Doanh nghiệp, doanh nhân trẻ khu vực kinh tế tư nhân - thực tế và những vấn đề đặt ra
TCCS - Thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa dù còn những khó khăn nhưng các doanh nghiệp, doanh nhân trẻ đã có đóng góp tích cực. Giải quyết những khó khăn sẽ tạo điều kiện cho họ có nhiều cơ hội để cống hiến. Đây là trách nhiệm của toàn xã hội nhưng trước hết phải là của các nhà hoạch định, thực thi chính sách.
Doanh nghiệp, doanh nhân trẻ - nguồn lực quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Thời gian qua, khu vực kinh tế tư nhân có những đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế chung của cả nước. Khu vực này huy động có hiệu quả các nguồn lực xã hội vào sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động, cải thiện đời sống nhân dân, tăng ngân sách nhà nước, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội. Đồng thời đóng góp quan trọng giải phóng lực lượng sản xuất, thúc đẩy phân công lao động xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa...
Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ IX xác định: Thực hiện nhất quán chính sách phát triển kinh tế nhiều thành phần. Các thành phần kinh tế kinh doanh theo pháp luật đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh; trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Thực hiện chủ trương này, ngày 18-3-2003, Trung ương Đảng (khóa IX) ra Nghị quyết số 14-NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân”. Năm 2010, sơ kết tình hình thực hiện Nghị quyết trên, Ban Bí thư đánh giá cao những đóng góp quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân trong quá trình phát triển nền kinh tế đất nước, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế nước ta chịu ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu.
Doanh nghiệp và doanh nhân trẻ thuộc khu vực kinh tế tư nhân ngày càng phát triển, cơ hội tiếp cận và mở rộng thị trường tăng lên. Họ được đào tạo bài bản hơn, tiếp cận với nhiều thành tựu khoa học - kỹ thuật hiện đại cũng như trang thiết bị công nghệ tiên tiến trên thế giới; khả năng tiếp nhận các nguồn thông tin dễ dàng và đa dạng; trình tự, thủ tục pháp lý để triển khai các hoạt động kinh doanh đơn giản và thuận tiện... Họ ngày càng thể hiện rõ vai trò, trọng trách của mình. Tuy nhiên, giống như thành phần kinh tế tư nhân nói chung, họ vẫn phải đương đầu với nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động.
Những khó khăn lớn phải đương đầu
Do mới thành lập hoặc mới triển khai hoạt động kinh doanh nên họ còn gặp khó khăn hơn những doanh nghiệp khác về kinh nghiệm thương trường, phát triển các mối quan hệ trong kinh doanh và các vấn đề về tài chính cho hoạt động sản xuất, kinh doanh...
Thứ nhất, do ít hoặc không có kỹ năng liên quan đến vấn đề khởi sự và quản trị doanh nghiệp nên đa phần họ gặp không ít khó khăn hoặc thậm chí thất bại. Các kỹ năng này bao gồm những kiến thức cần thiết thành lập doanh nghiệp, xây dựng chiến lược kinh doanh, tổ chức sản xuất và vận hành doanh nghiệp, nghiên cứu và đánh giá thị trường. Nhất là sự hạn chế về kỹ năng quản lý nhân sự; tiếp thị, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu; quản lý tài chính, kế toán; lựa chọn công nghệ, quản lý kỹ thuật công nghệ, sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn chất lượng; khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất kinh doanh; kiến thức, kỹ năng tham gia thị trường quốc tế...
Thứ hai, khởi sự doanh nghiệp và đầu tư công nghệ, trang thiết bị hiện đại cho hoạt động hoặc mở rộng sản xuất kinh doanh thường tốn kinh phí ban đầu khá lớn. Phần đông các doanh nhân khởi sự kinh doanh đều không đủ vốn để triển khai thực hiện do họ chưa có hoặc có ít nguồn vốn tích lũy. Việc thực hiện vay vốn rất khó khăn do không có tài sản thế chấp, các quỹ đầu tư mạo hiểm chưa thực sự phát triển tại Việt Nam. Bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp cũng đã được Chính phủ ban hành nhưng chưa thực sự phát huy hiệu quả do thủ tục còn rườm rà.
Thứ ba, các nguồn thông tin hỗ trợ cho doanh nghiệp thuận lợi kinh doanh không được đầy đủ, cụ thể: về thị trường, sản phẩm; tiến bộ khoa học - kỹ thuật để đầu tư đổi mới công nghệ, trang thiết bị mới, tiên tiến trên thế giới phù hợp với thực tế tình hình sản xuất kinh doanh; thông tin về hội nhập kinh tế quốc tế... Hiện nay, việc hỗ trợ này rất cần thiết cho các doanh nghiệp từ các cơ quan nhà nước nhưng chưa thực sự được phổ biến sâu rộng; hoạt động các Hiệp hội ngành nghề chưa thực sự bền chặt, không thể hiện được chức năng là cầu nối, trung tâm cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp, trong khi, nhu cầu về nguồn thông tin hỗ trợ cho hoạt động của các doanh nghiệp rất lớn. Phần lớn các doanh nghiệp, doanh nhân trẻ không đủ khả năng tự tìm kiếm các thông tin hoặc thuê dịch vụ bên ngoài, do thời gian
hoạt động ít, mối quan hệ chưa nhiều và hạn chế về kinh phí.
Thứ tư, năng lực kinh nghiệm thương trường, thương hiệu và uy tín sản phẩm của nhiều doanh nghiệp chưa đủ bề dày để thuyết phục khách hàng. Hiện nay, khi thực hiện việc mua sản phẩm, khách hàng trong và ngoài nước thường yêu cầu nhà cung cấp phải có năng lực kinh nghiệm hoặc hoạt động lâu năm hoặc chỉ lựa chọn các sản phẩm đã có thương hiệu, uy tín. Điều này gây rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp trẻ mới thành lập.
Những giải pháp giải quyết các khó khăn
Một là, đẩy mạnh hoạt động thành lập, phát triển các vườn ươm doanh nghiệp. Vườn ươm doanh nghiệp sẽ giúp ươm tạo doanh nghiệp, tư vấn và giúp đỡ các kỹ năng khởi sự, quản trị doanh nghiệp để các cá nhân, nhà khoa học trẻ có những đề tài nghiên cứu khoa học, ý tưởng kinh doanh đầy tính khả thi được áp dụng triển khai vào thực tế mang lại tỷ lệ thành công cao. Bài học kinh nghiệm tại các nước phát triển như châu Âu, Nhật Bản cho thấy mô hình này rất phát triển, hiệu quả cao. Hiện nay mô hình này đã bắt đầu được triển khai tại nước ta, điển hình ở Thành phố Hồ Chí Minh có 4 vườn ươm doanh nghiệp: Khu Công nghệ cao Thành phố, Khu Công viên phần mềm Quang Trung, Trường Đại học Nông lâm và Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh. Hoạt động của các vườn ươm bước đầu đã có những đóng góp tích cực cho sự trưởng thành của các doanh nghiệp, doanh nhân trẻ Thành phố nói riêng, cả nước nói chung.
Chính phủ sớm ban hành Nghị định hướng dẫn thực thi Luật Công nghệ cao để Luật thực sự đi vào cuộc sống, giúp vườn ươm doanh nghiệp phát huy tốt tính năng của mình, đồng thời triển khai các chính sách hỗ trợ để đẩy mạnh hoạt động và phát triển thật nhiều các vườn ươm doanh nghiệp trên cả nước.
Hai là, khuyến khích thành lập, phát triển các quỹ đầu tư mạo hiểm, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp, công nghệ cao nhằm tạo điều kiện, khích lệ cho các cá nhân, nhà khoa học trẻ có những đề tài nghiên cứu khoa học, ý tưởng kinh doanh mang tính khả thi nhưng do thiếu vốn đầu tư, nhiều cơ hội thật sự chưa được triển khai vào thực tế.
Ba là, đẩy mạnh hoạt động bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp, trong đó cần có những cơ chế, chính sách ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp, doanh nhân trẻ. Xây dựng cơ chế phối hợp giữa vườn ươm doanh nghiệp với tổ chức thực hiện bảo lãnh tín dụng nhằm hỗ trợ, bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn theo hướng vườn ươm doanh nghiệp có thể đứng ra bảo đảm để các tổ chức bảo lãnh tín dụng thực hiện bảo lãnh cho các doanh nghiệp đang được ươm tạo trong vườn.
Bốn là, có các chính sách cụ thể về hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp, doanh nhân trẻ, nhất là các nội dung về khởi sự và quản trị doanh nghiệp.
Năm là, đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp, đặc biệt các thông tin về thị trường tiêu thụ sản phẩm, thông tin về khoa học, công nghệ... Cụ thể:
- Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng hệ thống cung cấp thông tin tập trung cho các doanh nghiệp.
- Bộ Ngoại giao chỉ đạo các Đại sứ quán, Tham tán thương mại Việt Nam ở nước ngoài chủ động tìm kiếm, cập nhật các thông tin về thị trường của các nước (tiềm năng thị trường, cơ hội và thách thức, các quy định hàng rào kỹ thuật...) để cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp thông qua cổng thông tin điện tử. Các cơ quan này cần chủ động liên hệ với các địa phương, các Hiệp hội doanh nghiệp khi có các cơ hội tốt để xâm nhập thị trường nước ngoài.
Sáu là, trong lĩnh vực đầu tư công đối với những ngành hàng không có yêu cầu cao về năng lực kinh nghiệm, Chính phủ nghiên cứu, đưa ra các chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích các doanh nghiệp, các chủ đầu tư giao cho doanh nghiệp, doanh nhân trẻ mới thành lập tham gia thực hiện./.
"Doanh nghiệp, doanh nhân trẻ với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước"  (18/05/2011)
"Chủ tịch Hồ Chí Minh với Doanh nghiệp, Doanh nhân và những ý kiến góp ý vào các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI".  (18/05/2011)
“Sức dẻo dai, ứng biến linh hoạt của doanh nhân Việt Nam trong “cơn bão” khủng hoảng kinh tế”  (18/05/2011)
Tăng cường mối quan hệ nông dân - doanh nhân ở Việt Nam hiện nay  (18/05/2011)
Những nội dung cơ bản và mới trong Báo cáo Chính trị tại Đại hội Đảng XI  (18/05/2011)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay