Tăng cường mối quan hệ nông dân - doanh nhân ở Việt Nam hiện nay

Vũ Tiến Dũng ThS, Đại học Xây dựng
14:32, ngày 18-05-2011

TCCS - Nhìn đại thể, quan hệ giữa nông dân và doanh nhân Việt Nam chưa thực sự gắn kết, còn nhiều bất cập. Bài viết này phân tích những tồn tại, và bước đầu nêu hướng giải quyết những bất cập đó, nhằm góp phần tăng cường hơn nữa mối quan hệ giữa hai lực lượng này trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội hiện nay ở nước ta.

Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đến vấn đề nông dân và nông thôn cũng như mối quan hệ giữa nông dân và doanh nhân, nhất là từ khi chúng ta tiến hành công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đảng chủ trương: "Đối với giai cấp nông dân, phát huy vai trò quan trọng trong sự nghiệp đổi mới và công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, đưa công nghệ tiên tiến vào nông nghiệp, nông thôn. Thực hiện tốt chính sách về ruộng đất. Tạo điều kiện thuận lợi để giúp nông dân chuyển sang làm công nghiệp và dịch vụ. Khuyến khích nông dân hợp tác với các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ trang trại để phát triển sản xuất, ổn định và cải thiện đời sống..."(1)

Trong hơn hai mươi năm đổi mới, cùng với khu vực công nghiệp và dịch vụ, khu vực nông nghiệp đã góp một phần không nhỏ vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Nông nghiệp nước ta đã có những bước phát triển mạnh mẽ, tạo ra khối lượng lớn hàng nông sản, bảo đảm an ninh lương thực, dự trữ và tăng xuất khẩu; đời sống của nông dân ở hầu hết các vùng, miền được cải thiện rõ nét... Có được những thành tựu to lớn này, bên cạnh nỗ lực của giai cấp nông dân, không thể không nhắc đến vai trò quan trọng của đội ngũ doanh nhân.

Quan hệ kinh tế của nông dân với doanh nhân là quan hệ qua lại giữa người bán và người mua. Nông dân bán nguyên vật liệu, sản phẩm nông nghiệp cho doanh nhân. Doanh nhân vừa là người sản xuất, chế biến nguyên liệu nông nghiệp, vừa là người bán vật tư nông nghiệp cho nông dân...

Cũng từ quan hệ kinh tế, giữa doanh nhân và nông dân đang tồn tại một khoảng cách không nhỏ. Nông dân - giai cấp - lực lượng chiếm đa số trong xã hội nhưng nhìn chung, đang là đối tượng có khoảng cách nhất định về thu nhập, điều kiện sống, trình độ học vấn... so với các giai tầng khác.

Để thúc đẩy sự phát triển khu vực nông nghiệp, nông thôn, khai thác thật sự hiệu quả tiềm năng nông nghiệp của đất nước, qua đó nhằm tăng cường mối quan hệ giữa nông dân và doanh nhân, ngày 24-6-2002, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg Về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng. Nhà nước cũng khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia hoạt động tiêu thụ các mặt hàng nông sản. Ngày 1-3-2003, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Hội Nông dân Việt Nam, Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ký bản cam kết liên tịch nhằm phối hợp phục vụ sản xuất của nông dân gồm liên kết "4 nhà" (Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp).

Quan hệ giữa nông dân và doanh nhân còn được biểu hiện ngay trong cơ cấu của hai giai tầng xã hội này: một bộ phận doanh nhân Việt Nam xuất thân từ nông dân. Nguồn bổ sung lực lượng này đang phát triển và mở rộng, tạo thành xu hướng doanh nhân hóa nông dân - hướng phấn đấu của nông dân, để trở thành doanh nhân nông nghiệp, chủ trang trại, đồn điền... Mặt khác, một bộ phận không nhỏ nông dân đã "chuyển hóa" thành công nhân và được đặt dưới sự quản lý của doanh nhân - với tư cách là người quản lý lao động.

Qua 5 năm thực hiện mô hình liên kết "4 nhà", một bộ phận doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đã phối hợp với nông dân, tạo thành quy trình khép kín từ khâu thu mua, sản xuất, chế biến đến tiêu thụ nông sản. Tuy nhiên, sự phối hợp đó nhìn chung còn rời rạc, hiệu quả chưa đồng bộ. Sự thiếu đồng bộ này do nhiều nguyên nhân, trong đó có cung cách làm ăn nhỏ lẻ, trình độ học vấn thấp của phần lớn nông dân.

Thời gian qua, tăng trưởng kinh tế của nước ta hằng năm đều cao, nhưng ở khu vực nông nghiệp, chỉ tăng khoảng 3,5%, trong khi mức tăng giá khoảng 8%. Với tình hình lạm phát cao như vậy, hơn 70% dân số ở khu vực nông thôn, nhìn chung, cũng chịu ảnh hưởng xấu, thậm chí bị tụt hậu ngày càng xa trong sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước.

Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cuối năm 2002, số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm khoảng 14% tổng số doanh nghiệp của cả nước, năm 2003 giảm còn trên 11%, đến cuối năm 2005 chỉ còn 10%, hiện nay, còn khoảng 16.000 doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp có quy mô nhỏ. Bên cạnh đó, số doanh nghiệp nông nghiệp đăng ký thành lập mới chủ yếu tập trung ở địa bàn các thành phố, thị xã; nông thôn vẫn là khu vực kém hấp dẫn với đội ngũ doanh nhân(2).

Hiện nay ở nước ta, cứ khoảng 57.000 nông dân mới có 1 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Đây là một tỷ lệ quá chênh lệch, phản ánh sự liên kết lỏng lẻo giữa nông dân và doanh nhân. Nếu các doanh nghiệp ở nông thôn vẫn chiếm tỷ lệ quá khiêm tốn như hiện nay, đồng thời sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn vẫn ở trong tình trạng nhỏ lẻ, phân tán theo quy mô hộ gia đình với cách nhìn hạn hẹp của mỗi cá nhân, thì chưa thể nói đến sự thành công trong quá trình phát triển kinh tế hàng hóa lớn ở nông thôn.

Để tăng cường mối quan hệ giữa nông dân và doanh nhân, cần khẩn trương hoàn thiện đồng bộ các giải pháp sau:

Thứ nhất, Chính phủ, Hiệp hội doanh nghiệp, Hội Nông dân cần tăng cường phát huy vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp và nông dân; đưa ra những quy định cụ thể, chặt chẽ hơn trong quan hệ kinh tế giữa doanh nhân với nông dân. Để doanh nghiệp gắn bó lâu dài với nông dân, cần có cơ chế tối ưu cho mọi doanh nghiệp nông nghiệp thành lập quỹ hỗ trợ rủi ro (bảo hiểm) nhằm hỗ trợ nông dân trong quá trình lao động sản xuất. Phải hướng dẫn cụ thể và tạo điều kiện thuận lợi nhất để nông dân có thể bán nông sản cho các doanh nghiệp, doanh nhân...

Tăng cường vai trò của chính quyền các cấp và các ban, ngành hữu quan trong việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nông nghiệp về thủ tục thành lập, thuê đất, giải phóng mặt bằng, vay vốn, liên kết sản xuất kinh doanh, tìm kiếm và xử lý thông tin thị trường. Có chính sách ưu tiên các dự án của doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản; phục hồi, phát triển làng nghề truyền thống nông thôn; thu hút, sử dụng lao động nông thôn...

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, ở những nước nông nghiệp chiếm đa số, công nghiệp chỉ có thể phát triển mạnh nếu sức mua của nông dân mạnh. Như vậy, đầu tư cho nông nghiệp, nông dân cũng là gián tiếp đầu tư cho công nghiệp. Khi khu vực nông nghiệp, nông thôn phát triển, đời sống nông dân khá lên, sự phát triển kinh tế - xã hội, sự công bằng xã hội cũng sẽ nâng lên tương ứng. Do đó, phải đưa những cơ chế mạnh vào chiến lược xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn Việt Nam, ở đó, cần phân định rõ vị trí, vai trò cũng như nhiệm vụ của đội ngũ doanh nhân.

Thứ hai, về phía doanh nhân, khi cổ phần hóa các doanh nghiệp thu mua, chế biến nông sản, nên dành một số lượng cổ phiếu ưu đãi nhất định để bán cho nông dân vùng nguyên liệu. Đây là một trong những động thái tích cực thúc đẩy sự liên kết giữa doanh nhân và nông dân.

Trong tình hình hiện nay, an ninh lương thực đang là vấn đề bức thiết cho sự ổn định và phát triển đối với mọi quốc gia. Liệu các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, có thể vượt qua thách thức này không? Câu trả lời là: có thể, nếu mỗi quốc gia đều có sự quan tâm, đầu tư thỏa đáng cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Nếu không có chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn kết hợp, mà chỉ đơn thuần đầu tư tập trung vào khu vực công nghiệp, tất yếu sẽ dẫn đến sự mất cân bằng trong nội tại nền kinh tế và kết quả là các vấn đề nghèo đói, bất bình đẳng, thất nghiệp và tình trạng di dân từ nông thôn ra đô thị sẽ trở nên ngày càng trầm trọng hơn.

Doanh nhân nông nghiệp và nông dân phải dựa sát vào nhu cầu, điều kiện của nhau để hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cần làm một cuộc tiến công mạnh mẽ hơn vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn để khai thác tiềm năng to lớn dường như chưa được khai thác, sắp xếp lại để phát triển đúng hướng. Động lực phát triển kinh tế - xã hội, một phần còn đang nằm trong bản thân tầng lớp doanh nhân, giai cấp nông dân Việt Nam...

Theo thống kê, hiện nay tỷ lệ nghèo của cả nước ta là khoảng 14,7%, trong đó có trên 90% là nông dân. Phần lớn nông dân mới chỉ sử dụng khoảng 60% thời gian lao động và còn là lao động dưới dạng thủ công, năng suất thấp. Doanh nhân cần nghiên cứu để khai thác tiềm năng không nhỏ của lực lượng lao động nhàn rỗi ở nông thôn, như thành lập, khôi phục các làng nghề thủ công truyền thống, có chính sách thu hút, sử dụng lao động nhàn rỗi ở nông thôn...

Thứ ba, thành lập các hiệp hội doanh nghiệp nông nghiệp - nông thôn trên cơ sở liên kết các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp với các hợp tác xã, Hội Nông dân, cán bộ chuyên trách nông nghiệp cũng như đại diện nông dân trong từng địa phương... Tổ chức này có nhiệm vụ đại diện cho quyền và lợi ích của các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân trước pháp luật, tạo môi trường liên kết, hợp tác cho các hội viên trong sản xuất kinh doanh, xúc tiến thương mại, dịch vụ đầu tư, nghiên cứu khoa học, triển khai ứng dụng, chuyển giao công nghệ, làm "trọng tài" trong giải quyết tranh chấp kinh tế giữa các hội viên, thường xuyên cung cấp thông tin cũng như đào tạo, bồi dưỡng các doanh nghiệp và hợp tác xã...

Thứ tư, phát huy vai trò của giai cấp nông dân Việt Nam là nhiệm vụ cấp thiết của toàn xã hội. Tuy nhiên, mục tiêu này thực hiện hiệu quả đến đâu thì còn phụ thuộc vào nỗ lực bản thân đội ngũ nông dân, trên cơ sở tiếp nhận và phát huy hiệu quả những chính sách ưu đãi của cả hệ thống chính trị. Đồng thời nông dân cần chủ động hợp tác ngày càng toàn diện với đội ngũ doanh nhân.

Về phía nông dân, không nên chờ khi nào doanh nghiệp, doanh nhân đến ký hợp đồng bao tiêu thì mới sản xuất. Nông dân phải theo quy luật của thị trường, phấn đấu làm ra những sản phẩm ngày càng có chất lượng cao, và khi đó, sẽ thu hút được doanh nghiệp, doanh nhân tìm đến để bảo vệ thương hiệu, chất lượng hàng hóa của họ.

Thứ năm, các cơ quan chức năng cần có những chính sách giám sát quá trình ký kết hợp đồng giữa doanh nghiệp và nông dân, từ đó ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh những biểu hiện tiêu cực của các bên tham gia hợp đồng.

Trong giai đoạn đầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nông dân vẫn là nguồn cung cấp lao động chính và là thị trường tiềm năng của xã hội. Chúng ta không thể để cho sản lượng nông nghiệp bị giảm sút, như một số nước đã đi trước ta trong tiến trình công nghiệp hóa. Trong xu thế toàn cầu hóa, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, doanh nhân cũng như của các thương hiệu hàng hóa không chỉ là ở nguồn tài nguyên dồi dào, nguồn nhân công rẻ hay những ưu đãi về chính sách, mà còn ở năng suất cao, chất lượng sản phẩm hàng hóa ổn định bền vững, được xây dựng trên cơ sở liên kết chặt chẽ giữa các mắt khâu của quá trình tạo ra sản phẩm.

Không thể xây dựng nông nghiệp, nông thôn và phát triển giai cấp nông dân một cách riêng biệt, cô lập, mà phải liên kết với các "nhà" khác, trong đó không thể thiếu nhà doanh nghiệp.

Trước mắt cũng như lâu dài, kinh tế nông nghiệp có vai trò hết sức to lớn trong nền kinh tế quốc dân, không chỉ đối với nước ta mà ngay cả các nước công nghiệp phát triển cũng không thể nằm ngoài xu thế này. Quan tâm đầu tư phát triển nông nghiệp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng cả về kinh tế, chính trị, xã hội và bảo vệ môi trường. Đầu tư phát triển nông nghiệp là một trong những giải pháp cơ bản bảo đảm công bằng xã hội, như mục tiêu Hội nghị Trung ương 7 khóa X của Đảng đề ra: "nâng cao nhanh đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn, hài hòa giữa các vùng còn nhiều khó khăn để không thua kém xa so với các đô thị"(3)

Hội nhập kinh tế quốc tế đang mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng đem đến không ít những thách thức cho Việt Nam, nhất là đối với lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Trở thành thành viên của WTO, hàng hóa nông sản của nước ta đã và đang có thêm điều kiện mở rộng thị trường ra các nước trên thế giới và được hưởng quy chế đối xử bình đẳng. Việc cắt giảm thuế nhập khẩu nông sản, đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, hỗ trợ nông dân, ưu đãi doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp... sẽ tạo điều kiện cho hàng nông sản Việt Nam thâm nhập ngày càng sâu rộng vào thị trường thế giới. Đây là cơ sở chủ yếu bảo đảm cho thắng lợi của chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, đưa Việt Nam vững bước trên con đường phát triển vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh", sánh vai cùng các nước phát triển trên thế giới./.


(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr 118-119

(2) Tạp chí Cộng sản điện tử, số116-2006
(3) Tạp chí Cộng sản: số 790, tr 6