TCCSĐT - Triển lãm - Hội chợ Thành tựu 10 năm xây dựng và phát triển Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gắn với Lễ kỷ niệm 37 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, do Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, thành phố Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL tổ chức, đã khai mạc trọng thể vào sáng ngày 27-4-2012 tại Khu đô thị Nam sông Hậu, thành phố Cần Thơ.

 

 Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện các bộ, ngành Trung ương, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và các tỉnh thành ĐBSCL tham quan một gian hàng tại khu triển lãm – hội chợ.

Đến dự lễ khai mạc có đồng chí: Lê Hồng Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ chính trị: Lê Đức Anh – nguyên Chủ tịch nước; Trương Vĩnh Trọng - nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ; Phạm Văn Trà - nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Nguyễn Thị Kim Ngân, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Vũ Văn Ninh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Bộ Tư lệnh Quân khu 9, Bộ Tư lệnh Quân khu 7, các cơ quan đại diện ngoại giao và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam; lãnh đạo 13 tỉnh thành ĐBSCL, lãnh đạo thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh; đại diện các viện, trường, các nhà khoa học ở ĐBSCL; các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp; các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động, cán bộ lão thành cách mạng, gia đình có công với nước và đông đảo nhân dân thành phố Cần Thơ.

Đọc diễn văn tại lễ khai mạc, đồng chí Nguyễn Phong Quang - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ - khẳng định: Qua hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW (Nghị quyết 21) của Bộ Chính trị “Về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng vùng ĐBSCL thời kỳ 2001-2010”, ĐBSCL đã có bước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, đời sống đại bộ phận nhân dân được cải thiện và nâng cao, quốc phòng- an ninh được giữ vững, tạo ra tầm vóc và vị thế mới của ĐBSCL. Trong đó, nổi bật là một số thành tựu sau:

Kinh tế các tỉnh, thành trong vùng phát triển nhanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, hiệu quả sản xuất được nâng cao, tổ chức huy động tốt các nguồn lực đầu tư; môi trường đầu tư được cải thiện. Giai đoạn 2001-2010, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân toàn vùng đạt 11,7%/năm; Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng giảm dần tỉ trọng khu vực I (nông - lâm nghiệp và thủy sản), tăng dần tỉ trọng khu vực II (công nghiệp - xây dựng và khu vực III (thương mại- dịch vụ); giá trị sản xuất tăng bình quân 11,87%/năm; giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng bình quân 17,8%. Năm 2010, thu nhập bình quân đầu người/năm tăng gấp 2,5 lần so với năm 2001.

Nông, lâm, ngư nghiệp phát triển khá, từng bước hình thành vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, phát huy lợi thế sản phẩm chủ lực của vùng (lúa gạo, thủy sản, trái cây), thể hiện vai trò trung tâm lớn về sản xuất lúa gạo, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản của cả nước.

Công nghiệp được chú trọng phát triển, đi dần vào khai thác các thế mạnh của vùng về công nghiệp chế biến nông sản, bước đầu tập trung đầu tư phát huy lợi thế về công nghiệp dầu khí, năng lượng, nhiệt điện và cơ khí.

Thương mại, dịch vụ, du lịch, thông tin và truyền thông có bước phát triển, đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu thụ và đời sống nhân dân.

Hạ tầng giao thông có nhiều chuyển biến, gắn kết với thủy lợi; toàn vùng cơ bản hoàn thành mục tiêu xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ; các đô thị được đầu tư, nâng cấp.

Giáo dục - đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều tiến bộ, đời sống nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số Khmer, Chăm được cải thiện.

Quan tâm thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo; xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, kiện toàn hệ thống chính trị.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội hơn 10 năm qua, vùng ĐBSCL vẫn đang tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém. Đó là : Kinh tế phát triển chưa bền vững, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh còn thấp, yếu tố rủi ro còn cao, chưa tương xứng tiềm năng của vùng, một số nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết 21 chưa đạt được. Giáo dục - đào tạo, dạy nghề, văn hóa – xã hội còn nhiều hạn chế, yếu kém so với các vùng, miền khác. Xây dựng hệ thống chính trị còn một số hạn chế, yếu kém chậm được khắc phục.

Triển lãm - Hội chợ lần này nhằm khẳng định những thành tựu mà các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã đạt được sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị. Đây cũng là dịp để lãnh đạo các bộ, ngành trung ương và các địa phương trao đổi, thảo luận, tìm ra các giải pháp giúp ĐBSCL vượt qua những khó khăn, thách thức để phát triển bền vững; thúc đẩy các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, dịch vụ, du lịch, tạo điều kiện cho các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài nước quảng bá thương hiệu, góp sức phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới ở ĐBSCL; huy động các nguồn lực thực hiện các chương trình an sinh xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng còn nhiều khó khăn.

Theo báo cáo của Ban Tổ chức, Triển lãm - Hội chợ đã thu hút trên 480 đơn vị, doanh nghiệp tham gia với khoảng 1.200 gian hàng. Ban Tổ chức đã tập hợp được 178 danh mục dự án trọng điểm của các địa phương để giới thiệu, mời gọi các doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị trong và ngoài nước đầu tư với số vốn trên 171.000 tỉ đồng và 1,5 tỉ USD. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp và ngân hàng cũng đã đăng ký thực hiện khoảng 760 tỉ đồng cho công tác an sinh xã hội, thông qua việc tài trợ xây dựng nhiều công trình y tế, giáo dục, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, nhà đồng đội… ở các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL.

 

 Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh phát biểu tại Lễ khai mạc Triển lãm – Hội chợ Thành tựu 10 năm xây dựng và phát triển ĐBSCL.


Phát biểu tại lễ khai mạc, đồng chí Vũ Văn Ninh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ - nhiệt liệt biểu dương những thành tựu to lớn, toàn diện mà Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã đạt được sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị. Những thành tựu đó khẳng định Nghị quyết 21 đã thực sự đi vào cuộc sống, tạo điều kiện cho vùng ĐBSCL định hướng đúng trong phát triển kinh tế - xã hội, phát huy được những tiềm năng, lợi thế của riêng mình, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của cả nước. Để phát huy những thành tựu đã đạt được, nhanh chóng vượt qua những khó khăn, thách thức, đưa ĐBSCL tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị trong thời gian tới, các Bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành ĐBSCL quan tâm phối hợp thực hiện tốt một số vấn đề sau:

Tiếp tục phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của từng tỉnh, thành và cả vùng; xây dựng ĐBSCL thành vùng kinh tế trọng điểm của quốc gia, vùng nông nghiệp sản xuất lớn và hiện đại của cả nước với chất lượng, hiệu quả và giá trị gia tăng cao. Đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới.

Tăng cường công tác quy hoạch từng tỉnh, thành phố và cả vùng, trong đó quan tâm quy hoạch giao thông, thủy lợi và quy hoạch sản xuất. Chú trọng liên kết, hợp tác giữa các tỉnh, thành trong vùng và với cả nước, hướng đến những mô hình phát triển mang tính tập trung, chuyên sâu và chất lượng cao.

Tập trung phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh ứng dụng khoa học- công nghệ trong các lĩnh vực mang tính quyết định đến việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của từng tỉnh, thành và cả vùng.

Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, quan tâm chăm lo và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số; đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm cho người lao động, bảo đảm quốc phòng- an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Thực hiện phát triển bền vững, gắn phát triển kinh tế - xã hội với sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái; chủ động phòng tránh và ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Sau lễ khai mạc, tại khu vực Triển lãm- Hội chợ đã diễn ra các hoạt động diễu binh, diễu hành của các lực lượng vũ trang Quân khu 9, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp Trung ương và các tỉnh, thành ĐBSCL; khai mạc Khu triển lãm và trình diễn các loại hình văn hóa phi vật thể đặc trưng của 4 dân tộc: Kinh - Khmer - Hoa - Chăm; Chương trình biểu diễn nghệ thuật “Tây Nam Bộ - 10 năm thành tựu và liên kết phát triển”. Trong những ngày diễn ra Triển lãm - Hội chợ có 5 hội nghị, hội thảo quan trọng do Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ phối hợp với các bộ, ngành trung ương và các tỉnh, thành ĐBSCL tổ chức là: “Hội nghị xúc tiến đầu tư phát triển ĐBSCL”, “Hội thảo Cơ giới hóa nông nghiệp phục vụ sản xuất lúa gạo hàng hóa – mô hình cánh đồng mẫu lớn”, “Hội nghị trao đổi giữa các địa phương với các trưởng cơ quan đại diện ngoại giao, trưởng cơ quan đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam”, “Hội thảo phát triển thị trường tín dụng và dịch vụ ngân hàng ở ĐBSCL”, “Hội thảo tham vấn định hướng chiến lược phát triển bền vững vùng ĐBSCL trong bối cảnh biến đổi khí hậu đến năm 2100”. Ngoài ra, còn có nhiều chương trình, hoạt động văn hóa - nghệ thuật đặc sắc như: “Chung kết cuộc thi Hoa khôi ĐBSCL”, “Triển lãm – Hội thi nhiếp ảnh nghệ thuật ĐBSCL”; “Giao lưu tôn vinh nghệ thuật các dân tộc ở ĐBSCL”, “Hội thi nấu ăn món ngon Nam Bộ”…

Triển lãm - Hội chợ Thành tựu 10 năm xây dựng và phát triển ĐBSCL kết thúc ngày 1-5-2012.