nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng đề nghị các cơ quan hữu quan nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về triển khai các biện pháp phòng, chống cháy, nổ xe cơ giới; tăng cường việc thanh tra, kiểm tra và xử lý những hành vi vi phạm. Công tác quản lý chất lượng xăng dầu, động cơ xe, chất phụ gia gây ảnh hưởng đến cháy nổ cần tiếp tục được quan tâm; rà soát chỉnh sửa các văn bản quản lý về chất lượng xăng dầu...

Về hiện tượng “Rò rỉ nước tại đập dâng của Công trình thủy điện Sông Tranh 2”, báo cáo của Bộ Công thương cho biết Bộ đã yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 117/TB-VPCP ngày 27 tháng 3 năm 2012 của Văn phòng Chính phủ; khẩn trương khắc phục triệt để việc nước thấm qua các khe nhiệt ra hạ lưu; xây dựng phương án xử lý thấm tổng thể nhằm giảm lưu lượng thấm về nhỏ nhất, tập trung mọi nguồn lực để xử lý thấm xong trước mùa mưa bão năm 2012. Cần kiểm tra, đưa toàn bộ các thiết bị quan tắc vào làm việc; tổ chức đánh giá toàn diện tình trạng ổn định an toàn đập…

Đại diện EVN cho biết, kết quả kiểm tra của các cơ quan chức năng đã khẳng định chưa phát hiện vết nứt bất thường trên bề mặt đập và trong hành lang thân đập. Khu vực thủy điện Sông Tranh 2 trong tháng 11-2011 có xảy ra động đất kích thích với cường độ khoảng 3 độ rích te nhỏ hơn cường độ động đất thiết kế, không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của nhà máy, đập và hồ chưa nước. Hiện tượng thấm nước ra hạ lưu đập theo các khe nhiệt là chưa đúng với sơ đồ và thoát nước theo thiết kế. Nước thấm qua khe nhiệt chứ không phải thấm qua các khe nứt của đập. Nguyên nhân chính của hiện tượng này là do hệ thống các ống thu nước bố trí trong các hành lang thu nước trong thân đập chưa đáp ứng tốt nhiệm vụ thu nước thấm trong thân đập, một số ống thu nước giữa các tầng hành lang bị tắc, nước bị ứ đọng nhiều trong các hành lang, không thoát hết về hố thu nước.

Các Đoàn công tác đã yêu cầu Chủ đầu tư, Tổng thầu và cơ quan tư vấn thực hiện một số giải pháp khắc phục trước mắt và lâu dài nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình như: khẩn trương thông rửa các ống thu thoát nước, sửa chữa, bổ sung các rãnh thoát nước trong các hành lang để thu hết nước về hố thu theo thiết kế; hoàn thiện hệ thống quan trắc và tiến hành đo đạc, phân tích số liệu và đánh giá kết quả một cách hệ thống; phối hợp với Viện Vật lý địa cầu tiếp tục nghiên cứu về diễn biến động đất và có đánh giá cụ thể hơn về ảnh hưởng của động đất trong khu vực đến công trình; tiếp tục kiểm tra bề mặt phía thượng lưu đập khi hạ thấp mức nước hồ và đề ra các giải pháp xử lý thấm bổ sung...

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, các ý kiến trao đổi của các chuyên gia, nhà quản lý về nội dung này sẽ được Ủy ban tổng hợp báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội đầu tháng 5 tới.

Hai nội dung: Sự cố sạt lở tại bãi thải số 3 Mỏ than Phấn Mễ, Đại Từ, Thái Nguyên và Công tác quản lý, sử dụng chất bị cấm trong chăn nuôi được các đại biểu tiếp tục thảo luận tại phiên làm việc buổi chiều

Theo kết luận của Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường vụ sạt lở tại bãi thải số 3 Mỏ than Phấn Mễ là bất thường. Vụ sạt lở tại bãi thải số 3 Mỏ than Phấn Mễ đã làm 6 người chết, 1 người bị thương, vùi lấp 10 ngôi nhà của dân, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam Trần Tất Thắng cho biết: so sánh với thiết kế của Viện Khoa học công nghệ mỏ và Quy chuẩn 04/2009 của Bộ Công thương về an toàn trong khai thác mỏ lộ thiên thì các thông số kỹ thuật của bãi thải trước khi sạt lở như cốt cao kết thúc thải, phương pháp thải, chiều cao tầng thải, số tầng thải, góc dốc sườn thải, độ dốc mặt bãi thải đều đảm bảo an toàn.

Qua phân tích đất nền bãi thải là loại đất sét dẻo quánh, cát sạn bở rời kém bền vững, có chiều dày lớn, toàn bộ đất sét được đẩy đi xa hàng trăm mét và nằm bên trên các đất đá của bãi thải; vật liệu bãi thải sạt lở đẩy sét ở ruộng lúa lên sườn đồi; ông Trần Tất Thắng khẳng định: từ hiện tượng vụ sạt lở cho thấy đây không phải là sạt lở thông thường tại các bãi thải, để có kết luận chắc chắn cần phải tiến hành nghiên cứu một cách khoa học. Tổng Công ty Thép Việt Nam đã yêu cầu Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên, Mỏ than Phấn Mễ tập trung mọi biện pháp nhằm ổn định sản xuất kinh doanh; đồng thời chỉ đạo rút kinh nghiệm cho tất cả các đơn vị có điểm mỏ trong toàn hệ thống, kiểm tra tất cả các điểm mỏ khai thác khoáng sản.

Theo ông Nguyễn Cảnh Dương, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục địa chất - khoáng sản thì năm 2008, Công ty cổ phần Gang thép Thái nguyên đã thuê Viện Khoa học và Công nghệ mỏ lập thiết kế cơ sở của dự án đầu tư xây dựng công trình khai thác xuống sâu moong lộ thiên Bắc Làng Cẩm – mỏ than Phấn Mễ, trong đó bãi thải số 3 được chọn là khu vực đổ thải và được thiết kế đổ thải đến cốt cao +190m. Như vậy, đến thời điểm xảy ra sự cố, đất đá đổ thải mới đến cao trình +160m, đạt khoảng 75% dung tích bãi thải.

Những băn khoăn về công tác quản lý khai thác khoáng sản, việc thiết kế mỏ, thiết kế bãi thải, tường bao xung quanh khu vực bãi thải, đánh giá nền đất khi quy hoạch bãi thải, có hay không chuyện mót than, khai thác cao lanh ở khu vực này... đã được nhiều đại biểu đề cập.

Trả lời về các vấn đề trên, đại diện Tổng Công ty thép và Mỏ than Phấn Mễ cho biết, năm 2011 các đơn vị này đã đo cao trình, góc bãi thải, chiều cao tầng, góc dốc mặt thải, khi đổ thải cũng đã để lại 2 mặt tầng an toàn, đối chiếu với tiêu chuẩn của Bộ Công thương thì các thông số đều đảm bảo an toàn. Không có hiện tượng khai thác cao lanh tại đây. Còn việc tận thu than ở bãi thải, đây vẫn là hổng cho tất cả các mỏ. Hàng ngày có từ 70 – 100 người lên bãi thải để mót than nhưng việc ngăn cấm rất khó khăn do lực lượng bảo vệ mỏng, bãi thải rộng, nhiều đường lên, nhiều tầng. Mỏ than Phấn Mễ đã tính đến phương án đề nghị chính quyền xã cử người có chức năng đứng ra quản lý việc nhặt than một cách có tổ chức, tránh tình trạng mạnh ai nấy lên như hiện nay.

Không đồng tình với phương án tổ chức việc tận thu than, đại diện Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường đề nghị Mỏ than Phấn Mễ nên thận trọng với việc cho mót than có tổ chức vì có thể gây tai nạn từ việc có tổ chức đó. Trước mắt cần xây tường bao để ngăn trở người dân vào khu vực bãi thải, về lâu dài cần có phương án trồng cây khi bãi thải đã được phong hóa.

Tại Hội nghị, lãnh đạo Bộ Tài nguyên – Môi trường và Bộ Công thương cũng thừa nhận đây là bài học lớn trong công tác quản lý nhà nước về cấp phép và kiểm tra sau khai thác khoáng sản. Mỏ than Phấn Mễ đã không nghiêm túc thực hiện yêu cầu của Bộ Tài nguyên – Môi trường trong việc đánh giá tác động môi trường và khai thác mỏ và Bộ cũng thiếu cương quyết trong vấn đề này, nếu cương quyết đình chỉ khai thác thì sẽ không xảy ra hậu quả đáng tiếc vừa qua.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên cần xác định nguyên nhân, trách nhiệm của các tổ chức có liên quan, rút kinh nghiệm trong quản lý nhà nước, khẩn trương di dời dân ở các khu vực có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn, làm tốt công tác quản lý hộ khẩu của dân cư trú trong vùng khai thác khoáng sản, rà soát các cơ sở khai thác về thiết kế mỏ, xử lý chất thải để đảm bảo an toàn...

Về vấn đề "Sử dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi", đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết trong 3 tháng đầu năm 2012 đã phát hiện 13 mẫu thức ăn chăn nuôi, 2 mẫu thuốc thú y, 8 mẫu thịt, gan lợn, 7 mẫu nước tiểu lợn có Beta-agonist. Địa điểm phát hiện chủ yếu ở Đồng Nai. Bộ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các vi phạm, truy xuất được nguồn gốc du nhập và phát tán của các chất cấm. Để tăng cường kiểm soát, giảm thiểu các nguy cơ sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và chế biến thực phẩm, cùng với các giải pháp tăng cường giám sát kiểm tra, Bộ đã chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục về tác hại của chất cấm, triển khai phong trào tẩy chay chất cấm trong cộng đồng xã hội...

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định tình hình sử dụng chất cấm nhóm Beta-agonist trong chăn nuôi hiện nay đã tạm thời được kiểm soát, không có thông báo mới về việc phát hiện các mẫu dương tính trong nước tiểu gia súc và trong các sản phẩm chăn nuôi. Song, tình hình sử dụng chất cấm thuộc nhóm Beta-agonist trong chăn nuôi vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát trở lại bởi phần lớn các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, ý thức chấp hành pháp luật và các quy trình quy phạm trong chăn nuôi, chế biến thực phẩm chưa tốt. Bên cạnh đó, hệ thống pháp chế và việc phối hợp trong công tác kiểm tra giám sát còn nhiều bất cập. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị các bộ, ngành liên quan cần tăng cường phối hợp một cách đồng bộ, toàn diện trong quản lý, giám sát chất cấm trong chăn nuôi, chế biến thực phẩm; chỉ đạo và phối hợp với các địa phương tăng cường công tác kiểm tra giám sát tình hình kinh doanh sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi ở tất cả các khâu từ nhập khẩu qua biên giới đến các cơ sở kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, cơ sở chăn nuôi, giết mổ và buôn bán, chế biến thực phẩm.

Bộ này cũng kiến nghị Bộ Y tế quản lý chặt chẽ hơn chất Salbutamol dùng trong y tế và xem xét bỏ hoặc điều chỉnh giới hạn cho phép chất Ractopamine trong thực phẩm vì chất này đang là chất cấm sử dụng trong chăn nuôi tại Việt Nam và hầu hết các nước trên thế giới. Còn Bộ Y tế thì cho rằng, việc kiểm soát các chất cấm trên nói riêng và kiểm soát an toàn thực phẩm trong chăn nuôi nói chung là công việc lâu dài, thường xuyên đòi hỏi sự chủ động, tích cực của Bộ chủ động chủ quản và các địa phương cũng như sự phối hợp của các Bộ, ngành liên quan. Nhiều ý kiến tại Hội nghị cũng đề nghị phải xử phạt phải nghiêm túc, cương quyết các hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, quản lý tốt các loại hóa chất, nhất là các chất tăng trưởng, tập trung đầu tư cho hệ thống giết mổ và kiểm soát chặt chẽ vấn đề này. Đây không chỉ là vấn đề của riêng một Bộ mà các địa phương cũng phải có trách nhiệm trong việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm./.