Đảng bộ Bắc Giang chăm lo công tác xây dựng Đảng, tạo đòn bẩy hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội
TCCS - Là một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, điểm xuất phát kinh tế thấp, nguồn thu ngân sách hạn hẹp, tỷ lệ dân số nông thôn cao, kết cấu hạ tầng còn nhiều yếu kém, nhưng trong giai đoạn từ 2005 đến nay, Bắc Giang đã có bước chuyển mình đáng kể. Mấu chốt thành công là Đảng bộ tỉnh đã chăm lo nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng, lấy đó làm cơ sở nền tảng cho việc hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới sự phát triển bền vững.
Xây dựng Đảng - khâu then chốt trong mọi hoạt động
Đảng bộ Bắc Giang nhận thức sâu sắc và thường xuyên quan tâm công tác xây dựng Đảng, dành nhiều công sức chăm lo nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng, để từ đó tăng cường khả năng tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Các cấp ủy đã tiến hành thường xuyên công tác giáo dục chính trị tư tưởng, kịp thời phổ biến, quán triệt các nghị quyết của Đảng đến các đối tượng thông qua những hình thức đa dạng. Chú trọng phát huy vai trò của báo chí, văn học nghệ thuật... nhằm tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đông đảo quần chúng nhân dân trên địa bàn. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị nhằm định hướng và nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận xã hội một cách kịp thời. Đặc biệt, Tỉnh ủy tích cực triển khai Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", tổ chức việc học tập, tuyên truyền các nội dung chuyên đề, tiến hành xây dựng các chuẩn mực làm theo tấm gương đạo đức của Bác; tổ chức cho cán bộ, đảng viên đăng ký những việc làm theo, ghi nhật ký làm theo tấm gương của Bác...; tổ chức cho quần chúng nhân dân đóng góp ý kiến đối với cán bộ, đảng viên. Đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trở thành nội dung quan trọng trong sinh hoạt chi bộ thường kỳ và cụ thể hóa thành tiêu chí, nội dung các phong trào thi đua yêu nước, thành nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên, trong từng tháng, từng quý, từng năm. Qua Cuộc vận động, các tập thể, cá nhân đã đăng ký hàng chục ngàn việc tốt làm theo Bác; xuất hiện hàng trăm tấm gương điển hình tiên tiến ở nhiều ngành, lĩnh vực, địa phương. Công tác chính trị, tư tưởng và thực hiện Cuộc vận động đã góp phần quan trọng tạo chuyển biến thực sự trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các nhiệm vụ chính trị ở địa phương.
Chăm lo tốt đời sống và bảo đảm lợi ích chính đáng của người dân, đó là cội rễ bền vững của công tác xây dựng Đảng, là cơ sở hình thành, kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức và tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, hết lòng phục vụ nhân dân.
Công tác xây dựng cơ sở đảng hướng vào nâng cao chất lượng cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở đảng yếu kém. Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 19-KH/TU, trọng tâm là nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ theo tinh thần Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư và nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 khóa X. Tỉnh ủy thực hiện chặt chẽ khâu đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên, bảo đảm khách quan, thực chất, tăng cường quản lý, giám sát, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên cả ở nơi công tác và nơi cư trú. Việc tạo nguồn, bồi dưỡng phát triển Đảng, nhất là ở khu vực nông thôn, miền núi và doanh nghiệp được Tỉnh ủy đặc biệt chú trọng thông qua các hình thức đa dạng, như lựa chọn những quần chúng ưu tú thuộc đối tượng đoàn viên, thanh niên, cán bộ có năng lực và được sự tín nhiệm của quần chúng nhân dân; ưu tiên quần chúng là người dân tộc thiểu số, vùng sâu... để bồi dưỡng kết nạp vào Đảng. Các cấp ủy chủ động bám sát nghị quyết, sự chỉ đạo của cấp trên và tình hình thực tế để đề ra những chủ trương, biện pháp cụ thể, phù hợp, lãnh đạo thực hiện toàn diện các nhiệm vụ ở địa phương, đơn vị. Qua đánh giá bước đầu, chất lượng sinh hoạt chi bộ có nhiều chuyển biến; nội dung sinh hoạt được chuẩn bị chu đáo, thiết thực, không khí sinh hoạt sôi nổi, dân chủ hơn. Công tác phát triển Đảng được quan tâm, bình quân mỗi năm Đảng bộ tỉnh kết nạp trên 2.400 đảng viên, tăng trên 300 đảng viên so với nhiệm kỳ trước. Phần lớn đội ngũ đảng viên có bước trưởng thành về nhận thức, bản lĩnh chính trị, phát huy tốt hơn vai trò tiền phong, gương mẫu, được nhân dân tin tưởng. Năm 2009, có 70,1% số tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch, vững mạnh; tỷ lệ đảng viên đủ tư cách, hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt 81,9%.
Đảng bộ đã đề ra nhiều đề án, kế hoạch xây dựng đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến cơ sở, như Đề án số 02-ĐA/TU về xây dựng và nâng cao năng lực lãnh đạo, điều hành của đội ngũ cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn; Kế hoạch số 25-KH/TU về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức giai đoạn 2008 - 2010; Kết luận số 03-KL/TU về nâng cao chất lượng đội ngũ công chức khối Đảng, đoàn thể; Đề án số 04-ĐA/TU về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ nữ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý... Thực hiện nghiêm quy định, quy trình, tiêu chuẩn trong các khâu đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, đề bạt, bố trí, sử dụng và thực hiện chính sách cán bộ. Nâng cao chất lượng quy hoạch cán bộ, bảo đảm "động" và "mở"; tăng nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số, gắn đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển với quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ một cách hợp lý. Đặc biệt, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ cơ sở nhằm bảo đảm chất lượng đội ngũ cán bộ về lâu dài. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Tỉnh ủy Bắc Giang kịp thời kiện toàn các chức danh cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp, luân chuyển 51 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, đào tạo, bồi dưỡng 2,6 vạn lượt cán bộ, công chức của cả 3 cấp (tỉnh, huyện, xã); ủy ban nhân dân tỉnh thí điểm thi tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý một số đơn vị sự nghiệp; đồng thời, tiến hành kiểm tra nhận thức về chức trách, nhiệm vụ và kỹ năng giải quyết công việc của chủ tịch ủy ban nhân dân và 7 chức danh công chức cấp xã; quy định tiêu chí đánh giá người đứng đầu đối với giám đốc sở, thủ trưởng cơ quan cấp tỉnh và chủ tịch ủy ban nhân dân huyện, thành phố.
Các cấp ủy đặc biệt chú trọng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm giữ nghiêm kỷ luật đảng, hạn chế sai phạm của cán bộ, đảng viên, hướng tới trong sạch hóa các tổ chức cơ sở đảng. Công tác kiểm tra, giám sát được đề ra và tiến hành một cách nghiêm túc trên cơ sở trước hết là khuyến khích ý thức tự phê bình và phê bình của mỗi cán bộ, đảng viên, và phối hợp chặt chẽ việc kiểm tra, giám sát của Đảng với thanh tra của Nhà nước, giám sát của Mặt trận, đoàn thể và nhân dân. Bộ máy cơ quan ủy ban kiểm tra được kiện toàn, kết hợp với việc quan tâm đến hoạt động bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, giáo dục lý luận chính trị và đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ kiểm tra các cấp đã tạo cơ sở quan trọng cho việc tiến hành công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên, khách quan, dân chủ và hiệu quả. Nhờ đó, Bắc Giang kịp thời kiểm tra làm rõ những trường hợp có dấu hiệu vi phạm, tăng cường kiểm tra, giám sát những lĩnh vực, địa bàn dễ phát sinh sai phạm, xử lý nghiêm minh, đồng bộ giữa kỷ luật đảng, kỷ luật chính quyền, đoàn thể, kết hợp với thu hồi kinh tế sai phạm. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các cấp đã kiểm tra 3.998 lượt tổ chức đảng và 16.592 đảng viên; giám sát đối với 3.159 lượt tổ chức đảng và 5.313 đảng viên; giải quyết xong 30 vụ khiếu nại kỷ luật; giải quyết tố cáo đối với 20 tổ chức đảng và 607 đảng viên. Qua kiểm tra, giám sát đã xử lý kỷ luật 61 tổ chức đảng, 1.753 đảng viên; phát hiện và xử lý số tiền sai phạm trên 11 tỉ đồng. Những tố cáo, kiến nghị và khiếu nại kỷ luật đảng được giải quyết kịp thời đã làm tăng niềm tin của quần chúng nhân dân vào bộ máy chính quyền.
Việc đổi mới phương thức lãnh đạo, lề lối làm việc được Tỉnh ủy thường xuyên quan tâm nhằm không ngừng nâng cao hiệu quả quản lý và chất lượng công việc. Tỉnh ủy chỉ đạo xây dựng, rà soát, hoàn thiện và duy trì thực hiện nghiêm túc quy chế làm việc; làm rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ, chế độ làm việc, báo cáo, thông tin của tập thể, cá nhân cấp ủy viên và các cơ quan trong hệ thống chính trị địa phương. Tăng cường phân cấp gắn với hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra thực hiện nhiệm vụ của cấp dưới. Tích cực cải cách hành chính trong Đảng; ứng dụng công nghệ thông tin, tin học hóa hoạt động của các cơ quan đảng. Kịp thời sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo. Nâng cao chất lượng các hội nghị cấp ủy, bảo đảm dân chủ, phát huy trí tuệ của tập thể trong việc đề ra các chủ trương lãnh đạo, đặc biệt là trong công tác tổ chức cán bộ. Đổi mới phong cách làm việc theo hướng sâu sát cơ sở, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu.
Các mặt công tác xây dựng Đảng được tiến hành đồng bộ, gắn kết chặt chẽ giữa nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng với tăng cường năng lực quản lý, điều hành của chính quyền, xây dựng Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể nhân dân trong sạch, vững mạnh... nhằm không ngừng củng cố đoàn kết nội bộ, khối đại đoàn kết toàn dân và đồng thuận xã hội. Tỉnh ủy Bắc Giang chỉ đạo hội đồng nhân dân các cấp đổi mới hoạt động theo hướng công khai, dân chủ; chuẩn bị tốt nội dung các kỳ họp; tăng cường hoạt động giám sát, nhất là giám sát chuyên đề; tổ chức tiếp xúc cử tri đến thôn, bản, kịp thời nắm bắt nguyện vọng của người dân; tập trung bàn, quyết định những vấn đề đang được nhân dân quan tâm. Tỉnh ủy chỉ đạo truyền hình trực tiếp các kỳ họp của Hội đồng nhân dân tỉnh để nhân dân theo dõi và chất vấn gián tiếp. Kịp thời tiếp nhận, tập hợp các ý kiến, kiến nghị của người dân để phản ánh đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết và đôn đốc việc giải quyết, trả lời. Hoạt động đẩy mạnh cải cách hành chính cũng được Tỉnh ủy tập trung chỉ đạo, tập trung vào việc rà soát, sửa đổi, loại bỏ những thủ tục phiền hà, triển khai mô hình “một cửa điện tử”, “một cửa liên thông”, gắn với giáo dục, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ, tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân của đội ngũ công chức. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Đổi mới quản lý, điều hành theo hướng tập trung, trọng tâm, trọng điểm, đề cao trách nhiệm người đứng đầu và công khai phê bình, nhắc nhở đối với những người đứng đầu đơn vị không hoàn thành nhiệm vụ. Đồng thời, lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong tỉnh hướng công tác về cơ sở hơn nữa, tích cực phối hợp để nâng cao chất lượng công tác dân vận, thực hiện tốt Quy chế Dân chủ ở cơ sở; tham gia giải quyết một số điểm mâu thuẫn, khiếu kiện; tham gia xây dựng Đảng, chính quyền ở cơ sở trong sạch, vững mạnh. Tổ chức các cuộc vận động, phong trào thi đua phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa, hoạt động nhân đạo, từ thiện, giữ gìn an ninh trật tự... Tỉnh ủy đã xây dựng và triển khai thực hiện Đề án số 03-ĐA/TU về nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, lãnh đạo các tổ chức này kiện toàn bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ, từng bước khắc phục các biểu hiện hành chính, quan liêu trong hoạt động.
Xây dựng Đảng tốt, kinh tế - xã hội phát triển hiệu quả
Nhờ xác định rõ xây dựng Đảng là khâu then chốt trong mọi hoạt động, Tỉnh ủy Bắc Giang đã lãnh đạo các tổ chức đảng phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, góp phần hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội đề ra. Đồng thời, từng bước khắc phục những khó khăn, thách thức, hạn chế, yếu kém của địa phương, khai thác những tiềm năng, lợi thế, huy động và sử dụng tốt hơn các nguồn lực, kể cả nguồn lực bên trong cũng như bên ngoài phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội.
Tỉnh ủy Bắc Giang tiến hành đồng bộ, gắn kết chặt chẽ giữa nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng với tăng cường năng lực quản lý, điều hành của chính quyền, xây dựng Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể nhân dân trong sạch, vững mạnh... nhằm không ngừng củng cố đoàn kết nội bộ, khối đại đoàn kết toàn dân và đồng thuận xã hội.
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2006 - 2010), nền kinh tế của tỉnh đã có bước phát triển khá toàn diện. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt 8,7%/năm. Trong đó, công nghiệp - xây dựng tăng 16,9%, nông nghiệp tăng 2,6%, dịch vụ tăng 9,9%. Giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu, thủ công nghiệp tăng 2,8 lần so với năm 2005. Trong nông nghiệp, chăn nuôi chiếm tỷ trọng 48% giá trị sản xuất toàn ngành (tăng 9,7%). Một số sản phẩm như vải thiều ở Lục Ngạn, gà Yên Thế... đã trở thành những thương hiệu được nhiều người trong cả nước biết đến. Thương mại, dịch vụ cũng có bước tăng trưởng tích cực góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tỷ trọng công nghiệp - xây dựng đạt 34,5%, tăng 11,2%; tỷ trọng dịch vụ đạt 34,8%, tăng 0,2%; tỷ trọng nông nghiệp là 30,7%, giảm 11,4%. Số doanh nghiệp, số dự án đầu tư trong nước, dự án đầu tư nước ngoài đều tăng gấp hơn ba lần so với đầu nhiệm kỳ. Dư nợ tín dụng ngân hàng gấp 3,4 lần, giá trị xuất khẩu gấp 3,9 lần, thu ngân sách gấp 2,8 lần, tổng vốn đầu tư toàn xã hội gấp 3 lần so với nhiệm kỳ trước. Hạ tầng giao thông, thủy lợi được tăng cường đáng kể. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đô thị, nông thôn, miền núi có nhiều thay đổi, khang trang hơn.
Các lĩnh vực xã hội của tỉnh đều có tiến bộ: Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia chiếm 60%, tăng gấp 3 lần năm 2005. Đã có 95,6% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Đời sống văn hóa của nhân dân nâng lên, 80% số hộ gia đình được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”; 76% số thôn, bản, tổ dân phố có nhà văn hóa. Các di sản văn hóa được quan tâm bảo tồn, phát huy. Hầu hết các hộ gia đình có máy thu hình, tỷ lệ phủ sóng phát thanh đạt 100%, truyền hình đạt 97%, 100% số xã được phủ sóng điện thoại di động và kết nối in-tơ-nét. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, từ 30,67% năm 2005 xuống còn 10%. Tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Công tác quốc phòng, quân sự địa phương luôn được hoàn thành tốt. Lực lượng vũ trang tỉnh đã được khen thưởng 10 năm liền xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện.
Tuy nhiên, hiện nay Bắc Giang vẫn còn không ít khó khăn, thách thức mà Tỉnh ủy xác định cần phải khắc phục, vượt qua như: tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm so với kế hoạch, chất lượng tăng trưởng thấp, công nghiệp - tiểu, thủ công nghiệp, dịch vụ chậm phát triển; Bắc Giang vẫn là tỉnh thuần nông với trên 70% lao động làm nông nghiệp. Thu nhập bình quân đầu người thấp, bằng 1/2 thu nhập bình quân đầu người của cả nước. Thu ngân sách mới bảo đảm 20% nhu cầu chi. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn yếu kém; chất lượng nguồn nhân lực chưa thực sự đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Vẫn tồn tại không ít vấn đề xã hội bất cập, như giảm nghèo thiếu bền vững; tình trạng tội phạm, tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông, khiếu kiện phức tạp có chiều hướng gia tăng. Năng lực, trình độ, tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân của một bộ phận cán bộ, công chức còn hạn chế. Hoạt động của Mặt trận, đoàn thể vẫn còn có biểu hiện hành chính. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng tuy có bước nâng lên nhưng chưa đồng đều, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của thực tế ở cơ sở.
Bài học quý từ việc chăm lo công tác xây dựng Đảng trên địa bàn
Chăm lo công tác xây dựng Đảng, về thực chất chính là phải chăm lo tốt cho đời sống và bảo đảm lợi ích chính đáng của người dân, để từ đó thúc đẩy công tác xây dựng Đảng bảo đảm hiệu quả, giúp hình thành, kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức và tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, hết lòng phục vụ nhân dân. Gắn với đó, là nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, giữ vững vai trò lãnh đạo toàn diện đối với hệ thống chính trị bởi đây là nhân tố chủ yếu có tính chất quyết định việc thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng các cấp đã đề ra. Chỉ có thế, hoạt động xây dựng Đảng mới thực sự là “đòn bẩy” vững từ gốc để thúc đẩy việc hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh; bộ máy chính quyền mới thực sự phát huy được năng lực và hiệu quả hoạt động; người dân thêm hiểu, tin yêu và tự nguyện chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phấn đấu vì sự phát triển chung của tỉnh. Đó chính là bài học quý báu nhất mà Đảng bộ Bắc Giang thu được từ hoạt động thực tiễn, và cũng là động lực thúc đẩy cán bộ, đảng viên của tỉnh không ngừng nỗ lực làm việc, cống hiến trí và lực của mình vì một Bắc Giang ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, nhìn từ thực tiễn và điều kiện cụ thể của địa phương, Đảng bộ Bắc Giang xác định, thời gian tới cần tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, lãnh đạo đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn chung sức, đồng thuận hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng... Đặc biệt, cần chú ý thực hiện tốt các hoạt động sau:
Một là, với điều kiện tỉnh miền núi, thuần nông, Tỉnh ủy cần chú trọng hơn nữa việc lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành thường xuyên quan tâm đúng mức đời sống của người dân miền núi và vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn để góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, ổn định an ninh lương thực trên địa bàn, lấy đây làm một trong những điều kiện cơ bản thúc đẩy sự phát triển kinh tế vững chắc.
Hai là, trong quản lý điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ phải tăng cường sự công khai, minh bạch, phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể đi đôi với đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; mạnh dạn phân cấp gắn với tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện đối với cấp dưới một cách nghiêm chỉnh nhằm tạo không khí dân chủ, làm việc nghiêm túc.
Ba là, tăng cường đầu tư cho công tác đào tạo, phát triển đảng viên và đội ngũ cán bộ nguồn ở các cấp cơ sở (đặc biệt quan tâm đến đối tượng cán bộ, đảng viên trẻ, là người dân tộc thiểu số), lấy đây làm lực lượng nòng cốt bảo đảm chất lượng và sự phát triển của đội ngũ cán bộ về lâu dài.
Bốn là, luôn giữ gìn và phát huy sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, trước hết trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt, lấy đó làm cơ sở để khơi dậy tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm ở cán bộ, đảng viên. Từ đó, nâng cao chất lượng và hiệu quả công việc hơn nữa.
Năm là, tăng cường hơn nữa việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước gắn với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, xây dựng đồng thuận xã hội để tạo sức mạnh tổng hợp thực hiện và hoàn thành các nhiệm vụ chính trị - xã hội của địa phương, hướng tới phát triển Bắc Giang theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, dân chủ, giàu đẹp./.
Tổng Công ty Hàng không Việt Nam phấn đấu trở thành tập đoàn vận tải hàng đầu khu vực  (20/08/2010)
Một Đảng duy nhất cầm quyền - sản phẩm tất yếu của thực tiễn chính trị - xã hội ở Việt Nam  (20/08/2010)
Mục lục Hồ sơ sự kiện số 129 (20-8-2010)  (19/08/2010)
Bài học của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 với công cuộc đổi mới  (19/08/2010)
Việt Nam là điển hình thành công về phát triển đất nước  (19/08/2010)
Thủ tướng phê chuẩn nhân sự mới của chín tỉnh  (19/08/2010)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên